Lợi nhuận ngành ngân hàng của Hoa Kỳ giảm 44% trong quý 4/2023
Biên lãi suất ròng đo lường lợi nhuận của ngân hàng đã giảm trong quý vừa qua.
Theo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), các ngân hàng Mỹ đã chứng kiến lợi nhuận của họ giảm gần một nửa trong quý cuối cùng của năm 2023, với việc các tổ chức tài chính này phải đối mặt với nhiều rủi ro suy thoái hơn trong năm nay.
Theo thông cáo báo chí hôm thứ Năm (07/03) từ FDIC, lợi nhuận ròng trong quý 4 của 4,587 ngân hàng thương mại và tổ chức tiết kiệm được FDIC bảo hiểm đạt 38.4 tỷ USD, giảm 30 tỷ USD, tương đương với giảm 43.9% so với quý trước. Lợi nhuận ròng cả năm 2023 giảm 2.3% so với năm trước.
Chủ tịch FDIC Martin J. Gruenberg cho biết: “Sự bất ổn liên tục về kinh tế và địa chính trị, áp lực lạm phát tiếp diễn, lãi suất thị trường biến động, và rủi ro mới nổi trong một số danh mục đầu tư địa ốc thương mại của ngân hàng đang tạo ra rủi ro suy thoái đáng kể cho ngành ngân hàng.”
“Những vấn đề này, cùng với áp lực tài trợ và thu nhập, sẽ vẫn là những vấn đề được FDIC giám sát liên tục.”
Sự sụt giảm thu nhập so với quý trước xảy ra một phần là do “chi phí một lần, không phải là chi phí lãi suất” tại các ngân hàng lớn, cách nói này có thể là ngụ ý về khoản phí đặc biệt mà các ngân hàng lớn phải trả cho FDIC.
Sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và hai tổ chức tài chính lớn khác vào năm ngoái, quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC đã lỗ 16 tỷ USD. FDIC sau đó đã chỉ thị các ngân hàng trả một khoản phí đặc biệt để bù đắp những khoản lỗ này và bổ sung vốn.
Hồi tháng Năm năm ngoái, tổ chức này cho biết các ngân hàng lớn nhất quốc gia sẽ trả 15.8 tỷ USD trong hai năm dưới dạng phí đặc biệt.
Thu nhập lãi suất thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn cũng góp phần làm giảm lợi nhuận ngân hàng.
Biên lãi suất ròng (NIM) của các ngân hàng đã giảm hai điểm cơ bản xuống 3.28% trong quý 4. NIM là chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi mà các ngân hàng phải trả, thể hiện khả năng sinh lời và tăng trưởng của các tổ chức này.
FDIC cho biết: “NIM giảm do chi phí nợ tiền gửi và phi tiền gửi tăng cao hơn mức tăng của lợi suất tài sản.” Tổng số tổ chức được FDIC bảo hiểm đã giảm đi 27 tổ chức trong quý 4.
Các khoản vay dài hạn tăng bốn điểm cơ bản lên 0.86%. Đây là những khoản vay quá hạn từ 90 ngày trở lên hoặc ở trạng thái không tích lũy. Tỷ lệ các khoản vay quá hạn từ 30–89 ngày đã tăng vọt 7 điểm cơ bản.
“Thẻ tín dụng và các khoản cho vay địa ốc thương mại phi nông nghiệp, phi dân cư đã thúc đẩy tỷ lệ lãi suất dài hạn tăng so với quý trước, trong khi các khoản vay nợ mua nhà ở đã thúc đẩy mức tăng so với quý trước về tỷ lệ các khoản cho vay quá hạn 30–89 ngày.”
Tỷ lệ xóa nợ ròng — các khoản nợ mà ngân hàng không mong đợi thu hồi được — đã tăng 29 điểm cơ bản so với một năm trước. Tỷ lệ này cao hơn 17 điểm cơ bản so với mức trung bình trước đại dịch. Thẻ tín dụng dẫn đầu mức tăng hàng năm về số dư thanh toán ròng.
Về phương diện tích cực, tiền gửi trong nước đã tăng trưởng lần đầu tiên trong bảy quý trong khi các khoản lỗ chưa thực hiện trên chứng khoán giảm 30% so với quý trước.
Kiểm tra khả năng chịu rủi ro, chất lượng tín dụng
Báo cáo về lợi nhuận ngân hàng được đưa ra sau khi FDIC công bố các kịch bản kinh tế năm 2024 sẽ được sử dụng trong các cuộc kiểm tra sức chịu rủi ro sắp tới đối với các tổ chức ngân hàng.
Các cuộc kiểm tra sức chịu rủi ro được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009. FDIC sử dụng các cuộc kiểm tra này để xác định lượng vốn mà các ngân hàng cần để được xem là lành mạnh về mặt tài chính. Các cuộc kiểm tra này xác định số tiền mà ngân hàng có thể trả lại cho cổ đông thông qua cổ tức và mua lại.
Tình huống nghiêm trọng nhất được đặt ra trong kiểm tra sẽ xem xét các ngân hàng sẽ hoạt động ra sao khi giá nhà giảm 36%, giá địa ốc thương mại giảm 40%, và tỷ lệ thất nghiệp tăng 6.5 điểm phần trăm.
Được công bố vào tháng Sáu, kết quả kiểm tra sức chịu rủi ro sẽ sẽ được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ. Các ngân hàng tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng để vượt qua các cuộc kiểm tra.
Ông Kevin Fromer, người đứng đầu Diễn đàn Dịch vụ Tài chính, cho biết: “Các ngân hàng lớn nhất quốc gia… rất mạnh, có vốn hóa cao, và là nguồn trợ lực quan trọng cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ, ngay cả khi đối diện với những khó khăn kinh tế đáng kể.” Tổ chức này đại diện cho các CEO từ tám ngân hàng lớn nhất của Mỹ.
Trong khi đó, theo chương trình Chia sẻ Tín dụng Quốc gia (SNC) của FDIC, chất lượng tín dụng của các ngân hàng hợp vốn lớn vẫn ở mức vừa phải.
FDIC cho biết trong một báo cáo hồi tháng trước, “Nhìn chung, rủi ro tín dụng của SNC đã tăng lên nhưng vẫn ở mức vừa phải. Xu hướng này phản ánh áp lực của lãi suất cao hơn đối với những bên đi vay có mức nợ cao và tác động của biên lợi nhuận hoạt động bị thu hẹp ở một số ngành công nghiệp.”
Tổ chức này nhận thấy rủi ro vẫn cao đối với các khoản cho vay có mức nợ lớn, trong đó các khoản cho vay đối với các ngành như công nghệ, viễn thông và truyền thông, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, cũng như dịch vụ vận tải dễ gặp phải những rủi ro như vậy. Trong lĩnh vực địa ốc, rủi ro được thấy là mang tính “phân đoạn,” với một số phân ngành có xu hướng xấu đi.
Họ cho biết: “Mức độ và hướng rủi ro trong năm 2024 sẽ bị ảnh hưởng bởi khả năng quản lý của bên vay để vượt qua những thay đổi về lãi suất, lĩnh vực địa ốc thương mại, và các yếu tố bên ngoài khác.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times