Nghiên cứu: Thời điểm ăn uống có thể thay đổi tâm trạng 

Theo một nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Harvard, thời điểm ăn uống có thể làm thay đổi tâm trạng.

Các nhà nghiên cứu đã đặt những người tham gia vào một tình huống mô phỏng làm việc ca đêm. Các đối tượng được chia thành hai nhóm: nhóm chứng có bữa ăn trong cả ban ngày và ban đêm, trong khi nhóm can thiệp chỉ có bữa ăn vào ban ngày.

Những người ăn trong cả ngày và đêm cho thấy mức độ trầm cảm tăng lên 26% và lo lắng tăng lên 16% so với mức cơ bản (vào ngày đầu tiên của nghiên cứu), trong khi những người ở nhóm ban ngày không thấy có sự thay đổi.

Nghiên cứu này ủng hộ quan điểm về việc dùng “thời điểm ăn uống như một chiến lược mới để hạn chế tối đa khả năng tổn thương tâm trạng” ở những người làm việc theo ca, bị thay đổi múi giờ hoặc rối loạn nhịp sinh học, theo ông Frank A. J. L. Scheer, một trong những tác giả của nghiên cứu và là giám đốc của Chương trình Thời sinh học Y tế, thuộc Bộ phận rối loạn giấc ngủ và nhịp sinh học của Brigham.

“Các nghiên cứu trong tương lai trên những người làm việc theo ca và quần thể lâm sàng là cần thiết để xác định chắc chắn rằng liệu những thay đổi về thời điểm ăn uống có thể ngăn chặn sự gia tăng tổn thương tâm trạng hay không. Cho đến lúc đó, nghiên cứu của chúng tôi mới có thể mang lại một cái nhìn mới, rằng: Thời điểm ăn uống là rất quan trọng đối với tâm trạng của chúng ta,” ông Scheer nói thêm.

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, khoảng 5% người Mỹ trưởng thành làm việc vào buổi tối, trong khi những người làm việc cố định vào ban đêm và những công nhân có lịch làm việc không ổn định chiếm hơn 4%. Hơn nữa, có 4% số khác là những công nhân làm việc luân phiên theo ca. Tổng cộng có thể lên đến 15.5 triệu người.

Ngay cả khi không tính đến những giờ ăn khác nhau, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng những người làm việc theo ca có “nguy cơ trầm cảm và lo lắng cao hơn từ 25 đến 40% so với thông thường.”

Do đó, những người làm việc theo ca và những người bị “rối loạn nhịp sinh học” có thể được hưởng lợi từ “can thiệp thời điểm ăn uống,” cô Sarah Chellappa, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Hơn nữa, cô Chellappa bổ sung thêm rằng việc can thiệp thời điểm ăn uống có thể là một chiến lược giúp “tối ưu hóa giấc ngủ và nhịp sinh học, từ đó có thể cải thiện sức khỏe tâm thần.”

Cô Chellappa cho biết: “Thời điểm ăn uống đang nổi lên như một khía cạnh quan trọng của dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Nhưng vai trò nhân quả của thời điểm ăn uống đối với sức khỏe tâm thần vẫn cần thử nghiệm thêm. Các nghiên cứu trong tương lai là cần thiết để xác định xem những thay đổi trong thời điểm ăn uống có thể trợ giúp cho những người bị lo âu và trầm cảm hoặc các rối loạn liên quan đến lo âu và trầm cảm hay không.”

Nghiên cứu trên bao gồm 19 người tham gia. Phát hiện của nghiên cứu được công bố vào ngày 12/09 trong cuốn Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Tammy Hung
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn