Cách phương Tây tiếp tay cho Bắc Kinh kiểm duyệt thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm
“Bị lật tẩy.” “Nguy hiểm.” “Vô ích.”
Đây là một số thuật ngữ được chụp lên giả thuyết rằng COVID-19 có thể đã lây truyền từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, dù vô tình hay cố ý. Việc gợi ý rằng virus có thể liên quan đến một phòng thí nghiệm của Trung Quốc sẽ nhanh chóng khiến người ta bị gắn mác “người theo thuyết âm mưu.”
Đó là những gì đã xảy ra ít nhất 18 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát từ Trung Quốc, nơi chế độ cộng sản cầm quyền đã nhiều lần cản trở nỗ lực của các ký giả công dân và thế giới bên ngoài để điều tra nguồn gốc của virus, đồng thời che đậy số người tử vong thực sự.
Ba năm trôi qua, thế giới vẫn mù mờ không biết đại dịch đã bắt đầu như thế nào. Nhưng cuộc thảo luận thiên tả đã thay đổi thái độ về lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm. Giả thuyết từng bị phỉ báng này đã trở nên phổ biến, đến mức FBI gần đây đã đứng về phía Bộ Năng lượng khi đánh giá rằng COVID-19 “có khả năng” là kết quả của một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm.
Nhưng đối với nhiều người từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về phòng thí nghiệm Vũ Hán, thì chính phủ Hoa Kỳ đã vào cuộc quá muộn màng.
“Suy nghĩ ban đầu của tôi là họ đã ở đâu trong hai năm rưỡi qua?” Dân biểu Ronny Jackson (Cộng Hòa-Texas), người phụng sự trong Tiểu ban Đặc biệt của Hạ viện về Đại dịch Virus Corona, nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times. “Cả thế giới lẽ ra phải đứng lên và buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tài chính cho những gì đã xảy ra.”
Kiểm duyệt
Những mối lo ngại về phòng thí nghiệm Vũ Hán đã sớm xuất hiện trong thời gian đại dịch.
Vào thời điểm Bắc Kinh vẫn quy cho một khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán miền trung Trung Quốc là nguồn lây nhiễm virus, thì The Epoch Times đã phát hành một bộ phim tài liệu có nhan đề “Truy tìm nguồn gốc của virus corona Vũ Hán”, trong đó thu hút sự chú ý đến Viện Virus học Vũ Hán (WIV) , nơi có một cơ sở an toàn sinh học cấp 4 từng nghiên cứu về virus corona và — như được tiết lộ sau đó — các thí nghiệm có rủi ro cao vốn có thể khiến virus trở nên nguy hiểm hơn.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt, video này đã thu hút hàng chục triệu lượt xem trên các nền tảng khác nhau.
Tuy nhiên, thay vì cho phép xem xét kỹ lưỡng hơn những mối lo ngại này, thì một chiến dịch toàn diện đã được phát động tại Hoa Kỳ để ngăn chặn cuộc thảo luận về vai trò mà phòng thí nghiệm Vũ Hán có thể có trong việc gây ra đại dịch.
Facebook tiếp tục đánh dấu bộ phim tài liệu trên là “sai sự thật,” nhưng một nguồn tin quan trọng phục vụ cho tuyên bố của những người xác minh dữ kiện là không độc lập: một nhà khoa học ở Singapore, người đã làm việc với Viện Virus học Vũ Hán và đã ca ngợi các nhà nghiên cứu của cơ sở này là “có năng lực đáng kinh ngạc,” cần mẫn, và là những nhà khoa học xuất sắc với thành tích đáng nể.”
Sau đó, những tuyên bố này đã bị nghi ngờ khi bằng chứng về các thí nghiệm rủi ro và các tiêu chuẩn an toàn sinh học lỏng lẻo của phòng thí nghiệm này được phơi bày ra ánh sáng. Tuy nhiên vào năm 2020, các bằng chứng này đủ để khiến các kênh truyền thông muốn bưng bít gần như tất cả phải im lặng. Dân biểu tiểu bang Idaho Heather Scott, một thành viên Đảng Cộng Hòa và là một nhà sinh vật học, đã bị các kênh truyền thông địa phương chế giễu vì đã chia sẻ video nói trên và gắn nhãn xác minh tính xác thực.
Trong một bài báo đã được trích dẫn rộng rãi, tờ Washington Post cáo buộc Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa – Arkansas), người đã kêu gọi đặt nghi vấn về phòng thí nghiệm nói trên, vì đã “nhắc lại một thuyết âm mưu về virus corona đã bị lật tẩy.” Vào năm 2021, tờ báo này đã đưa ra một lời đính chính để loại bỏ cụm từ “thuyết âm mưu,” mà họ thừa nhận là một lời mô tả không chính xác vì không có sự đồng thuận về nguồn gốc của COVID.
‘Một điều gì đó rất mờ ám’
Trong khi các cuộc thảo luận cởi mở về nguồn gốc của COVID còn đang bị cấm ở phương Tây, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành một chiến dịch toàn diện nhằm bịt miệng những người chỉ trích cách họ giải quyết đại dịch.
Cơ quan chấp pháp đã khiển trách các bác sĩ đưa ra cảnh báo sớm về virus, cảnh cáo họ không được “reo rắc nỗi sợ hãi.” Các ký giả công dân đã bị bỏ tù. Các quan chức và các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, vừa ca ngợi giới lãnh đạo cộng sản là tấm gương mẫu mực trong việc ứng phó với đại dịch toàn cầu, vừa tiếp tục khai thác tình trạng gia tăng các cuộc tấn công chống người gốc Á ở Hoa Kỳ, bằng cách quy kết những lời chỉ trích của phương Tây đối với việc giải quyết dịch bệnh của chế độ này là phân biệt chủng tộc.
Kết quả là thế giới hầu như đã lặp lại những luận điệu của Trung Quốc mà hầu như không nghi ngờ.
Tuy nhiên, đối với ông Hans Mahncke, người đã và đang ghi chép lại về việc Hoa Kỳ ngăn chặn thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm cho The Epoch Times trong hai năm qua, sự nghi ngờ của ông đã dấy lên ngay khi chính quyền Trung Quốc thực hiện một bước chưa từng có tiền lệ vào ngày 23/01/2020 để phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi bắt nguồn ca nhiễm virus đầu tiên, một thành phố với hơn 11 triệu dân.
“Tôi biết có điều gì đó rất mờ ám,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời lưu ý rằng Bắc Kinh đã không làm như vậy khi hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2002, mà theo như các báo cáo chính thức thì đã lây nhiễm cho hàng ngàn người trên toàn thế giới.
“Nếu quý vị định phong tỏa thành phố này, quý vị sẽ không làm điều đó vì virus SARS,” ông Mahncke cho hay, ghi nhận khả năng lây nhiễm tương đối thấp của SARS. Điều này đã thuyết phục ông ngay lúc đó rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình “chắc hẳn đã có thêm một số thông tin, một số dữ liệu khiến ông ấy làm điều gì đó rất khác thường.”
Nhiều bằng chứng sớm xuất hiện đã cho thấy có điều gì đó bất ổn: sự tồn tại của một phòng thí nghiệm đang nghiên cứu virus corona tại tâm điểm của COVID-19 này; một bài báo ngắn hôm 06/02 của hai nhà nghiên cứu tại trường đại học Vũ Hán — đã bị loại bỏ ngay sau đó — đã chỉ ra WIV có khả năng là nơi bắt nguồn của “sát thủ virus corona”; Nhà virus học cao cấp Thạch Chính Lệ (Shi Zheng Li) của WIV đã nghiên cứu các loại virus corona giống SARS trong nhiều năm, dựa vào đó mà bà đã xuất bản các bài báo hồi đầu năm 2015.
“Tôi đã phải kìm lòng không nói ra vì tôi biết rằng nếu quý vị nói về điều đó một cách công khai hoặc nếu quý vị nói về điều đó một cách gay gắt, thì quý vị sẽ bị xóa khỏi mạng xã hội,” ông nói, lưu ý rằng ông đã chứng kiến bạn bè đã bị Twitter kiểm duyệt vì bình luận về khả năng rò rỉ phòng thí nghiệm.
“Chúng ta không thể cứ ra trước công chúng rồi nói ra những điều này, bởi vì ngay lập tức quý vị sẽ bị xóa tài khoản Twitter, quý vị sẽ bị xa lánh, quý vị sẽ gặp rắc rối trong công việc. Quý vị sẽ bị gọi là ‘người theo thuyết âm mưu,’ quý vị sẽ phải nhận những tin nhắn công kích và những người khác sẽ quấy rối quý vị.”
Điều gì đó đã lóe lên trong đầu ông Mahncke khi ông theo dõi cuộc điều tra do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn ở Vũ Hán hồi đầu năm 2021. Nhiệm vụ này, được tiến hành với sự can thiệp lớn từ phía Trung Quốc, đã bác bỏ giả thuyết về tai nạn ở phòng thí nghiệm là “hết sức khó xảy ra.”
Nhưng sau khi đọc kỹ hơn về lý lịch của các nhà điều tra, ông Mahncke nhận ra rằng ông Peter Daszak, chuyên gia Hoa Kỳ trong lực lượng đặc nhiệm của WHO này, không chỉ hợp tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán mà còn đóng vai trò ngăn cản cuộc thảo luận về giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm trong suốt những ngày đầu đại dịch.
Trong những tháng tiếp theo, các tài liệu nội bộ được công bố theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) đã cho thấy rằng ông Daszak có một tình bạn không chỉ là thoáng qua với nhân viên của WIV nói trên. Tổ chức bất vụ lợi EcoHealth Alliance có trụ sở tại New York của ông đã chuyển hàng trăm nghìn dollar tiền thuế của người dân cho phòng thí nghiệm Vũ Hán để nghiên cứu virus, bao gồm cả các nghiên cứu “tăng chức năng” có thể làm cho các virus hiện tại trở nên nguy hiểm hơn.
Ông Anthony Fauci, người gần đây đã từ chức Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, vốn tài trợ cho các dự án của EcoHealth, đã khởi xướng một cuộc họp qua điện thoại hồi đầu tháng 02/2020 sau khi một nhóm các nhà khoa học bày tỏ lo ngại rằng virus có thể đã được tạo ra. Bốn người tham gia cuộc họp này, bao gồm cả ông Daszak, đã tiếp tục soạn thảo “Nguồn gốc gần nhất của SARS-CoV-2,” một bài báo được lưu hành rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và được nhiều người sử dụng để khẳng định tính vượt trội của thuyết nguồn gốc tự nhiên.
Gặp phải trở ngại
Khi tin tức về đợt bùng phát virus ở Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện hồi đầu tháng 01/2020, thì nhà miễn dịch học người Úc Nikolai Petrovsky đang ở ngôi nhà nghỉ dưỡng của ông ở Colorado để trốn cái nóng như thiêu như đốt ở quê nhà.
Khoảng một tuần trước khi Vũ Hán bị phong tỏa hoàn toàn, WHO vẫn lặp lại tuyên bố của Trung Quốc rằng loại virus này khó có thể lây truyền từ người sang người. Nhưng trên các nguồn cấp dữ liệu mạng xã hội của ông Petrovsky, người dân địa phương đã đăng những hình ảnh tử thi nằm trên cáng và cảnh sát Trung Quốc hàn cửa căn hộ.
Ông Petrovsky, một giáo sư thuộc Đại học Flinders chuyên về phát triển vaccine, nói với The Epoch Times rằng thông điệp chính thức của Trung Quốc, và sự thêm thắt của WHO đối với thông điệp đó, là “thái quá.”
“Tôi đã ngay lập tức nhận ra đây là một loại virus nguy hiểm không được giải quyết một cách nghiêm túc. Và khi quý vị không giải quyết một loại virus nguy hiểm một cách nghiêm túc, thì quý vị sẽ đụng phải một thảm họa.”
Gác lại kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình, ông Petrovsky đã bắt đầu thực hiện các nghiên cứu lập mô hình siêu máy điện toán về chuỗi virus COVID, với hy vọng tìm ra loại virus này đến từ loài động vật nào.
Đến tháng 03/2020, quá trình phân tích này đã mang lại kết quả mà không ai trong nhóm của ông nghĩ tới. Virus này dường như thích nghi với một tế bào người tốt hơn bất kỳ vật chủ tiềm năng nào được xác định.
“Vì vậy, sau đó chúng tôi nói: ‘Chà, làm thế nào điều đó có thể xảy ra được? Hoặc là virus này đã lây lan ở người trong nhiều năm mà không ai hay biết, điều này dường như rất khó xảy ra,” ông nói. “Hoặc, SARS-CoV-2 có thể đã gặp một tế bào người trong một đĩa thí nghiệm.”
“Nó giống như một khoảnh khắc ý tưởng bất chợt lóe lên trong đầu,” ông Petrovsky nói. “Đối với chúng tôi, đó chính là một lời giải thích rõ ràng cho một phát hiện mà chúng tôi đã xác nhận.”
Khi ông Petrovsky đang cân nhắc giả thuyết trong phòng thí nghiệm, thì ông Daszak đang tổ chức một nhóm các chuyên gia y tế để ngăn chặn những thách thức cho rằng virus này không phải đến từ tự nhiên. Ông đã đứng sau một tuyên bố được hơn hai chục nhà khoa học đồng ký tên, bao gồm bốn cộng sự của EcoHealth, xuất hiện trên tạp chí y khoa The Lancet vào tháng 02/2020, trong đó ca ngợi các đối tác Trung Quốc vì những nỗ lực “đáng chú ý” của họ trong việc chống lại đợt bùng phát này và chia sẻ các kết quả “một cách minh bạch” với cộng đồng y tế toàn cầu, đồng thời chế nhạo các giả thuyết thay thế cho nguồn gốc của virus này là “tin đồn” và “thuyết âm mưu.”
Ông Petrovsky bàng hoàng.
“Chính trị không nên có vai trò gì trong cuộc điều tra khoa học, và theo như tôi thấy thì bài báo này hoàn toàn là về chính trị, không chứa dữ liệu thực tế,” ông nói. “Khoa học nên trung lập và chỉ tìm kiếm sự thật. Vấn đề không phải là liệu sự thật đó có thuận tiện về mặt chính trị hay không.”
Nhưng mưu đồ chính trị này đã có những tác động trong thế giới thực đối với việc ông Petrovsky theo đuổi khoa học: việc công bố những kết quả nghiên cứu của nhóm ông trên các ấn phẩm khoa học gần như là điều không thể.
“Chúng tôi đã gặp phải trở ngại,” ông Petrovsky nói. “Một số nhà xuất bản lớn gửi lại những kết quả đó cho chúng tôi sau 48 giờ mà không hề xem xét.”
Phải mất khoảng một năm kháng cáo và đương đầu với “những người đánh giá rất đối nghịch” trước khi tạp chí khoa học nổi tiếng Nature đồng ý chấp nhận bài báo nghiên cứu của họ. Khi đó, bối cảnh đã thay đổi: Nhiều nhà khoa học đang bước ra thúc giục xem xét kỹ hơn khả năng rò rỉ phòng thí nghiệm, và Tổng thống Joe Biden, thừa nhận kịch bản này là hợp lý, đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo của ông đưa ra một báo cáo về nguồn gốc virus trong vòng 90 ngày.
Nhưng thiệt hại từ sự chậm trễ này là khó vãn hồi.
Ông Petrovsky cho biết: “Vào thời điểm đó, bài báo này có rất ít tác động,” do mọi người đã bị thuyết phục bởi bài bình luận của tạp chí Nature Medicine (Y học Tự nhiên) được quảng cáo rầm rộ rằng virus này phải có nguồn gốc từ động vật “và bất kỳ ai có gợi ý khác, đều là một nhà theo thuyết âm mưu.”
“Có vẻ như lúc đó họ hài lòng rằng chiến dịch thông tin giả toàn cầu của họ đã thành công trong việc tạo ra một bức bình phong đến mức giờ đây có thể an toàn để đưa ra các dữ liệu khác, nghĩ rằng mọi người sẽ phớt lờ hoặc chỉ coi đó là một thuyết âm mưu,” ông nói thêm.
“Và đó chính xác là cách điều đó diễn ra.”
‘Trái ngược với khoa học’
Bên trong chính phủ này, bầu không khí cũng không kém phần căng thẳng. Ông David Asher, người dẫn đầu một lực lượng đặc nhiệm của Bộ Ngoại giao điều tra nguồn gốc COVID vào năm 2020, đã kể lại việc gặp rắc rối khi quân đội tiếp quản WIV vài ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa. Vì vậy, ông đã liên lạc với Viện Y tế Quốc gia (NIH) để xin ý kiến chuyên gia bắt đầu vào cuối mùa xuân năm đó.
Vào thời điểm đó, không ai biết đến mối liên hệ của NIH với phòng thí nghiệm Vũ Hán. Nhưng trước sự ngạc nhiên của ông, viện này chỉ gửi cho ông bài báo về Nguồn gốc Gần kề (Proximal Origin) và cho rằng “không có hồ sơ điều tra nào.”
Người đứng đầu NIH vào thời điểm đó, ông Francis Collins, “đã nói với chúng tôi thông qua nhân viên của họ, chứ không phải trực tiếp, rằng chúng tôi nên tin tưởng người Trung Quốc,” ông Asher, hiện là một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, nói với The Epoch Times. “Câu trả lời của tôi là, ‘Nếu đó là cơ sở cho phân tích của các ông, thì các ông không hề có cơ sở cho phân tích của mình.’”
“Vì vậy, về căn bản, họ đã hoạt động theo một cách hoàn toàn không phù hợp với tính minh bạch, sự thật, và bất kỳ loại trách nhiệm giải trình nào.”
Cũng có sự e ngại từ Cục Kiểm soát, Xác minh và Tuân thủ Vũ khí, và Thứ trưởng Bộ Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, nhân viên của họ lo lắng rằng cuộc điều tra nguồn gốc từ phòng thí nghiệm có thể “bắt đầu gây rắc rối” (pdf).
Ông Asher cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ biết chính xác họ lo lắng về điều gì.”
Hồi cuối tháng 01/2020, ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, đã nhiều lần cố gắng hợp tác với Trung Quốc và đề nghị trợ giúp trong những tuần đầu tiên của đại dịch nhưng không đạt được kết quả.
Ông Redfield đã nói rõ với ông Fauci và các quan chức y tế khác rằng thuyết về nguồn gốc phòng thí nghiệm đáng được xem xét nghiêm túc. Tuy nhiên, ông đã bị loại khỏi các cuộc thảo luận vốn diễn ra trước bài báo về Nguồn gốc Gần kề — điều mà ông Redfield chỉ phát hiện ra từ các tài liệu FOIA đã công bố trở về trước.
“Bởi vì tôi có một quan điểm khác và tôi được thông báo họ đã đưa ra một quyết định rằng họ sẽ giữ bí mật điều này cho đến khi họ đưa ra một quan điểm duy nhất,” ông Redfield nói với Tiểu ban Đặc biệt tại Hạ viện về Đại dịch virus Corona hồi đầu tháng Ba.
Ông cho hay, “Khi quý vị có một nhóm người quyết định rằng chỉ có thể có một quan điểm, thì đó là vấn đề.”
“Điều đó trái ngược với khoa học và thật không may, đó là những gì họ đã làm.”
‘Những bằng hữu’ ở Trung Quốc
Cho đến nay, Trung Quốc đã phản đối một cuộc điều tra độc lập toàn diện về cách đại dịch bắt đầu và liên tục tìm cách đổ lỗi cho các quốc gia khác.
Trong khi trách nhiệm che đậy nguồn gốc của virus này hoàn toàn thuộc về chính quyền Trung Quốc, thì cộng đồng khoa học ở phương Tây cũng đã tiếp tay cho hành động đó.
Các nhà nghiên cứu nổi tiếng tại phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 (P4) lớn của Hoa Kỳ, Phòng thí nghiệm quốc gia Galveston tại Chi nhánh Y tế Đại học Texas, nơi đã hợp tác nhiều năm với cơ sở Vũ Hán này, đã tích cực cố gắng giúp các đồng nghiệp Trung Quốc của họ chống lại những lo ngại rằng virus này có thể bắt nguồn từ WIV.
Một chuỗi thư điện tử nội bộ cho thấy các nhà khoa học của Galveston đang thảo luận về bộ phim tài liệu của The Epoch Times, đồng thời xem bộ phim này là “gây bối rối” và lưu ý rằng bộ phim này có “một phần về hai bằng hữu của chúng tôi” từ WIV, ông Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) và ông Viên Chí Minh (Yuan Zhiming), vốn dẫn dắt phòng thí nghiệm P4 tại viện này.
Tuy nhiên, các nhà khoa học phương Tây như vậy với “các bằng hữu” ở Trung Quốc đã bỏ qua một yếu tố quan trọng, theo ông Jamie Metzl, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, người từ lâu đã kêu gọi điều tra kỹ lưỡng về nguồn gốc của COVID.
“Một nhà khoa học ở Trung Quốc rất khác với một nhà khoa học ở Hoa Kỳ,” ông nói với hãng thông tấn NTD cùng hệ thống của The Epoch Times hồi đầu tháng Ba.
“[Họ] có thể là một người tuyệt vời, có thể hoàn toàn có đạo đức. Tuy nhiên, một nhà khoa học ở Trung Quốc, khi một vấn đề hết sức quan trọng đang bị đe dọa, lại không thể nói một cách cởi mở hoặc trung thực, và đó là một sự khác biệt rất lớn.”
Tuy nhiên, những nỗ lực của các nhà khoa học, quan chức và giới truyền thông phương Tây nhằm làm mất uy tín của lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm này đã để lại một dấu ấn lớn.
Ông Metzl cho hay: “Một sự đồng thuận sai lầm về căn bản đã được thúc đẩy bởi công chúng trong những ngày đầu, và điều đó đã bị cố định như thế.”
“Phải mất rất nhiều công sức của một số ít người, chắc chắn là trong suốt năm đầu tiên đó, nhưng thực sự là trong ba năm để bắt đầu thay đổi nhận thức.”
Bước ngoặt
Thật vậy, các nhận thức đã thay đổi, cho đến tận các cấp chính phủ cao nhất.
Hồi cuối tháng Hai, giám đốc FBI Christopher Wray đã xác nhận trên truyền hình rằng cơ quan của ông “đã có một thời gian” tin rằng căn nguyên của đại dịch “rất có thể là một sự cố tiềm ẩn trong phòng thí nghiệm.” Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy rằng hai phần ba người Mỹ hiện nay nghĩ rằng có một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm. Và một dự luật đã được Quốc hội đồng thuận thông qua hồi đầu tháng này sẽ bắt buộc giải mật thông tin tình báo về nguồn gốc COVID, nếu TT Biden chấp thuận. Tổng thống vẫn chưa báo hiệu những gì ông ấy sẽ làm với dự luật vốn đang được chuyển đến bàn làm việc của mình.
Ông Petrovsky coi nhận xét của ông Wray là một bước ngoặt.
Ông nói, bất kỳ ai đưa ra thuyết nguồn gốc từ phòng thí nghiệm, bất kể dữ liệu của họ tốt đến đâu, đều “bị tẩy chay khỏi khoa học chính thống và bị đối xử như thể họ là những người theo thuyết âm mưu chứ không phải các nhà khoa học nghiêm túc.”
“Bây giờ cuộc tranh luận đã được mở ra, đã đến lúc đưa nhiều nhà khoa học bất đồng chính kiến vào cuộc,” ông cho biết thêm. “Mọi quan điểm nên được hoan nghênh vì vẫn chưa biết đại dịch này bắt đầu từ đâu và như thế nào.”
“Chúng tôi cũng cần thêm câu trả lời về việc làm thế nào mà một nhóm nhỏ các nhà khoa học có các xung đột lợi ích lớn lại có thể tạo ra thành công một câu chuyện duy nhất rằng chỉ có thể có nguồn gốc động vật tự nhiên của loại virus này, đồng thời bôi nhọ bất kỳ nhà khoa học nào có một quan điểm trái ngược.”
Đối với ông Jackson, thành viên Đảng Cộng Hòa thuộc tiểu bang Texas, sự thay đổi đã bắt đầu.
“Tôi nghĩ rằng ngay lúc này mọi người đang nhận ra các dấu hiệu. Họ nhận ra rằng những người tố cáo đang bước ra, và sự thật sẽ được phơi bày. Mọi người đang cố gắng bảo đảm rằng họ hiểu đúng về vấn đề này trước khi bị lôi cuốn vào nó,” ông cho hay.
Hồi tháng Một và tháng Hai, ông đã đồng bảo trợ cho hai dự luật nhằm cắt giảm ngân sách cho WIV và yêu cầu Bắc Kinh bồi thường những thiệt hại về đại dịch.
Ông Jackson cho biết “có rất nhiều việc phải làm,” và nói thêm rằng ông “rất vui mừng rằng rốt cuộc ông cũng được tìm hiểu rốt ráo vấn đề này.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times