Các nhà lập pháp, các nhà hoạt động kêu gọi đối đầu với cuộc đàn áp xuyên quốc gia ‘tinh vi và toàn diện nhất’ của Trung Quốc
Cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ, nhằm mục đích bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến, đã trở thành tâm điểm chú ý tại một trong các cơ quan của Quốc hội Hoa Kỳ.
Cuộc đàn áp xuyên quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một kế hoạch trải rộng vượt xa biên giới của nước này, đồng thời dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến, đã được chú ý trong phiên điều trần của một cơ quan Quốc hội Hoa Kỳ hôm 12/09.
Các nhân chứng, từ các nhà lập pháp đến những người bất đồng chính kiến, đã ra làm chứng trước Ủy ban Điều hành lưỡng đảng và lưỡng viện về Trung Quốc (CECC).
Trong bài diễn thuyết khai mạc, Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa – New Jersey), cũng là đồng chủ tịch của CECC, cho biết: “ĐCSTQ đã tiến hành một chiến dịch cưỡng bức lan rộng khắp thế giới nhằm chống lại bất kỳ ai bất đồng với đảng này.”
Ông Smith kể lại rằng tác phẩm điêu khắc khổng lồ ở công viên California đã biếm họa phần đầu của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thành phân tử Coronavirus. Ông nói: “Đó là một tác phẩm nghệ thuật táo bạo, quy trách nhiệm cho ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình một cách thích đáng, cụ thể là về đại dịch kinh hoàng và tất cả những sai lầm đã mắc phải, đặc biệt là trong những tháng đầu gây chấn động thế giới.”
Không lâu sau khi được khánh thành vào tháng 06/2021, bức tượng đã bị phá hoại và thiêu rụi.
Những lời buộc tội được công tố viên liên bang công bố vào năm 2022 đã cáo buộc ba đặc vụ Trung Quốc âm mưu phá hoại tác phẩm nghệ thuật và quan trọng hơn là theo dõi nhà điêu khắc đang sinh sống tại Los Angeles, vốn là một người chỉ trích ĐCSTQ. Bộ Tư pháp cáo buộc những người này đã tiếp tay cho “kế hoạch đàn áp xuyên quốc gia” của chế độ, nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến sinh sống tại Hoa Kỳ.
Ông Smith nói rằng, đáng tiếc, đó không phải là trường hợp hiếm gặp.
Nhắc lại nhận định của mình, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ – Oregon), đồng chủ tịch của CECC, mô tả số vụ việc chưa được phát hiện liên quan đến cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ, cả ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, là “đáng lo ngại.”
Ông cho biết, tuy nhiên, còn vô số trường hợp khác có thể đã không được báo cáo.
Ông Merkley nói: “Tôi hình dung rằng với mỗi trường hợp, chúng ta lại nghe nói rằng có thêm 10 trường hợp khác mà chúng ta không thể biết.”
Đầu năm nay, ông Merkley đã đệ trình một dự luật lưỡng đảng, Đạo luật Chính sách Đàn áp xuyên Quốc gia, cùng với các Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Ben Cardin (Dân Chủ-Maryland), và Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee). Ông nói, dự luật này nhằm mục đích buộc “các chính phủ và cá nhân ngoại quốc phải chịu trách nhiệm khi họ rình rập, đe dọa, hoặc tấn công người dân xuyên biên giới.”
Bà Yana Gorokhovskaia, Giám đốc nghiên cứu chiến lược và thiết lập của tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn cho biết, chính quyền Trung Quốc chiếm khoảng 30% trong tổng số vụ đàn áp xuyên quốc gia mà tổ chức của bà ghi nhận được.
Bà Gorokhovskaia nói: “Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia phức tạp và toàn diện nhất thế giới bằng cách sử dụng một loạt các chiến thuật vật lý, kỹ thuật số, và tâm lý để cố gắng bịt miệng những người được xem là mối đe dọa”.
Bà cho biết, chiến dịch sâu rộng này nhắm đến nhiều đối tượng là Hoa kiều, gồm các nhà báo, sinh viên, nghệ sĩ, và các nhóm tôn giáo như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và các học viên Pháp Luân Công.
Bà cho biết thêm, trong đó cũng bao gồm “bất kỳ ai đủ dũng cảm để chỉ trích ĐCSTQ”, chẳng hạn như các nhà lập pháp.
Quấy rối nhà lập pháp
Ông Michael Chong, một thành viên Quốc hội Canada, người bị chính quyền Trung Quốc nhắm tới, cho biết câu chuyện của ông minh họa cách thức hoạt động của cuộc đàn áp xuyên quốc gia hay sự can thiệp ra ngoại quốc của Bắc Kinh.
Ông Chong, một thành viên Đảng Bảo Thủ đối lập, thường xuyên chỉ trích cuộc đàn áp của chế độ này ở trong và bên ngoài Trung Quốc, kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Phe đối lập vào năm 2020. Đáng chú ý, ông đã đưa ra kiến nghị tuyên bố rằng hành vi ngược đãi của chính quyền Bắc Kinh đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vùng viễn tây Trung Quốc, là tội diệt chủng. Kiến nghị này đã được Quốc hội Canada thông qua. Chế độ cộng sản này sau đó đã đáp trả bằng cách áp các lệnh trừng phạt đối với ông Chong cùng với hai quan chức tự do tôn giáo khác của Hoa Kỳ.
Hồi tháng Năm, qua thông tin trên tờ Globe and Mail của Canada, ông Chong đã biết được rằng kể từ năm 2020, một nhà ngoại giao Trung Quốc đã thu thập thông tin để nhắm mục tiêu vào ông và gia đình ông ở Hồng Kông. Ông cho biết, tờ báo này trích dẫn một báo cáo vào tháng 07/2021 của Cơ quan Tình báo An ninh Canada, và sự hiện hữu của việc đánh giá nội bộ sau đó đã được chính phủ Canada xác nhận.
Tháng trước, ông Chong được biết rằng bản thân ông và các thành viên trong gia đình là mục tiêu của một chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến mà chính phủ Canada cho rằng ĐCSTQ có thể đã đóng một vai trò nào đó.
Ông nói, những tin tức sai sự thật về ông xuất hiện trên mạng xã hội Hoa ngữ, đặc biệt là trên WeChat. Hoạt động này kéo dài khoảng một tuần vào tháng Năm.
Ông nói: “Điều này có tính ăn mòn,” đồng thời lưu ý rằng có hơn 1 triệu người dùng WeChat ở Canada và khoảng 5 triệu người trên toàn thế giới. “Họ đã vũ khí hóa mạng xã hội Hoa ngữ và các hãng truyền thông Trung Quốc, chẳng hạn như CGTN, một đài truyền hình nhà nước.”
Tiết lộ này đưa đến việc chính phủ Canada tuyên bố nhà ngoại giao Trung Quốc, Triệu Nguy (Zhao Wei), là “nhân vật không được chào đón” và yêu cầu ông rời đi hôm 08/05. Bắc Kinh trả đũa bằng cách ra lệnh cho bà Jennifer Lalonde, đặc phái viên Canada có trụ sở tại Thượng Hải, rời khỏi quốc gia này.
Tuy nhiên, để bảo vệ những người thân yêu của mình ở Hồng Kông, ông Chong cho biết ông đã cắt đứt liên lạc với họ và bảo đảm rằng họ có thể phần nào được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng từ công việc ông đang làm ở Canada, cũng như nhiều cộng đồng người Hoa khác ở ngoại quốc.
Ông nói: “Vâng, đây là hậu quả, một trong những hậu quả của cuộc đàn áp xuyên quốc gia của [Trung Quốc].”
Ông nói thêm: “Kinh nghiệm của tôi chỉ là một trường hợp về sự can thiệp của Bắc Kinh vào Canada. Rất nhiều trường hợp khác không được báo cáo và không được chú ý, và các nạn nhân phải chịu đựng trong im lặng.”
Đồn công an ở hải ngoại
Tiết lộ gần đây nhất của kế hoạch đàn áp xuyên quốc gia là về các đồn công an Trung Quốc, đã bị nhóm bảo vệ nhân quyền Safeguard Defender phơi bày vào năm ngoái.
Theo một báo cáo mới cập nhật được công bố vào tháng 12/2022, có hơn 100 đồn công an đang hoạt động ở 53 quốc gia, trong đó có 4 đồn ở Hoa Kỳ.
Bà Laura Harth, giám đốc chiến dịch của Safeguard Defender, nhấn mạnh trong phiên điều trần rằng các cơ sở này là kết quả của sự hợp tác giữa các cơ quan công an Trung Quốc và các tổ chức ở hải ngoại có liên hệ với hệ thống mặt trận thống nhất của ĐCSTQ, một cơ quan quyền lực của đảng này đang hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển lợi ích của chế độ ở ngoại quốc, gồm việc thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc, trấn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và tạo thuận tiện cho việc chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố các đồn công an này là để giúp Hoa kiều ở ngoại quốc gia hạn giấy phép lái xe và các nhiệm vụ khác mà thường là do các lãnh sự quán giải quyết.
Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược với những gì chính quyền Trung Quốc tuyên bố. Bà Harth nói: “Bằng chứng từ nguồn mở của chính quyền Trung Quốc và các hãng truyền thông của Nhà nước/Đảng cho thấy sự liên kết trực tiếp của các đồn công an này với hoạt động ‘thuyết phục quay trở về,’ gồm cả bằng chứng video từ một hoạt động như vậy ở Tây Ban Nha.”
Đầu năm nay, FBI đã bắt giữ hai người bị cáo buộc điều hành đồn công an ở thành phố New York thay mặt cho ĐCSTQ. Các công tố viên liên bang ở Brooklyn cho biết đồn công an có nhiệm vụ “theo dõi và đe dọa” những người bất đồng chính kiến là Hoa Kiều ở Hoa Kỳ.
Bà Harth lưu ý rằng những đồn công an này “rõ ràng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà các thành viên của cộng đồng bất đồng chính kiến đã biết đến từ lâu.”
Tổ chức Safeguard Defenders đã liên kết các “đồn công an ở hải ngoại” với kế hoạch xuyên quốc gia của ĐCSTQ, Chiến dịch Săn Cáo, được khai triển vào năm 2014 nhằm đưa các đối tượng mà ĐCSTQ nhắm tới, hồi hương trở về đại lục, để đối mặt với việc bị truy tố.
Trích dẫn dữ liệu chính thức, bà Harth cho biết, thông qua Chiến dịch Săn Cáo và Chiến dịch Sky Net quy mô lớn hơn được khai triển vào năm 2015, chính quyền Trung Quốc tuyên bố từ năm 2014 đến tháng 10/2022, họ đã đưa gần 12,000 người hồi hương.
Bà Harth giải thích về phương pháp này, rằng ngoài quy trình dẫn độ chính thức mà ĐCSTQ khai triển để ép buộc các mục tiêu của họ quay trở lại đại lục, họ còn làm cả những việc như bắt cóc cho đến đe dọa thân quyến ở Trung Quốc.
“Đe dọa và quấy rối, hoặc các hành vi tệ hơn, đối với thân nhân ở quê nhà hoặc các cá nhân ở ngoại quốc bị đe dọa và quấy rối trực tiếp bởi các mật vụ [Trung Quốc], các cá nhân có liên hệ với các đại sứ quán hoặc lãnh sự quán [Trung Quốc], các nhà điều tra tư nhân và các công ty an ninh, các cá nhân bị giam giữ, những người theo chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt hoặc thậm chí là chính các nạn nhân,” bà cho biết.
Bà nói thêm: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thiết lập một nỗ lực thực sự của toàn xã hội, nhằm kiểm soát các cộng đồng hải ngoại trên toàn thế giới và bịt miệng những người bất đồng chính kiến.”
Bà nói: “Những nỗ lực này rõ ràng làm suy yếu các quyền tự do căn bản nhất của các cộng đồng bị nhắm mục tiêu, vi phạm nghiêm trọng các quyền và thủ tục tố tụng hợp pháp của các cá nhân bị ép buộc hồi hương, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và tư pháp của các quốc gia khác.” Bà Harth nói: “Bầu không khí ngờ vực và nỗi sợ hãi lan rộng càng cô lập các cộng đồng và cá nhân bị nhắm mục tiêu ra khỏi môi trường của họ. Họ cũng có thể khiến những cá nhân bị ép buộc thực hiện mệnh lệnh của ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Bà kêu gọi các nước dân chủ thực hiện “một cách tiếp cận tổng thể của chính phủ tương tự để thừa nhận sự đàn áp xuyên quốc gia trước mối đe dọa bên trong như vậy, một mối đe dọa có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ.”
Bịt miệng người Duy Ngô Nhĩ
Bà Rushan Abbas, người đã bỏ công việc toàn thời gian là giám đốc phát triển kinh doanh để trở thành một nhà hoạt động sau khi Bắc Kinh bắt giữ chị gái bà, một bác sĩ y khoa đã nghỉ hưu, đã đưa ra bằng chứng cho ủy ban, kể lại cách chế độ cộng sản sử dụng sự đàn áp xuyên quốc gia để bịt miệng người Duy Ngô Nhĩ.
Năm 2018, sau khi nhận được tin 24 người nhà chồng mất tích và có khả năng đã bị cơ quan chính quyền bắt giữ, bà đã quyết định vạch trần sự việc này. “Vào ngày 05/09/2018, tôi đã nói về số lượng các vụ giam giữ hàng loạt ngày càng tăng và vạch trần các chính sách diệt chủng của ĐCSTQ tại Viện Hudson, ở Hoa Thịnh Đốn.
“Sáu ngày sau, chị gái tôi, [bác sĩ] Gulshan Abbas, bị chế độ đó giam giữ một cách bất công để trả thù cho hoạt động của tôi, quyền tự do ngôn luận của tôi với tư cách là một công dân Hoa Kỳ.”
“Hôm qua là ngày đánh dấu tròn 5 năm chị ấy bị cướp khỏi cuộc đời chúng tôi.”
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc bà Abbas đưa ra những tuyên bố “bịa đặt” về vụ mất tích của chị gái bà, nhưng chính quyền vẫn kín tiếng về tình hình của chị gái bà. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã xác nhận việc chị gái bà bị bỏ tù, điều mà bà nói là “tất cả đều dựa trên những cáo buộc bịa đặt.”
Do sự đàn áp của ĐCSTQ, bà Abbas cho biết chồng bà đã mất liên lạc với người nhà ở Trung Quốc kể từ tháng 04/2017.
“Sau hơn sáu năm, tất cả những gì chúng tôi biết là cha anh ấy đã qua đời cách đây bảy tháng, ngày chính xác và hoàn cảnh xung quanh việc tử vong của ông vẫn chưa được biết.” Bà cho biết, mẹ chồng của bà “dự kiến sẽ được thả khỏi trại tập trung, nhưng bà sống một mình với sức khỏe yếu ớt và không có ai chăm sóc vì bốn đứa con và tất cả các cháu của bà vẫn đang mất tích và có khả năng đang bị giam giữ. “
Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại tập trung ở vùng Tân Cương của Trung Quốc, nơi họ bị cưỡng bức triệt sản, tra tấn, và lao động cưỡng bức. Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác đã coi hành động của Bắc Kinh là tội diệt chủng.
Bà Abbas, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Chiến dịch vì người Duy Ngô Nhĩ có trụ sở tại Virginia, nói với ủy ban rằng tình cảnh của các thành viên trong gia đình bà là “một trong số nhiều cảnh ngộ mà người Duy Ngô Nhĩ ở Hoa Kỳ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong cuộc đời chúng tôi”.
Bà nói: “Nhưng nhiều người trong chúng tôi ngại lên tiếng vì những gì có thể xảy ra với cuộc sống của chúng tôi ở quê nhà”.
Bà Abbas cho biết, FBI, Bộ Ngoại giao, và các cơ quan thực thi pháp luật khác đã liên lạc với bà, “nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ sự trợ giúp hữu hình nào.”
Bà nói: “ĐCSTQ là một mối đe dọa rõ ràng đối với tự do và dân chủ trên thế giới. Các chiến thuật đe dọa và quấy rối trật tự trị an của Trung Quốc đã mở rộng đối với tất cả mọi người.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times