Các nhà nghiên cứu kêu gọi xem lại tính an toàn lâu dài của probiotics

Bằng chứng khoa học mới cho thấy cần xem xét kỹ hơn tính an toàn dài hạn của probiotics sau một bài đánh giá mới về lợi khuẩn của các chuyên gia về khoa học thực phẩm, vi sinh và các lĩnh vực liên quan đến y tế khác.

Mục tiêu của họ là tìm hiểu mức độ an toàn của probiotic (men vi sinh) khi ngày càng được sử dụng không chỉ cho người bệnh mà còn dùng làm thực phẩm và chế phẩm bổ sung cho những người tiêu dùng khỏe mạnh.

Đánh giá mới này được đăng trên tập san Gut Microbes, cho thấy việc sử dụng probiotic không hoàn toàn vô hại.

Tiến sĩ Mary Ellen Sanders, một trong những tác giả nghiên cứu, nói với Medical Express rằng: “Mặc dù probiotic truyền thống được ghi nhận có độ an toàn cao dựa trên nhiều thử nghiệm lâm sàng đã công bố và lịch sử sử dụng an toàn, nhưng không phải mọi trường hợp đều an toàn như nhau. Probiotic được dùng cho các quần thể có nguy cơ phải phù hợp với mục đích, trong một số trường hợp cần kiểm tra kỹ lưỡng hơn về mức độ an toàn.”

Giáo sư Daniel Merenstein, tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng mặc dù probiotic được chứng minh là có hiệu quả trong một số chỉ định, nhưng luôn ẩn chứa nguy cơ gây hại, đặc biệt là sau khi sử dụng thời gian dài.

Ông cho biết: “Cần phải làm tốt việc đánh giá tác hại trong các thử nghiệm trên người. Các tài liệu hiện có chứng minh rằng probiotic có độ an toàn cao khi dùng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tương tự như hầu hết các can thiệp mà chúng ta dùng trong y khoa, tác động dài hạn vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.”

Hiệp hội Khoa học Quốc tế về Probiotic và Prebiotic (ISAPP) đã tập hợp 17 chuyên gia trong bài đánh giá để nghiên cứu về tính an toàn dài hạn của các loại probiotic mới.

Lo ngại về an toàn

Các nhà khoa học tuyên bố rằng một trong những lo ngại về tính an toàn lâu dài của probiotic là sự tồn tại của ô nhiễm vi sinh vật bởi vì thực tế probiotic là một tập hợp sinh vật sống – vi khuẩn, do đó nguy cơ nhiễm phải mầm bệnh trong chế phẩm probiotic cao hơn so với các sản phẩm tiệt trùng.

Yếu tố nguy cơ khác là tăng thời gian tiếp xúc lâu dài với lợi khuẩn trong probiotic. Các nguy cơ tiềm ẩn ở đây là:

– probiotic có thể thay thế một số loại vi khuẩn có các chức năng quan trọng.

– probiotic có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng hoặc/và cấu trúc hệ vi sinh vật hiện có trong ruột;

– nếu hàng rào ruột bị phá vỡ, probiotic có thể đi xuyên qua lỗ thủng và gây ra nhiễm trùng xâm lấn.

Khuyến nghị chung của các tác giả

Trong bài báo, các tác giả cho rằng các cơ quan chức năng nên biết về các khuyến nghị sau đây.

1. Chất lượng probiotic

  • Thực phẩm bổ sung probiotic nhắm vào các nhóm người dễ bị tổn thương cần trải qua quá trình xác minh của bên thứ ba về chất lượng sản phẩm (độ tinh khiết, hiệu lực, và đặc tính), là những tiêu chí được ghi rõ ràng trên nhãn bao bì.
  • Những sản phẩm như vậy cũng nên trải qua quá trình thử nghiệm để đáp ứng với các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với người dân.
  • Thỏa thuận trực tiếp với các nhà sản xuất probiotic có thể giúp ích cho việc phát triển các sản phẩm nhằm đạt được các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn.
  • Các nhãn sản phẩm lý tưởng cần truyền đạt các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn.

2. Báo cáo các biến cố bất lợi

  • Tất cả các thử nghiệm lâm sàng nên thu thập và báo cáo dữ liệu về các biến cố bất lợi một cách chặt chẽ.
  • Nên liệt kê và xác định các biến cố phù hợp với các tiêu chí được tiêu chuẩn hóa.
  • Đối với mỗi nhánh nghiên cứu, rủi ro tuyệt đối của từng biến cố bất lợi, việc sử dụng các số liệu thích hợp cho các biến cố lặp lại và số lượng người tham gia rút lui do tác hại phải được trình bày.
  • Trình bày một cuộc thảo luận cân bằng về những lợi ích và tác hại.

3. Ghi nhãn sản phẩm probiotic

  • Công thức của sản phẩm probiotic nên loại bỏ các sản phẩm probiotic không xác định đầy đủ về vi sinh vật có ích (chi, loài, chủng) và hiệu lực trong suốt thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Vì mối quan tâm chính của các nhà khoa học là tác dụng lâu dài của việc sử dụng probiotic, họ tuyên bố rằng để đạt được điều này, cần phải biết được cấu trúc di truyền của vi sinh vật tương ứng. Đây là việc không chỉ quan trọng cho việc định danh chủng loài của vi sinh vật mà còn giúp biết được liệu vi sinh vật đó có bất kỳ gene đáng lo ngại nào có thể gây độc hoặc kháng kháng sinh hay không.

Probiotic, Prebiotic, và Postbiotic

Thời nay khi nói đến sức khỏe đường ruột, chúng ta không chỉ nghe về probiotic mà còn có prebiotic và postbiotic, khiến những khái niệm này đôi khi khó phân biệt – vậy điểm khác biệt là gì?

Probiotic

Probiotic là các vi sinh vật sống có ích cho sức khỏe, đặc biệt là cho hệ tiêu hóa.

Các vi sinh vật này thường có trong các loại thực phẩm như sữa chua, nấm sữa kefir, kimchi, dưa cải bắp, và kombucha.

Probiotic giúp khôi phục sự cân bằng của lợi khuẩn trong đường ruột và có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm:

  • Cải thiện sức khỏe tiêu hóa: Probiotic giúp giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh viêm ruột (IBD), và tiêu chảy.
  • Tăng hệ miễn dịch: Probiotic có thể giúp nâng cao hệ miễn dịch bằng cách sản xuất một số kháng thể và kích thích hoạt động của các tế bào miễn dịch.
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng: Probiotic có thể giúp phòng ngừa và điều trị nhiều loại nhiễm trùng khác nhau như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng âm đạo, và nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Cải thiện sức khỏe tinh thần: Có bằng chứng cho rằng probiotic có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần bằng việc giảm các triệu chứng lo lắng và trầm cảm.
  • Các lợi ích tiềm năng khác: Probiotic cũng có thể có nhiều lợi ích tiềm năng đối với làn da, kiểm soát cân nặng, và giảm nguy cơ bị một số loại ung thư.

Prebiotic

Prebiotic là một loại chất xơ không được cơ thể con người tiêu hóa mà dùng làm thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột.

Loại chất xơ này có thể được tìm thấy trong một số loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như hành, tỏi, tỏi tây, chuối và măng tây, cũng như trong một số loại ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.

Khi đến đại tràng, prebiotic sẽ được hệ vi sinh vật đường ruột lên men, tạo ra các acid béo chuỗi ngắn. Những acid này được chứng minh là có một số lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện sức khỏe đường ruột, giảm viêm, và tăng khả năng miễn dịch.

Tiêu thụ prebiotic cũng có thể giúp đẩy mạnh sự phát triển của các lợi khuẩn đường ruột, chẳng hạn như Bifidobacteria và Lactobacilli. Những vi khuẩn này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và bảo vệ chống lại các mầm bệnh gây hại.

Postbiotic

Postbiotic là những hợp chất có hoạt tính sinh học được tạo ra nhờ quá trình lên men của vi khuẩn probiotic trong đường ruột.

Chúng là những thành phần vi khuẩn không sống hoặc các sản phẩm phụ trao đổi chất, chẳng hạn như acid hữu cơ, enzyme, peptide, and polysaccharide.

Không giống như probiotic gồm những vi sinh vật sống, postbiotic không chứa vi sinh vật sống, khiến cho sản phẩm này ổn định và dễ sử dụng hơn trong các thực phẩm bổ sung và chức năng.

Postbiotic được chứng minh là có một số lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện chức năng của hàng rào đường ruột, giảm viêm, và tăng khả năng miễn dịch. Postbiotic cũng có thể có các đặc tính chống oxy hóa và có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh kinh niên, chẳng hạn như tiểu đường loại 2, béo phì, và bệnh tim mạch.

Một số ví dụ phổ biến về postbiotic bao gồm các acid béo chuỗi ngắn, được tạo ra nhờ quá trình lên men từ chất xơ của vi khuẩn đường ruột.

Probiotic, prebiotic, postbiotic đều có ích cho sức khỏe đường ruột, nhưng như đã mô tả ở trên, những sản phẩm này đều khác nhau về bản chất và chức năng.

Prebiotic là ‘thức ăn’ cho probiotic, và khi probiotic trải qua quá trình lên men sẽ tạo ra postbiotic; mặc dù khác nhau về bản chất và chức năng, cả ba sản phẩm này đều cần thiết cho sức khỏe đường ruột tối ưu và sức khỏe tổng thể.

Điều quan trọng cần lưu ý là hiệu quả của probiotic, prebiotic, postbiotic có thể khác nhau. Do đó, cần phải tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu điều trị bằng probiotic, prebiotic hoặc postbiotics, đặc biệt là nếu bạn có bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn nào hoặc đang dùng thuốc.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Irina Antonova
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Irina Antonova có bằng Thạc sĩ Khoa học (M.S.) về Di truyền học (từ Bulgaria) và Tiến sĩ (Ph.D) Công nghệ sinh học (từ Australia). Trong suốt sự nghiệp của mình, cô Irina làm việc với tư cách là nhà khoa học trong học viện và ngành công nghiệp, đồng thời giảng dạy tại các trường đại học. Cô ưa thích tìm hiểu về những bí ẩn của tâm trí, cơ thể, cuộc sống và vũ trụ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn