Lịch sử đẫm máu của bảo tàng tượng sáp: Madame Tussaud và những sáng tạo lạ lùng
Nhiều người tỏ vẻ thích thú trước quang cảnh tại các bảo tàng tượng sáp. Những người khác lại dè chừng và cảm thấy không thoải mái khi nhìn những nhân vật bất động giống y như thật. Bảo tàng tượng sáp trưng bày các tác phẩm điêu khắc bằng sáp để khắc họa các nhân vật lịch sử, hoàng gia, người nổi tiếng và những cá nhân đáng chú ý khác.
Một số bảo tàng sẽ có “Căn phòng kinh hoàng”, bao gồm tượng sáp của những tên tội phạm hung bạo hoặc những xác sống ghê rợn. Các kỹ thuật hiện đại và nghệ thuật tiên tiến tạo ra các tác phẩm tượng sáp siêu thực và chúng có thể gây khó chịu cho một số người.
Tuy nhiên, lịch sử của những tác phẩm sáp nổi tiếng nhất – Bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds ở London, khá đen tối. Câu chuyện về nghệ thuật, những cái chết, cuộc cách mạng và sự nổi tiếng của Tussaud vẫn còn ẩn bên dưới vẻ ngoài thân thiện với công chúng của bảo tàng. Lịch sử của Madam Tussauds là một câu chuyện về những bức tượng đầu ghê rợn, cuộc cách mạng đẫm máu và một trong những nữ doanh nhân thành công nhất thế kỷ 19.
Đúc khuôn đầu và chạm khắc gương mặt
Sinh ra ở Pháp vào năm 1761, Marie Grosholtz được nuôi dưỡng bởi người mẹ góa. Cha cô, một người lính Đức, đã qua đời vì vết thương chiến tranh nghiêm trọng. Hai người chuyển đến Thụy Sĩ và mẹ của Marie làm quản gia cho Philippe Curtius, một bác sĩ lành nghề. Curtius đã dạy Grosholtz nghệ thuật điêu khắc tượng sáp. HistoryToday viết rằng Curtius có biệt tài tạo mẫu tượng sáp và sáng tác được bộ sưu tập đầu tượng sáp và tượng bán thân của riêng mình.
Grosholtz trở nên rất thành thạo trong các tác phẩm tượng sáp, cô đã điêu khắc những nhân vật đáng chú ý thời kỳ đó, bao gồm nhà sử học và triết học Francois Voltarie, và chính khách Benjamin Franklin.
Tài năng của cô được lan truyền rộng rãi và cô được mời gia nhập Cung điện Hoàng gia ở Versailles, nơi cô trở thành gia sư nghệ thuật cho em gái của Vua Louis XVI, Madame Elizabeth, vào năm 1780. Cô sống trong giới thượng lưu, gặp gỡ giới quý tộc, trí thức và các nhà cách mạng Pháp.
Khởi đầu kinh hoàng
Người ta nói rằng ngay sau khi cuộc Cách mạng Pháp bắt đầu, Grosholtz đã được lệnh làm ra các phôi thạch cao và tạo gương mặt cho các nạn nhân của máy chém, nhiều người là bạn của cô trong những năm sống ở Paris. Trang web chính thức của Madam Tussauds viết rằng trong Triều đại Khủng bố, Grosholtz và mẹ của cô đã bị tống vào tù, và cô “buộc phải chứng minh lòng trung thành của mình với Cách mạng bằng cách làm tượng gương mặt các quý tộc bị hành quyết và những người chủ cũ của cô, Nhà vua và Nữ hoàng.” Cô đã đúc khuôn đầu của vua Louis XVI sau khi ông bị hành quyết, cũng như tạc gương mặt từ phần đầu đã đứt lìa khỏi cổ của Nữ hoàng Marie Antoinette và Maximilien Robespierre, nhân vật chính trị nổi tiếng nhất của cuộc cách mạng.
Sau đó, hồi ký của Grosholtz tiết lộ rằng cô bị bắt phải tạc tượng từ số lượng người bị chém dường như vô tận. Những tượng đầu này, được làm bằng sáp hoặc đất sét, đúc từ khuôn lấy trực tiếp từ khuôn mặt của người đã tử vong, rồi chúng được ca ngợi là những chiến thắng cách mạng và được diễn hành khắp các đường phố ở Paris.
Phụ nữ gây dựng sự nghiệp
Grosholtz rời nước Pháp và không thể trở về do hậu quả của Chiến tranh Napoleon, cô đã đi khắp Âu Châu, trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm sáp tinh xảo và đôi khi là kinh khủng của mình.
Cô kết hôn với Francois Tussaud vào năm 1795 và hành trình triển lãm của cô đã trở thành “Madam Tussauds” nổi tiếng hiện nay. Francois rời bỏ cô cùng hai con trai vào năm 1802, và người mẹ đơn thân cuối cùng định cư ở London. Cô mở và điều hành công việc kinh doanh tác phẩm sáp – một điều không phổ biến đối với một phụ nữ vào thời điểm đó. Bảo tàng và những sáng tạo của cô rất nổi tiếng, công việc kinh doanh của cô rất thành công. Công tước Wellington thường tham quan bảo tàng (để thưởng thức các hình nộm của chính ông và Napoleon), cô cũng đã tái hiện lại cảnh tượng ngoạn mục trong lễ đăng quang của Nữ hoàng Victoria vào năm 1837.
Các con trai của Tussaud cùng tham gia kinh doanh và cô tiếp tục minh mẫn làm việc cho đến tuổi 80.
Sáng tạo rùng rợn
Khi Tussaud thành lập triển lãm ở London, bên cạnh khu vực đặt tượng sáp các nhân vật lịch sử và hoàng gia, cô cũng tạo ra một nơi gọi là “Phòng riêng biệt” để chứa những món đồ kỳ quặc hơn, bao gồm cả gương mặt kinh hoàng của Marie Antoinette và Vua Louis XVI khi qua đời, một xác ướp Ai Cập, cảnh hành quyết những tên tội phạm khét tiếng của Pháp, và một mô hình máy chém.
“Căn phòng riêng biệt” này cuối cùng được đổi tên thành “Căn phòng kinh hoàng” và du khách phải trả phí cao hơn để xem nó.
Bảo tàng London bị hỏa hoạn vào năm 1925 và bị Đức dội một quả bom trong Thế chiến thứ hai, hơn 300 khuôn tượng đã bị phá hủy, tuy nhiên một số bức tượng và tác phẩm ban đầu của Tussaud vẫn còn.
Nhà độc tài Adolf Hitler đã bất tử với bức tượng sáp trong Căn phòng kinh hoàng vào năm 1933, nhưng bức tượng đã bị mất đầu vào năm 2008 bởi một người đàn ông Đức 41 tuổi đã lao vào cuộc triển lãm và đập vỡ đầu của tác phẩm điêu khắc. Bức tượng đã được sửa chữa và thay thế, hiện được bảo vệ cẩn thận.
Các tác phẩm sáp ngày nay
Thương hiệu tượng sáp Tussaud được biết đến trên toàn thế giới, và các bảo tàng mang thương hiệu này xuất hiện từ Hollywood đến Thượng Hải. Bảo tàng Madame Tussauds Baker Street ở London ngày nay là một điểm thu hút khách du lịch mang tính biểu tượng và họ tự hào có một bộ sưu tập các tác phẩm tuyệt vời nhất. Nhưng đây cũng là sản phẩm của một người phụ nữ đã đấu tranh qua thời kỳ lịch sử đầy biến động và đẫm máu, và rồi thành công.
Bảo tàng sáp ngày nay có thể được tìm thấy trên khắp thế giới, có thể là điểm du lịch chính của một thành phố, và đôi khi là những cuộc triển lãm khiêm tốn ẩn trong các thị trấn nhỏ. Tuy nhiên, không nơi nào có thể sánh được với lịch sử ly kỳ của Marie Tussaud và những sáng tạo rùng rợn của cô.
Do Liz Leafloor thực hiện
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: