Nghiên cứu: Chích nhắc lại vaccine COVID-19 làm suy yếu hệ miễn dịch

Theo một nghiên cứu mới, việc chích nhắc lại vaccine COVID-19 nhiều lần làm suy yếu hệ miễn dịch, có khả năng khiến con người dễ bị các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư.

Chích nhiều liều vaccine Pfizer hoặc Moderna COVID-19 dẫn đến lượng kháng thể có tên là IgG4 tăng cao, vốn có thể mang lại tác dụng bảo vệ. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng “nồng độ cao bất thường” của phân lớp globulin miễn dịch này thực sự khiến hệ thống miễn dịch nhạy cảm hơn với protein gai COVID-19 trong vaccine, theo một bài báo khoa học.

Họ chỉ ra các thí nghiệm được thực hiện trên chuột cho thấy nhiều liều bổ sung bên cạnh liều vaccine COVID-19 ban đầu “làm giảm đáng kể” khả năng bảo vệ chống lại cả hai biến thể virus là Delta và Omicron. Xét nghiệm cũng cho thấy nồng độ IgG4 tăng đột biến sau khi chích nhắc lại vaccine Pfizer, cho thấy hệ miễn dịch bị suy giảm.

Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng có những nghiên cứu đã phát hiện ra nồng độ IgG4 cao hơn ở những người tử vong vì COVID-19 so với những người đã hồi phục, và liên kết nồng độ này với một yếu tố quyết định khác đã biết về tỷ lệ tử vong liên quan đến COVID-19.

Một tổng quan y văn cũng chỉ ra vaccine chống HIV, sốt rét và ho gà cũng kích thích sản xuất IgG4.

“Tóm lại, các nghiên cứu dịch tễ học về COVID-19 được trích dẫn trong công trình của chúng tôi cộng với sự thất bại của vaccine HIV, Sốt rét và Ho gà tạo thành bằng chứng không thể chối cãi chứng minh rằng sự gia tăng nồng độ IgG4 làm suy yếu các phản ứng miễn dịch,” Alberto Rubio Casillas, nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm sinh học tại Đại học Guadalajara ở Mexico và là một trong những tác giả của bài báo mới, nói với The Epoch Times qua email.

Bài báo đã được xuất bản bởi tạp chí Vaccines vào tháng Năm.

Các quan chức của Pfizer và Moderna đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Cả hai công ty đều sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) trong vaccine của họ.

Tiến sĩ Robert Malone, người đã giúp phát minh ra công nghệ này, cho biết bài báo này minh họa lý do tại sao ông cảnh báo về những tác động tiêu cực của việc chích ngừa nhắc lại.

“Tôi đã cảnh báo rằng nhiều mũi chích hơn có thể dẫn đến cái được gọi là miền dung nạp cao, trong đó việc chuyển sang IgG4 là một trong những cơ chế. Và giờ chúng tôi có dữ liệu chứng minh rõ ràng điều đó đang xảy ra trong trường hợp vaccine này cũng như một số loại vaccine khác,” Malone, người không tham gia nghiên cứu, nói với The Epoch Times.

“Vì vậy, về cơ bản, [bài báo] xác nhận rằng việc vội vã chích và chích nhắc lại mà không có dữ liệu vững chắc để hỗ trợ các quyết định đó là rất phản tác dụng và dường như đã dẫn đến một nhóm người thực sự dễ bị bệnh hơn.”

Vấn đề có thể xảy ra

Các nhà nghiên cứu cho biết hệ miễn dịch bị suy yếu do chích vaccine lặp lại có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư.

Họ viết trong bài báo: “Tăng tổng hợp IgG4 do chích vaccine mRNA lặp đi lặp lại với nồng độ kháng nguyên cao cũng có thể gây ra các bệnh tự miễn, thúc đẩy sự phát triển ung thư và viêm cơ tim tự miễn ở những người nhạy cảm.”

Viêm cơ tim là một dạng viêm tim do vaccine COVID-19 gây ra, trong đó nam thanh niên có nguy cơ bị bệnh cao nhất.

Theo các nhà nghiên cứu, hậu quả lâu dài tiềm ẩn của việc chích vaccine nhắc lại là người được chích vaccine sẽ bị nhiễm COVID-19 nghiêm trọng hơn.

Họ cho biết: “Nếu không có mức độ bảo vệ thích hợp, ngay cả các biến thể phụ Omicron mới (được coi là nhẹ) cũng có thể gây tổn thương đa cơ quan nghiêm trọng và tử vong ở những người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh kèm theo”.

Một số nghiên cứu đã xác định những người được chích ngừa có nguy cơ nhiễm virus cao hơn so với những người được hưởng miễn dịch tự nhiên, hay còn gọi là bảo vệ sau khi hồi phục. Một nghiên cứu gần đây, được công bố vào tháng 4 bởi tập san Open Forum Infectious Diseases, cho thấy rằng mỗi liều chích thêm đều làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Malone cho biết, khả năng dung nạp bắt nguồn từ nồng độ IgG4 tăng cao có nghĩa là hệ thống miễn dịch thiếu khả năng đáp ứng với các kháng nguyên hoặc chất lạ.

Các thí nghiệm tiếp theo có thể bao gồm theo dõi các bệnh nhân đã được chích vaccine theo thời gian và so sánh hồ sơ kháng thể của họ với một nhóm người có miễn dịch tự nhiên, tiến sĩ Malone cho hay.

Tác giả bài báo Casillas cho biết các thử nghiệm khác có thể bao gồm các nghiên cứu trong ống nghiệm hoặc thí nghiệm trên động vật.

Cách tiếp cận thận trọng được chứng thực

Theo các nhà nghiên cứu, bài báo mới cho thấy việc chích nhắc lại “nên được tiếp cận một cách thận trọng.”

Một số quốc gia gần đây đã tạm dừng hoặc giảm tốc độ khuyến nghị chích vaccine COVID-19 sau nhiều năm khuyến khích chích nhắc lại, vì dữ liệu cho thấy vaccine cung cấp khả năng bảo vệ không đạt tiêu chuẩn trong chống lại nhiễm trùng và bảo vệ ngắn hạn chống lại bệnh nặng. Ví dụ, Hoa Kỳ đã ngừng khuyến nghị chích nhắc lại đối với tất cả mọi người và thay đổi liều chích vaccine ban đầu của vaccine Moderna và Pfizer từ hai liều thành một liều.

Tuy nhiên, một số cơ quan y tế đang hướng tới mô hình dựa trên cách tiếp cận chích ngừa cúm. Điều đó sẽ liên quan đến việc lựa chọn các chế phẩm vaccine được cập nhật hàng năm nhằm nhắm mục tiêu đến các chủng COVID-19 đang lưu hành, và khuyến nghị một số nhóm nhất định hoặc hầu như tất cả mọi người nên chích ngừa hàng năm.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vào tháng 5 rằng chế phẩm nên được cập nhật để tập trung vào biến thể phụ XBB.1 Omicron “nhằm cải thiện khả năng bảo vệ.” Các cố vấn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ sẽ được triệu tập vào tháng 6 để xem xét liệu có nên cập nhật vaccine cho “chiến dịch chích ngừa” năm 2023–2024 hay không. Các quan chức ở nhiều quốc gia đã ngừng sử dụng vaccine Moderna và Pfizer cũ và loại bỏ các mũi chích nhắm vào các biến thể phụ BA.1 hoặc BA.4/BA.5 Omicron.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Zachary Stieber
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông Zachary Stieber là phóng viên cấp cao của The Epoch Times tại tiểu bang Maryland. Ông chuyên đưa tin về Hoa Kỳ và thế giới. Liên hệ với ông Zachary tại [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn