Thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức

Không có gì bí mật với việc thực phẩm siêu chế biến gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thực phẩm siêu chế biến đối với tâm trí thường ít được biết đến. Một nghiên cứu từ Đại học São Paulo ở Brazil phát hiện rằng việc ăn nhiều thực phẩm chế biến có liên quan đến sự tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.

Thực phẩm siêu chế biến, được làm từ hầu hết các chất chiết xuất của các loại thực phẩm khác, có nguồn gốc xa trang trại. Loại thực phẩm này thường có 5 thành phần công nghiệp trở lên, chứa nhiều đường, chất béo và calorie, các chất phụ gia như chất tạo màu nhân tạo, hương liệu, và chất ổn định. Hầu như tiệm nào cũng bày bán các loại thực phẩm siêu chế biến, gồm nước giải khát, khoai tây chiên, kẹo, bánh mì, xúc xích, nước sốt và kem. Toàn bộ ngành công nghiệp và các nhà hàng thức ăn nhanh đều cung cấp những sản phẩm siêu chế biến này.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học São Paulo ở Brazil đã phân tích dữ liệu từ 10,775 người Brazil khoảng 52 tuổi khi bắt đầu nghiên cứu. Thời gian theo dõi trung bình là 8 (6 đến 10) năm. Họ kết luận rằng những người ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến trong thời gian dài bị suy giảm khả năng nhận thức tổng thể nhanh hơn 28% và khả năng điều hành cũng suy giảm nhanh hơn 25% so với những người ăn ít hơn.

Nghiên cứu được đăng trên tập san quốc tế JAMA Neurology vào tháng 12/2022, cho thấy hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến có thể giảm suy thoái nhận thức ở người trung niên và người cao tuổi.

Thực phẩm siêu chế biến, như các sản phẩm dùng trong bữa ăn nhanh, chứa các thành phần chế biến theo quy trình sản xuất công nghiệp. (Ảnh: Shutterstock)
Thực phẩm siêu chế biến, như các sản phẩm dùng trong bữa ăn nhanh, chứa các thành phần chế biến theo quy trình sản xuất công nghiệp. (Ảnh: Shutterstock)

Trước đó, một nghiên cứu được đăng trên tập san y học quốc tế Neurology vào tháng 07/2022, cũng cho thấy việc ăn nhiều thực phẩm chế biến có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mất trí nhớ.

Nghiên cứu đã theo dõi hơn 72,000 cư dân Anh trên 55 tuổi trong thời gian trung bình 10 năm và phát hiện rằng mức tăng 10% lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến hàng ngày có liên quan đến sự gia tăng 25% nguy cơ mất trí nhớ. Nghiên cứu cũng phát hiện việc giảm tiêu thụ 10% lượng thực phẩm siêu chế biến hàng ngày có thể làm giảm 19% nguy cơ mất trí nhớ.

Để đối phó với sự gia tăng nguy cơ suy giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ có liên quan đến việc ăn nhiều thực phẩm siêuchế biến, ông Tseng Jia-cheng, bác sĩ tại phòng khám Tai Mũi Họng ở Đài Loan, cho biết trên trang Facebook của mình rằng tránh thực phẩm chế biến là một lựa chọn khôn ngoan để trở nên thông minh hơn và ngăn ngừa mất trí nhớ khi về già. Ngoài việc thiếu hụt dinh dưỡng, tác hại của thực phẩm siêu chế biến nhiều khả năng là do sự thay đổi về bản chất của thực phẩm trong quá trình chế biến, các chất phụ gia, và vật liệu đóng gói.

“Chỉ khi chủ ý tìm kiếm thực phẩm toàn phần, chúng ta mới có thể làm giảm tỷ lệ thực phẩm siêu chế biến trong bữa ăn thường ngày của mình,” ông Tseng gợi ý.

Thực phẩm toàn phần là thực phẩm có “hình thức và hình dạng nguyên bản,” như thịt, rau, trái cây, và trứng tự nhiên, v.v.

Thực phẩm toàn phần chưa qua chế biến và rất giàu vitamin, chất xơ, chất khoáng, và các chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra, thực phẩm toàn phần chứa ít calorie hơn thực phẩm chế biến và đem lại cảm giác no nhiều hơn, do đó giúp ngăn ngừa béo phì.

(Ảnh: Shutterstock)
Thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức (Ảnh: Shutterstock)

Ngoài việc làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và mất trí nhớ, nhiều nghiên cứu cho thấy thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ tử vong và bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường loại 2, và nhiều bệnh khác.

Một nghiên cứu được đăng trên Tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ vào năm 2021 phát hiện rằng so với những người tham gia không ăn thịt chế biến, những người ăn hơn 150gr thịt chế biến mỗi tuần có liên quan đến sự tăng 46% nguy cơ bị bệnh tim mạch và 51% nguy cơ tử vong. Nghiên cứu đã theo dõi 134,297 người trên 21 quốc gia trong gần 10 năm.

Một nghiên cứu được đăng trên tập san BMC Medicine ở Anh vào năm 2022 đã khảo sát mối liên quan giữa thực phẩm chế biến và tiểu đường loại 2 trên 70,421 người Hà Lan trưởng thành. Kết quả cho thấy cứ mỗi tăng 10% lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến, thì nguy cơ bị tiểu đường loại 2 tăng 25%.

Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên BMJ đã phát hiện rằng cứ mỗi tăng 10% lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến có liên quan đến việc tăng 12% nguy cơ ung thư nói chung và 11% nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu đã theo dõi 104,980 người Pháp trưởng thành trong 5 năm.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện rằng việc ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến làm gia tăng tình trạng béo phì từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành sớm.

Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Lisa Bian
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Lisa Bian, là chuyên gia chăm sóc sức khỏe có bằng Cử nhân Khoa học Y khoa. Với nền tảng kiến thức phong phú, bà đã tích lũy được hơn ba năm kinh nghiệm thực tế với tư cách là bác sĩ Trung y. Ngoài chuyên môn lâm sàng, bà còn là nhà văn thành đạt ở Nam Hàn, có những đóng góp quý giá cho The Epoch Times. Những tác phẩm sâu sắc của bà bao gồm nhiều chủ đề, bao gồm y học tích hợp, xã hội, văn hóa Nam Hàn và quan hệ quốc tế.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn