Liệu pháp cổ truyền giúp giảm nguy cơ của “sát nhân thầm lặng” tăng huyết áp

Tăng huyết áp thường được gọi là “sát nhân thầm lặng” vì bệnh này thường tiềm ẩn và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim, não, thận v.v, đồng thời là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm. Đông y khuyên bạn nên bấm một số huyệt để giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó giảm huyết áp. Hiệu quả này sẽ càng rõ rệt hơn khi bạn kết hợp với dưỡng chất từ ​​trà.

Một báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet năm 2021 cho thấy trong năm 2019, ước tính có khoảng 1.28 tỷ người trưởng thành từ 30 đến 79 tuổi trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, 41% nữ giới và 51% nam giới không biết mình bị tăng huyết áp.

Vì bệnh nhân tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa nên nhiều người trẻ có thể không nghĩ ngay rằng mình bị cao huyết áp khi có các triệu chứng như đau đầu, nôn mửa, tim đập nhanh. Tuy nhiên những triệu chứng này có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh tăng huyết áp, vì vậy việc đo huyết áp thường xuyên là vô cùng quan trọng.

Tăng huyết áp là một bệnh kinh niên mà huyết áp luôn ở mức cao. Huyết áp là áp lực tác động lên thành động mạch khi tim co bóp để bơm máu vào động mạch. Huyết áp bao gồm hai giá trị, tâm thu và tâm trương. Huyết áp tâm trương thể hiện áp suất trong mạch máu khi tim co bóp; huyết áp tâm thu thể hiện áp suất giữa hai lần tim co bóp, là áp suất trong mạch máu khi tim giãn ra. Một người bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.

Tăng huyết áp có thể gây ra một số biến chứng chết người, đây có thể là một trong những lý do vì sao cao huyết áp được gọi là triệu chứng sát nhân.

Lin Yuanquan, giám sát trưởng của Hiệp hội Đông Y Đài Bắc (TCMA), đã cho biết trong một chương trình trực tuyến rằng các biến chứng của tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể, chẳng hạn như gây ra những thay đổi bệnh lý (tổn thương) cho một phần của tim, dẫn đến đến phì đại tâm thất, suy tim hoặc bệnh tim mạch vành. Đối với động mạch, tăng huyết áp có thể gây xơ vữa động mạch, u mạch máu, xơ cứng động mạch và bóc tách động mạch chủ. Tăng huyết áp ở não có thể dẫn đến nghẽn mạch máu não và xuất huyết não. Ngược lại, các cơ quan và bộ phận nằm xa hơn như mắt, thận và các mạch máu ngoại vi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các biến chứng.

Nguyên nhân của bệnh cao huyết áp

Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí Tăng huyết áp (Hypertension) năm 2018, các yếu tố nguy cơ dẫn đến huyết áp cao bao gồm:

1. Tính di truyền thể hiện rõ ở những người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp.

2. Thiếu tập thể dục. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2016 trên Arquivos Brasileiros de Cardiologia cho thấy huyết áp của các tình nguyện viên giảm đáng kể trong vòng vài giờ sau khi tập thể dục.

3. Ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt. Một cách ăn uống không lành mạnh bao gồm ăn quá nhiều Na và Kali, uống rượu và hút thuốc. Thừa cân hoặc béo phì cũng phản ánh thói quen sống kém lành mạnh. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, khoảng 40% trường hợp huyết áp cao có thể là do béo phì. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng béo phì gây ra 78% trường hợp huyết áp cao ở nam giới và 65% ở nữ giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, Zhang Xing, bác sĩ Đông y ở New Jersey, cho biết một số bệnh nhân bị tăng huyết áp do béo phì, máu nhiễm mỡ và cholesterol trong máu quá cao, gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến tăng huyết áp. Do đó, những bệnh nhân này nên cố gắng giảm cân trước bằng cách kiểm soát khẩu phần ăn uống và tập thể dục nhiều hơn. Nếu một bệnh nhân điều trị tăng huyết áp bằng Đông y, việc điều trị sẽ chủ yếu dựa trên thúc đẩy tuần hoàn máu và loại bỏ ứ huyết.

Bác sĩ Zhang cũng cho biết rằng, làm việc với cường độ cao liên tục, chịu áp lực lớn khiến cơ thể và tinh thần quá mệt mỏi, đều có khả năng là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp. Việc không nhận ra mạch máu bị tắc nghẽn hoặc thành mạch bị suy yếu, có thể dẫn đến đột quỵ hoặc bại não. Nguyên nhân có khả năng là bắt đầu từ huyết áp tăng cao, dẫn đến bi kịch “chết vì làm việc quá sức.”

Ngoài những lý do trên thì Hồ Nãi Văn, bác sĩ Đông y của phòng khám Đông Y Đồng Đức Đường Thượng Hải tại Đài Loan, đã chia sẻ các lý do khác dẫn đến cao huyết áp trong chương trình trực tuyến “Bài giảng của Hồ Nãi Văn,” bao gồm:

1. Cảm xúc dễ bị kích động. Bởi vì các dây thần kinh giao cảm trở nên tăng hoạt tính khi một người tức giận, tim sẽ đập nhanh và mạnh hơn, và khi các mạch máu ngoại vi co lại, máu sẽ không thể gửi oxy trực tiếp đến tất cả các bộ phận của cơ thể, cuối cùng xuất hiện triệu chứng cao huyết áp.

2. Cứng cổ và vai. Nguyên nhân có thể là do tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến không đủ máu cung cấp cho não hoặc các cơ quan khác. Thiếu máu cục bộ ở não dẫn đến thiếu oxy. Để tăng cường cung cấp máu, cơ thể sẽ nâng huyết áp tăng lên.

3. Thời tiết lạnh giá cũng có thể đóng một vai trò nhất định. Khi gió lạnh thổi qua, các mạch máu co lại một cách tự nhiên và huyết áp sẽ tăng lên.

Những phương pháp giảm huyết áp

1. Đối với những bệnh nhân cao huyết áp dễ bị kích động về mặt cảm xúc, bác sĩ Hồ cho biết ngoài việc chú ý điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc hàng ngày, họ còn có thể giải tỏa cảm xúc bằng cách uống trà hoa cúc. Cho 10 bông hoa cúc trở lên vào ly, đổ nước sôi vào ngâm cho đến khi ngửi thấy mùi thơm của hoa cúc. Khi hoa nở hết bạn có thể uống từ từ, ngoài ra bạn có thể cho thêm cam thảo hoặc kỷ tử. Khi đã ngâm đủ lâu, bạn có thể ngửi thấy mùi thơm và sẵn sàng thưởng thức.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Phân tử vào năm 2019 đã đề cập rằng hoa cúc có tác dụng chống sưng đau, hạ sốt, an thần, bảo vệ thần kinh, chống viêm khớp và chống tăng huyết áp.

Liệu pháp cổ truyền giúp giảm nguy cơ của “sát nhân thầm lặng” tăng huyết áp
Trà hoa cúc (Ảnh: Picture Partners/Shutterstock)

2. Đối với cổ, vai và lưng bị căng cứng, bác sĩ Hồ đề nghị bấm huyệt Xích trạch từ ba đến năm phút mỗi ngày, đồng thời nhẹ nhàng xoay đầu từ bên này sang bên kia, có thể thúc đẩy quá trình cung cấp máu lên não. Bạn cũng có thể bấm huyệt Túc tam lý và Tam âm giao để tăng cường tuần hoàn máu, nhưng phụ nữ mang thai nên tránh bấm huyệt Tam âm giao.

Huyệt là một thuật ngữ riêng trong Đông y, mỗi huyệt là một nơi có nhiều đầu dây thần kinh và mạch máu. Theo Đông y, huyệt phân bố ở các tạng phủ và kinh mạch trên bề mặt cơ thể. Chúng là những bộ phận cụ thể nơi khí và huyết kết hợp với nhau, lưu thông, nhập-xuất, và cũng được coi là điểm thu năng lượng của cơ thể con người. Đông y có thể điều trị bệnh bằng cách kích thích các điểm kinh mạch tương ứng thông qua xoa bóp, vỗ nhẹ và châm cứu.

Liệu pháp cổ truyền giúp giảm nguy cơ của “sát nhân thầm lặng” tăng huyết áp
Huyệt Xích trạch. (The Epoch Times)
Liệu pháp cổ truyền giúp giảm nguy cơ của “sát nhân thầm lặng” tăng huyết áp
Huyệt Túc tam lý và Tam âm giao. (The Epoch Times)

3. Đối với huyết áp tăng do thời tiết lạnh, bác sĩ Hồ nhắc nhở chúng ta giữ ấm và uống nhiều canh nóng, để các mạch máu ngoại vi bị co thắt sẽ giãn nở trở lại độ rộng tự nhiên, từ đó huyết áp sẽ giảm xuống.

Theo bác sĩ Zhang, nếu phát hiện bệnh nhân cao huyết áp có biểu hiện tay chân lạnh, đi tiểu nhiều, thích uống đồ nóng, không chịu được nhiệt độ lạnh và thể trạng yếu, Đông y có thể sử dụng châm cứu và đốt ngải cứu để điều trị. Các huyệt được nhắm vào trong trường hợp này, sẽ là Túc tam lý và Quan nguyên, Đại chùy, Thận du và Mệnh môn.

Liệu pháp cổ truyền giúp giảm nguy cơ của “sát nhân thầm lặng” tăng huyết áp
Huyệt Quan nguyên. (The Epoch Times)
Liệu pháp cổ truyền giúp giảm nguy cơ của “sát nhân thầm lặng” tăng huyết áp
Huyệt Đại chùy. (The Epoch Times)
Liệu pháp cổ truyền giúp giảm nguy cơ của “sát nhân thầm lặng” tăng huyết áp
Huyệt Thận du. (The Epoch Times)
Liệu pháp cổ truyền giúp giảm nguy cơ của “sát nhân thầm lặng” tăng huyết áp
Huyệt Mệnh môn. (The Epoch Times)

Tân Dân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sophia Yu
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn