Bản nhạc giao hưởng thể hiện khí thế phi phàm, không thể bỏ qua đóng góp của một loại nhạc cụ Trung Hoa
Trong lịch sử, nhạc khí và quân đội có liên quan mật thiết với nhau. Trong đó, trống quân là nhạc khí đặc sắc tương đối tiêu biểu. Chiến tranh thời Trung Quốc cổ đại phải có trống trận làm bạn, vì thế “Nhất cổ tác khí” (Một tiếng trống dậy nên khí thế) cho binh sĩ trước khi tác chiến là điều rất quan trọng. Ngày nay, khi chúng ta nghe quân nhạc biểu diễn, cũng sẽ cảm thấy tinh thần phấn chấn, dẫn khởi cảm xúc mãnh liệt như muốn xông lên phía trước.
Có một bản nhạc giao hưởng thể hiện khí thế phi phàm, phấn chấn lòng người, trong đó không thể không nói đến sự đóng góp của một loại nhạc cụ Trung Quốc. Đây chính là tiết mục trong chuyến lưu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun năm 2018, và là bản nhạc nguyên tác “Đường trận” (Quân trường Đại Đường) của Shen Yun. Nhạc khúc do Ngài D.F., Giám đốc nghệ thuật của Shen Yun sáng tác, nhạc sĩ Tịnh Huyền phối khí.
Hiện nay, bản giao hưởng này đã được phát hành trên trang web Shen Yun Zuo Pin. Bây giờ, chúng ta hãy cùng nghe phân tích chuyên nghiệp của nghệ sĩ Shen Yun, và cùng nhau thưởng thức bản nhạc giao hưởng này.
(Đoạn video phân tích ở đây).
Bấm để xem video:
Khí phách hào hùng bất khả chiến bại, vang vọng sơn hà
Cuộc sống quân nhân ngày nay chắc chắn cần sự nhanh chóng, khẩn trương, nghiêm khắc và trật tự. Còn thời cổ đại thì sao? Nhạc khúc “Đường trận” này thể hiện một thời đại võ công hiển hách, vạn quốc triều bái của nhà Đại Đường, và cảnh tượng huy hoàng khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân đích thân tới duyệt binh. Dưới sự kết hợp diễn tấu hùng tráng của nhạc cụ phương Đông và phương Tây, phong thái của quân nhân triều Đường đã mang đến cho khán giả một ý vị đặc biệt.
Mở đầu bản nhạc, kèn Trombone với âm thanh trầm cất lên một chuỗi kèn hiệu, cùng với nhịp trống định âm trầm thấp mạnh mẽ, và âm thanh kéo dài của những cây đàn Contrabass, tạo nên bầu không khí thao diễn hết sức tập trung của các binh sĩ.
Sau đó, các nhạc cụ khác của dàn nhạc giao hưởng tấu vang những nốt dài, đồng thời nhanh chóng đẩy âm nhạc tiếp tục lên cao. Tiết tấu tăng tốc và lên cao dần tới cực điểm. Dưới nhiều lớp âm nhạc làm nền, nhạc cụ bộ dây (đàn Cello và Violin) nhanh chóng hòa âm, và lặp lại giai điệu năm lần liên tiếp để thể hiện giai điệu chính đầu tiên của bản nhạc.
Tiếp theo, các nhạc cụ như bộ gỗ, bộ đồng, kèn hiệu, trống định âm và chũm chọe dồn dập thêm vào, tạo nên bầu không khí khẩn trương, khiến thính giả cảm nhận được phong thái kỷ luật nghiêm minh của các quân nhân.
Nối tiếp sau đó, nhạc cụ bộ dây trình diễn một cách tự nhiên giai điệu chính của bản nhạc. Đây là giai điệu khiến cảm xúc của người nghe đạt tới cao trào và có sức truyền cảm. Trong giai điệu này, đi kèm với uy lực của trống quân, sự hùng tráng của kèn đồng, sự mạnh mẽ của Trumpet, còn có sự tham gia của nhạc cụ bộ dây vào giai điệu chính. Trong tiết tấu chặt chẽ thể hiện ra khung cảnh với khí thế hào hùng, khiến người nghe dường như nhìn thấy những binh sĩ dũng mãnh đang tập luyện khẩn trương và căng thẳng nơi thao trường.
Sau đó, điệu nhạc nhẹ nhàng lập tức được nâng lên, báo hiệu một cảnh tượng hoành tráng sắp diễn ra.
Đột nhiên, âm thanh mạnh mẽ của nhạc cụ phương Tây trở nên nhỏ dần, và tiếng đàn tỳ bà mạnh mẽ vang lên. Nhạc cụ phương Đông này được hỗ trợ của trống định âm, hòa vào khúc nhạc với khí thế phi phàm. Cùng với sự phối hợp sôi động giữa đàn tỳ bà và dàn nhạc giao hưởng phương Tây, cảnh tượng “sa trường thu điểm binh” (duyệt binh vào mùa thu nơi sa trường) như hiện ra trước mắt.
Trong “Đường trận,” đàn tỳ bà không phối hợp với đàn nhị hồ để cùng nhau diễn tấu ý vị “uyển chuyển, thổ lộ hết tâm tư” giống như trong các bản nhạc giao hưởng khác. Mà trong chốc lát, đàn tỳ bà một mình xuất hiện đầy bất ngờ và đẹp đẽ, phát huy nét đặc trưng tươi sáng đặc sắc. Tiếng đàn thể hiện sự hiệu triệu và khích lệ đầy cảm hứng từ vị thống soái tối cao của đại quân, dẫn khởi một sự hồi đáp vang vọng và mạnh mẽ của toàn quân. Những nhạc cụ gõ, đàn hạc, bộ nhạc cụ gỗ, … cùng nhau làm nổi bật bầu không khí sôi động của đại quân.
Sức thể hiện của đàn tỳ bà rốt cuộc mạnh đến mức nào? Trong bài thơ về đàn tỳ bà của Bạch Cư Dị thời nhà Đường, một khúc độc tấu của đàn tỳ bà đã thể hiện hiệu quả nghệ thuật:
“Ngân bình sạ phá thủy tương bính,
Thiết kỵ đột xuất đao thương minh.”
Tạm dịch:
Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước,
Ngựa sắt giong, thét ngược tiếng đao.
(Bản dịch của dịch giả Phan Huy Thực).
Còn bài “Lương Châu Từ” của Vương Hàn thì ngâm những câu thơ hào sảng:
“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
Tạm dịch:
Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ, ai cười?
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!
(Bản dịch của dịch giả Trần Trọng San).
Có thể thấy, tiếng đàn tỳ bà cũng là kèn lệnh thúc giục mọi người xuất chinh.
Trong đoạn nhạc của bản giao hưởng huy hoàng này, quý vị có thể được trải nghiệm một cách chân thực ý vị “binh lâm thành hạ” (binh đã đến dưới chân thành) do các nghệ sĩ Shen Yun thể hiện, hết sức căng thẳng gay cấn. Sau đó, đàn tỳ bà tiếp tục hòa quyện với giai điệu chính của bản nhạc, khơi dậy nhiệt huyết tràn đầy và tráng chí hào hùng bảo vệ quốc gia của các binh sĩ, khiến thính giả cũng không khỏi phấn chấn.
Cuối cùng, trống cái, trống định âm, trống quân, chũm chọe và đại la diễn xuất đoạn cao trào nhất của toàn bộ bản nhạc “Đường trận.” Đoạn nhạc lặp lại tiết tấu nhanh của bản nhạc lúc mở đầu cùng với giai điệu chính đầu tiên, còn có sự tham gia diễn tấu của kèn lệnh.
Đoạn cao trào cuối cùng này, càng làm cho thính giả liên tưởng đến cảnh tượng hàng vạn binh sĩ tay cầm mâu dài hoặc tấm khiên, không ngừng biến đổi đội hình, tư thế hiên ngang mà tráng lệ, khí phách hào hùng bách chiến bách thắng, khí thế nuốt trọn sơn hà.
Lịch sử nhân loại có không ít các cuộc chiến tranh, nhưng một quốc gia có quân đội hùng mạnh thì không có nghĩa là nhất định sẽ bị cuốn vào cuộc chiến. Có câu nói rằng, “Dưỡng binh thiên nhật, dụng binh nhất thời” (nuôi quân ngàn ngày, dùng quân một giờ). Cho dù trong những năm tháng không có chiến sự, thiên hạ thái bình, thì việc huấn luyện binh sĩ cũng không thể lơi lỏng. Từ cổ chí kim, dù ở đất nước nào, thì việc làm một quân nhân bảo vệ quốc gia, vẫn luôn là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả.
Giai điệu chính cuối cùng của bản nhạc dâng trào cảm xúc, sức cuốn hút càng thêm mãnh liệt, đồng thời khiến thính giả cảm động và liên tưởng đến cuộc sống hàng ngày của bản thân. Vô luận là chuyên tâm học tập, hay rong ruổi trên thương trường, hoặc lựa chọn con đường tu hành, thì đều cũng cần giống như cuộc sống quân ngũ. Ngày qua ngày, năm qua năm, chỉ có trước sau không buông lơi, tinh tấn như thuở ban đầu, thì mới có thể đến được bến bờ thành công.
Mời quý vị thưởng thức video đầy đủ:
Mời quý vị xem video phân tích:
https://www.shenyuncreations.com/zh-TW/video/
Chào mừng quý vị tìm hiểu thêm:
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ