‘Ly hôn giả’ ở Trung Quốc: Việc chuyển nhượng cổ phiếu của các cặp vợ chồng giàu có thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý
Học giả cho biết, hầu hết các vụ ly hôn này đều nhằm mục đích rút tiền từ cổ phiếu nắm giữ, cho phép các cặp vợ chồng tỷ phú này tránh được những rủi ro hoặc kiểm toán nhất định.
Vụ ly hôn giữa những người giàu có ở Trung Quốc đã trở thành đề tài nổi bật trong năm nay, với ít nhất 10 giám đốc điều hành của công ty niêm yết cổ phiếu hạng A nộp đơn chấm dứt cuộc hôn nhân của họ, dẫn đến một lượng lớn cổ phiếu bị đổi chủ trong quá trình giải quyết ly hôn.
Vụ ly hôn liên quan mới nhất được công bố hôm 15/09, khi Công ty TNHH Hóa chất Quốc Quang Tứ Xuyên thông báo rằng chủ tịch Nhan Á Kỳ (Yan Yaqi) và vợ Hồ Lợi Hà (Hu Lixia) đã hoàn tất thủ tục ly hôn sau “thương lượng thân thiện.” Họ cũng đã thực hiện các thỏa thuận liên quan để phân chia cổ phần cho nhau, cùng với các vấn đề khác.
Theo thông báo, ông Nhan nắm giữ khoảng 40,898,340 cổ phiếu của công ty Quốc Quang, chiếm 9.4% tổng số cổ phần của công ty, trong khi bà Hồ không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào. Theo thỏa thuận ly hôn, ông Nhan đã đồng ý chuyển giao 20,449,170,000 cổ phiếu của mình cho bà Hồ, chiếm khoảng 4.7% tổng số cổ phần của công ty.
Giá đóng cửa của cổ phiếu Quốc Quang hôm 15/09 là 10.98 nhân dân tệ một cổ phiếu. Dựa trên mức giá này, bà Hồ nhận được khoản lệ phí ly hôn là khoảng 225 triệu nhân dân tệ (khoảng 30.9 triệu USD).
Ngoài ra còn có một vụ “ly hôn giá cao ngất trời” khác được công khai hôm 25/08, khi Maxunitech thông báo rằng ông Phiền Khai Thự (Fan Kaishu), một cổ đông kiểm soát, và bà Ô Kim Hoa (Wu Jinhua) đã làm thủ tục ly hôn và dàn xếp việc phân chia cổ phần.
Thỏa thuận ly hôn quy định rằng ông Phiền dự định chuyển giao cho bà Ô 7,026,300 cổ phiếu công ty, trị giá khoảng 132 triệu nhân dân tệ (khoảng 18 triệu USD) dựa trên giá đóng cửa ngày hôm đó.
Trong khi đó, chính quyền đã sửa đổi luật nhằm hạn chế việc các cặp vợ chồng giàu có lợi dụng việc ly hôn để lách các hạn chế về việc bán cổ phiếu. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) hôm 25/08 đã yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn mới đối với các vụ ly hôn liên quan đến việc chuyển giao việc nắm giữ cổ phần đáng kể, gây khó khăn cho việc giảm lượng cổ phiếu nắm giữ và rút tiền của những cặp vợ chồng ly hôn này.
Trường hợp của ông Phiền và bà Ô đã trở thành trường hợp đầu tiên bị áp dụng quy định mới.
Ly hôn giả
Một số cặp vợ chồng này đã từng là hình mẫu về quan hệ hôn nhân. Chẳng hạn, ông Chu Hồng Y (Zhou Hongyi), người sáng lập và là chủ tịch của đại công ty an ninh mạng 360 Security Technology Inc. của Trung Quốc, đã đồng ý chuyển nhượng 446 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 6.3% tổng quyền sở hữu của công ty, cho vợ cũ của ông, bà Hồ Hoan (Hu Huan). Tổng số tiền giải quyết lên tới gần 9 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1.25 tỷ USD.
Trước sự thay đổi vốn chủ sở hữu này, bà Hồ vốn không có cổ phần sở hữu trong công ty, cũng như không tham gia vào các hoạt động hay quản lý hàng ngày của công ty.
Trước đây, ông Chu đã công khai bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới công ty cũ của mình, công ty Founder Technology, vì chính ở đó, ông đã khám phá ra “niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời mình” — được gặp cô Hồ. Ông cũng đã kể lại câu chuyện tình yêu của họ rất chi tiết trong cuốn tự truyện của mình.
Vì câu chuyện này, nhiều người Trung Quốc tin rằng cuộc ly hôn của họ đã là giả và được thực hiện để rút tiền từ cổ phiếu.
Lý do thực sự
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), Giáo sư Trưởng Khoa Kinh doanh tại Đại học South Carolina Aiken, người nhận học bổng John M. Olin Palmetto, nói rằng ông tin rằng hầu hết các vụ ly hôn này đều có chủ đích để rút tiền từ cổ phiếu nắm giữ, vì làm như vậy, cặp vợ chồng tỷ phú có thể tránh được những rủi ro hoặc kiểm toán nhất định.
Theo quan điểm của ông, cả xã hội và nền kinh tế Trung Quốc đều đang trong tình trạng biến dạng do sự can thiệp độc đoán của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ví dụ, tất cả các công ty niêm yết đều phải có một chi bộ đảng, bí thư của đảng phải được phép ngồi vào ban giám đốc ngay cả khi chỉ nắm giữ một lượng cổ phần rất nhỏ.
“Triển vọng kinh tế của Trung Quốc khá ảm đạm, và những bất ổn kinh tế và xã hội hiện nay đã khiến người dân Trung Quốc thêm lo lắng,” ông nói. “Ngày nay nhiều người muốn rời khỏi Trung Quốc, và cũng có nhiều người muốn bảo toàn vốn bằng cách rút khỏi thị trường. Bằng cách dùng đến các thủ tục ly hôn giả, họ có thể phân chia cổ phần của mình, giúp việc rút tiền dễ dàng hơn.”
Hơn nữa, bất cứ khi nào các cổ đông nhỏ chứng kiến việc ly hôn của một cổ đông lớn, có thể là giám đốc, người giám sát, hoặc giám đốc điều hành cao cấp, họ trở nên e ngại về các vấn đề tiềm ẩn và lo sợ rằng đảng này có thể tiến hành một cuộc điều tra công ty. Do đó, các cổ đông này đã nhanh chóng bán bớt cổ phần của mình.
Ông Tạ nói, ngược lại, ở Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác, không có mối lo ngại tương tự rằng việc ly hôn của một cổ đông lớn có thể dẫn đến sự suy thoái của thị trường chứng khoán.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times