Chuyện ở ga tàu Trịnh Châu: Nữu Nữu, cha vẫn muốn đón con về nhà
Bên cạnh những câu chuyện thương tâm về trận lụt ngày 20/7 ở Trịnh Châu, Trung Quốc, có một bức ảnh lan truyền khiến lòng người thổn thức.
Đó là một người cha đã đứng lặng lẽ cả đêm đợi chờ con bên ngoài lối vào tuyến tàu điện ngầm số 5 Trịnh Châu. Mặc dù trời nắng nhưng ông vẫn mặc chiếc áo mưa xanh – chiếc áo ông từng mặc vào ngày chia tay con gái. Bên cạnh ông là chiếc xe đạp đã cũ, trên đó có tấm biển với dòng chữ viết tay: “Nữu Nữu, cha vẫn muốn đón con trở về nhà”. ‘Nữu Nữu’ là phương ngữ người Hà Nam thường dùng để gọi con gái. Con gái của ông được cho là đã qua đời trong chuyến tàu định mệnh vừa qua.
Ông không nói lời nào, chỉ lặng lẽ ngồi đó, nhưng lại khiến nhiều người rưng rưng nước mắt khi cảm nhận được nỗi đau thấu trời của người cha khi mất đi đứa con yêu dấu. Nếu chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói tự đáy lòng của người cha ấy, đó sẽ là gì? Và nếu như con gái của ông có cơ hội trở về, cô sẽ nói gì với cha mình?
Lời của cha:
Nếu mỗi áng mây là một nỗi buồn, mỗi hạt mưa là một giọt nước mắt, mỗi cơn gió là một tiếng thở than chờ đợi, thì sau tất cả, Nữu Nữu, cha vẫn muốn đón con trở về nhà.
Mưa đã tạnh, nước đã rút, gió đã ngừng, người trên phố hối hả dọn dẹp giữa cảnh tan hoang sau cơn lũ quét, chỉ có cha là vẫn ngồi đây ngóng đợi. Đừng như mưa vô tình, cũng đừng như lũ tuyệt tình, con ơi, con đang ở phương nào?
Nữu Nữu, cha là cha của con đây mà, vẫn là cha khoác chiếc áo mưa xanh tạm biệt con ngày hôm ấy. Con không nhận ra sao? Đây, cặp kính râm mới hôm nào con tặng cha làm quà sinh nhật. Và đây, chiếc xe đạp mà 20 năm trước cha vẫn thường đón con mỗi lúc tan trường. Cha không phải lũ, không phải tàu điện ngầm, cũng không phải con đường hầm tối tăm trong biển nước. Con đừng khóc và đừng sợ nữa, hãy lại gần bên cha, để cha ôm con vào lòng, trong vòng tay thật chặt, và cha sẽ đưa con trở về nhà.
Đã mấy ngày trôi qua rồi, con có đói không? Cha mang cho con hộp cơm đầy ắp, toàn những món mà con thích. Mẹ cũng tự tay làm cho con hai chiếc bánh bao hấp, chỉ trách đường quá xa, bánh đã nguội mất rồi. Con ăn đi cho đỡ đói, rồi nắm tay cha, chúng ta trở về nhà.
Gió rít từng hồi, tiếng mưa làm cõi lòng cha tan nát. Là tại cha… Giá như biết con sẽ không bao giờ về nữa, thì cha đã ngăn con lên chuyến tàu hôm ấy. Giá như biết lũ trôi là định mệnh, thì cha đã dạy con học bơi từ thuở bé thơ. Cha phải cần bao nhiêu nước mắt mới có thể đảo ngược thời gian quay lại? Phải cần bao nhiêu ngày chờ đợi mới có thể đưa Nữu Nữu bé bỏng của cha trở về? Nếu phải ngồi đây từ đông sang thu, từ xuân sang hạ, từ đêm nay cho tới lúc bạc đầu, thì cha vẫn đợi. Bởi vì, Nữu Nữu, cha vẫn muốn đón con trở về nhà.
Đừng nói cái chết nhẹ tựa lông hồng, đừng để lời vĩnh biệt thản nhiên như chim én bay đi. Cơn lũ qua đi, hoang mang ở lại, chỉ còn một mình cha vẫn ngồi đợi con về.
Lời của con:
Cha ơi, là con đây, Trương Tiểu Nguyệt của cha đây mà, cha có nghe thấy tiếng con gọi không?
Cha, đừng đợi con nữa, cũng đừng tự dằn vặt lòng mình như vậy nữa, bởi con vĩnh viễn sẽ chẳng thể trở về. Dẫu sao con cũng là kẻ may mắn trong hàng ngàn hàng vạn nạn nhân xấu số trong cơn lũ vừa qua. Con may mắn vì được báo chí nhắc đến và mọi người tiếc thương, âu cũng là niềm an ủi. Còn những nạn nhân khác thì sao? Sống hay chết vĩnh viễn là ẩn đố, nếu còn sống thì không được quyền nói lên sự thật, nếu chết đi thì cũng không được quyền khói hương hay tưởng niệm. Cha thấy đó, những bó hoa tang bên ngoài ga điện ngầm, thảy đều bị chính quyền ngăn cản, không cho thờ cúng, ngay cả khóc cũng không được khóc. Ở cái xứ sở này, quả thực là sống không đàng hoàng, chết không minh bạch!
Xưa nay chỉ nghe người ta nói: Tai nạn thuyền có thể chết đuối, bơi sông có thể chết đuối. Nào có ai nói: Đi ô tô sẽ bị chết đuối, đi tàu điện ngầm cũng sẽ bị chết đuối đâu? Nhưng ở một đất nước mà nói là chết, im lặng là chết, làm người tốt là chết, sinh con là chết, ăn là chết, mặc là chết, đi thang cuốn là chết, thậm chí chơi trò ú òa cũng chết, thì sao tránh khỏi những cái chết bất minh ngày hôm nay? Có rất nhiều thứ, không ai dám điều tra thì sẽ bị gán cái mác “thiên tai”, chỉ khi điều tra rồi mới biết: Thảy đều là nhân họa. Người Trung Quốc chúng ta vốn dĩ không có phẩm giá để sống, lại không có quyền để lựa chọn cái chết cho mình.
Cha ơi, có phải cha vẫn luôn tự hỏi: Điều gì đã xảy ra trên chuyến tàu hôm ấy? Khi nước mới tràn vào toa, mọi người bắt đầu xôn xao, nhưng không khí nhanh chóng lắng xuống khi có loa thông báo rằng: Mọi việc đã có chính phủ lo! Và con cũng như các hành khách đều ngoan ngoãn như một con cừu, cứ yên lặng chờ đợi. Nước ngập lên bắp chân, rồi lên đùi, mọi người vẫn lạc quan: Cứ yên tâm, chính phủ đang chỉ đạo! Nước ngập lên bụng, rồi đến ngực, không khí dần cạn kiệt, ai nấy đều thở dốc khó khăn, nhưng vẫn tin tưởng: Không cần lo lắng, đội cứu hộ đang đến rồi! Nước dâng lên tới đầu, ai nấy đều hoảng loạn giẫm đạp lên nhau, có người toan phá cửa kính để thoát thân, nhưng lại không dám phản kháng, vì: Chúng ta phải yêu nước, phải tin vào chính phủ! Chỉ đến phút cuối cùng, khi các quan chức đang ẩn náu ở Trung Nam Hải, ngài chủ tịch đang thị sát ở Tây Tạng, các cấp lãnh đạo không biết nên làm gì vì còn bận chờ lệnh cấp trên, truyền hình trung ương đang mải chế giễu lũ lụt ở Âu Châu… thì con cũng như những nạn nhân xấu số mới nhận ra rằng: Không có chính phủ cũng chẳng có cứu hộ, chỉ có cái chết đang cận kề.
Con đã từng tin rằng ‘không có Thần Phật, chỉ có Mao chủ tịch’. Mao chủ tịch sáng như Mặt Trời, đảng sáng như Mặt Trời. Nhưng cha ơi, con phải đánh đổi cả mạng sống của mình mới nhận ra: Người Trung Quốc chết không phải vì trải qua trận mưa lớn “5000 năm mới có một lần”, mà là chính là vì phải hứng chịu chế độ cai trị tàn độc “5000 năm mới có một lần”. Trận lũ vừa qua không phải thiên tai mà chính là nhân họa, không phải vì trời trút mưa xối xả, mà là vì chính quyền xả lũ, kệ cho dân ‘sống chết mặc bay’. Nhân quả là có thật, thiện ác hữu báo là có thật, nghiệp lực luân báo là có thật, người Trung Quốc vì tin lời dối trá của đảng mà cũng đang phải trả nghiệp. Chúng ta ngày nào cũng chứng kiến tội ác của đảng, nhưng đều im lặng, cho đến khi chính mình trở thành nạn nhân.
Đối mặt với các cuộc đấu tố điên cuồng trong cách mạng văn hóa, chẳng phải chúng ta đã chọn cách im lặng?
Nòng súng của đảng biến cuộc biểu tình Thiên An Môn thành biển máu, chúng ta vẫn im lặng!
Mổ cướp nội tạng và bức hại các học viên Pháp Luân Công hai mươi mấy năm ròng, chúng ta lại im lặng!
Tây Tạng bị đàn áp, Tân Cương bị đàn áp, phong trào dân chủ Hồng Kông bị đàn áp, chúng ta cũng im lặng!
Dịch bệnh và phong tỏa, quan ca múa thái bình, dân xương chất như núi, chúng ta vẫn tiếp tục im lặng!
Chúng ta im lặng hết lần này đến lần khác, chúng ta thỏa hiệp hết lần này tới lần khác, chúng ta nghe lời đảng hết lần này tới lần khác, và một cách không tự biết, chúng ta cũng trở thành những kẻ đồng lõa với đảng hết lần này tới lần khác.
Khi chúng ta vẫn còn tin vào những lời dối trá của đảng, thì không chỉ một trận lụt này đâu, mà tai họa sẽ nối tiếp tai họa. Người may mắn sống sót thờ phào nhẹ nhõm, nhưng liệu đã thực sự thoát nạn hay chưa? Ai dám chắc hôm nay vẫn còn ca ngợi đảng thì ngày mai đảng sẽ nương tay với mình?
Cha có nhớ không, lần đi qua đập Bản Kiều, cha đã kể cho con rằng: Năm 1975 khi con còn chưa sinh ra, sự cố vỡ hồ chứa nước ở đây đã cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng, trong đó có cả người bạn thân nhất của cha. Sau này người dân trong vùng thu được vụ mùa bội thu, có người tin rằng đó là Trời xanh phù hộ, lại có người nói là nhờ ơn đảng lãnh đạo. Nhưng sự thật là… nơi ấy có chôn xác người! Các nạn nhân trong trận lụt đều trở thành phân bón cho cây.
Liệu con cùng với hàng vạn người xấu số ở Trịnh Châu sẽ đi về đâu? Vì cớ gì mà con số tử vong và danh tính nạn nhân luôn là bí mật quốc gia? Vì cớ gì mà gia đình không thể tìm thấy thi thể người thân của mình? Thân xác họ sẽ hòa tan vào đất, vào đồng vào ruộng, trong lò hỏa thiêu, trong các cuộc triển lãm thi thể người, hay còn nơi nào khác?
Cha ơi, đến cõi âm gian rồi con mới thấm thía rằng: Cái chết không đáng sợ, mà sống một cuộc đời lầm lạc mới đáng sợ. Con hy vọng những lời này của con sẽ đến được với cha, và nếu có thể lan tỏa thông điệp này để thức tỉnh mọi người, thì con chết cũng không uổng phí.
Vĩnh biệt cha, giờ thì con đã có thể yên giấc ngàn thu được rồi…
——————-
Bạn đọc thân mến, lời tâm sự kể trên có thể là nỗi đau của “người cha áo mưa”, cũng có thể là nỗi đau của tất cả những gia đình đã mất đi thân nhân trong trận lụt. Và lời nhắn nhủ ngay sau đó có thể là tiếng lòng của cô gái trong câu chuyện, cũng có thể là tiếng lòng của bất cứ ai đã thức tỉnh – với mong muốn đánh thức những ai vẫn còn u mê tin vào ĐCSTQ.
Hy vọng rằng bi kịch Trịnh Châu không lặp lại, bi kịch của người dân Trung Quốc không lặp lại, để mảnh đất Hoa Hạ sẽ không còn đau thương, lịch sử sẽ lại trở lại như nó vốn là, xua tan đi lớp mây mù ảm đạm, trả lại bầu trời trong sáng cho Trung Hoa.
Thảo Ngọc
Xem thêm: