Cách vẽ tranh về tôn giáo ảnh hưởng đến nghệ thuật vẽ chân dung

Đối với những người yêu thích nghệ thuật và lịch sử, tên tuổi của danh họa Anthony van Dyck và Vua Charles Đệ Nhất của hoàng gia Anh là không thể tách rời nhau. Có rất ít nghệ sĩ tạo được ảnh hưởng mang tính lịch sử đến hình ảnh phổ biến của một thời kỳ đặc thù như họa sĩ van Dyck. Hiển nhiên là mối quan hệ giữa nhà vua và nghệ sĩ chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện của van Dyck, nhưng người ta lại hay bỏ qua sự nghiệp phong phú và ý nghĩa nghệ thuật rộng lớn hơn của ông.

Bức chân dung tự họa của Sir Anthony van Dyck, khoảng năm 1640. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, London. (Ảnh: Tài sản công)
Bức chân dung tự họa của Sir Anthony van Dyck, khoảng năm 1640. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, London. (Ảnh: Tài sản công)

Gần 24 năm cách biệt kể từ khi ông van Dyck được nhận vào Hiệp hội Saint Luke ở thành phố Antwerp (Antwerp’s Guild of Saint Luke) vào năm 1618 với tư cách là một “bậc thầy tự do” (nghệ sĩ có quyền hợp pháp vận hành xưởng vẽ riêng) cho đến lúc ông qua đời sớm vào năm 42 tuổi. Phần lớn thập niên cuối cùng của cuộc đời ông sống ở Anh quốc. Trước năm 1632, ông đã viếng thăm đất nước này một mình trong bốn tháng. Trong những năm sau đó, ông đã trở thành một trong những họa sĩ vẽ tranh tôn giáo vĩ đại nhất thời bấy giờ, và là họa sĩ vẽ chân dung hàng đầu vào thời điểm ông làm việc ở Hà Lan và Ý.

Sự tập trung vào các chủ đề tôn giáo của ông van Dyck thuở ban đầu có lẽ là một khía cạnh bị lãng quên nhất trong sự nghiệp của ông. Ngày nay, những tác phẩm thời đầu nổi tiếng nhất của ông là những bức họa dự báo về chuyên môn của ông sau này: vẽ chân dung. Khi ông van Dyck bắt đầu sự nghiệp của mình, họa sĩ nổi tiếng duy nhất chuyên vẽ chân dung là Hans Holbein ‘Con’. Với tư cách là một họa sĩ trẻ, ông van Dyck được kỳ vọng sẽ tuân theo những tiền lệ phổ biến, chú trọng đến các chủ đề tôn giáo, lịch sử, thần thoại và ngụ ngôn.

Xây dựng kỹ năng hội họa

Tranh vẽ tôn giáo thời kỳ đầu của ông van Dyck chặt chẽ noi theo các tác phẩm của danh họa Hendrick van Balen the Elder (người mà ông đã từng theo học việc) và danh họa Peter Paul Rubens (người mà ông đã từng làm trợ lý chính trong khoảng thời gian ngắn). Vì thế, những bức tranh thời kỳ đầu của ông, chẳng hạn như tác phẩm “The Crowning With Thorns” (Vương miện gai), không có nét độc đáo giống như trong những tác phẩm sau này. Việc đối chiếu giữa hai tác phẩm “Portrait of Cornelius van der Geest” (Chân dung của Cornelius van der Geest) khoảng năm 1620 và “Portrait of Inigo Jones” (Chân dung của Inigo Jones) được vẽ sau này cho chúng ta thấy ông tiến bộ nhanh chóng như thế nào về kỹ năng điêu luyện, cũng như các yếu tố then chốt tạo nên phong cách độc đáo riêng của ông.

Những bức chân dung kiểu Flemish thời kỳ đầu thường vẽ trên nền tối và chỉ giới hạn nửa thân trên của người mẫu. Mặc dù trong tác phẩm “Chân dung của Inigo Jones” của van Dyck, chúng ta vẫn thấy chỉ có nửa thân trên của người mẫu, nhưng chúng ta đã thấy ông chọn phong cách điểm xuyết phông nền trung tính bằng đường nét hình học để tạo chiều sâu cho không gian nhiều hơn và tạo bối cảnh cho tranh chân dung.

Các bức chân dung của Cornelis van der Geest (khoảng năm 1620, ảnh bên trái) và của Inigo Jones (đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 17) của danh họa Anthony van Dyck. Cả hai tác phẩm này đều được trưng bày tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, London. (Ảnh: Tài sản công)
Các bức chân dung của Cornelis van der Geest (khoảng năm 1620, ảnh bên trái) và của Inigo Jones (đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 17) của danh họa Anthony van Dyck. Cả hai tác phẩm này đều được trưng bày tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, London. (Ảnh: Tài sản công)

Khi ông van Dyck có cơ hội tiếp cận và học hỏi từ những tác phẩm của các bậc thầy vĩ đại, ông nhanh chóng hình thành phong cách cá nhân hơn trong dòng tranh tôn giáo. Là những nhà tiên phong của trường phái tân Flemish Baroque, ông van Balen và ông Rubens đã truyền dạy cho ông van Dyck một nền tảng vững chắc về truyền thống của nghệ thuật Flemish và nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng Ý. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nghệ thuật Ý mang tính gián tiếp, bởi vì cả ông van Balen và ông Rubens đều là họa sĩ theo trường phái nghệ thuật Flemish, là những người đã từng sinh sống và chỉ học tập tại Ý trong một đoạn thời gian ngắn. Trong những năm đầu sự nghiệp của họa sĩ van Dyck, các nhà sưu tập tranh Bắc Âu mới bắt đầu nhập cảng những kiệt tác nghệ thuật của nước Ý trên một quy mô lớn. Có rất ít tác phẩm như vậy được tìm thấy tại Hà Lan.

Thật may cho ông van Dyck, một trong các nhà sưu tập đầu tiên trong số đó là ông Thomas Howard, Bá tước thứ 14 của xứ Arundel, Anh quốc, là một người am hiểu về đời sống nghệ thuật bên kia eo biển Manche. Bộ sưu tập của ông có hơn 700 tác phẩm, trong đó có hàng chục tác phẩm của các bậc thầy người Ý như Correggio, Giorgione, Tintoretto, Titian, và Veronese. Bởi vì những bức bích họa của các danh họa Leonardo da Vinci, Michelangelo, và Raphael không thể bị vận chuyển được, cho nên ông Arundel đã sưu tập bản phác họa của những bức bích họa này.

Ông Arundel là người đã có công dàn xếp một trong những nhiệm vụ lớn đầu tiên cho ông van Dyck — vẽ chân dung của Vua James Đệ Nhất. Trong chuyến viếng thăm Anh quốc ngắn ngủi vào năm 1620, ông van Dyck đã nghiên cứu bộ sưu tập tranh của ông Arundel và nhanh chóng lên dự định viếng thăm nước Ý vào năm sau. Ông đã ở lại Ý cho đến năm 1627.

Phát triển phong cách nghệ thuật riêng

Tác phẩm “Marchesa Elena Grimaldi Cattaneo” của họa sĩ Anthony van Dyck, năm 1623. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc Gia, thủ đô Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Tài sản công)
Tác phẩm “Marchesa Elena Grimaldi Cattaneo” của họa sĩ Anthony van Dyck, năm 1623. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc Gia, thủ đô Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Tài sản công)

Khi ông van Dyck ở Ý, ông đã dần đạt đến độ trưởng thành [trong nghệ thuật]. Những tác phẩm như “Saint Sebastian Bound for Martyrdom” (Thánh Sebastian tử vì đạo) và “Virgin and Child with Repentant Sinners” (Đức mẹ Đồng Trinh Mary và Chúa Hài Đồng cùng những tội nhân sám hối) cho thấy sự phát triển rõ ràng về phong cách cá nhân của ông. Những tác phẩm này vẫn lưu lại vẻ huy hoàng và tráng lệ của danh họa Rubens. Tuy thế, ông van Dyck đã bắt đầu giảm bớt số lượng nhân vật và thay thế cách sử dụng màn khói kỳ ảo của ông Rubens bằng những chi tiết rõ ràng hơn trong các bức chân dung thời kỳ đầu của mình.

Ông Van Dyck không bao giờ hoàn toàn tuân theo những truyền thống của các họa sĩ vẽ chân dung thời kỳ đầu. Trong suốt thời gian ở lại nước Ý, ông đã bắt đầu vẽ những bức chân dung toàn thân trên các phông nền tự nhiên, chẳng hạn như tác phẩm có nhan đề “Marchesa Elena Grimaldi Cattaneo.” Điều thú vị là cách vẽ toàn thân và các phông nền tự nhiên đều khá phổ biến trong những tác phẩm về chủ đề tôn giáo — điều này nói lên rằng kinh nghiệm vẽ tranh về chủ đề này đã ảnh hưởng đến việc phát triển phong cách vẽ chân dung của ông.

Một họa sĩ vẽ chân dung trứ danh

Tác phẩm “Charles I (1600–1649) With M. de St Antoine” (Vua Charles Đệ Nhất (1600–1649) cùng M. de St Antoine) của danh họa Anthony van Dyck, năm 1633. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bộ sưu tập Hoàng gia tại Lâu đài Windsor, Berkshire, Anh quốc. (Ảnh: Tài sản công)
Tác phẩm “Charles I (1600–1649) With M. de St Antoine” (Vua Charles Đệ Nhất (1600–1649) cùng M. de St Antoine) của danh họa Anthony van Dyck, năm 1633. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bộ sưu tập Hoàng gia tại Lâu đài Windsor, Berkshire, Anh quốc. (Ảnh: Tài sản công)

Trái ngược với sự phát triển về phong cách, việc chuyển đổi của ông van Dyck từ họa sĩ vẽ tranh tôn giáo sang họa sĩ chuyên vẽ chân dung diễn ra chậm hơn. Mặc dù khi ở Ý, ông chủ yếu tập trung vào những tác phẩm có chủ đề tôn giáo, nhưng ông lại được ủy nhiệm vẽ chân dung cho tầng lớp quý tộc xứ Genoa nên số lượng các tác phẩm loại này ngày càng tăng. Trớ trêu thay, sự kết hợp này có lẽ đã trợ giúp cho quá trình chuyển đổi của họa sĩ van Dyck. Vào lúc quay trở lại Antwerp vào năm 1627, ông đã quyết định chuyển hướng tập trung và bắt đầu quảng bá bản thân với tầng lớp thương nhân giàu có. Tuy nhiên, sự bảo đảm tốt nhất cho công việc thường xuyên của họa sĩ vẽ chân dung chính là làm việc cho một hoàng gia.

Bối cảnh lại lần nữa ủng hộ ông van Dyck. Người trị vì Hà Lan, Nữ công tước Isabella von Habsburg, là một nhà bảo trợ nhiệt thành cho nghệ thuật và cũng là một người rất ngoan đạo. Bộ sưu tập các tác phẩm của van Dyck đã khiến ông hoàn toàn phù hợp để trở thành một trong các họa sĩ hoàng gia của bà. Và chính nhờ nền tảng tại Hà Lan này, ông van Dyck dần dần làm việc cho các gia đình hoàng tộc tại những nước láng giềng. Cuối cùng, ông đã được mời làm họa sĩ hoàng gia cho Vua Charles Đệ Nhất.

Chỉ sau chuyến viếng thăm tương đối muộn màng đến Anh quốc, họa sĩ van Dyck mới đạt đến độ chín muồi cho việc phát triển phong cách của mình, với những bức tranh chân dung về cuộc sống hàng ngày trên các phông nền tự nhiên rộng lớn. Đây chính là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. Nền tảng cho phong cách nghệ thuật đó được xây dựng từ những kiệt tác tranh kể chuyện mà ông đã vẽ trong nhiều năm và từ mức độ thành công trước đây của ông, tại những nơi mà yêu cầu về nghệ thuật là khắt khe nhất châu Âu, cho thấy đỉnh cao đó huy hoàng đến mức độ nào.

James Baresel
BTV Epoch Times Tiếng Anh
James Baresel là một nhà văn tự do, người đã đóng góp cho các tạp chí định kỳ đa dạng như Người sành nghệ thuật, Lịch sử quân sự, Đánh giá sách Claremont và Phương Đông mới

Thanh Ân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn