Bộ não thông minh giải quyết thông tin phức tạp chậm hơn so với bình thường

Bạn nghĩ rằng những người thông minh suy nghĩ nhanh hơn?

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây phát hiện điều này chỉ đúng với những vấn đề đơn giản. Khi độ khó tăng lên, người có IQ cao lại thường mất nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề.

Kết quả đáng ngạc nhiên này được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc BIH và Charité—Universitätsmedizin Berlin, cùng một đồng nghiệp từ Barcelona, người đã công bố kết luận trên tập san Nature Communications.

Các nhà nghiên cứu đã sắp xếp một bài kiểm tra cho 650 người tham gia, yêu cầu họ xem một số mẫu nhất định và tìm ra quy tắc đằng sau đó. Các mẫu được sắp xếp với độ khó tăng dần.

Họ sau đó đã đo chỉ số IQ của người tham gia bằng các bài kiểm tra thông thường, cũng như mối liên quan giữa chỉ số IQ, các mẫu kích hoạt và hiệu suất bài kiểm tra tổng thể.

Một trong những nhà nghiên cứu, Giáo sư Petra Ritter thuộc Berlin Institute of Health in der Charité, cho biết trong một tuyên bố được đăng tải bởi IFLScience: “Chính sự cân bằng giữa kích thích và ức chế một cách phù hợp của tế bào thần kinh đã ảnh hưởng đến việc ra quyết định và ít nhiều cho phép một người giải quyết vấn đề.”

Kết quả đáng kinh ngạc từ bài kiểm tra

Những người tham gia có chỉ số IQ cao hơn thường nhanh chóng tìm ra giải pháp cho những vấn đề đơn giản. Tuy nhiên, tình huống lại không phải vậy khi sự phức tạp của vấn đề tăng lên. Họ vẫn đưa ra giải pháp chính xác, nhưng lại mất thời gian hơn để trả lời câu hỏi.

Điều này được giải thích rằng, đó là cách bộ não của họ hoạt động. Bộ não của họ dường như kiên nhẫn hơn khi tất cả các khu vực trong não sẽ trải qua những quá trình cần thiết thay vì vội vàng đưa ra kết luận nếu chỉ giải được một số câu đố.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng phản ứng trì hoãn này bắt nguồn từ sự phối hợp của các con đường tâm thần, do những người có IQ cao có bộ não đồng bộ hơn. Điều này có nghĩa là, các mạch thần kinh ở thùy trước của họ sẽ bị ức chế lại, và chỉ đưa ra quyết định khi tất cả các phần của não dành thời gian giải quyết thông tin được yêu cầu.

Tác giả chính của bài báo, Giáo sư Michael Schirner, một nhà khoa học thuộc Khoa Thần kinh và Thần kinh học Thực nghiệm, Charité, Đại học Universitätsmedizin Berlin, Đức, cho biết: “Trong các nhiệm vụ khó khăn hơn, bạn phải lưu trữ tiến trình trước đó trong bộ nhớ làm việc trong khi khám phá các lộ trình giải pháp khác và sau đó tích hợp chúng lại với nhau.”

Ông Schirner cho biết thêm: “Việc thu thập bằng chứng cho một giải pháp cụ thể đôi khi mất nhiều thời gian hơn, nhưng cũng mang lại kết quả tốt hơn.”

So sánh với bộ não Silico

Bà Ritter và đồng nghiệp sau đó quyết định so sánh dữ liệu này với dữ liệu từ mô hình não người ‘nói chung’ được tạo ra từ quá trình quét não và mô hình toán học, hay còn gọi là ‘bộ não silico’ hoặc mô phỏng bộ não trên máy tính.

Bà Ritter nói với MedicalXpress: “Chúng tôi có thể tái tạo hoạt động của từng bộ não một cách hiệu quả.”

Kết quả cho thấy phản ứng của người tham gia và bộ não nhân tạo có sự trùng khớp với nhau.

Bà Ritter giải thích: “Trong quá trình này, chúng tôi phát hiện những bộ não silico này hoạt động khác nhau — và theo cách tương tự như bộ não sinh học. Các hình đại diện ảo của chúng tôi phù hợp với hiệu suất trí tuệ và thời gian phản ứng của các chất tương tự sinh học.”

Các nhà nghiên cứu hy vọng thí nghiệm này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về chức năng của não và tìm ra mục tiêu can thiệp cụ thể cho những người mắc bệnh thoái hóa thần kinh.

Bộ não Silico là gì?

Bộ não silico lần đầu được biết đến như một phần của dự án của nhà nghiên cứu Henry Markram, người đã khởi xướng Dự án Não người (HBP) và Dự án Não xanh (BBP), nhằm tìm cách mô phỏng não người trên máy tính.

Bộ não silico đề cập đến mô hình điện toán hay sự mô phỏng bộ não bằng các thuật toán và kỹ thuật máy tính. Mục tiêu của ông Markham là tái tạo cấu trúc và chức năng của não người trên hệ thống máy tính, bao gồm mô hình hóa các tương tác phức tạp của tế bào thần kinh, synapses và vòng mạch thần kinh, vốn là cơ sở cho chức năng não.

Ông Markham đã đạt được một số thành tựu nhất định với dự án BBP vào năm 2015, phát hành sự mô phỏng của 30,000 tế bào thần kinh chuột. Tuy nhiên, đây chỉ là 0.15% bộ não của loài gặm nhấm.

Ông hy vọng rằng, bằng cách mô phỏng bộ não trên máy tính, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động và nghiên cứu hành vi của não trong các điều kiện khác nhau và có khả năng phát triển các phương pháp điều trị bệnh và rối loạn liên quan đến não.

Tuy nhiên, các dự án do ông Markham điều hành đã bị chỉ trích nặng nề. Nhiều nhà thần kinh cho rằng ý tưởng lập ra một bản đồ về cách các neuron kết nối và hợp tác cũng như cách não hình thành các quyết định và trí nhớ là vô lý.

Cô Anne Churchland từ Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor nói với The Atlantic: “Tôi không rõ bản chất quy mô rất lớn của mô phỏng là để làm gì.”

Cô Churchland và nhóm của mình đã làm việc trên mô phỏng mạng lưới tế bào thần kinh để nghiên cứu cách thức bộ não kết hợp thông tin thị giác và thính giác.

“Tôi có thể thực hiện điều đó với hàng trăm nghìn tế bào thần kinh và không rõ nó sẽ mang lại điều gì, ví dụ như sẽ đưa ra quyết định gì cho tôi nếu tôi có 70 tỷ,” cô nói.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Irina Antonova
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Irina Antonova có bằng Thạc sĩ Khoa học (M.S.) về Di truyền học (từ Bulgaria) và Tiến sĩ (Ph.D) Công nghệ sinh học (từ Australia). Trong suốt sự nghiệp của mình, cô Irina làm việc với tư cách là nhà khoa học trong học viện và ngành công nghiệp, đồng thời giảng dạy tại các trường đại học. Cô ưa thích tìm hiểu về những bí ẩn của tâm trí, cơ thể, cuộc sống và vũ trụ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn