Chuyên gia: Kinh nghiệm đương đầu với Trung Quốc của Đài Loan có thể làm tài liệu tham khảo cho các nền dân chủ
Vì người dân Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu vào cuối tuần này, nên nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đang tăng cường can thiệp vào cuộc bầu cử ở đây. Các chuyên gia cho rằng những nỗ lực của Đài Loan nhằm chống lại sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc vào các vấn đề chính trị đóng vai trò là một tài liệu tham khảo cũng như một lời cảnh báo cho các xã hội tự do trên toàn thế giới.
‘Cách tiếp cận có hệ thống’ của ĐCSTQ
Vào ngày 13/01 tới đây, dự kiến có khoảng 19.5 triệu cử tri Đài Loan sẽ tham gia bỏ phiếu bầu chọn ra tân tổng thống và các thành viên trong cơ quan lập pháp quốc gia gồm 113 ghế.
“Sự can thiệp của Bắc Kinh vào cuộc bầu cử ở Đài Loan đi theo một cách tiếp cận có hệ thống,” ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết.
Ông cho biết cách tiếp cận đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là các hoạt động gây ảnh hưởng, bao gồm chiến tranh chính trị và truyền bá thông tin sai lệch, sau đó là cưỡng bách kinh tế, chẳng hạn như hạn chế xuất cảng một số hàng hóa cụ thể của Đài Loan sang Trung Quốc, và sau đó là các hoạt động quân sự trong vùng xám, mà cụ thể là gần đây ĐCSTQ đã sử dụng khí cầu do thám để đẩy mạnh sự can thiệp của mình.
“Các khí cầu gián điệp này nằm trong phạm vi hoạt động tương đối mờ nhạt của vùng xám,” ông Tô nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Hôm 08/01, Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo rằng có chín phi cơ quân sự và bốn tàu hải quân Trung Quốc được phát hiện gần hòn đảo này, trong đó một phi cơ đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phía Tây Nam.
Hôm thứ Hai (08/01), Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng đưa tin rằng kể từ ngày 01/01, 16 khí cầu của Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, Lực lượng Vũ trang Đài Loan đã theo dõi tình hình và chỉ huy phi cơ quân sự, tàu hải quân, và hệ thống hỏa tiễn trên bộ phòng thủ trước các hoạt động của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Trong khi đó, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Bắc Kinh khẳng định rằng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan đặt ra sự lựa chọn giữa “chiến tranh và hòa bình,” đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin.
‘ĐCSTQ tầm cầu quyền kiểm soát toàn cầu’
Ông Lý Dậu Đàm (Lee Yeau-tarn), giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phát triển tại Đại học Quốc lập Chính trị của Đài Loan, đã phân tích các chiến lược mà ĐCSTQ áp dụng để mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới với mục tiêu cuối cùng là “đạt được sự thống trị toàn cầu” và “thách thức Hoa Kỳ.”
“Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc được xây dựng nhằm mục đích can thiệp vào chính trị toàn cầu — một chiến thuật nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu,” ông nói với The Epoch Times.
“ĐCSTQ lợi dụng các cuộc bầu cử công khai của các quốc gia dân chủ để “đưa lợi ích của mình vào” và “thao túng chính trường của nhiều quốc gia khác nhau,” ông Lý nói.
Ông nói tiếp, “Về bản chất, bất kể ở phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, hay ngoại giao, ĐCSTQ đều muốn kiểm soát thế giới, thúc đẩy cái gọi là mô hình Trung Quốc. ĐCSTQ muốn tất cả các quốc gia chấp nhận và theo đuổi các giá trị của đảng này, thực hiện cái mà đảng này gọi là “sự trỗi dậy của phương Đông và sự sụp đổ của phương Tây,” cái gọi là Giấc mơ Trung Hoa.”
Tuy nhiên, ông Lý lưu ý sự can thiệp của ĐCSTQ vào cuộc bầu cử ở Đài Loan rõ rệt hơn và nghiêm trọng hơn so với sự can thiệp của họ ở các quốc gia khác.
Ông giải thích, “Mục đích của ĐCSTQ là thao túng Đài Loan qua các cuộc bầu cử, tìm cách đạt được các mục tiêu tương tự như những gì đã xảy ra ở Hồng Kông, chẳng hạn như thực hiện cái gọi là ‘một quốc gia, hai chế độ,’ và sau đó là ‘thống nhất.’ Điều này thể hiện sự khác biệt căn bản so với sự can thiệp của ĐCSTQ vào các cuộc bầu cử ở các quốc gia khác.”
Ông Lý nhấn mạnh rằng Đài Loan đóng vai trò là hình mẫu của nền dân chủ và tự do của thế giới, đi đầu trong cuộc chiến chống lại chính quyền cộng sản Trung Quốc.
“Một mặt Đài Loan sẽ làm gương cho thế giới, nhưng mặt khác họ cũng phải thảo luận với các đồng minh để hoạch định chiến lược chống lại sự can thiệp của ĐCSTQ vào các cuộc bầu cử. Đặc biệt trong cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2024, kinh nghiệm chống lại ĐCSTQ của Đài Loan có thể mang lại những tài liệu tham khảo có giá trị cho các quốc gia tự do và dân chủ trên toàn thế giới.”
Theo công ty nghiên cứu truyền thông xã hội Graphika, hoạt động gây ảnh hưởng gần đây của ĐCSTQ dường như ủng hộ đảng đối lập chính của Đài Loan, Quốc Dân Đảng, vốn ủng hộ mối bang giao thân thiết hơn với Bắc Kinh, đồng thời chỉ trích các ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền, vốn đang xây dựng mối bang giao bền chặt với Hoa Thịnh Đốn.
Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) và ứng cử viên liên danh bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-Khim) của Đảng Dân chủ Tiến bộ đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng ĐCSTQ lại đánh giá họ là những người theo chủ nghĩa ly khai.
Kể từ năm 1996, Đài Loan tự trị đã trải qua bảy cuộc bầu cử tổng thống được đánh dấu bằng sự can thiệp liên tục của ĐCSTQ, từ đe dọa bằng lời nói rõ ràng và chèn ép quân sự đến phát tán tin tức giả nhằm gây ảnh hưởng đến ý kiến dư luận, và các chiến thuật gần đây như thao túng các cuộc thăm dò ý kiến, hối lộ các nhân vật chính trị, cũng như khai triển phi cơ quân sự và bóng thám không xung quanh đảo.
Hồi tháng 02/2023, sự kiện Bắc Kinh sử dụng bóng thám không tầm cao để giám sát đã thu hút sự chú ý khi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ một khí cầu của Trung Quốc bay ngang qua lục địa Hoa Kỳ bị nghi ngờ là khí cầu do thám.
Trong bốn năm qua, chính quyền Trung Quốc đã gia tăng hành động gây hấn quân sự đối với Đài Loan bằng cách liên tục vi phạm đường trung tuyến được công nhận trước đó, vốn được xem là đường phân giới không chính thức giữa hai bên.
ĐCSTQ tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và sẽ dùng vũ lực để chiếm đoạt hòn đảo này nếu cần thiết, và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu “thống nhất” Đài Loan, mặc dù ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị hòn đảo này.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times