Bộ phim ‘Vũ Hán phong thành’ công chiếu ở New York, phản ánh việc ĐCSTQ kiểm duyệt ngôn luận gây ra nhân họa
Phơi bày việc ĐCSTQ che đậy sự thật, quyền tự do ngôn luận của người đưa tin và ký giả công dân bị đàn áp; dịch bệnh vượt tầm kiểm soát và chính quyền muốn đổ lỗi.
Ngày 30/12/2023 là tròn bốn năm bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người tiết lộ thông tin về bệnh viêm phổi do virus corona mới (trong bài viết này gọi là virus Trung Cộng), một bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, cảnh báo về sự xuất hiện của bệnh viêm phổi “không rõ nguyên nhân” ở địa phương.
Bộ phim tài liệu dài hai tiếng có nhan đề “Vũ Hán phong thành” (Wuhan Lockdown) được những người quan tâm đến nhân quyền ở Trung Quốc và dám mạo hiểm mạng sống của mình tài trợ và sản xuất. Bộ phim đang được công chiếu miễn phí ở New York, Los Angeles, Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Đài Loan, … Vào ngày ra mắt bộ phim “Vũ Hán phong thành” ở New York hôm 30/12/2023, Nhà tưởng niệm sự kiện Lục Tứ ở trung tâm thành phố Manhattan đã chật kín khán giả.
Dòng thời gian của bộ phim tài liệu bắt đầu khi bác sĩ Lý Văn Lượng trở thành “người tiết lộ thông tin” về virus Trung Cộng, và kết thúc bằng việc Vũ Hán chính thức dỡ lệnh phong tỏa vào ngày 08/04/2020. Trong 101 ngày này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kiểm soát chặt chẽ dư luận về sự thật dịch bệnh ở Vũ Hán. Bên ngoài thì Đảng này sử dụng chiến binh ngoại giao Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), còn bên trong thì sử dụng truyền thông để ca ngợi những thành tích của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trong công tác phòng chống dịch bệnh, và đổ lỗi cho Hoa Kỳ về nguồn gốc của virus Trung Cộng.
Trong thời gian này, ĐCSTQ đã phát động “văn tự ngục” (án tù liên quan đến lời nói, chữ viết). Hệ thống tuyên truyền, kiểm duyệt của đảng này đã ban hành ít nhất 131 chỉ thị tuyên truyền, xóa bỏ 44 bản tin truyền thông và 229 bài báo truyền thông cá nhân, đồng thời tạo ra ít nhất 638 “án tù liên quan đến lời nói, chữ viết.” Ví dụ, vì viết bài kêu gọi tự do ngôn luận trong thời kỳ dịch bệnh mà cựu Giáo sư Đại học Thanh Hoa Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) đã bị ĐCSTQ giam giữ vì tội “mại dâm,” sau đó bị sa thải khỏi Đại học Thanh Hoa. Các ký giả là công dân Trung Quốc như ông Trần Thu Thực (Chen Qiushi), ông Phương Bân (Fang Bin), bà Trương Triển (Zhang Zhan), và anh Lý Trạch Hoa (Li Zehua), là những người đi đầu trong việc phơi bày sự thật về dịch bệnh Vũ Hán, đều phải chịu sự “tính sổ” tàn khốc của ĐCSTQ.
Vào ngày công chiếu ở New York, nhà sản xuất phim tài liệu Vương Đan (Wang Dan) không thể tham dự sự kiện. Ông nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trong một bức thư rằng sự thật chủ yếu mà bộ phim “Vũ Hán phong thành” mang đến cho người dân Trung Quốc là: “Quốc gia này không hề có tự do ngôn luận, mà chỉ mang đến những thảm họa nghiêm trọng cho toàn thể nhân loại, và trước hết là cho chính người dân của mình. Tự do ngôn luận tuyệt nhiên không phải chỉ là một loại giá trị quan, mà còn liên quan đến sinh mạng và tài sản của người dân.”
Ông Vương nói: “Tôi hy vọng bộ phim tài liệu này sẽ một lần nữa nhắc nhở với toàn thế giới rằng, sự thống trị của ĐCSTQ là một chế độ phát xít, sớm muộn sẽ gây hại cho toàn thế giới, và quyết không thể thi hành chính sách xoa dịu đối với nó.”
Tại buổi ra mắt ở New York, ông Hồ Bình (Hu Ping), một học giả ủng hộ dân chủ nổi tiếng ở hải ngoại và là chủ biên danh dự của tờ “Mùa xuân Bắc Kinh,” cùng anh Terry, một thanh niên người Hồng Kông quan tâm đến dân chủ ở Hồng Kông và Trung Quốc, cũng đã có mặt và giao lưu trò chuyện. Hai người đều thể hiện sự lo ngại trước việc ĐCSTQ kiểm soát quyền tự do ngôn luận khiến dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát và tạo thành nhân họa.
Ông Hồ Bình nói rằng liễu giải nguồn gốc dịch bệnh virus Trung Cộng và truy cứu trách nhiệm, “đây là nhiệm vụ còn dang dở trước mắt mỗi chúng ta. Đặc biệt cần nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận khi đối mặt với những sự việc như vậy.”
Anh Terry cho biết mặc dù Trung Quốc có hệ thống phòng chống và kiểm soát dịch bệnh hạng nhất, nhưng hệ thống này không khởi tác dụng như bình thường vì “không có tự do ngôn luận.” Theo anh, chừng nào lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình còn tiếp tục kiểm soát quyền tự do ngôn luận, thì tình trạng dịch bệnh bi thảm tương tự “vẫn rất có thể xảy ra lần nữa.”
Anh Terry nói: “Đây là lý do tại sao mọi người cần tưởng nhớ lại những người đã thiệt mạng trong (dịch bệnh) Vũ Hán và những ký giả công dân bị bắt ở Vũ Hán.”
Ông Vương (Wang, bí danh), một khán giả đến từ miền bắc Trung Quốc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, ông đang ở quê nhà khi dịch bệnh Vũ Hán vừa bùng phát. Vì có thói quen “vượt tường lửa” nên ngay sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng tiết lộ thông tin, ông đã biết “có chuyện xảy ra ở Vũ Hán.” Ông nhớ lại, chỉ một tháng trước đó, đã có những trường hợp bị bệnh dịch hạch ở Nội Mông Cổ và những nơi khác ở miền bắc Trung Quốc, nhưng tin tức này cũng bị chính quyền dập tắt.
Ông Vương tiết lộ, chứng kiến những gì xảy ra với bác sĩ Lý Văn Lượng khiến ông mặc dù lo lắng và mong muốn có nhiều người thân, bằng hữu xung quanh biết được sự thật, nhưng ông không dám đưa tin lên mạng Internet. Cảm giác đè nén đó khiến ông vô cùng thống khổ. Bây giờ đã bốn năm trôi qua, ông đã ở thế giới tự do, nhưng khi xem phim, cảm giác bị áp bức ấy vẫn gợi lên như cũ.
“Tôi nhớ trong buổi họp mặt gia đình cuối cùng trước Tết Nguyên Đán năm 2020, tôi chỉ có thể thì thầm với những người thân thích của mình bằng giọng điệu rất thận trọng và tuyệt vọng rằng ‘Miền Bắc đang có dịch hạch, miền Nam có dịch SARS. Hãy ở nhà trong dịp Tết Nguyên đán, đừng đưa con cái đi đâu chơi cả’”, ông Vương kể.
Những câu chuyện tiếp theo về các nhân vật trong bộ phim “Vũ Hán phong thành”:
1. Cô Dương Mẫn (Yang Min): Một trong những người được phỏng vấn của bộ phim “Vũ Hán phong thành.” Trong thời gian Vũ Hán bị phong tỏa, khi cô Dương Mẫn tỉnh dậy từ phòng chăm sóc đặc biệt, cô phát hiện con gái yêu quý của mình đã bị virus Vũ Hán cướp đi sinh mạng. Từ đó, cô bắt đầu đi tìm công lý cho sự ra đi của con gái, vì cô tin rằng chính quyền che giấu dịch bệnh khiến con gái cô thiệt mạng. Nhưng cũng vì điều này mà cô Dương bắt đầu bị cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ và trấn áp. Mùa xuân năm 2023, cô bỏ trốn cùng các nhà hoạt động nhân quyền Vũ Hán. Trải qua nhiều biến cố, cô đến được Hà Lan hồi tháng 06/2023. Cô mang theo hai giấy chứng tử của con gái mình, đó là bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đang nói dối.
2. Anh Trương Hải (Zhang Hai): Một trong những người được phỏng vấn trong “Vũ Hán phong thành.” Sau khi cha qua đời vì dịch bệnh, anh Trương đã cáo buộc chính quyền che giấu dịch bệnh và yêu cầu bồi thường, đồng thời công khai ba bức thư gửi lãnh đạo Tập Cận Bình. Anh cũng tích cực lên tiếng cho các nhóm người yếu thế và trở thành một trong những nhà bảo vệ nhân quyền tích cực nhất. Tháng 02/2023, anh Trương bị đưa đi khỏi nhà ở Thâm Quyến vì ủng hộ những người về hưu ở Vũ Hán phản đối “cải cách chăm sóc sức khỏe,” và bị bắt giữ vào tháng 04/2023.
3. Ông Lư Dục Vũ (Lu Yuyu): Nhà sản xuất chính của bộ phim “Vũ Hán phong thành.” Đầu năm 2023, ông Lư Dục Vũ bắt đầu lên kế hoạch đào thoát sau khi hoàn thành sơ bộ bộ phim tài liệu. Vì không có hộ chiếu nên ông vượt núi từ Quảng Tây đến biên giới Lào, sau đó đến Thái Lan để vào trại tị nạn quốc tế, rồi lưu vong sang Canada vào tháng 09/2023.
4. Ông Phương Bân (Fang Bin): Một trong những ký giả công dân trong phim tài liệu, công dân thành phố Vũ Hán. Sau khi dịch bệnh Vũ Hán bùng phát, ông đến bệnh viện để quay phim sự thật về những người thiệt mạng trong trận dịch. Tháng 02/2020, ông mất tích sau nhiều lần quay phim và công bố video, không rõ tung tích. Ngày 01/05/2023, ông Phương được ra tù, nhưng gia đình ông bị ĐCSTQ gây áp lực và không dám để ông sống cùng. Kết quả là ông Phương lưu lạc ngoài đường phố và bị giám sát nghiêm ngặt.
5. Cô Trương Triển (Zhang Zhan): Một trong những ký giả công dân trong bộ phim tài liệu. Tháng 05/2020, cô bị cảnh sát Thượng Hải bắt giữ và bị kết án 04 năm tù vào tháng 09/2020. Cô tuyệt thực trong tù để kháng nghị, nhiều lần được cho là đang trong tình trạng nguy kịch. Hiện nay cô Trương vẫn còn bị giam giữ tại Nhà tù nữ Thượng Hải.
6. HY: Bạn của ông Phương Bân, trợ giúp ông Phương quay video. Trong thời gian phong tỏa, anh đã làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán và cũng quay nhiều video nên bị theo dõi chặt chẽ. Năm 2023, anh HY và cô Dương Mẫn cùng nhau đào thoát khỏi Trung Quốc, bay đến Nam Mỹ để “đi đường vòng” sang Hoa Kỳ và hiện đang sống ở California.