Nghiên cứu của Đức phát hiện mối liên quan giữa chứng viêm, lão hóa và cách ăn uống

Trong một nghiên cứu vào tháng 09, các nhà nghiên cứu tại Viện Leibniz về Lão hóa – Viện Fritz Lipmann (FLI) cho biết, viêm mức độ thấp, dai dẳng được xác định là một trong các dấu hiệu sinh học của quá trình lão hóa, cũng như một yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như Alzheimer và ung thư. 

Ông Francesco Neri, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Epigenetics of Aging (Di truyền biểu sinh của sự lão hóa) tại FLI ở Jena, Đức, cho biết: “Khi chịu kích thích liên tục, các tế bào miễn dịch có thể bị kiệt sức, từ đó dẫn đến các vấn đề về nhiễm trùng.”

Kết quả là “các tế bào miễn dịch có thể không còn phản ứng chính xác.”

Thông thường, viêm là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh hoặc loại bỏ các tế bào bị tổn thương khỏi các mô. Khi các tế bào miễn dịch đã đạt được mục tiêu, quá trình nhiễm trùng sẽ kết thúc, vết thương được chữa lành và tình trạng viêm thuyên giảm. Tuy nhiên, viêm kinh niên liên quan đến lão hóa không xảy ra cục bộ. Toàn bộ hệ miễn dịch tăng hoạt động, tạo ra tình trạng viêm kinh niên, mức độ thấp. Hiện tượng này thường được gọi là “inflammaging – viêm lão hóa.”

Ông Neri cho biết: “Viêm lão hóa cũng liên quan đến sự phát triển của ung thư, bởi vì trong mô bị viêm cũng có sự tăng sinh tế bào.”

Ông và các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra rằng tình trạng viêm ở cấp độ phân tử ở chuột già được đặc trưng bởi sự biểu hiện quá mức một nhóm gen mã hóa các thụ thể của hệ miễn dịch bẩm sinh.

Điều này cuối cùng dẫn đến việc kích hoạt các gen tạo ra các cytokine gây viêm, cũng như kích hoạt Stat1, một protein chính chịu trách nhiệm điều hòa các gen liên quan đến chứng viêm. Quá trình này đóng vai trò như một cơ chế điều hòa ngược (feedback) duy trì trạng thái viêm.

Ở những con chuột được cho ăn ít hơn 30% trong khoảng thời gian từ 4 đến 22 tháng tuổi (gần như toàn bộ thời gian sống) và những con chuột được cho ăn ít hơn 30% chỉ trong hai tháng cuối đời, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc hạn chế ăn uống có tác động tích cực đến tất cả các cơ quan được nghiên cứu ngoại trừ tim.

Tức là, hạn chế việc ăn uống làm giảm tác động của viêm trong máu, não, thận, gan, phổi, cơ và da.

Tắt ‘tín hiệu SOS’ về mặt di truyền

Các nhà khoa học cũng hy vọng sẽ tìm ra các điểm trọng tâm cho các liệu pháp điều trị bằng thuốc trong tương lai đối với chứng viêm kinh niên liên quan đến lão hóa.

Ông Seyed Mohammad Mahdi Rasa, một trong những nhà nghiên cứu chính trong nghiên cứu cho biết: “Ví dụ, trong mạng lưới điều hòa này, một thành phần quan trọng và được nghiên cứu kỹ lưỡng là gen TLR4, mã hóa cho một thụ thể của hệ miễn dịch bẩm sinh.”

“Thụ thể này hoạt động giống như một tín hiệu SOS không cần thiết khi không có mầm bệnh. Nếu có thể làm giảm sự biểu hiện của gen TLR4, chúng ta sẽ có thể giảm phản ứng viêm kinh niên trong quá trình lão hóa,” ông nói thêm.

Trong khi việc hạn chế ăn uống dường như giảm viêm nhiễm nhờ thay đổi thành phần vi sinh vật trong đường tiêu hóa, ông Neri nói rằng vẫn còn phải xem liệu vitamin hoặc probiotic có tạo ra tác dụng tương tự hay không.

Ông nói thêm: “Nếu có thể thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột thông qua thực phẩm chức năng, thì chúng ta có thể đạt được những tác dụng hữu ích tương tự mà không cần phải hạn chế ăn uống. [Vì vậy], trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ hơn về các quá trình liên quan.”

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Tammy Hung
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn