Nếu các triệu chứng này không được giải quyết, thời kỳ mãn kinh sẽ tiếp tục kéo dài

Bạn bị bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm, bực bội và mất ngủ? Kinh nguyệt dừng đã lâu rồi, tại sao các triệu chứng mãn kinh vẫn tồn tại? Trên thực tế, nếu các vấn đề về thể chất do thời kỳ mãn kinh gây ra không được giải quyết, các triệu chứng mãn kinh có thể sẽ tiếp tục kéo dài.

Các triệu chứng mãn kinh khó nhận biết

Trong khoảng thời gian từ 45-55 tuổi, do chức năng buồng trứng bị thoái hóa, tiết không đủ estrogen nên nữ giới sẽ xuất hiện các triệu chứng về thể chất hoặc tâm lý như rối loạn kinh nguyệt, thay đổi cảm xúc v.v. Thời kỳ này được gọi là mãn kinh.

Vào cuối thời kỳ mãn kinh, nữ giới sẽ ngừng kinh nguyệt. Tuy nhiên, không ít phụ nữ thấy rằng sau khi dừng kinh lâu như vậy rồi, họ vẫn có các triệu chứng mãn kinh. “Nếu các vấn đề về thể chất do thời kỳ mãn kinh mang đến không được giải quyết, các triệu chứng mãn kinh sẽ tiếp tục kéo dài,” Bác sĩ Diệp Nhu Đoan (Ye Ruduan), giám đốc Phòng khám Trung Y Gia Phẩm tại Đài Loan cho biết, “thời kỳ mãn kinh không phải là qua rồi thì sẽ không còn [triệu chứng] nữa.”

Estrogen có mối quan hệ rất lớn với chức năng sinh lý của nữ giới. Khi estrogen giảm mạnh, rất nhiều triệu chứng sẽ xuất hiện, trong đó phổ biến nhất là “triều nhiệt” và “đạo hãn.” Triều nhiệt (bốc hỏa) là hiện tượng sốt nhẹ, nóng rõ rệt từ đầu, ngực hoặc thậm chí toàn thân, có thể còn kèm theo mẩn đỏ trên da, vậy nên còn được gọi là “nhiệt triều hồng.” “Đạo hãn” (ra mồ hôi trộm) thường đi kèm với triều nhiệt ở phụ nữ mãn kinh. Một số người sẽ đổ mồ hôi vào ban đêm, thậm chí lưng nóng đến mức tỉnh giấc.

Nhìn chung khái niệm về chứng triều nhiệt và đạo hãn rất phổ biến đối với phụ nữ, sau khi chúng phát tác, ít nhiều phụ nữ cũng có thể đoán được mình sắp bước vào thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, những triệu chứng mãn kinh khác thì không dễ phân biệt. Rất nhiều người có thể không nhận ra những triệu chứng khó chịu này có liên quan đến thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, hơn nữa không thể trị liệu một cách có hiệu quả:

  1. Tim đập nhanh

Tim đập nhanh là một trong những triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh, rất nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng đột nhiên tim đập rộn lên, cảm giác trong người rất không thoải mái. “Đây là một triệu chứng thông thường, nhưng rất nhiều người không hiểu về các triệu chứng liên quan đến thời kỳ mãn kinh, rất nhiều người nghĩ rằng đó là vấn đề về tim nên đã đến gặp bác sĩ tim mạch,” bác sĩ Diệp Nhu Đoan cho biết.

  1. Mất ngủ

Ra mồ hôi trộm vào ban đêm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ, mà lượng estrogen giảm mạnh còn khiến mọi người ngủ không ngon. Đặc biệt với những phụ nữ vốn đã mắc chứng rối loạn giấc ngủ, tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Nhiều người vốn trước đây ngủ ngon, nhưng khi estrogen liên tục giảm dần sẽ trở nên khó đi vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc, mơ màng, hoặc nửa đêm phải dậy đi vệ sinh thì không ngủ lại được nữa.

  1. Rối loạn cảm xúc

Sau khi bước vào thời kỳ mãn kinh, một số người sẽ có những biểu hiện thăng trầm rõ rệt về mặt cảm xúc, chẳng hạn như dễ buồn bực, cáu giận, trầm cảm v.v. Người thân trong gia đình cũng sẽ cảm nhận được, cảm thấy đối phương “giống như biến thành một người khác,” nhưng ít ai nghĩ rằng nó có liên quan đến thời kỳ mãn kinh.

  1. Viêm niệu đạo

Sự sụt giảm estrogen cũng khiến phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh dễ bị viêm đường tiết niệu, do estrogen tác động lên lớp biểu bì niệu đạo khiến phụ nữ giai đoạn này tương đối dễ bị viêm niệu đạo.

Ngoài bốc hỏa và ra mồ hôi trộm thì tim đập nhanh, mất ngủ, rối loạn cảm xúc và viêm niệu đạo cũng là những triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh. (Ảnh: Shutterstock)
Ngoài bốc hỏa và ra mồ hôi trộm thì tim đập nhanh, mất ngủ, rối loạn cảm xúc và viêm niệu đạo cũng là những triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh. (Ảnh: Shutterstock)

Trung Y trị tận gốc triệu chứng mãn kinh

Trung y điều trị triệu chứng mãn kinh sẽ bắt đầu từ bản chất của các triệu chứng, vậy nên có thể cải thiện các triệu chứng một cách hiệu quả.

Ví dụ, phụ nữ thời kỳ mãn kinh thường có rối loạn về Thận, Can (gan), Tâm (tim) và Tỳ (lá lách) v.v. Theo quan điểm của Trung y, đó không chỉ là các cơ quan mà là một khái niệm có hệ thống. Thận trong Trung y không tương đương với “thận” trong Tây y, nó còn liên quan đến hệ nội tiết sinh sản, Can thì bao hàm cả bộ phận cảm xúc.

Các bác sĩ Trung y sẽ tìm nguyên nhân chính của rối loạn thông qua quan sát, bắt mạch lâm sàng, sau đó kê đơn phù hợp với chứng bệnh để hệ thống tạng phủ của bệnh nhân có thể hoạt động bình thường, các triệu chứng sẽ tự nhiên được cải thiện.

Bác sĩ Diệp Nhu Đoan cho biết rất nhiều bệnh nhân đến điều trị có thể chất thận hư. Nếu bệnh nhân có hội chứng thận hư trước tuổi mãn kinh, khi bước vào tuổi mãn kinh các triệu chứng sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, điều đáng chú ý là dưới áp lực cao trong xã hội hiện đại, không ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh sớm. Lấy phụ nữ Đài Loan làm ví dụ, vốn dĩ phần lớn đều ở độ tuổi 49-50 mới ngừng kinh nguyệt. Tuy nhiên, bác sĩ Diệp Nhu Đoan phát hiện rất nhiều bệnh nhân trước 40 tuổi đã bị suy giảm buồng trứng, bệnh nhân trẻ nhất thậm chí chỉ mới 20 tuổi đã suy buồng trứng sớm và mãn kinh sớm. Do đó, nếu phụ nữ có các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, ngay cả khi chưa đến tuổi, cũng nên đề cao cảnh giác. Các bạn trẻ nếu điều trị sớm sẽ có cơ hội khôi phục khả năng sinh sản của mình.

Đàn ông cũng có “thời kỳ mãn kinh” nhưng dễ bị bỏ qua

Sau 50 tuổi, nam giới cũng sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh (mãn dục) do nội tiết tố androgen suy giảm. Tuy nhiên so với các triệu chứng rõ ràng ở nữ giới, đàn ông khó nhận biết hơn.

Bác sĩ Diệp Nhu Đoan giải thích rằng sau khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, estrogen sẽ giảm nhanh chóng, trong khi androgen ở nam giới là giảm từ từ. Do đó, nam giới không gặp phải các triệu chứng kịch liệt khi đến tuổi mãn kinh. Nam giới có thể sẽ cảm thấy thể lực ngày càng kém, chức năng tình dục gặp một số vấn đề và có một chút bất ổn về mặt cảm xúc.

Ngược lại, nếu ý thức được mình đã bước vào thời kỳ mãn kinh, nam giới có thể áp dụng ngay các bài thuốc Trung y, các triệu chứng sẽ được cải thiện khá tốt.

Sau khi mãn kinh dễ dẫn đến loãng xương

Bên cạnh các triệu chứng thường gặp trong thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm, tim đập nhanh v.v. còn một vấn đề khác sẽ đe dọa đến chất lượng cuộc sống, đó chính là phát sinh tình trạng loãng xương.

Loãng xương và mất xương là vấn đề mà cả nam và nữ đều sẽ phải đối mặt khi tuổi tác tăng lên. Tuy nhiên so với nam giới, quá trình loãng xương ở nữ giới sẽ bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn và với tốc độ nhanh hơn. Gãy xương do loãng xương chiếm 1/2 số ca gãy xương ở nữ giới và 1/5 số ca gãy xương ở nam giới. Nếu có tiền sử gia đình bị loãng xương, tỷ lệ này sẽ tăng thêm.

Nguy cơ loãng xương và gãy xương ở nữ giới cao hơn nam giới. Nguyên nhân là do xương nữ giới nhỏ và kém đặc hơn nam giới, ngoài ra còn do estrogen giảm nhanh trong thời kỳ mãn kinh nên tình trạng loãng xương ở nữ giới sẽ nghiêm trọng hơn. Lúc này “ngay cả khi bổ sung calci thì cũng không có tác dụng ngay được,” bác sĩ Diệp nhấn mạnh, “bởi vì quá trình loãng xương diễn ra quá nhanh.”

Khi tuổi tác tăng lên, loãng xương và mất xương là những vấn đề mà cả nam và nữ đều phải đối mặt. (Ảnh: Shutterstock/Epoch Times)
Khi tuổi tác tăng lên, loãng xương và mất xương là những vấn đề mà cả nam và nữ đều phải đối mặt. (Ảnh: Shutterstock/Epoch Times)

Một nghiên cứu liên quan đến 800 nam giới và nữ giới có độ tuổi trung bình là 74 tuổi cho thấy, trong 4 năm tỷ lệ mất xương trung bình ở nam giới là 0.2%-3.6% và ở nữ giới là 3.4%-4.8%. Vì vậy, trước tuổi mãn kinh nên phòng ngừa việc loãng xương, chính là “bảo tồn xương,” tức là cố gắng giảm thiểu lượng xương bị mất đi.

Trung y có một số bài thuốc bổ thận, chẳng hạn như Quy Lộc Nhị Tiên Giao, có thể giúp giảm tình trạng mất xương. Tuy nhiên, trọng tâm của việc “bảo tồn xương” vẫn là điều chỉnh và rèn luyện trong cuộc sống.

Cách ăn uống hàng ngày nên chú ý đến calci và vitamin D, đặc biệt là sau 50 tuổi. Đồng thời còn cần giảm lượng caffeine, đồ uống có cồn và bỏ thuốc lá.

Tập thể dục thường xuyên càng là điều cần thiết, có thể đi bộ, khiêu vũ, tập thể dục nhịp điệu và tập tạ, hoặc đặc biệt là thiền định. Bà Deborah Sellmeyer, Tiến sĩ Y học kiêm Giám đốc y tế của Trung tâm xương chuyển hóa Johns Hopkins cho biết, bất kỳ hoạt động nào giúp xương hoạt động đều có thể kích thích quá trình tái tạo xương, giúp xương chắc khỏe; bạn có thể bắt đầu bằng việc dành 15 ~ 20 phút mỗi ngày ra ngoài đi bộ.

Tuy nhiên, nếu bạn có thể tăng thời lượng tập luyện và chọn những môn thể thao liên quan nhiều đến tăng cơ và chịu trọng lượng, thì việc phòng ngừa loãng xương sẽ càng hiệu quả hơn. Phụ nữ sau mãn kinh cũng có thể sử dụng các bài tập này để duy trì và thậm chí tăng mật độ xương.

Lý Thanh Phong biên tập

Tùy Phong biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Tô Quán Mễ
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn