Tin Việt Nam ngày 28/9: Số mắc mới giảm sâu với gần 4,600 ca, Sài Gòn không có chỉ thị ngừng chích Pfizer, Hà Nội tiếp tục dừng các chuyến bay, tàu chở khách
Nội dung sáng 28/9
Vượt 766,000 ca nhiễm, số mắc mới và tử vong đều giảm
Tính đến sáng 28/9, Việt Nam có 766,051 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số mắc là 761,527 ca. Có 538,454 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao nhất toàn quốc gồm Tp HCM (375,794), Bình Dương (203,989), Đồng Nai (46,283), Long An (31,979), Tiền Giang (13,845).
Tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 18,758 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số mắc.
Trong ngày 27/9, Việt Nam ghi nhận 9,362 ca mắc mới gồm 20 ca nhập cảng và 9,342 ca tại 36 tỉnh/thành, trong đó có 4,453 ca cộng đồng.
Cũng trong ngày 27/9, Việt Nam có 174 ca tử vong tại 10 tỉnh/thành, nhiều nhất vẫn là Tp HCM (122) và Bình Dương (32). Trong số 4,135 bệnh nhân nặng đang điều trị, có 3,299 ca thở oxy, 836 ca thở máy và ECMO.
Sài Gòn sắp mở cửa lại chợ truyền thống
Chiều 27/9, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương Tp HCM cho biết, thành phố đang xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa lại các chợ truyền thống trên địa bàn, chuẩn bị cung ứng hàng hoá sau ngày 30/9.
Hiện, đã có 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức hoạt động. Mỗi ngày có khoảng 300 tấn hàng về các chợ này.
Ngoài ra, theo Sở Công thương, nhu cầu đặt hàng và lượng hàng hóa cung ứng cho người dân qua mô hình “đi chợ hộ” đang giảm. Trong ngày 26/9, có 45,180 lượt đăng ký, giảm 4.7% (tương đương giảm 2,228 lượt đăng ký so với hôm trước). Đây là số đăng ký trong ngày thấp nhất kể từ khi chương trình đi chợ hộ bắt đầu triển khai (ngày 23/8 là 51,188 lượt đăng ký).
Nhà máy ở Long An được nhập bộ kit test nhanh cho công nhân
Ngày 27/9, tại buổi đối thoại trực tuyến với hơn 200 doanh nghiệp ở huyện Bến Lức, lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, tỉnh chấp thuận việc doanh nghiệp chủ động nhập kit test và tự xét nghiệm nhanh cho công nhân để giảm chi phí, nơi nào có khả năng điều trị F0 sẽ được chấp thuận.
Theo lãnh đạo tỉnh, quan điểm ứng phó dịch bệnh của Long An là chuyển từ nhà nước quản lý sang người làm việc, doanh nghiệp tự chủ, từ ‘3 tại chỗ’ sang ‘4 tại chỗ’, trong đó ưu tiên ‘y tế tại chỗ’.
Long An có hơn 1,300 doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp với hơn 180,000 người. Sau hơn 2 tháng bùng phát dịch, tỉnh ghi nhận khoảng 3,000 ca nhiễm tại 178 doanh nghiệp.
Hiện, hơn 700 doanh nghiệp hoạt động ‘3 tại chỗ’ với trên 54,000 công nhân.
Sài Gòn thi công trở lại 25 dự án giao thông
Tối 27/9, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp HCM cho biết, dự kiến sau 1/10, có 45 gói thầu thuộc 25 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn lần lượt thi công trở lại.
Trong đó, 5 gói thầu thuộc 3 dự án đã thi công liên tục trong thời gian giãn cách, 40 gói thầu thuộc 22 dự án phải dừng trong thời gian giãn cách và sẽ lần lượt thi công trở lại trong giai đoạn từ 28/9 đến 15/10.
Các dự án này được tái khởi động sau khi đơn vị cùng nhà thầu, tư vấn rà soát, đáp ứng tiêu chí an toàn phòng dịch.
Vừa qua, thành phố áp dụng tiêu chí phân loại công trình được xây dựng, theo đó, chỉ những nơi ‘bình thường mới’, ‘vùng xanh’ được triển khai, song phải đáp ứng điều kiện là toàn bộ người làm việc phải có thẻ xanh COVID-19, xét nghiệm định kỳ.
Tại khu vực ‘nguy cơ rất cao’, ‘nguy cơ cao’ và ‘nguy cơ’, các công trình tiếp tục dừng thi công, ngoại trừ các công trình phục vụ phòng dịch và theo các yêu cầu khẩn cấp.
Bộ Y Tế hướng dẫn sử dụng y học cổ truyền phòng COVID-19
Chiều 27/9, Bộ Y tế cho biết, vừa áp dụng ‘Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng dịch COVID-19’.
Trong Hướng dẫn, Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng một số phương pháp y học cổ truyền, kết hợp với các phương pháp phòng bệnh khác, sẽ hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh.
Người dân có thể dùng các nguyên liệu có sẵn, dễ tìm như sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió… để xông phòng ở, nơi làm việc. Có thể dùng 1 loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại.
- Cách làm: Đổ nước ngập dược liệu trong nồi, đậy nắp, đun sôi lăn tăn, rồi mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.
Hoặc cũng có thể sử dụng tinh dầu các hương như sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế… đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
- Cách dùng: Hòa tan tinh dầu trong Cồn 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.
Đáng chú ý: Theo Bộ Y tế, không được xông tinh dầu trực tiếp vào người; không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm