Truyền kỳ về nữ tướng Dương gia – Mộc Quế Anh
Nữ tử như hoa, những cái tên khó quên ấy, dung mạo xinh đẹp như hoa ấy, luôn sáng chói trong thời phong trần loạn thế. Cũng giống như Mộc Lan, dáng đào hoa cưỡi ngựa, múa thương dưới trăng đêm, nàng lấy hoa làm tên, mặc lên quân trang, buộc khăn vấn tóc, vừa thoang thoảng một làn hương hoa quế.
Nàng tên là Quế Anh, mang theo hương thơm của hoa quế, từ núi Chiêu Dao hay là cung Quảng Hàn theo gió đưa tới nhân gian. Họ Mục, hay là họ Mộ Dung cũng vậy, chẳng qua là tên gọi, từ khi nàng được gả vào Dương gia, thì nàng cũng giống như những người con dâu, con gái trong nhà, các nàng đều có chung một tên gọi – “Dương gia nữ tướng”.
Cuộc đời của Quế Anh hầu như không tìm thấy trong các sử sách kinh thư, chỉ tồn tại ở trong những câu chuyện truyền miệng, hoặc những câu chuyện diễn nghĩa được biên soạn. Từ những tiểu thuyết thời cổ cho đến những vở kịch, hí khúc, điện ảnh của thời hiện đại, những sự tích về Quế Anh đã được tái hiện không biết đã bao nhiêu lần, lưu truyền rộng rãi, biến ảo khôn lường, không rõ đâu là sự thật chính xác.
Khi một vương triều bị diệt vong, thì lịch sử thành, trụ, hoại, diệt của nó đều do vương triều mới viết nên. Mới và cũ, vốn chính là không đội trời chung. “Tống Sử” do người Nguyên như Thoát Thoát, A Lỗ Đỗ biên soạn, đối với những chuyện đã qua của vương triều trước, đặc biệt là đối với những sự tích chiến tranh bi tráng, thì không khỏi che giấu, không muốn đề cập đến. Một nhà Dương thị, mấy đời anh liệt, trong khi nam chinh bắc chiến, đánh đâu thắng đó, các phiên bang dị quốc Kim, Liêu, Tây Hạ, đều từng là bại tướng dưới tay của Dương gia. Người Nguyên đều là xuất thân man di, trên lưng ngựa cướp lấy đất đai giang sơn của Đại Tống, sao có thể nguyện mang chuyện anh hùng của người Tống ngợi ca lưu truyền thành sử thi giống như thần thoại. Bởi vậy trong khi viết, trong khi lựa chọn nhân vật đều vô cùng kiệm lời và sơ lược. Nữ tướng Dương gia Quế Anh cũng giống như vậy, đã bị sử gia cố ý xem nhẹ, khiến cho những vị nữ tướng này cứ thế mà biến mất, lặng lẽ rút lui như không hề tồn tại.
Đây là việc tự lừa mình dối người của những kẻ đang nắm quyền, nhưng lòng dân lại đại biểu cho đại thế của thiên hạ. Bách tính không ngại phiền lụy, vì vậy đã dùng một cách thức khác, lặng lẽ chống lại sự cố ý che giấu của cường quyền. Họ truyền nhau kể lại câu chuyện của mỗi đời Dương gia, làm cho hình tượng anh hùng của Dương gia tướng càng thêm sống động đầy sức sống, câu chuyện về họ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, Quế Anh xứng đáng là nhân vật nữ chính trong các nữ tướng của Dương gia.
Nếu đúng như câu nói “tên cũng như người”, thì Quế Anh nhất định là mang theo sứ mệnh giáng hạ nhân gian. Tương truyền, khi nàng còn nhỏ đã gặp được Thần Tiên, được Thần truyền dạy thuật “Thần tiễn phi đao”, đặt định cơ sở võ nghệ sau này của nàng. Nàng sinh ra ở Mục Kha trại, là ái nữ của trại chủ Mục Vũ, trong nhà còn có bảo vật trấn sơn Hàng Long Mộc. Sơn trại thời xưa, phần lớn là căn cứ vũ trang của lục lâm hảo hán chiếm núi làm Vua. Quế Anh đã trưởng thành trong môi trường hào hiệp tụ họp như vậy, từ nhỏ đã là kỳ tài võ học, không thích trang sức nữ nhi, chỉ yêu đùa đao múa thương, luyện thành một thân tài nghệ. Quế Anh nữ hiệp nổi tiếng khắp gần xa, làm cho anh hùng cảm kích khâm phục, khiến kẻ gian ác nghe tiếng đã sợ hãi.
Quế Anh trước khi xuất giá, tuy mắt ngậm ý cười, nhưng lại không khỏi cảm thấy cô đơn hiu quạnh. Khi thì nàng một mình ở trong rừng tre tĩnh mịch, đọc binh thư sách lược, khi thì qua lại chốn rừng già mây vờn, làm bạn với hổ báo, thân thiết với chim muông. Với vai trò là gia chủ của sơn trại, nhưng cũng vừa là bằng hữu, hoặc là nữ binh đánh trống khua chiêng…, trong mắt mọi người, có lẽ Quế Anh cũng là “thiết nương tử” (người phụ nữ kiên cường) hào khí vượt mây, sương đao tuyết kiếm luyện võ trong khuê phòng, uống máu ăn thề nơi Tụ Nghĩa Đường, uống rượu cùng say…
Những gì mọi người nhìn thấy, đó đều không sai, nhưng hết thảy đều chưa trúng nội tâm của Quế Anh. Bề ngoài cuộc sống của Quế Anh tiêu diêu tự tại, kỳ thực là che đậy sự cô đơn khao khát tri âm.
Trong núi nào biết năm tháng, khi đó là triều đại của Chân Tông, hồng trần đặc biệt có một trận gió nổi mây vần. Dương gia tướng bắt đầu từ đời Dương Nghiệp, đến lúc bấy giờ đã là thời điểm ra trận của cháu trai đời thứ ba – Dương Tông Bảo. Tông Bảo mới trưởng thành, từ nhỏ đã luyện văn lẫn võ, dáng người cường tráng lại khiêm tốn như ngọc, phong lưu anh tuấn. Tông Bảo theo cha là Dương Diên Chiêu chống lại quân Liêu xâm lấn, đang khổ công tìm kiếm phương pháp phá giải Thiên Môn Trận.
Thiên Môn Trận là một môn chiến trận tập hợp của Ngũ hành Bát quái, thuật pháp tinh tượng, huyền ảo kỳ dị, người trong trận nắm giữ quyết khiếu của trận, một người có thể ngang vạn người. Trong “Dương gia tướng diễn nghĩa” của Hùng Đại Mộc nói rằng, Lã quân sư từ trên trời giáng xuống giúp dũng sĩ bậc nhất của nước Liêu là Hàn Duyên Thọ bày ra 72 lộ Thiên Môn Trận, để đánh bại cha con Dương gia. Một vị thế ngoại cao nhân tên là Ngũ Lang đã nói cho nhóm người Tông Bảo biết rằng, cần phải dùng Hàng Long Mộc của Mục Kha trại làm vũ khí, mới có thể phá được Thiên Môn Trận.
Dương gia lúc này mới có chủ ý tới Mục gia, mãnh tướng Mạnh Lương dưới trướng Dương gia phụng mệnh đi mượn bảo vật. Trùng hợp thay trên đường đã gặp được Quế Anh.
Quế Anh đang đi săn trong rừng, bắn một con nhạn rơi xuống trước mặt Mạnh Lương. Thuộc hạ của Quế Anh lần theo dấu vết đi tới, quát lớn đòi Mạnh Lương trả lại con nhạn. Mạnh Lương sao có thể chịu thỏa hiệp, dùng tay không đánh bại những cô gái này, vì vậy mà khiến cho Quế Anh nổi giận cầm thương chiến đấu. Đáng thương cho đại tướng Mạnh Lương, vung đao đấu 40 hiệp đã bị thua, Hàng Long Mộc chưa mượn được, lại phải tháo nón trụ của mình để đổi lấy con đường thoát thân. Thất bại của Mạnh Lương đã kích khởi lòng háo thắng của Tông Bảo, bên ngoài nghe uy danh của Quế Anh, nhưng chưa từng có duyên thấy được người thật. Tông Bảo xin lệnh của cha là chủ soái Dương Lục Lang, dẫn hai nghìn binh sĩ, đi theo Mạnh Lương lần nữa tiến về Mục Kha trại.
Khi hai bên đối diện nhau, cờ chỉ huy viết chữ “Dương” theo gió tiến lên san sát, phía trước ngựa trắng nghênh ngang, có một ngựa đi đầu. Cô gái trên lưng ngựa tuổi xuân tươi đẹp, tay áo bó hẹp, áo dài tung bay, lưỡi đao treo ngang trước ngực, mắt sáng như điện, cao ngạo quét mắt nhìn cái gọi là binh mã Đại Tống. Và ánh mắt nàng cuối cùng dừng lại trên thân một vị tướng sĩ trẻ – Tông Bảo, nhìn thấy cậu khoác chiến bào nón bạc, tay cầm kim thương tua trắng chạm nanh hổ, ý chí dâng trào, không giống với những người lính thường hay gặp.
Tông Bảo ngưỡng mộ nàng là nữ hiệp, khiêm tốn lễ độ xin mượn Hàng Long Mộc. Quế Anh lại tài cao gan lớn, cười nói rằng nếu có thể thắng được lưỡi đao trong tay nàng, thì cam nguyện hai tay dâng lên Hàng Long Mộc. Tông Bảo sao có thể chịu bị một cô gái trêu đùa trước mặt mọi người, bèn cầm thương thẳng đánh tới. Quế Anh ung dung ứng chiến, lại giả vờ thua chạy, dụ Tông Bảo vào sâu trại địch. Sau đó, nàng dùng tên bắn trúng ngựa của Tông Bảo, bắt sống thành công tiểu tướng của Dương gia, bảo vệ được thể diện của Mục Kha trại.
Trở về trong trại, Tông Bảo không hề sợ hãi, hào khí hiên ngang. Quế Anh bí mật quan sát, cảm giác thành công khi bắt tướng lĩnh cầm đầu dần dần biến mất, trong lơ đãng nảy sinh một thứ tình cảm dịu dàng. Thì ra nàng nhiều năm cô quạnh, như cây cao không tìm thấy dây leo bám vào. Dương Tông Bảo này tài tuấn xuất sắc, văn võ song toàn, lại là con cháu danh môn, nếu có thể kết thành nhân duyên, không chỉ cả đời có nơi phó thác, mà còn có thể vì quốc gia làm nên một phen sự nghiệp, đây chẳng phải là chỗ thiết thực để sử dụng một thân tài nghệ của mình sao?
Từ xưa, tài tử sánh giai nhân, anh hùng sánh với mỹ cơ, nữ tử giống như Quế Anh đây, trên đời này e là chỉ có con cháu Dương gia mới xứng sánh đôi với nàng.
Quế Anh nhờ thị nữ thuộc hạ của mình khéo léo bày tỏ tình cảm với Tông Bảo. Tông Bảo cảm kích, chẳng những không mang lòng thù hận vì thua trận, mà ngược lại lấy chiến sự làm trọng, vì có thể thuận lợi có được Hàng Long Mộc, đã đồng ý lời “cầu hôn” của vị nữ hiệp. Chàng đã được chứng kiến võ nghệ và tài trí của Quế Anh, nếu có được giai nhân này, thì đại nghiệp bảo vệ quốc gia sẽ có thêm một sự trợ giúp thần diệu; đồng ý mối hôn sự này, đúng là một việc tốt đạt được nhiều lợi ích. Tất nhiên, những lý do đường hoàng khẳng khái này, hiển nhiên cũng không che giấu được tình cảm vừa gặp đã cảm mến của chàng đối với Quế Anh. Kỳ phùng địch thủ đã là niềm hạnh phúc khó có được, nếu có thể có được một tri kỷ làm bạn một đời, cùng chung niềm tin sống chết có nhau, chẳng phải đó là điều vô cùng may mắn của đời người sao?
Quế Anh được gả vào Dương gia, lúc này sứ mệnh của nàng mới chính thức bắt đầu. Nàng và Tông Bảo tự định chuyện chung thân, chuyện này đã chọc giận cha chồng Lục Lang Diên Chiêu. Diên Chiêu cho rằng con trai vì sắc quên nước, diễn ra một màn “Viên môn trảm tử”. Quế Anh vì đi tìm chồng, dẫn theo thuộc hạ cùng với toàn bộ lương thảo tìm đến doanh trại quân Tống, phu xướng phụ tùy, nàng tất nhiên muốn thể hiện thành ý quy phục của mình. Diên Chiêu biết được nàng đến, một bồn lửa giận đang không có nơi phát tiết, liền cưỡi ngựa đến tuyên chiến. Quế Anh không biết đó là cha chồng tới, vì bị mắng mấy câu trong lòng không phục, nên khi giao chiến chẳng lưu tình chút nào, thi triển chút mưu kế đã bắt sống được Diên Chiêu.
Mãi đến khi nhóm người Mạnh Lương đến cứu viện, sự hiểu lầm mới có thể giải khai. Quế Anh lập tức mở trói cho Diên Chiêu, nâng ông ngồi vào ghế trên rồi tiến hành lễ quỳ lạy. Người một nhà không đánh nhau thì không quen biết, trở về doanh trại quân Tống, Xà Thái Quân vô cùng thích Quế Anh, nói thẳng “Đây mới là cháu dâu của ta”, Tông Bảo cũng nhờ mưu kế của nàng mà được thả ra. Phu thê đoàn viên, Hàng Long Mộc cũng đã lấy được trong tay, tất cả đều vui vẻ.
Vận mệnh của Quế Anh thật may mắn, nàng được gả cho người cháu trai kiệt xuất nhất Dương gia. Trong “Tống Sử” viết, Dương gia tướng chỉ có ba ông cháu Dương Nghiệp, Diên Chiêu, Văn Quảng, có thể thấy được địa vị đặc biệt của ba người. Trong các tư liệu lịch sử, Văn Quảng kỳ thực cũng chính là Tông Bảo, còn tên gọi nào mới chính xác thì chỉ e là người Tống thời đó mới biết đáp án. Diên Chiêu cưới Quận chủ Sài thị làm vợ, trở thành đôi vợ chồng hiếm thấy. Cháu trai Văn Quảng, tức Tông Bảo, với tư cách là cháu trai duy nhất được nhắc đến trong chính sử, có cha mẹ với địa vị tôn kính, lại gặp dữ hóa lành như vậy, tuổi ấu thơ cũng rất trọn vẹn, có ưu thế trở thành vị tướng lĩnh kiệt xuất.
Còn Quế Anh cũng không chịu thua kém, truyền thuyết nói rằng Thái quân Xà Tái Hoa thời trẻ cũng là vị nữ hiệp tiếu ngạo giang hồ, bà với chồng là Dương Nghiệp tình cờ gặp gỡ, so với vợ chồng Quế Anh có thể nói là khác khúc điệu nhưng lại vừa khéo như nhau. Năm đó, bà luận võ với Dương Nghiệp, sau khi đánh thắng ông, bà trở thành nữ tướng Dương gia đời thứ nhất. Lúc tuổi còn trẻ, bà táo bạo liều lĩnh, không để ý tới thế tục, sau khi lập gia đình, bà giúp chồng dạy con, rong ruổi sa trường. Nếu không có cái khí thế mạnh mẽ kia, thì làm sao có thể thống lĩnh thiên quân vạn mã, khiến cho người man di thật lòng khâm phục? Nhất định Xà Thái Quân đã nhìn thấy bóng dáng của mình năm đó từ con người Quế Anh, chỉ một cái liếc mắt liền khẳng định người cháu dâu này, sau đó dốc lòng bồi dưỡng, huấn luyện nàng trở thành nhân vật thủ lĩnh trong các nữ tướng.
Như vậy, Tông Bảo có được Quế Anh, cũng giống như gặp quý nhân vậy. Hai người trên chiến trường sống chết có nhau, trong chiến dịch chống lại xâm lược thì không gì cản nổi, đánh đâu thắng đó, làm nên những trang ký ức chiến trường xán lạn.
Với sự trợ giúp của Hàng Long Mộc, cộng thêm tinh thần chiến đấu hăng hái của Quế Anh và các tướng sĩ của Dương gia, Thiên Môn Trận rốt cục đã bị đánh bại, quân chủ lực của nước Liêu bị thiệt hại nặng nề. Về sau, giữa Tống và Liêu không còn tiếp tục phát sinh đại chiến.
Về sau, chiến hỏa rối ren, những câu chuyện về Quế Anh trở nên mơ hồ, chỉ lưu truyền một số phiên bản truyền thuyết khác nhau. Có người nói rằng, khi nàng mang thai vẫn dẫn quân tác chiến. Một hôm, Quế Anh đột nhiên đau bụng không ngớt, nàng tự biết sắp sinh, liền cho thôi trống thu chiêng, để chuyên tâm sinh nở. Ai ngờ không như mong muốn, ở trong quân doanh nàng lại khó sinh, đã hai ngày rồi vẫn không thấy động tĩnh. Ngoài trướng còn có quân giặc khiêu chiến, khí thế hung hăng. Nàng muốn thúc ngựa ra quân, bị tỳ nữ thân cận ngăn cản, hết lời khuyên nàng rằng dòng dõi Dương gia đang điêu tàn, nhất định phải giữ được huyết thống Dương gia. Quân địch dường như thăm dò biết được chủ soái của quân Tống sắp sinh, tăng cường tấn công, tình thế vạn phần khẩn cấp.
Cuối cùng Quế Anh cũng sinh xong, con vừa mới sinh ra, Quế Anh bất chấp bản thân phải nghỉ ngơi điều dưỡng, nàng giao con nhỏ cho tỳ nữ, rồi lập tức mặc giáp trụ ra trận, điểm tướng dẫn binh. Cầm binh khí bảo vệ xã tắc, nghe trống nhỏ mà tưởng nhớ tướng soái. Các tướng sĩ thấy chủ soái quên cả sống chết như thế, thì đều như được cổ vũ, từng người vung thương lên ngựa, anh dũng giết địch, quân địch tán loạn chạy trốn thục mạng, quân Tống hoàn toàn thắng lợi.
Mười tháng mang thai, một khi sinh nở, hẳn là thời khắc thống khổ nhất trong cuộc đời của người phụ nữ. Còn nàng vào giây phút nguy cấp này, vẫn một tâm vì an nguy của nhà Tống, thậm chí ngay cả chuyện kế thừa hương hỏa của Dương gia cũng không có sức bận tâm đến. Chính vì như thế, tảng đá lớn nơi nàng đứng điểm binh tướng lúc ấy được người đời sau gọi là “Điểm tướng đài”, cũng được bảo tồn vĩnh viễn, để cho người đời sau chiêm ngưỡng và tưởng nhớ.
Nam nhân của Dương gia anh dũng vô địch, lại không tránh được số mệnh lần lượt xả thân vì nghĩa. Xà Thái Quân đưa từng người từng người con trai của mình ra chiến trường, nơi biên cương nắm giữ ấn soái, khi trở về ca vang khúc khải hoàn, nhưng trong nhà lại thêm ngôi mộ mới. Trên triều đình cả Quân lẫn thần mơ màng; phủ nguyên soái thì sân nhà vắng vẻ, kiếm rỉ đao tàn. Đáng giận là vẫn có một đám gian nịnh, nói lời gièm pha, khiến Hoàng Đế không cách nào thương cảm cho những đau khổ phía sau danh tiếng của Dương gia, ngược lại còn nghi kỵ xa cách, khiến lòng người rét lạnh. Đợi khi có chiến sự mới xảy ra, ấn soái nặng nề như tấm bùa đòi mạng kia lại được đưa tới cửa Dương gia. Dương gia trung liệt, sao lại không biết Vua bạc tình quên ân, quân công có lớn hơn nữa cũng không ngăn được lời sàm ngôn rót bên tai Hoàng Đế. Song người Dương gia cũng chẳng phải ngu trung, trong tư tưởng trung Quân, thì người Dương gia càng coi trọng lê dân bách tính. Từ xưa, Thánh nhân từng nói “Dân quý, Quân khinh”, người Dương gia không đành lòng nhìn con dân triều Tống phải chịu tai họa chiến tranh, mới lần lượt da ngựa bọc thây, hy sinh vì nghĩa, gìn giữ văn minh Hoa Hạ không rơi vào tay ngoại tộc, bảo vệ giang sơn không vào tay quân giặc, bảo vệ gia đình bách tính không bị ức hiếp.
Trong “Dương gia tướng diễn nghĩa” nói rằng, sau khi phụ thân qua đời, Tông Bảo nhận lệnh trấn thủ biên quan. Trong một lần xuất chinh chống quân Tây Hạ, không may trúng kế bị vây khốn tại Kim Sơn, trúng tên tử trận. Tông Bảo qua đời là cú sốc lớn nhất cho toàn bộ người Dương gia. Truyền rằng khi đó Xà Thái Quân trăm tuổi đang tổ chức tiệc sinh nhật cho cháu trai ở phủ Thiên Ba. Tin dữ truyền đến, cả nhà vô cùng bi thương. Triều đình sợ hãi quân địch, có ý muốn cầu hòa, Xà Thái Quân kìm nén nỗi đau tang cháu, ở trên triều dõng dạc bác bỏ ý kiến hèn nhát của phái chủ hòa. Bà không tiếc sinh mệnh của mình, trăm tuổi nắm giữ ấn soái chờ lệnh xuất chinh, dẫn các con dâu, cháu dâu mất chồng và cả chắt trai cùng nhau xuất binh đánh dẹp Tây Hạ, báo thù cho Tông Bảo, đây cũng là nguồn gốc của truyền kỳ “Mười hai quả phụ tây chinh”.
Người phụ nữ thống khổ nhất trong đó, là Xà Thái Quân và Quế Anh. Tuổi nhỏ mất cha, trung niên mất bạn đời, tuổi già mất con, là ba chuyện đau buồn lớn nhất trong nhân thế. Xà Thái Quân đã trải qua vô số lần đau thương, mất mát, cả thân và tâm đã sớm chồng chất trăm ngàn vết thương đau, còn Quế Anh, chính là mất đi người mình yêu thương nhất cả đời. Những lời nói vui đùa của thời tuổi trẻ ngông cuồng dường như vẫn còn văng vẳng bên tai, mà bây giờ đã âm dương cách trở. Người chồng tương kính như tân, thật lòng đối đãi ấy, người chồng yêu nàng, hiểu nàng ấy, rốt cuộc cũng tử trận nơi sa trường giống như cha và các chú bác của chàng.
Có lẽ cuộc sống của Quế Anh trở về với cô quạnh, Tông Bảo là điểm yếu của nàng, nhưng cũng là khối giáp kiên cố của nàng. Lý trí nói cho nàng biết rằng, đắm chìm trong đau buồn không thể làm được gì, sứ mệnh của nàng từ đây về sau là kế thừa chí hướng của chồng, cùng với linh hồn của chàng tiếp tục cùng nhau chiến đấu!
Thường có câu, “ai binh tất thắng”. Giao tranh với Tây Hạ, quân Tống dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Dương gia đã liên tiếp thắng trận, binh mã Tây Hạ không thể không rút lui cách xa đại doanh, chỉ dựa vào nơi hiểm yếu để cầm cự. Quân giặc có quân sư bày mưu tính kế, muốn tính kế lừa gạt thiếu tướng của Dương gia tiến vào Hồ Lô cốc, uy hiếp chủ soái. Nhưng quỷ kế này đã bị Xà Thái Quân và Quế Anh đoán được, Thái Quân tương kế tựu kế, lệnh cho Quế Anh thừa cơ dò xét tình hình hư thực trong cốc, nhằm đánh thẳng vào sào huyệt của Tây Hạ.
Quế Anh dẫn các thím xông vào Hồ Lô cốc, thăm dò khắp núi, nhiều lần gặp phải khó khăn nguy hiểm. Trời giúp Dương gia, các nàng dựa vào sự sành sỏi và sự giúp đỡ của ông lão hái thuốc có kinh nghiệm trong cốc, sau nhiều lần khó khăn trắc trở đã vượt qua đường núi hiểm trở. Quế Anh tập kích bất ngờ, đánh úp vào sau lưng địch, phía chính diện do Xà Thái Quân dẫn quân đánh tới. Trước sau đều vây đánh, một lần tiêu diệt quân Tây Hạ, thuận lợi khải hoàn về triều.
Nhưng cũng có người truyền rằng, trên đường tây chinh lần này, Quế Anh chiến tử sa trường. Đây là phiên bản bi thảm oanh liệt nhất, không nỡ đọc hết.
Phiên bản này kể rằng: Khi mười hai nữ tướng Tây chinh, đã bị quân Tây Hạ chặn đánh ở eo núi Hổ Lang. Quế Anh thăm dò địa thế, cho rằng quân Tống khó mà tiến công giành quan ải từ phía chính diện. Nàng phát hiện phía tây ngọn núi Hổ Lang chọc thẳng lên trời, đỉnh núi lượn lờ mây tím, tùng bách cổ thụ dựa vào mỏm đá vương mây, phía đông lại mọc ra một vách đá nằm nghiêng. Việc quân khẩn cấp, nàng quyết định leo lên vách đá nghiêng phía Đông quan sát tình hình quân địch, để nhằm bố trí bước tiếp theo. Bởi vì núi non dốc đứng, không thích hợp cho toàn quân leo qua núi, nàng chỉ dẫn cho hai nữ tướng cùng đi. Các nàng tìm thấy được một đường núi nhỏ hẹp, cẩn thận bám víu vào sườn núi trơ trụi, dựa vào sự dẻo dai cuối cùng cũng leo tới sườn núi cao ngất kia.
Leo lên đến đỉnh núi, tầm mắt bỗng được thông thoáng, Quế Anh nhìn thấy ở cửa eo núi chi chít toàn là quân Tây Hạ. Khi nàng đang suy nghĩ kế sách đánh quân địch, thì bỗng một trận tên bắn tới, nhóm ba người Quế Anh trúng tên bỏ mình. Thì ra quân Tây Hạ thấy nơi này hiểm yếu, lại có thể quan sát được toàn bộ tình hình cuộc chiến, là nơi nhất định phải giành được của người dụng binh, nên đã sớm phái người mai phục ở đó, chỉ đợi quân Tống trèo lên tới liền có thể dễ dàng giết chết. Chúng không ngờ rằng, Quế Anh anh dũng đã xung phong đi đầu, bản thân chấp nhận nguy hiểm và khó khăn, mang theo vài người tùy tùng trèo lên tới vách núi hiểm trở này. Những nữ tướng còn lại dưới núi nhìn thấy Quế Anh bị tập kích, vội vàng leo lên vách núi hiểm trở để cứu viện. Nhưng bởi vì thực lực chênh lệch, ít không thể địch nhiều, toàn bộ đội nữ tướng do Quế Anh dẫn dắt này đều hy sinh tại đỉnh núi. Quân Tây Hạ vì muốn tranh công lĩnh thưởng, đã tàn nhẫn chặt đầu của các nàng, ném thi thể xuống đáy vực.
Bởi vì kết cục của Quế Anh và các nữ tướng quá bi thảm, nên rất ít khi được đề cập đến trong các câu chuyện về Dương gia tướng, đây không chỉ là bi kịch của một nhà Dương gia, mà cũng là vết thương chung của phụ nữ Hoa Hạ.
Những nữ tướng của Dương gia từ nơi khác vội vàng chạy đến, thu nhặt thi thể không còn đầu của nhóm nữ tướng Quế Anh. Xà Thái Quân vội tới làm lễ truy điệu, đưa tiễn anh linh, nước mắt rơi đầy mặt. Tiếng khóc chấn động núi cao, làm cảm động đến Sơn Thần gần đó, không cầm được nước mắt vì các nàng, trong thoáng chốc trong núi từng viên đá giống như nước mắt ào ào rơi xuống.
Vách núi rơi lệ, khóc thương vì các nàng hy sinh, được người đời gọi là “Tích lệ nhai” (Vách núi rơi lệ).
Dương gia tướng, cả nhà trung liệt, cảm động Trời Đất, trung dũng tiết nghĩa, đến chết mới thôi. Quế Anh là tinh linh trong núi, cuối cùng an táng ở chân núi, hoàn thành một lần luân hồi của sinh mệnh. Giống như đóa hoa kiều diễm sinh thời loạn thế, cuối cùng điêu tàn thành bùn đất, tan thành bụi trần. Nàng cả đời chinh chiến, vì Dương gia mà sống, vì triều Tống mà chiến đấu, dù đã chết nhưng vẫn sống mãi, hồn phách nàng là vì anh dũng hy sinh!
The Epoch Times là nhà tài trợ danh dự của công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chúng tôi đã đưa tin về những phản hồi của khán giả từ những ngày đầu thành lập Shen Yun vào năm 2006.
Chào mừng quý vị tìm hiểu thêm:
Do Liễu Địch thực hiện
Đường Thanh biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ