Nghiên cứu: Cần sa có thể thay đổi DNA của con người

Việc dùng cần sa đang gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, khiến một số chuyên gia lo lắng.

Theo một nghiên cứu mới đây, cần sa có thể làm thay đổi DNA, gây đột biến gene và dẫn đến những tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Cần sa— còn được gọi là marijuana/cannabis—là một trong những loại ma túy phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Việc dùng cần sa đang gia tăng đáng kể trong những năm qua, và một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 42.3 triệu người đã dùng trong tháng vừa rồi.

Tình trạng ngày càng tăng này khiến một số chuyên gia cảm thấy lo ngại.

Các rủi ro sức khỏe của cần sa

Nghiên cứu được công bố trên tập san Molecular Psychiatry (Tâm thần học phân tử), phân tích dữ liệu từ khoảng 9,500 người đến từ các nhóm khác nhau, gồm cha mẹ và con cái, cặp song sinh, và người cao niên.

Các tác giả xem xét quá trình methyl hóa DNA, một chỉ số về kết quả sức khỏe tiềm ẩn qua cách biểu hiện gene. Các phân tích bộ gene được đánh giá theo nhóm di truyền và điều chỉnh theo độ tuổi, giới tính, thói quen hút thuốc và nhóm máu.

Các tác giả phát hiện năm gene bị methyl hóa DNA có các vị trí liên quan đến cần sa, với những vai trò quan trọng cho tình trạng sức khỏe của người. Năm gene này gồm có một gene (LINC01132) liên quan đến ung thư gan và ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, một nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ mắc ung thư gan thấp hơn ở những người dùng cần sa.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện hóa chất trong cần sa, gồm cả hoạt chất THC (tetrahydrocannabinol), làm thay đổi DNA của người dùng, có thể dẫn đến đột biến gene và tăng nguy cơ bị bệnh.

Tìm hiểu về quá trình methyl hóa DNA

Quá trình methyl hóa DNA là một cơ chế biểu sinh cơ bản điều chỉnh sự biểu hiện gene mà không làm thay đổi trình tự DNA.

Các kiểu methyl hóa có thể di truyền và thay đổi theo thời gian để đáp ứng với những yếu tố môi trường khác nhau, bao gồm cách ăn uống, lối sống và việc tiếp xúc với chất gây nghiện.

Các kiểu methyl hóa DNA bị thay đổi có liên quan đến một số bệnh lý, như ung thư, rối loạn phát triển và bệnh thần kinh. Các yếu tố như lão hóa, phơi nhiễm môi trường và một số loại thuốc nhất định có thể tác động đến kiểu methyl hóa DNA, từ đó ảnh hưởng đến sự điều hòa gene và chức năng tế bào.

Nghiên cứu về methyl hóa DNA tiếp tục khám phá những vai trò trong quá trình sinh học và bệnh tật khác nhau, cung cấp hiểu biết sâu sắc về giải pháp can thiệp trị liệu và chiến lược chẩn đoán tiềm năng.

Cần sa ảnh hưởng đến thế hệ tương lai như thế nào?

Các tác giả của một nghiên cứu trước đây, ông Gary Hulse và Albert Stuart Reece đến từ Trường Khoa học Tâm thần và Lâm sàng tại Đại học Tây Úc, chỉ ra mối liên quan giữa cần sa và các nguy cơ sức khỏe cũng như những ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.

Các nhà khoa học lo ngại rằng ngay cả khi người dùng không bị bệnh do đột biến gene liên quan đến cần sa, họ vẫn có thể truyền đột biến đó cho con của họ và cho cháu của họ.

Ông Reece cho biết trong một tuyên bố truyền thông của Đại học Tây Úc vào ngày 24/05/2016, “Ngay cả khi người mẹ chưa bao giờ dùng cần sa trong đời, thì các đột biến do tinh trùng của người cha truyền lại có thể dẫn đến bệnh nghiêm trọng và gây tử vong cho đứa trẻ.”

“Cha mẹ có thể không nhận ra họ đang mang những đột biến này, chúng nằm im và chỉ ảnh hưởng đến thế hệ sau, đó là khía cạnh đáng báo động nhất.”

Hóa chất trong cần sa có thể thay đổi DNA và làm chậm sự phát triển của tế bào. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng với một bào thai đang phát triển, điều này có thể dẫn đến các chi hoặc cơ quan kém phát triển hoặc thậm chí là ung thư.

Ông Reece giải thích trong thông cáo báo chí, “Những căn bệnh ung thư xấu nhất trong vài năm đầu đời của trẻ được báo cáo ở những trường hợp tiếp xúc với cần sa trong tử cung.”

Người dùng cần sa phải cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích

Cần sa là một loại cây được dùng cho nhiều mục đích khác nhau trong nhiều thế kỷ. Cần sa chứa hàng trăm hợp chất hóa học. Hai hợp chất nổi tiếng nhất là THC và cannabidiol (CBD), được gọi là cannabinoid và gây tương tác với hệ thống endocannabinoid của cơ thể. Những tác động này ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau như tâm trạng, cảm giác thèm ăn, cảm giác đau và trí nhớ.

Cần sa thường được tiêu thụ cho mục đích giải trí hoặc y tế. Cách dùng bao gồm hun khói, làm bay hơi, pha như trà hoặc ăn như bánh quy hoặc kẹo.

Tác dụng của cần sa khác nhau tùy theo chủng loại, phương pháp tiêu thụ và khả năng dung nạp của mỗi cá nhân. Một số người cảm thấy thư giãn, thay đổi nhận thức và tăng cảm giác thèm ăn, trong khi những người khác có thể thấy lo lắng hoặc hoang tưởng.

Ngoài ra, cần sa đã được dùng trong các phương pháp điều trị y tế để giảm đau, kiểm soát cơn buồn nôn, giảm cơn động kinh và giảm triệu chứng của một số bệnh lý.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra tác động sức khỏe tiềm ẩn—cả tích cực lẫn tiêu cực—của cần sa. Các kết quả có thể đóng vai trò quan trọng trong công việc của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách khi họ xác định các quy định về cần sa.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Irina Antonova
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Irina Antonova có bằng Thạc sĩ Khoa học (M.S.) về Di truyền học (từ Bulgaria) và Tiến sĩ (Ph.D) Công nghệ sinh học (từ Australia). Trong suốt sự nghiệp của mình, cô Irina làm việc với tư cách là nhà khoa học trong học viện và ngành công nghiệp, đồng thời giảng dạy tại các trường đại học. Cô ưa thích tìm hiểu về những bí ẩn của tâm trí, cơ thể, cuộc sống và vũ trụ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn