Bà Yellen nói với giới chức Trung Quốc: An ninh quốc gia Hoa Kỳ sẽ không thể bị thỏa hiệp
Sau chuyến công du 4 ngày tới Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết bà đã nói với giới chức Trung Quốc rằng an ninh quốc gia của Hoa Kỳ sẽ không bị thỏa hiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS hôm Chủ nhật (09/07), bà Yellen nói rằng: “Một mục tiêu trong chuyến công du của tôi là để giải thích rằng an ninh quốc gia là điều mà chúng ta không thể thỏa hiệp và chúng ta sẽ bảo vệ, và chúng ta sẽ làm như vậy ngay cả khi điều đó gây tổn hại cho chính lợi ích kinh tế nhỏ nhoi của chúng ta.”
Bà Yellen đã kết thúc chuyến công du của mình hôm Chủ nhật (09/07) sau khi hội đàm với một số quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương, Bí thư Đảng ủy Phan Công Thắng, và cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Tuy nhiên, bà Yellen vẫn chưa gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã gặp Ngoại trưởng Antony Blinken hồi tháng trước trong chuyến công du Trung Quốc của ông.
Giống như chuyến công du Trung Quốc của ông Blinken, chuyến đi của bà Yellen cũng không mang lại đột phá quan trọng nào giữa hai quốc gia.
“Tổng thống [Joe] Biden và tôi không nhìn mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc qua khuôn khổ xung đột quyền lực lớn,” bà Yellen nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm sáng Chủ Nhật. “Chúng tôi tin rằng thế giới đủ lớn để cả hai quốc gia chúng ta cùng phát triển.”
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa từ lâu đã chỉ trích chính phủ TT Biden không cứng rắn với Trung Quốc và mô tả chế độ cộng sản này là một “mối đe dọa hiện hữu” đối với Hoa Kỳ.
“Ông Tập Cận Bình đã nói rõ ý định của mình. Ông ấy muốn Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành siêu cường quốc của thế giới,” Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennesess) viết trên Twitter hôm 08/07. “Trung Quốc cộng sản không phải là bằng hữu của chúng ta và ông Biden cần phải ngừng hành động như họ.”
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, trong báo cáo (pdf) được công bố hồi tháng Hai, đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng các chương trình và sáng kiến — bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu — để “thúc đẩy một giải pháp thay thế do Trung Quốc dẫn đầu” cho trật tự quốc tế hiện tại, một trật tự ưu tiên “chủ quyền quốc gia và ổn định chính trị hơn là các quyền cá nhân.”
Trong tương lai, bà Yellen cho biết bà mong muốn cả hai bên sẽ liên lạc thường xuyên hơn ở cấp nhân viên, mặc dù bà thừa nhận rằng bà không có bất kỳ điều gì cụ thể về tiến trình song phương trong tương lai.
Hoạt động thương mại không công bằng
Bà Yellen cho biết bà đã “gây áp lực” với Trung Quốc về các hoạt động kinh tế không công bằng của họ.
Bà giải thích: “Điều đó bao gồm cả chiều rộng và chiều sâu của các chính sách phi thị trường của Trung Quốc, cùng với các rào cản tiếp cận thị trường đối với các công ty ngoại quốc và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ (IP).”
Ủy ban về Trộm cắp Sở hữu Trí tuệ Hoa Kỳ ước tính vào năm 2017 rằng nền kinh tế Hoa Kỳ chịu tổn thất hàng năm từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD do hành vi trộm cắp IP của Trung Quốc mỗi năm.
Hồi tháng Ba, ông William Evanina, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Evanina Goup, cho biết trong một phiên điều trần do Ủy ban Tư pháp Hạ viện tổ chức rằng chính quyền Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận “toàn xã hội” để đánh cắp tài sản trí tuệ.
Ông Evanina nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng các dịch vụ tình báo, đầu tư khoa học và công nghệ, hợp tác học thuật, hợp tác nghiên cứu, liên doanh, công ty bình phong, mua bán và sáp nhập, trộm cắp trắng trợn, đe dọa nội gián và xâm nhập mạng.”
Ông giải thích thêm rằng Trung Quốc đang theo đuổi các bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực được nhấn mạnh bởi chính sách công nghiệp được gọi là “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025,) chẳng hạn như hàng không vũ trụ, công nghệ biển sâu, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, năng lượng sạch, công nghệ pin điện, và công nghệ gen DNA.
Bắc Kinh cũng đã khai triển các chương trình tuyển dụng nhân tài khác nhau, tìm cách lôi kéo người Trung Quốc và người ngoại quốc đang làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đến làm việc tại Trung Quốc. Một số ứng viên trong các chương trình này đã bị các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại.
Bà Yellen cho biết bà cũng bày tỏ lo ngại về “sự gia tăng gần đây trong các hành động cưỡng bách nhắm vào các công ty Mỹ.”
Hồi tháng Sáu, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Micron Technology của Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của Trung Quốc khiến doanh thu toàn cầu có “tỷ lệ phần trăm thấp ở mức hai con số” gặp rủi ro.
Ba chuyên gia về chính trị và đối ngoại của Trung Quốc nói với The Epoch Times hôm Chủ Nhật rằng họ không thấy mối bang giao song phương sẽ sớm được cải thiện. Họ cũng không lường trước được mối quan hệ xấu đi đến mức hai bên sẽ tách rời.
Tách rời
Bà Yellen nhắc lại rằng Hoa Thịnh Đốn không tìm cách tách rời khỏi Trung Quốc — một chính sách được một số thành viên Đảng Cộng Hòa và các chuyên gia tán thành — nói rằng nếu làm như vậy sẽ là “thảm họa cho cả hai quốc gia và gây bất ổn cho thế giới.”
“Có một sự khác biệt quan trọng giữa một bên là tách rời và một bên là đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng hoặc thực hiện các hành động an ninh quốc gia có mục tiêu,” bà nói thêm, trước khi nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện “các hành động có mục tiêu” cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và của các đồng minh.
Sau đó, bà nói thêm rằng bất kỳ hạn chế tiềm năng nào đối với đầu tư ra ngoại quốc của phía Hoa Kỳ sẽ được thực hiện “minh bạch” và “chỉ thị rõ ràng trong phạm vi hẹp đối với một số lĩnh vực” mà Hoa Thịnh Đốn có những lo ngại cụ thể về an ninh quốc gia.
“Tôi muốn xoa dịu nỗi sợ hãi của họ rằng chúng ta sẽ làm điều gì đó tác động quy mô lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Không phải vậy. Không phải ý định như vậy,” bà giải thích.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, đã giải thích với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ Nhật rằng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để Hoa Thịnh Đốn tách rời khỏi Bắc Kinh về kinh tế do tình trạng lạm phát cao của Hoa Kỳ và chiến tranh Ukraine.
Chỉ số giá tiêu dùng trong 12 tháng, thước đo lạm phát hàng năm, đang duy trì ở mức 4% trong tháng Năm. Lạm phát vẫn ở mức hoặc trên 4% kể từ tháng 04/2021.
“Hoa Kỳ không muốn lạm phát trở nên tồi tệ hơn,” ông Phùng nói, giải thích rằng giá cả có thể tăng nếu hai quốc gia tách rời nhau.
Theo ông Phùng, một quyết định của Hoa Kỳ tách rời khỏi Trung Quốc có thể dẫn đến sự thay đổi lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến Ukraine, khiến chế độ cộng sản này phải hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin.
Nói cách khác, ông Phùng cho biết các cuộc đàm phán cao cấp đang diễn ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm mục đích “làm dịu đi,” ngăn ĐCSTQ trợ giúp Nga về nhân sự và khí tài quân sự.
Về phần bà Yellen, ông Phùng giải thích rằng chính quyền Trung Quốc coi bà là người có thể giúp đỡ Trung Quốc.
“Trung Quốc muốn Hoa Kỳ rút lại các lệnh trừng phạt mới thông qua bà Yellen và các công ty ở Wall Street, đồng thời tiếp tục gặt hái những lợi ích thông qua thương mại và đầu tư [của Hoa Kỳ],” ông Phùng nói.
Mối bang giao ‘không thể hòa giải’
Bất chấp những nỗ lực khôi phục bang giao song phương của chính phủ TT Biden, giới quan sát bên ngoài cho rằng tình trạng căng thẳng này là không thể tránh khỏi, với sự chia rẽ về ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và chế độ cộng sản ở Trung Quốc đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy xung đột này.
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc dựa vào phương Tây, chủ yếu thông qua chính sách kinh tế cởi mở của phương Tây,” ông Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-hsiang), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, cho biết.
Trong khi phương Tây ban đầu kỳ vọng nhà cầm quyền Trung Quốc có thể tự chuyển đổi thành một thị trường mở thông qua cam kết, thì ông Tôn cho rằng “ĐCSTQ đã không thực hiện bất kỳ thay đổi căn bản nào.”
Thay vào đó, ĐCSTQ đã biến nền kinh tế của mình thành vũ khí, theo ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
“Với nền kinh tế phát triển, ĐCSTQ bắt đầu xuất cảng các hành vi vi phạm nhân quyền, các hoạt động thương mại không công bằng … ra toàn thế giới,” ông nói. “Những xu hướng này khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, cảm thấy các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chính họ,” do đó buộc họ phải hành động để bảo vệ lợi ích của mình.
Ông nói: “Đây là một yếu tố làm xấu đi mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Ông Đường cho rằng một yếu tố khác nữa là Đài Loan.
Trong những năm gần đây, ông Tập đã nhiều lần tuyên bố sẽ sáp nhập Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà ĐCSTQ coi là lãnh thổ của mình, và bộ trưởng quốc phòng của ông thậm chí còn trực tiếp đe dọa chiến tranh để đạt được mục tiêu đó.
Chế độ này đã tăng cường các mối đe dọa quân sự chống lại Đài Loan dân chủ bằng cách liên tục gửi chiến đấu cơ đến gần hòn đảo này một cách thường xuyên. Hồi năm 2022, Trung Quốc đã gửi 1,727 phi cơ quân sự vào Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan, tăng từ 960 chiếc vào năm 2021 và 380 chiếc vào năm 2020, theo Bộ Quốc phòng của hòn đảo này.
Ông Đường nói: “Ý định mạnh mẽ của ĐCSTQ là muốn sử dụng vũ lực để phá vỡ hiện trạng ở Eo biển Đài Loan, thậm chí cả Biển Đông và Biển Hoa Đông, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo” ở Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác.
Đối với ông Đường, trong khi Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn đồng ý tiếp tục liên lạc, thì sự khác biệt ngày càng tăng của hai bên là không thể hòa giải.
“Xét cho cùng, xung đột [Hoa Kỳ-Trung Quốc] là về hệ tư tưởng,” ông nói.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times