Trải nghiệm của một bác sĩ sản khoa về một cuộc sinh trắc trở tại Nepal

Chúng ta không thể giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người đều có thể giúp một ai đó.

Tôi không nhớ tên cô gái ấy, nhưng sự dũng cảm của cô ấy vẫn để lại dấu ấn trong tôi. Chúng tôi đóng gói tất cả vật dùng của mình, và sẵn sàng để đoàn lữ hành đưa chúng tôi trở lại “nền văn minh.” Khi đó, hướng dẫn viên của chúng tôi nhận được một cuộc gọi nói rằng có một người phụ nữ ở cách đây hai giờ [đi bộ] và rất cần gặp người “bác sĩ” mà cô ấy nghe nói là đến từ Hoa Kỳ.

Chúng tôi đã có một chuyến đi kéo dài tám giờ đồng hồ, băng qua những lối mòn nhỏ hẹp trên chiếc Tata Jeep với một chiếc ô tô đi trước dẫn đường. Thời gian di chuyển trên phần dãy núi Himalaya ở Nepal này được đo bằng thời gian đi bộ. Người phụ nữ này ở cách chúng tôi khoảng hai tiếng đi bộ, không phải đi bằng ô tô; nhưng cô ấy đã đi bộ sáu tiếng để có thể gặp chúng tôi. Thật thú vị khi thời gian di chuyển ở đây được đo bằng cách đi bộ; tuy nhiên sóng điện thoại di động ở đây còn tốt hơn ở quê nhà của tôi.

Tôi đã dành gần ba tuần ở Nepal vào mùa xuân năm 2014 với tư cách là khách mời của One Heart Worldwide, một tổ chức thực sự tuyệt vời chuyên giúp thiết lập các địa điểm sinh nở an toàn ở các nước thuộc thế giới thứ ba (các nước đang phát triển và có mức thu nhập thấp). Arlene Samen, người sáng lập của [tổ chức], có một tình yêu thương đặc biệt với Nepal, và công việc của cô thực sự đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma ban phước.

Nhìn vào dữ liệu sức khỏe của Nepal từ năm 2018, trang blog Maternal Health Task Force của trường Harvard cho biết: “Tỷ lệ tử vong mẹ (MMR) ở Nepal đã giảm từ 539 người trên 100,000 ca sinh còn sống xuống còn 239, tính từ năm 1996 đến năm 2016. Vào năm 2016, có khoảng 12% số ca tử vong ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thuộc nhóm tử vong mẹ.”

So sánh với tỷ lệ tử vong của sản phụ tại Hoa Kỳ, theo Statista, là 17.4 trên 100,000 trẻ sơ sinh còn sống vào năm 2020, trong khi ở Na Uy là 1.8 trên 100,000 ca. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ tử vong của mẹ giữa các quốc gia, trong đó lạm dụng ma túy là lý do chính ở Hoa Kỳ.

Tất nhiên, chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ đợi người phụ nữ này. Hạn chế duy nhất mà tôi gặp phải, đó là mặc dù có thể quan sát các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với tư cách như một khách mời tại Nepal, tôi không được phép cung cấp bất kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe nào.

One Heart Worldwide đã giúp tạo ra những nguyên tắc đơn giản về nơi sinh nở sạch sẽ và an toàn cho phụ nữ ở vùng nông thôn. Họ dạy cho phụ nữ địa phương những điều cơ bản để sinh con an toàn, và những phụ nữ này sẽ là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sinh nở cho địa phương của họ. Nhiều người phụ nữ và trẻ em đã được cứu sống nhờ những hoạt động này.

Trong lúc chờ đợi, tôi nhớ lại một trường hợp khác – người bố đã đưa cô con gái 16 tuổi của mình đến khám “bác sĩ ngoại quốc.” Điều này xảy ra trong khi chúng tôi đang đợi chuyến bay ở một thị trấn nhỏ tại biên giới Ấn Độ để trở về Pokra. Đây là khu vực trung tâm, nơi bắt đầu có nhiều đoạn đường trắc trở lên dãy núi Himalaya.

Người đàn ông tội nghiệp đã thấy chúng tôi tại một sân bay nhỏ và tiến đến chúng tôi với một thái độ buồn bã và cầu xin. Cô con gái trẻ tuổi đáng thương rõ ràng là rất yếu. Cô có dấu hiệu bị vàng da và cổ chướng (bụng phình lên đáng kể do hấp thu dịch bất thường). Tôi đã không khám cho cô ấy vì tôi không được phép nhưng người cha đã mang theo một số xét nghiệm từ một phòng khám địa phương.

Người cha nói với chúng tôi rằng cô ấy bị hãm hiếp khoảng hai năm trước và ngay sau đó đã trở bệnh. Tôi thấy cô ấy trông như bị suy gan do viêm gan C, vì các xét nghiệm cho thấy men gan của cô tăng rất cao. Chúng tôi không thể làm được gì; chỉ biết hy vọng rằng cô ấy có thể đến Kathmandu. Hướng dẫn viên của chúng tôi đã nói chuyện với người đàn ông và cô con gái, sau đó sắp xếp phương tiện di chuyển để đưa họ đến thủ đô.

Nepal là một nơi tuyệt vời với những con người mạnh mẽ và tốt bụng đáng kinh ngạc, khiến tất cả chúng tôi đều yêu mến. Chúng tôi cũng có hai hướng dẫn viên giỏi giang, Suraj and Surya. Hai người này đã cống hiến cuộc đời của họ để giúp đỡ những người phụ nữ và đồng hương của họ.

Trời đang dần tối, và chúng tôi sắp phải rời đi. Không ai muốn lái xe qua con đường mòn ngoằn ngoèo trên núi vào ban đêm, ngay cả tài xế cũng vậy. Khi người phụ nữ này tới, “nhà cung cấp” [dịch vụ chăm sóc sức khỏe] địa phương xác định rằng cô ấy đã chuyển dạ trong hơn 24 giờ và đang cảm thấy có điều gì đó không ổn. Thai nhi “không xuống tới cổ tử cung.” Thậm chí người phụ nữ tội nghiệp này và chồng cô ấy biết rằng cần phải mổ lấy thai, và họ đã đặt hy vọng lớn nhất vào chúng tôi. Giải pháp duy nhất lúc đó là đưa cô ấy đi cùng, và hy vọng chúng tôi có thể kịp thời đến bệnh viện địa phương. Chúng tôi đã bỏ lại một vài chiếc túi và dọn chỗ trên xe.

Khi ở Nepal, tôi đã gặp giám đốc Hiệp hội Sản Phụ khoa Nepal ở Kathmandu, cũng như các bác sĩ tại những bệnh viện và phòng khám ở thị trấn nhỏ. Một số bệnh viện thị trấn rất đáng sợ theo quan điểm của Tây phương, bao gồm những bức tường đầy máu, dịch vụ chăm sóc hạn chế, phòng bệnh và phòng khám chật hẹp với những dòng bệnh nhân đi ra khỏi tòa nhà. Nhưng cũng có một sự bình yên và cảm kích khó tả. Điều đó khiến tôi nhớ đến Albert Einstein và thuyết tương đối của ông. Về cơ bản, chúng ta đều cần một vài sự so sánh để nhận ra và biết ơn với những gì mình thực sự có.

Tám giờ lái xe thật khó khăn, đặc biệt là với người phụ nữ tội nghiệp đó. Cô đã rất kiên cường và dũng cảm. Trong khi tôi vã mồ hôi hột và sợ hãi khi thấy một trong những chiếc lốp sau của chúng tôi lao qua mỏm đá trên con đường ngoằn ngoèo này, gương mặt cô chỉ thể hiện sự bình yên khi tôi nhìn xuống sườn núi.

Vợ và con gái lớn của tôi (lúc đó 23 tuổi) đã đi cùng tôi trên chuyến hành trình gian nan này. Khoảng tám tiếng sau, chúng tôi lái xe xuống đến bệnh viện địa phương; Có một bác sĩ đang đợi chúng tôi ở đó. Sau khi để người phụ nữ ở lại đây với sự chăm sóc tận tình của bác sĩ, chúng tôi phải lái xe đi tiếp trước khi màn đêm buông xuống. Tối hôm đó, chúng tôi nghe nói rằng cô đã sinh mổ và có một bé trai khoẻ mạnh.

Phần lớn các ca sinh ở Nepal là sinh “tự nhiên”, không cần phải mổ. Công việc của các tổ chức như One Heart Worldwide là giúp bảo đảm việc sinh nở được an toàn.

Chuyến thăm Nepal thực sự là một trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống của tôi từ nhiều khía cạnh khác nhau. Chúng ta hãy trân trọng những gì đang có và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Như Tổng thống Ronald Reagan đã nói: “Chúng ta không thể giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người đều có thể giúp một ai đó.”

Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Peter Weiss
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Peter Weiss là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình, báo chí và đài phát thanh địa phương và quốc gia. Ông là trợ lý giáo sư lâm sàng về Sản phụ khoa tại Trường Y David Geffen UCLA trong 30 năm,. Ông cung cấp các dịch vụ lâm sàng của mình cho những người có nhu cầu khi đại dịch COVID xảy ra. Ông cũng là cố vấn chăm sóc sức khỏe quốc gia cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của Thượng nghị sĩ John McCain.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn