Thuốc hạ huyết áp có thể tăng nguy cơ đột quỵ: Bấm 2 huyệt giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả

Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không có triệu chứng cảnh báo, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ vốn là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên các loại thuốc hạ huyết áp hiện đang được sử dụng lại có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ…

Hồ Nãi Văn là một bác sĩ Trung y tại Trung tâm y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở Đài Bắc, Đài Loan, đã giải thích trong chương trình YouTube của mình “Vấn đáp Sức Khoẻ của Hồ Nãi Văn” rằng có thể sử dụng một số huyệt chính để kiểm soát huyết áp, đồng thời tránh được những tác dụng phụ do dùng thuốc hạ huyết áp kéo dài.

Nguyên nhân của bệnh cao huyết áp

BS Hồ cho biết Trung y tin rằng có nhiều lý do khác nhau dẫn đến huyết áp cao, ví dụ, cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến tăng huyết áp.

Vào năm 2021, một nghiên cứu quy mô lớn được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia đã phân tích tác động của căng thẳng và cảm xúc đối với huyết áp của hơn 20.000 người.

Kết quả cho thấy huyết áp tăng khi có cảm xúc tiêu cực (như khi tức giận) và giảm khi có cảm xúc tích cực (như lúc mãn nguyện).

BS Hồ gợi ý rằng mọi người nên bắt đầu thay đổi nhận thức tiêu cực về huyết áp cao. “Bạn nên biết ơn vì bệnh tăng huyết áp của mình. Nó đang giúp bạn chứ không làm hại bạn.”

Ví dụ, nhịp tim tăng lên khi đau đớn, căng thẳng, lo lắng làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến co mạch và tăng huyết áp. Trong trường hợp này, chúng ta nên tìm cách để loại bỏ đau đớn, căng thẳng và lo lắng, khiến huyết áp trở lại bình thường một cách tự nhiên.

Đối với huyết áp tăng do lạnh, thường xuyên giữ ấm toàn thân và tay chân sẽ giải quyết được vấn đề. Huyết áp cao có thể là một chỉ báo hữu ích về những bất thường cần được lưu tâm.

Nguy cơ đột quỵ do thuốc điều trị tăng huyết áp

Lối sống hối hả của con người hiện đại có thể dễ dàng khiến huyết áp tăng cao.

Một số người lo lắng khi thấy huyết áp cao nên nhanh chóng tìm đến thuốc để hạ huyết áp. Về vấn đề này, BS Hồ gợi ý rằng trước tiên bệnh nhân nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để xác định loại thuốc hạ huyết áp phù hợp với tình trạng của họ.

BS Hồ nhắc nhở rằng việc uống thuốc hạ huyết áp bừa bãi là rất nguy hiểm. Ông cho rằng bạn càng uống nhiều thuốc, máu càng ít đến não và các cơ quan nội tạng, điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như căng cứng lưng, đau nhức và chóng mặt. Ông nhấn mạnh nếu mù quáng dùng thuốc hạ huyết áp quá nhiều, có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu não hoặc các dạng đột quỵ khác.

Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Đột Quỵ năm 2015 cho thấy một người tăng huyết áp được điều trị thành công (SBP <120 mm Hg) bằng từ 3 nhóm thuốc hạ huyết áp trở lên, có nguy cơ đột quỵ cao hơn một chút so với người bị tăng huyết áp giai đoạn 1 không được điều trị.

Trong nghiên cứu này, tổng cộng 26.875 người da đen và da trắng tham gia đã được đánh giá và theo dõi các biến cố đột quỵ. Kết quả cho thấy trong các giai đoạn tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ lại gia tăng khi bổ sung thêm nhóm thuốc hạ huyết áp. Điều này cho thấy việc duy trì tình trạng huyết áp bình thường chỉ đơn thuần bằng thuốc vẫn có ảnh hưởng sâu sắc, vì gần một nửa quần thể nghiên cứu được điều trị theo hướng dẫn (huyết áp tâm thu <140 mm Hg) nhưng vẫn không thể trở lại mức nguy cơ đột quỵ tương tự như người có huyết áp bình thường.

Bấm hai huyệt để kiểm soát huyết áp: huyệt Xích Trạch và huyệt Kiên Trung

BS Hồ chỉ ra rằng huyết áp tăng lên khi cơ thể làm việc nhiều hơn để vận chuyển máu lên não. Một cách để giúp máu lưu thông tốt hơn là uống thuốc làm giãn nở mạch máu. Khi máu lưu thông tốt hơn đến não và các cơ quan khác nhau, huyết áp sẽ tự nhiên giảm xuống.

Trong Trung y, việc ấn các huyệt tương ứng cũng có thể giúp làm giãn mạch máu, cải thiện tình trạng tắc nghẽn động mạch cảnh và giúp máu lưu thông không bị cản trở. Điều này sẽ giúp giảm huyết áp và làm giảm các triệu chứng như tê cứng cổ, đau đầu và chóng mặt.

Hai huyệt quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp là huyệt Xích Trạch và Kiên Trung. Huyệt Xích Trạch nằm trên nếp gấp ngang của khuỷu tay, dọc theo đường ngón tay cái khi lòng bàn tay của bạn hướng lên trần nhà. Huyệt Kiên Trung nằm cách vai (mặt ngoài) ba ngón tay theo hướng đi xuống. Khi bạn cảm thấy cơ thể cung cấp đủ máu cho não, chẳng hạn như lúc bị cứng cổ, bạn có thể thử bấm các huyệt Xích Trạch và Kiên Trung để giúp hạ huyết áp mà không cần dùng thuốc.

Thuốc hạ huyết áp có thể tăng nguy cơ đột quỵ: Bấm 2 huyệt giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả
Huyệt Xích Trạch (Ảnh: The Epoch Times)
Thuốc hạ huyết áp có thể tăng nguy cơ đột quỵ: Bấm 2 huyệt giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả
Huyệt Kiên Trung (Ảnh: The Epoch Times)

Châm cứu đã được sử dụng để điều trị tăng huyết áp từ thời cổ đại. Một tổng quan năm 2021 về các nghiên cứu khác nhau được công bố trên tạp chí Châm cứu Y khoa đã xác nhận rằng các huyệt châm cứu không chỉ có thể được sử dụng như một liệu pháp độc lập để điều trị tăng huyết áp mà còn có thể được sử dụng song song với các loại thuốc hạ huyết áp để giảm liều lượng cho bệnh nhân, do đó giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ do dùng thuốc.

Theo lý thuyết Trung y, kinh mạch là kênh năng lượng của cơ thể con người và các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt cơ thể thông qua kinh mạch. Các điểm trên kinh mạch có chức năng đặc biệt được gọi là “huyệt”. Việc kích thích các huyệt tương ứng thông qua châm cứu và/hoặc xoa bóp có thể giúp điều trị các bệnh tương ứng của tạng phủ

Thường xuyên chóng mặt: một tín hiệu cảnh báo quan trọng

Bs Hồ nhắc nhở mọi người không được chủ quan đối với các triệu chứng chóng mặt, vì trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến co giật hoặc thậm chí tử vong. Theo phân tích của ông, nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt ở mọi người là do thiếu máu não hoặc thiếu máu não cục bộ do tư thế.

BS Hồ nói chóng mặt chỉ là một triệu chứng chứ không phải là bệnh. Đông y có thể giải quyết tình trạng chóng mặt bằng cách làm giãn nở mạch máu hoặc bổ máu nhằm đạt đủ lượng máu lên não để giảm nhẹ bệnh và tránh nguy hiểm. Khi người thiếu máu bị chóng mặt do thiếu máu não, họ cần ngay lập tức ngồi hoặc nằm thẳng để máu lưu thông nhanh lên não.

Thuốc hạ huyết áp có thể tăng nguy cơ đột quỵ: Bấm 2 huyệt giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả
Thường xuyên chóng mặt: một tín hiệu cảnh báo quan trọng (Ảnh: Shutterstock)

BS Hồ cũng đề xuất một số đơn thuốc thường được sử dụng, chẳng hạn như nước sắn dây có tác dụng làm giãn mạch máu, và thuốc sắc Độc Hoạt và Khương Hoạt. Nhưng ông nhắc nhở bệnh nhân cần được bác sĩ trực tiếp kê toa phù hợp nhất cho họ.

Ông cũng đề xuất bài thuốc Bát Trân Thang, có thể giúp cung cấp đủ máu để truyền đến tất cả các bộ phận của cơ thể và ngăn huyết áp tăng quá cao. Các thành phần của Bát Trân Thang bao gồm Nhân Sâm, Phục Linh, Bạch Truật, Cam Thảo, Đương Quy, Xuyên Khung, Địa Hoàng và rễ Mẫu Đơn Trắng.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Vascular Pharmacology năm 2017 cho thấy nhân sâm đỏ Hàn Quốc có thể hạ huyết áp ở bệnh nhân tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp cấp tính hay mạn tính, đồng thời có thể hạ cả huyết áp tâm thu lẫn tâm trương.

Một số loại thảo mộc được đề cập trên đây nghe có vẻ xa lạ, nhưng nhiều loại có sẵn trong các cửa hàng thực phẩm sức khỏe và cửa hàng tạp hóa châu Á. Ngoài ra, do thể chất của mỗi người là khác nhau nên phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau. Vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch điều trị và đơn thuốc cụ thể.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times

Hồ Nãi Văn
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Ông là giáo sư tại Đại học Y khoa Nine Star ở Sunnyvale, California, Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề y, ông đã điều trị hơn 140,000 bệnh nhân. Ông nổi tiếng với việc chữa trị thành công bệnh nhân ung thư hắc tố thứ năm trên thế giới bằng Trung y. Bác sĩ Hồ hiện đang dẫn chương trình sức khỏe trên YouTube với hơn 700,000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình trình diễn lưu động về sức khỏe nổi tiếng được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn