142 năm trở về: ‘Mẹ của Whistler’ ghé thăm Philadelphia
Bức chân dung vẽ mẹ của họa sỹ James Whistler được người Mỹ yêu thích, nhưng vào thời điểm ra đời, tác phẩm này từng gây tranh cãi.
Hầu hết chúng ta đều nhận ra bức chân dung mà họa sỹ James Abbott McNeill Whistler vẽ người mẹ Anna của ông. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của giới hội họa Mỹ quốc, và là tác phẩm đầu tiên của một họa sỹ người Mỹ được chính phủ Pháp mua lại. Tuy nhiên, suýt chút nữa thì bức chân dung này đã không bao giờ ra đời. Khi họa sỹ Whistler (1834–1903) đang vẽ bức tranh “Cô gái áo xanh bên bờ biển” (nay được biết đến với tên “Annabel Lee”) thì người mẫu của ông, cô Maggie, lâm bệnh và không thể đến ngồi làm mẫu được.
“Sự thất vọng thường là những phước lành của Chúa,” mẹ của Whistler viết trong một lá thư gửi cho em gái mình vào ngày 03/11/1871. Bà kể lại rằng, sự việc này đã khiến họa sỹ Whistler chọn khắc họa chân dung của bà thay thế [cho tác phẩm cũ], điều mà ông đã ấp ủ từ lâu.
Ở độ tuổi 67, bà Anna cũng cảm thấy không được khỏe khi tạo dáng cho bức chân dung tại xưởng vẽ của con trai. Có hai đến ba ngày, bà “đứng như tượng,” che giấu vẻ đau yếu trước mặt con trai, để không khiến anh lo lắng. Khi bà không thể đứng thêm nữa, họa sỹ đã thay đổi bố cục bức tranh và vẽ bà đang ngồi.
Họa sỹ Whistler mất khoảng ba tháng để hoàn thành tác phẩm này. Bà Anna từng viết về một lần khi ông Whistler cảm thấy thất vọng về bức tranh: “Tôi lặng lẽ vực dậy tinh thần, để nó như chiếc lưới được thả xuống biển theo ý của Chúa, khi tôi nhìn con thử lại một lần nữa, và rồi niềm vui khôn tả trào dâng trong tâm hồn tôi khi con trai yêu dấu bỗng thốt lên, ‘Mẹ ơi, bức họa được hoàn thành rồi, thật đẹp!’ và nó hôn tôi vì điều đó!”
Trong bức tranh, bà Anna với dáng ngồi đoan trang được vẽ theo góc nghiêng, hướng mặt về phía một tấm rèm hoặc bộ kimono thêu màu bạc phong cách Nhật Bản. Bà đội một chiếc mũ bonnet trắng bằng vải muslin và vận chiếc váy đen, tay đặt nhẹ lên chiếc khăn tay và chân tựa trên chiếc ghế đệm. (Bà Anna đã chuyển sang mặc đồ đen sau khi phu quân của bà qua đời khoảng 20 năm trước.) Bản in tác phẩm “Black Lion Wharf” (Bến cảng sư tử đen) của họa sỹ Whistler được treo trên tường.
Họa sỹ đưa vào bức chân dung này những đồ vật biểu thị cho phong cách và nguồn cảm hứng của ông, bao gồm các họa tiết Nhật Bản như tấm rèm, và chữ ký lồng ghép hình con bướm cách điệu. Và trên bức tường, ông vẽ thêm một bản khắc thuộc loạt tác phẩm về Sông Thames, một chủ đề gần gũi với trái tim và ngôi nhà của ông tại số 2 Lindsey Row (nay là 96 Cheyne Walk), Chelsea, London.
Sự tiếp nhận trái chiều về bức chân dung
Gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp của họa sỹ Whistler đều đón nhận bức tranh nồng nhiệt, sửng sốt trước tài nghệ vẽ tranh và sự tương đồng [với mẫu thật] mà ông đạt được. “Chẳng phải đó chính là cách bà Whistler ngồi xếp tay trên chiếc khăn sao! Thật là giống hệt bà ấy!” con gái của người bảo trợ cho họa sỹ Whistler thốt lên. Nhà thơ và nghệ sỹ Dante Gabriel Rossetti đã viết cho họa sỹ Whistler, nói rằng bức chân dung “chắc chắn sẽ khiến anh hạnh phúc cả đời và góp phần làm đẹp thêm cho thời đại chúng ta đang sống.”
Trong khi những người thân cận nhất với vị họa sỹ ca tụng [bức chân dung này], thì đâu đó ngoài công chúng — cả giới nghệ sỹ lẫn nhà phê bình — phần lớn lại bối rối trước khung cảnh thưa thớt và bảng màu hạn chế của bức tranh.
Bức tranh của họa sỹ Whistler và tên của nó — ông đặt tên cho bức tranh là “Biên khúc Xám và Đen: Chân dung của Mẹ Họa sỹ” — đã nhận được cả sự ủng hộ lẫn những chỉ trích. Ông nộp tác phẩm này vào Triển lãm Học Viện Nghệ thuật Hoàng gia lần thứ 104 vào năm 1872. Bức tranh bị từ chối. Nhận định chung là gì? Một bức tranh đẹp nhưng thiếu màu sắc. Một nhà bình luận nói rằng tiêu đề bức tranh đã lu mờ nét thú vị trong phong cách hội họa của họa sỹ Whistler, vốn có sự phân biệt tinh tế giữa các sắc độ và tông màu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại phê phán quyết định của học viện. Một họa sỹ kiêm giám đốc Phòng trưng bày Quốc gia, Ngài William Boxall, đã đe dọa sẽ từ chức khỏi hội đồng Học viện Nghệ thuật Hoàng gia nếu bức chân dung không được trưng bày. Sau đó, tác phẩm này được treo cao tít trên một cánh cửa trong học viện, gần như khuất tầm nhìn.
Tác phẩm “Biên khúc Xám và Đen: Chân dung của Mẹ Họa Sỹ” đã thách thức các giá trị nghệ thuật truyền thống, nơi sự sáng tạo của Chúa được tôn vinh tuyệt đối, và tên chính thức của bức tranh này cũng không góp phần vào việc tôn vinh đó.
Lối đi dị biệt: ‘Nghệ thuật vị nghệ thuật’
Họa sỹ Whistler hoạt động vào thời kỳ chuyển giao sang chủ nghĩa hiện đại. Ở thế giới của ông, vào cuối thế kỷ 19, nhiếp ảnh trở nên thịnh hành và nghệ thuật đại diện (representational art) không còn được ưa chuộng. Nhiều nghệ sỹ [thời đó] tìm kiếm những phong cách hội họa mới lạ do lầm tưởng rằng nhiếp ảnh có thể ghi lại được hình ảnh chân thực hơn bất kỳ họa sỹ nào, tuy nhiên, trên thực tế, một bức ảnh chỉ chụp được hình dạng — chứ không nắm bắt được những sắc thái tinh tế của ánh sáng và đặc tính. Công nghệ mới này đe dọa sinh kế của các nghệ sỹ, thậm chí đã đẩy một số người đến bước đường tự sát.
Bức chân dung về mẹ của họa sỹ Whistler, thường được gọi đơn giản là “Mẹ của Whistler,” nằm giữa ranh giới của hội họa truyền thống, [chú trọng] mô tả chân thực cuộc sống và phong cách thử nghiệm [thịnh hành] thời bấy giờ, ưa chuộng tính cách điệu và nét vẽ phóng khoáng. Điều này báo hiệu rằng họa sỹ Whistler cuối cùng sẽ tách khỏi nghệ thuật tả thực và theo đuổi phong cách avant-garde (tiên phong).
Các nghệ sỹ truyền thống trau dồi tay nghề của mình để truyền tải những ý tưởng phổ quát nhằm thăng hoa [tinh thần] cho nhân loại, bất kể ngôn ngữ mẹ đẻ của người xem là gì. “Trong tác phẩm truyền thống, các ý tưởng được thể hiện bằng hình ảnh dễ hiểu. Chúng được truyền tải một cách trực tiếp,” học giả và nhà phê bình nghệ thuật Michelle Marder Kamhi đã viết trong cuốn sách “Bucking the Artworld Tide: Reflections on Art, Pseudo Art, Art Education & Theory” (Chống lại Dòng Chảy của Giới Nghệ Thuật: Suy Ngẫm về Nghệ Thuật, Nghệ Thuật Giả Tạo, Giáo Dục Nghệ Thuật & Lý Thuyết).
Nhưng điều đó đã thay đổi khi thế kỷ 20 đến gần.
“Khuynh hướng nghệ thuật hiện đại ở thế kỷ 20 đã tạo ra một ấn tượng rất sai lầm rằng sự đổi mới, tính độc đáo, và mục đích sáng tác nghiêm túc chỉ dành riêng cho nghệ sỹ tiên phong, và rằng các họa sỹ ‘truyền thống’ là một nhóm người đồng nhất, tất cả đều giống nhau về mức độ bảo thủ, có thiếu sót chung về chiều sâu nghệ thuật, sự chân thành, và trí tưởng tượng,” bà Kamhi viết.
Là một phần của phong trào nghệ thuật thẩm mỹ, họa sỹ Whistler tin vào triết lý “nghệ thuật vị nghệ thuật.”
“Nghệ thuật nên độc lập với tất cả những thứ phù phiếm, nó nên đứng một mình và đánh thức cảm quan nghệ thuật của thị giác hoặc thính giác, mà không lẫn lộn điều này với những cảm xúc hoàn toàn không thuộc về nó, chẳng hạn như lòng sùng kính, lòng trắc ẩn, tình yêu, lòng ái quốc, và những điều tương tự. Tất cả điều này đều không liên quan gì đến nghệ thuật; và đó là lý do vì sao tôi nhất quyết gọi các tác phẩm của mình là ‘biên khúc’ và ‘hòa âm,’” ông giải thích trong bài viết “The Red Rag,” đăng trên trang Xã hội của tạp chí The World ngày 22/05/1878.
Hầu hết tranh của họa sỹ Whistler đều có tên liên quan đến âm nhạc bất kể chủ đề của tác phẩm là gì — thói quen này bắt đầu sau khi một nhà phê bình nhận xét rằng bức chân dung “The White Girl” (Cô gái trong trang phục trắng) là một “Bản giao hưởng màu trắng,” và vì vậy họa sỹ này đã thay đổi tên của tác phẩm đó.
Và họa sỹ Whistler đã đổi tên bức chân dung của mẹ ông là “Arrangement in Grey and Black No. 1” (Biên khúc Xám và Đen số 1) sau khi ông vẽ bức chân dung của nhà văn tiểu luận, sử học kiêm triết gia người Scotland Thomas Carlyle có tựa đề “Arrangement in Grey and Black No. 2” (Biên khúc Xám và Đen số 2).
Họa sỹ Whistler tin vào vẻ đẹp, chú trọng vị trí của tông màu và màu sắc hơn là chủ thể được miêu tả. “Bức tranh ‘Harmony in Grey and Gold’ (Hòa âm giữa Xám và Vàng) là minh họa cho ý tưởng của tôi — một cảnh tuyết với một bóng người đen duy nhất và quán rượu sáng đèn. Tôi chẳng quan tâm đến quá khứ, hiện tại, hay tương lai của bóng người màu đen ấy. Tôi đặt nhân vật như vậy vì chỗ đó cần có màu đen,” ông viết trong bài tiểu luận.
Ông cho rằng các họa sỹ không nên chỉ đơn thuần mô phỏng thiên nhiên, giống như các bức ảnh đã làm. “Thiên nhiên chứa đựng những yếu tố, màu sắc và hình dáng của mọi bức tranh, cũng như bàn phím chứa đựng các nốt của mọi bản nhạc.”
Họa sỹ Whistler tin rằng người nghệ sỹ có thể tách biệt những yếu tố đó và “sáng tác” bất kỳ bức tranh nào họ muốn. Tuy nhiên, cách làm này kéo theo việc đặt tác phẩm của người họa sỹ lên trên sự sáng tạo của Thiên Chúa. Vì vậy, thay vì theo trường phái hiện thực, họa sỹ Whistler ưa chuộng những bức tranh cách điệu đầy ấn tượng, đặc biệt là trong các tác phẩm sau này của ông. Tranh in “Black Lion Wharf” (Bến cảng Sư Tử Đen) được treo trong bức chân dung của mẹ ông là một ví dụ điển hình. Đó là một khung cảnh sôi động, khi những chiếc sà lan và thuyền buồm lao qua bờ sông có các dãy nhà kho. Thay vì sáng tác bức tranh theo phối cảnh, ông đã đảo ngược nó — vẽ chi tiết các nhà kho ở phía xa, phác thảo hờ hững các vật thể và hình người ở tiền cảnh.
Ghé thăm Philadelphia
Bất kỳ ai đến thăm Philadelphia đều có thể tự mình đánh giá bức chân dung “Whistler’s Mother” (Mẹ của Whistler). Cuộc triển lãm tranh “The Artist’s Mother: Whistler and Philadelphia” (Mẹ của họa sỹ: Whistler và Philadelphia) đi sâu vào tìm hiểu bức chân dung mà họa sỹ Whistler vẽ mẹ của mình, mối liên hệ của tác phẩm này với Philadelphia, cũng như cách thức bức tranh này đã truyền cảm hứng cho tám nghệ sỹ khác vẽ chân dung mẹ của họ.
Lần gần đây nhất mà Philadelphia tổ chức triển lãm tranh của họa sỹ Whistler là vào năm 1881, trong khuôn khổ của “Triển lãm tranh đặc biệt của các nghệ sỹ Mỹ tại quê nhà và châu Âu” tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania ở Philadelphia.
Triển lãm hiện nay nêu bật cách các họa sỹ tìm kiếm cảm hứng từ các đồng nghiệp của họ, cả quá khứ và hiện tại. Chẳng hạn, họa sỹ Whistler đã vẽ mẹ mình trong tư thế tương tự một trong những tranh khắc về mẹ của họa sỹ Rembrandt, bức “The Artist’s Mother, Seated in an Oriental Headdress: Half Length” (Người mẹ của họa sỹ, ngồi với một chiếc khăn đội đầu phương Đông: Tranh bán thân), được bậc thầy người Hà Lan này sáng tác vào khoảng hai thế kỷ trước. Họa sỹ Whistler biết đến bức tranh in này từ một bản sao mà ông nhìn thấy ở Philadelphia hoặc từ bản in gốc mà anh rể của ông sở hữu. (Một số học giả tin rằng danh họa Rembrandt đã khắc trực tiếp hình ảnh chân thực của mẹ lên tấm bảng, trong khi bà đang ngồi trước mặt ông — một kỹ thuật được gọi là “khắc trực tiếp.”) Khách tham quan triển lãm có thể tự mình nhận thấy sự tương đồng giữa các tác phẩm thông qua bản sao của bản in vào cuối thế kỷ 18 do họa sỹ người Ý Francesco Novelli thực hiện, cũng đang được trưng bày [tại đây].
Các bức chân dung mẹ của hai họa sỹ người Mỹ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, lần lượt là họa sỹ Cecilia Beaux (1855–1942) và Henry Ossawa Tanner (1859–1937), cũng được trưng bày trong triển lãm. Cả hai họa sỹ này đều học tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania.
Bức tranh đáng yêu của họa sỹ Beaux vẽ người mẹ và đứa trẻ [thực ra] là vẽ chị gái và cháu trai của bà, bởi vì mẹ của họa sỹ Beaux đã qua đời khi bà chỉ mới 12 ngày tuổi.
Họa sỹ Tanner đã nhìn thấy bức tranh của họa sỹ Whistler khi nó được triển lãm ở Pennsylvania và có thể ở cả Paris, nơi ông sống sau này. Ngược lại với họa sỹ Whistler, họa sỹ Tanner đã sử dụng tông màu nâu nhạt, ấm áp để tạo nên bức chân dung dịu dàng về người mẹ đang nhẹ nhàng đung đưa trên ghế với chiếc khăn choàng quàng qua lưng và chiếc quạt giúp bà xua cái nóng oi ả. Cũng giống như tác phẩm của họa sỹ Whistler, bức chân dung về mẹ của họa sỹ Tanner đã được chính phủ Pháp mua lại.
Một báu vật quốc gia
Năm 1891, khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Leon Victor Auguste Bourgeois viết thư cho họa sỹ Whistler yêu cầu bán tác phẩm này cho nước Pháp, ông không chắc rằng họa sỹ Whistler có chấp nhận số tiền ít ỏi không; ông chỉ có thể trả cho họa sỹ 4,000 franc. Tuy nhiên, ông Whistler đã đồng ý bán, nói rằng trong tất cả các bức tranh của mình, ông muốn bức chân dung về mẹ mình được “công nhận chính thức” hơn bất kỳ họa phẩm nào khác. Việc bán bức chân dung của bà cho chính phủ Pháp đánh dấu bước đầu thành công của họa sỹ Whistler.
Thu Quý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times