Việc Pháp rút quân khỏi Niger có thể gây nguy hiểm cho lực lượng an ninh của Hoa Kỳ ở Tây Phi
Paris dự kiến sẽ rút 1,500 quân vào cuối năm nay và điều này có thể khiến lực lượng Mỹ gồm 1,100 quân nhân đóng tại đó rơi vào tình trạng lấp lửng.
Việc trục xuất Đại sứ Pháp tại Niger, ông Sylvain Itte, chỉ sau chưa đầy một năm tại vị hôm 27/09 đã đánh dấu kết thúc sự bế tắc trong nhiều tuần giữa Paris và chính quyền quân sự mới đang nắm quyền ở quốc gia Tây Phi này.
Dưới sự hộ tống chung của lính biệt kích thuộc lực lượng đặc nhiệm Pháp và hiến binh Niger, ông Itte và sáu đồng nghiệp đã rời nơi ở của mình ở Niamey vào khoảng 4 giờ sáng để đến một căn cứ quân sự, từ đó họ lên máy bay để trở về Paris.
Chính quyền quân sự ở Niger đã lật đổ Tổng thống được bầu cử dân chủ Mohamed Bazoum vào ngày 26/07, và cuối tháng Tám chính quyền này tuyên bố rằng họ không chào đón đại sứ Pháp và đưa ra tối hậu thư cho ông phải rời khỏi quốc gia này trong vòng 48 giờ.
Nhưng Pháp phớt lờ yêu cầu này và khẳng định chính quyền quân sự là bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi phục chức cho Tổng thống Bazoum.
Cuối cùng, hôm 24/09, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo vào ngày rằng vị đại sứ này sẽ rời khỏi Niger trong “những giờ tới” trong khi 1,500 quân Pháp đóng tại một số căn cứ trên khắp Niger sẽ theo đó rời khỏi quốc gia này vào cuối năm nay.
Chính quyền mới ở Niger, được gọi là Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP), nói rằng hành động của Pháp là một “thời khắc lịch sử” đối với quốc gia này.
Trong bối cảnh làn sóng chống Pháp trên khắp các khu vực của Phi Châu, việc rút lui này là diễn biến mới nhất trong một loạt các đợt rút quân của Pháp khỏi các quốc gia Phi Châu trong những năm gần đây, trong đó có Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, và Mali.
Những đợt rút lui của người Pháp khỏi Burkina Faso và Mali cũng diễn ra sau những biến động chính trị do các nhân vật quân sự ở hai quốc gia Tây Phi này lãnh đạo. Hai quốc gia này nổi bật là những quốc gia ủng hộ nhiệt thành nhất cho chính quyền quân sự ở Niger
Một số nhà quan sát cho rằng phản ứng dữ dội hiện nay là do sự can thiệp quân sự của Pháp vào các thuộc địa cũ của mình không mang lại “những kết quả rõ ràng.”
Ông Yasser Louati, một nhà phân tích chính trị tại Ủy ban Công lý và Tự do, chỉ ra rằng không phải ngẫu nhiên mà mọi quốc gia mà Pháp can dự vào đều có một đội quân lợi dụng tâm lý chống Pháp để hợp pháp hóa sự lãnh đạo của họ.
Ông Louati, người dẫn chương trình podcast “Le Breakdown with Yasser Louati”, nói với The Epoch Times trong một cuộc trò chuyện rằng sự can dự của Pháp vào khu vực Sahel “ngay từ đầu đã là một thất bại.”
Ông nói: “Các quốc gia Âu Châu hầu như không ủng hộ quốc gia này, và quốc gia này đang phải trả giá vì không có khả năng cập nhật phần mềm quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với Phi Châu.”
“Các nhà phân tích Âu Châu có thể giảm thiểu mức độ mà chúng ta có thể gọi là sự sụp đổ của Pháp ở Phi Châu bằng cách gọi những kết quả này là ‘không rõ ràng.’ Nhưng khi hàng triệu người kêu gọi quân nhân của họ rời đi và hoan nghênh một cường quốc ngoại quốc khác như Nga hoặc Trung Quốc, điều này nói lên nhiều sự kém cỏi ở cấp độ chính sách đối ngoại và cách tiếp cận thiển cận về mặt chính trị của các tổng thống Pháp dù là thuộc cánh tả, cánh hữu, hay trung dung.”
Nhưng ông Nicholas Westcott, giáo sư Thực hành Ngoại giao tại Đại học SOAS ở London – cựu đại sứ Vương quốc Anh tại Niger nhiệm kỳ 2008-2011 – tin rằng các hành động quân sự của Pháp ở Sahel đã “khá thành công.”
Ông Westcott nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng sự can thiệp của Pháp vào Mali vào tháng 01/2013 gần như chắc chắn đã “cứu quốc gia này khỏi rơi vào tay các chiến binh thánh chiến” và mở đường cho thỏa thuận hòa bình năm 2015 với phe ly khai Tuareg.
Ông nói: “Họ cũng đã hợp tác thành công với các quân đội Niger [và Chadian] trong các hoạt động chống khủng bố,” đồng thời lưu ý rằng tuy Pháp thắng trong một số trận chiến quân sự nhưng quốc gia này “đã thua trong cuộc chiến chính trị.”
“Những chính phủ dân sự của ông Ibrahim Boubacar Keita ở Mali và ông Roch Marc Christian Kabore ở Burkina Faso mà được Pháp hậu thuẫn, đã không thể bảo đảm an ninh đầy đủ hoặc việc làm phù hợp cho công dân của họ để duy trì tính hợp pháp trong công chúng nên đã để cho các cuộc đảo chính xảy ra.“ ông nói.
Theo ông Westcott, Niger thì khác, vì Tổng thống Bazoum đã thành công trong việc chống lại các chiến binh thánh chiến và thu hút viện trợ quốc tế. “Nhưng những cuộc cạnh tranh trong giới tinh hoa đã đánh bại ông ấy.”
Lây lan sự bất ổn
Ông Gilles Olakunle Yabi, người sáng lập kiêm giám đốc của Tổ chức Tư vấn Công dân Tây Phi (WATHI) có trụ sở tại Dakar, cho biết rằng phản ứng dữ dội hiện nay đối với sự hiện diện của Pháp ở Sahel chủ yếu được thúc đẩy bởi tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Mali và tác động lây lan của tình hình này đến Burkina Faso và Niger trong thập niên qua.
Ông Yabi, cũng là một học giả không thường trú tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng các hoạt động của Pháp nhắm vào những người đứng đầu các nhóm khủng bố nhưng “không bao giờ làm giảm được các hành động gây thương vong của các nhóm này” hoặc khả năng của những người đó trong việc áp đặt quyền cai trị lên các khu vực nông thôn rộng lớn ở các quốc gia đó.
Ông Yabi nhớ lại: “Chiến dịch quân sự đầu tiên—Serval—vào năm 2013 được coi là thành công và sau đó Tổng thống Francois Hollande được Mali ca ngợi như một người bạn tuyệt vời của quốc gia này.”
“Nhưng sau khi chiến dịch quân sự được đổi tên thành Barkhane và mở rộng sang các quốc gia Sahel khác, và các nhóm vũ trang thánh chiến áp dụng chiến lược và chiến thuật mới, bạo lực và bất ổn nhanh chóng lan rộng từ phía bắc Mali đến trung tâm Mali và sau đó đến các quốc gia láng giềng Burkina Faso và Niger.”
Ông Yabi giải thích, trong chiến dịch năm 2013 ở Mali, căng thẳng và hiểu lầm đã xảy ra giữa một bên là chính phủ và dư luận Mali và một bên khác là Pháp xung quanh vấn đề khu vực Kidal, nơi quân đội Pháp đã trì hoãn kế hoạch giúp Mali tái chiếm toàn bộ lãnh thổ của mình.
Ông nói với The Epoch Times: “Từ thời điểm đó, người Mali đã nghi ngờ rằng Pháp có nghị trình riêng chứ không chỉ nhằm mục đích giúp Mali lấy lại lãnh thổ của mình.”
Bức tường thành khủng bố
Niger từ lâu đã đóng vai trò là trung tâm của các hoạt động chống khủng bố của cả Pháp và Hoa Kỳ ở khu vực Sahel, nơi có sự hiện diện tích cực của các nhóm chiến binh bao gồm các nhánh của al-Qaeda và ISIS.
Pháp thường được coi là la bàn cho những nỗ lực chung và đa phương trong khu vực này.
Được biết, một số cường quốc Âu Châu đang xem xét lại vai trò trước đây của họ là đi theo con đường của Pháp và đang suy nghĩ lại chiến lược Sahel và cộng đồng các quốc gia Pháp ngữ Phi Châu của họ theo cách tự chủ hơn, bằng cách cố gắng tránh làm lây lan cảm xúc tiêu cực lên những quốc gia này.
Do đó, việc Pháp sắp rời đi đã đặt ra câu hỏi về sự hiện diện an ninh của phương Tây tại khu vực này và phủ bóng đen lên tương lai của lực lượng Mỹ gồm 1,100 quân đang đóng tại Niger.
Một số nhà phê bình cho rằng Hoa Kỳ đã không thực sự thực hiện được chiến lược của chính mình ở Niger/Sahel vì quốc gia này này luôn đi theo cách tiếp cận của Pháp.
Trường hợp của Niger cho thấy sự khác biệt giữa Pháp và Hoa Kỳ về chính sách ở Sahel: trong khi Pháp nhất quyết không liên lạc với Tướng Abdourahamane Tchiani và chính quyền quân sự, thì Hoa Kỳ lại sẵn sàng giao tiếp—một cách nghiêm túc nhưng không trực tiếp.
Ông Westcott cho biết, kết quả là Pháp bị loại trong khi quân đội Hoa Kỳ vẫn ở lại và các hoạt động chống khủng bố vẫn tiếp tục
Yếu tố Bazoum
Ông nói với The Epoch Times: “Đối với Hoa Kỳ, có thể việc ngăn chặn Wagner quan trọng hơn việc giữ ông Bazoum ở lại.”
“Họ và Liên minh Âu Châu cũng thực sự lo ngại về các mạng lưới khủng bố toàn cầu, và rốt cuộc thì một chính quyền quân sự cam kết khôi phục quyền cai trị dân sự có vẻ là lựa chọn tốt hơn so với một chính phủ thánh chiến cam kết không ngừng chống lại phương Tây.
“Vì vậy, Hoa Kỳ có vẻ sẵn sàng ở lại và chính quyền quân sự này sẵn sàng hợp tác với họ.”
Nhưng nhà phân tích Louati của Ủy ban Công lý và Tự do tin rằng việc phế truất Tổng thống Bazoum sẽ có “hiệu ứng lan sóng” trong nhiều năm tới.
“Trước tiên, việc này chấm dứt thử nghiệm của Niger với nền dân chủ bầu cử, sau đó đặt quốc gia này dưới áp lực từ các đối tác trong khu vực,” ông nói, đồng thời bày tỏ sự thận trọng hơn nữa trước những thông báo công khai của các chính quyền quân sự láng giềng về việc sẵn sàng trợ giúp Niger.
“Họ thậm chí không thể quản lý các quốc gia của mình một cách thích đáng và các nguồn lực dành cho việc bảo đảm quyền lực của chính quyền quân sự không được chi cho nhu cầu kinh tế trực tiếp của người dân.”
Ông Louati cũng thừa nhận, sẽ là ngây thơ nếu mong đợi Hoa Kỳ sẽ khác đi. “Cuộc chiến chống khủng bố của họ đã hoàn toàn trở thành một thảm họa, dẫn đến sự bất ổn ở Trung Đông và sự xuất hiện của những hậu duệ của al-Qaeda.”
Ông nói sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy Hoa Kỳ “tránh xa” bước chân của Pháp và tỏ ra là một quốc gia thân thiện hơn trong khi để lại vai trò phản diện cho Pháp.
“Nhưng có thể đạt được bao nhiêu? Hoa Kỳ đã chứng minh rằng phần mềm chính sách đối ngoại của họ phù hợp để vượt qua các đồng minh của họ (AUKUS, Ukraine) hơn là để tham gia vào một chính sách đối ngoại tích cực hơn ở các quốc gia đang phát triển.
“Bất cứ nơi nào ở Phi Châu mà Hoa Kỳ gửi quân đến, mọi người ở đó đều biết Hoa Kỳ đã làm gì ở những quốc gia như Iraq, và danh tiếng của Hoa Kỳ như một cường quốc đế quốc được dán trên lá cờ của họ.”
Lấp đầy khoảng trống an ninh
Ông James Barnett, Nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết vì Hoa Kỳ có thể cố gắng duy trì sự hiện diện chống khủng bố của mình ở Sahel, nên các hoạt động như vậy sẽ “khó khăn hơn” khi không có sự hiện diện của Pháp.
“Về mặt chính trị, Hoa Kỳ đã cố gắng giữ khoảng cách với quan điểm của Pháp, vốn kêu gọi sự phục hồi mạnh mẽ của Tổng thống Bazoum, với ý tưởng rằng Hoa Kỳ có thể duy trì hợp tác an ninh nếu quốc gia này áp dụng một cách tiếp cận thực tế hơn,” ông nói với The Epoch Times.
Ông Barnett bác bỏ lo ngại rằng việc rút quân của Pháp có thể đẩy Niger vào tình trạng bạo lực giống như ở Mali và Burkina Faso vì tình hình của Niger “có phần khác biệt” và chính quyền quân sự này vẫn có khả năng duy trì một số chính sách thành công hơn của Tổng thống Bazoum.
“Nhưng việc quân Pháp rút lui chắc chắn sẽ làm mọi việc phức tạp đi.”
Không giống như những vấn đề an ninh ngày càng gia tăng mà một số quốc gia Sahel phải đối mặt, cách tiếp cận của Tổng thống Bazoum dường như đã thực sự có hiệu quả – ít nhất là ở một mức độ nào đó.
Các nhà quan sát tin rằng các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và Pháp rất tin tưởng vào ông Bazoum nhưng đã bỏ qua những điều quan trọng như: lịch sử lâu dài của các mối quan hệ dân sự-quân sự đầy căng thẳng của Niger, việc Tổng thống Bazoum đàn áp phe đối lập, và cuộc bầu cử gây tranh cãi của ông ấy.
Người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Issoufou, là một nhà điều hành chính trị rất khôn ngoan, người đã thành công trong việc giữ cân bằng các lực lượng chính trị đa dạng ở trong quốc. Theo ông Westcott, Tổng thống Bazoum là người thông minh và trung thực nhưng là một chính trị gia kém nhạy bén.
“Có vẻ như ông ấy đã cho rằng quyền kiểm soát chính trị của mình mạnh hơn trước,” ông nói. “Vì vậy, trong khi cộng đồng quốc tế—bao gồm [Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi] ECOWAS và Liên minh Phi Châu—đã đúng khi ủng hộ ông ấy với tư cách là nhà lãnh đạo dân chủ của quốc gia, thì ông ấy đã mất quyền kiểm soát các khu vực bầu cử quan trọng tại quốc nội, những nơi quyết định việc ai là người nắm quyền lực.
Thực lòng mà nói, những người ngoài cuộc chẳng thể làm được gì mấy, ngoại trừ việc có lẽ thỉnh thoảng người ta cần phải để bạn bè nói chuyện với mình để chứng tỏ rằng họ không chỉ đơn giản là khách hàng của bạn.”
Ông Louati đồng tình và cho rằng Tổng thống Bazoum “bảo đảm được niềm tin” của các thế lực ngoại quốc chứ không phải của chính người dân của ông.
Ông nói với The Epoch Times: “Ông ấy thực sự đã trở thành nạn nhân của sự bất lực của chính mình trong việc gắn kết với phần lớn người dân Niger do ông ấy có gốc gác là từ nhóm người nói tiếng Ả Rập và xuất thân từ một bộ lạc thiểu số.”
“Ông Bazoum không có đủ thời gian để củng cố quyền lực của mình và người tiền nhiệm cũng không giúp đỡ ông ấy. Lúc đầu, ông ấy giữ im lặng sau đó hầu như không chỉ trích cuộc đảo chính đó, điều mà chắc chắn sẽ không phục vụ lợi ích lâu dài của người dân Niger.
“Không có nền dân chủ nào trở thành hiện thực sau một cuộc đảo chính quân sự, trường hợp của Ai Cập hay Algeria là một số ví dụ rõ ràng nhất.”
‘Triển vọng an ninh nguy hiểm’
Ông Louati lo ngại rằng, từ giờ trở đi, CNSP có thể sẽ “chuyển sang trạng thái bất an” khi thời gian trôi qua và người dân Niger, ngày càng mất kiên nhẫn, sẽ bắt đầu yêu cầu CNSP làm được những điều đã hứa để cải thiện cuộc sống của họ.
Ông nói: “Điều này chắc chắn sẽ tạo ra căng thẳng trong hội đồng này với những hậu quả không ai có thể lường trước được.”
Ông Yabi của tổ chức Tư vấn Công dân Tây Phi cảnh báo rằng tình hình chính trị ở Niger có nguy cơ biến thành “triển vọng an ninh không chắc chắn và nguy hiểm” đối với quốc gia này và khu vực Sahel rộng lớn.
Ông Yabi cho biết: “Sự ra đi của quân đội Pháp có thể để lại một khoảng trống khó lấp đầy trong thời gian ngắn và các nhóm thánh chiến chắc chắn có thể lợi dụng điều đó”.
“Nhưng cũng có thể sự hợp tác giữa Niger, Mali, và Burkina Faso sẽ được cải thiện nhờ liên minh mới gồm các nhà lãnh đạo quân sự của họ và cuối cùng liên minh này sẽ tạo ra những kết quả tích cực trên thực tế.”
Ông Yabi nói, sự phức tạp của cuộc khủng hoảng ở Sahel đòi hỏi phải có “nhiều phản ứng hơn về mặt quân sự và an ninh” ngay cả khi các nhà lãnh đạo quân sự dường như chưa sẵn sàng chấp nhận điều đó và tìm kiếm các phản ứng bổ sung.
Ông nói với The Epoch Times: “Sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Niger không nhất thiết chủ yếu là để chống lại các nhóm thánh chiến mà là sự hiện diện này cho phép họ theo dõi Libya và toàn bộ khu vực Sahel-Sahara và thậm chí xa hơn.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times