Thế hệ thuốc khử trùng nguy hiểm mới tồn tại trong suốt thời kỳ COVID
Các hợp chất ammonium bậc bốn (QAC) không được kiểm soát gây ra mối lo ngại ngày càng gia tăng khi việc sử dụng tăng vọt và dữ liệu hạn chế cho thấy độc tính của chúng
Khi thế giới vật lộn với đại dịch COVID-19, một mối đe dọa âm thầm khác đã bị bỏ qua. Trong những cố gắng chống lại virus, các chất có khả năng gây hại đã ngấm vào các ngôi nhà, trường học, bệnh viện và nơi làm việc mà không được chú ý.
Một bài đánh giá mới trên tập san Environmental Science & Technology, một sản phẩm của sự hợp tác giữa 26 nhà khoa học, đã làm nổi bật việc các hợp chất bậc bốn, hay QAC, đang được dùng ngày càng phổ biến. Những hóa chất này đã tăng đột biến trong bối cảnh đại dịch, và các nhà nghiên cứu kêu gọi mọi người nên đánh giá lại mức độ an toàn của chúng.
Làm sáng tỏ về QAC
QAC là một hóa chất phổ biến với nhiều ứng dụng trong cuộc sống, thường được ngụy trang dưới những nhãn hiệu vô hại. QAC đóng vai trò là chất chống vi trùng, chất bảo quản, và chất chống tĩnh điện, giúp làm sạch và khử trùng sản phẩm. QAC cũng có mặt trong nhiều mặt hàng chăm sóc cá nhân, bao gồm thuốc nhỏ mắt, dầu gội đầu, thuốc xịt mũi, và nước súc miệng.
Được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1940, QAC đã tồn tại trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, theo một bài phân tích chính sách của Viện Giảm thiểu sử dụng Chất độc tại Đại học Massachusetts–Lowell, đại dịch COVID-19 đã khiến QAC trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Lệnh cấm của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) năm 2016 với 19 loại thuốc chống vi trùng khác đã mở rộng đáng kể việc dùng QAC.
Vào tháng 03/2020, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã giới thiệu Danh sách N, một cơ sở dữ liệu tìm kiếm giúp xác định các sản phẩm có thể chống lại SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19 hay không. Một bài báo được bình duyệt trên tập san Environmental Science and Technology nhấn mạnh rằng khoảng một nửa sản phẩm được liệt kê trong đó đều chứa thành phần hoạt tính là QAC, với hơn 200 sản phẩm trong danh sách.
Hiệu ứng gợn sóng
Việc QAC được dùng rộng rãi đã gây ra làn sóng độc hại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe. Khi ngày càng phổ biến, tác hại của hóa chất này cũng theo đó tăng lên.
Các nhà nghiên cứu chứng minh rằng các sinh vật dưới nước, thường là thước đo sức khỏe môi trường, có dấu hiệu nhiễm độc cấp tính và kinh niên sau khi nồng độ QAC leo thang.
Các tác giả viết: “Nồng độ QAC trong hệ sinh thái dưới nước đang đạt đến ngưỡng độc tính bảo vệ.”
Đồng quan điểm nêu trên, chúng ta bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về tác động tiềm ẩn của QAC đối với sức khỏe con người. Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tập san Environmental Science and Technology tiết lộ rằng nồng độ QAC trong mẫu máu được lấy trong đại dịch COVID-19 cao hơn đáng kể so với mẫu máu được lấy trước đại dịch.
Theo bài đánh giá của Environmental Science and Technology, nhiều người bị kích ứng da, các vấn đề về hô hấp, và rối loạn chuyển hóa do tiếp xúc với QAC. Các nghiên cứu trên động vật chứng minh rằng tác động bất lợi có thể liên quan đến cả sinh sản và phát triển, ảnh hưởng sâu rộng đến thế hệ tương lai.
Thật không may, nhóm người dễ bị tổn thương nhất đã tiếp xúc với hợp chất này một cách không tương xứng. Do hành vi đưa tay lên miệng thường xuyên, trẻ nhỏ ở trường học và nhà trẻ đặc biệt có nguy cơ bị bệnh.
“Nhân viên nhà trường và học sinh đã dùng rộng rãi chất khử trùng trong đại dịch COVID-19. Một số trường hợp là không an toàn và không có hướng dẫn về cách xử lý và cách sử dụng,” các tác giả viết.
Hơn nữa, người già và người có sức khỏe yếu, thường phải ở trong bệnh viện, cũng có thể tiếp xúc với QAC ở mức cao hơn do các quy trình vệ sinh nghiêm ngặt.
Một trong những hiệu ứng gợn sóng đáng lo ngại nhất là khả năng QAC đẩy mạnh tình trạng kháng kháng sinh.
Các tác giả viết: “Sau đại dịch COVID-19, người ta đã nhận thấy sự gia tăng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Hiện tượng này có thể là do nhiều yếu tố, trong đó việc dùng ngày càng nhiều chất khử trùng chứa QAC có thể là một nguyên nhân.”
Tình trạng kháng thuốc — được tạo ra bởi chính vũ khí dùng để chống lại mầm bệnh — có thể làm suy yếu tính hiệu quả của các phương pháp điều trị kháng sinh quan trọng trong tương lai, khiến chúng ta dễ bị vô số bệnh.
Bị che dấu dưới cái nhìn rõ ràng
Việc xác định QAC thường là một thách thức đối với người tiêu dùng do cách liệt kê hóa chất phức tạp và đa dạng. Các sản phẩm không liệt kê rằng chúng chứa QAC, mà tiết lộ tên đầy đủ của thành phần hoạt chất.
Với hàng trăm biến thể QAC đang lưu hành, chẳng hạn như benzalkonium clorua được sử dụng phổ biến, việc phát hiện và nhận biết chúng sẽ là một thách thức. Các hợp chất này, xuất hiện dưới tên BAC, BZK, BKC hoặc ADBAC, có mặt rộng rãi trong khăn lau, bình xịt, và nước rửa tay khử trùng. Các QAC khác có thể được xác định bằng cụm từ “ammonium chloride” ở cuối tên gọi.
Cách tốt nhất để tránh xa QAC là xem xét kỹ lưỡng danh sách thành phần sản phẩm và bảng dữ liệu an toàn nếu có. Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với người tiêu dùng bình thường.
Lỗ hổng pháp lý và thách thức
Một vấn đề phức tạp hơn là cách giám sát và quản lý QAC ở Hoa Kỳ, phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Do đó, hệ thống này có thể dẫn đến việc tăng giám sát một số QAC trong khi bỏ qua những chất khác.
Theo các tác giả nghiên cứu, QAC được quy định bởi EPA nếu được dùng làm thuốc trừ sâu và bởi FDA nếu dùng trong dược phẩm, mỹ phẩm, và phụ gia thực phẩm.
Các mục đích dùng QAC khác nằm dưới sự giám sát ít chặt chẽ hơn của Đạo luật kiểm soát các chất độc hại. Tuy nhiên, sự không nhất quán trong quy trình đánh giá và thông tin sản phẩm cho thấy cần phải có quy định thống nhất và minh bạch về vấn đề này.
Theo các tác giả, một thách thức nữa phải kể đến là các QAC được phân nhóm dựa trên một hệ thống từ năm 1988, giống như cách sắp xếp sách dựa trên kích thước thay vì nội dung bên trong. Họ viết rằng phương pháp lỗi thời này “không đủ để giải quyết nhiều loại hóa chất QAC, độc tính tiềm ẩn, và các tình huống phơi nhiễm.”
Do đó, chúng ta không thể hiểu biết hết các rủi ro khi tiếp xúc với QAC từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như khi dùng nhiều sản phẩm tẩy rửa cùng một lúc. Trên thực tế, một số QAC có ít hoặc không có thử nghiệm đáng tin cậy nào về ảnh hưởng sức khỏe và phần lớn là chưa có đủ nghiên cứu liên quan.
Các tác giả viết: “Hầu hết các QAC chưa trải qua đánh giá quy định nghiêm ngặt về tác động bất lợi tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái.”
Trở lại vấn đề cơ bản
Trong thời kỳ không ổn định của đại dịch COVID-19, nhiều người đã chuyển sang dùng chất khử trùng mạnh có chứa QAC. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các bề mặt vật thể là khá thấp.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết: “Trong hầu hết tình huống, việc làm sạch bề mặt bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa, và không khử trùng là đủ để giảm thiểu rủi ro.”
Nếu cần khử trùng thì nên tập trung vào những khu vực thường xuyên được chạm đến như tay nắm cửa, bàn phím dùng chung.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times