Người Nga ở Mỹ phải đối mặt với tâm lý bài Nga sau cuộc xâm lược Ukraine
GOODYEAR, Arizona – Cách đây không lâu, bà Valentina Cerkas còn có thể nói với tất cả mọi người rằng bà đến từ Nga.
Nhưng giờ đây, bà lại cảm thấy không thoải mái khi dõng dạc nói lên điều đó sau khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02.
“Tôi cảm thấy thật ngại ngùng – tôi không thích phải nói điều đó,” bà Cerkas nói với The Epoch Times. “Tôi chỉ nói tôi là tôi. Tôi là một người tử tế.”
Bà Cerkas thừa nhận hiện không phải là thời điểm thích hợp để thừa nhận bản thân là một người Nga hoặc là một người nói tiếng Nga ở Mỹ vào những ngày này, bởi hội chứng “bài Nga” – nỗi sợ hãi về tất cả những thứ liên quan đến đất nước đó – giờ đây đã trở thành một mối bận tâm đối với bà.
“Tôi chắc chắn là mọi người đều lo lắng [về hội chứng bài Nga],” bà Cerkas nói. “Tôi bảo đảm là tất cả những người Nga ở Mỹ đều lo ngại về điều đó.”
Gần đây, một nhà hàng nổi tiếng ở thành phố New York tên là Sveta đã bắt đầu nhận được những bức thư điện tử và các cuộc điện thoại thù hận mặc dù ông Alan Aguichev, người đồng sở hữu nhà hàng này là một người Ukraine.
“May mắn thay, giờ đây mọi thứ đều ổn cả,” ông Aguichev nói với The Epoch Times, nhắc đến sự ủng hộ của cộng đồng.
Tuy nhiên, ông Aguichev cho biết ông “không ngạc nhiên” trước những hành vi do hội chứng bài Nga vì các mối quan hệ đầy biến động giữa Nga và phương Tây.
Sau khi Ukraine bị xâm lược, anh Ed Vertov, chủ sở hữu người Nga của cửa hàng băng đĩa Stellar Remnant ở Los Angeles, nói với những người theo dõi của mình trên mạng xã hội rằng anh đã nhận được thông báo trục xuất từ chủ nhà.
Ngày cuối cùng cửa hàng còn mở cửa là hôm 27/03. Không có sự kiện đặc biệt hay bữa tiệc chia tay nào — “chẳng có chuyện gì trong số đó diễn ra,” anh Vertov đăng trên Facebook.
“Như quý vị có thể đã nghe nói, chúng tôi đang gặp khó khăn với cửa tiệm này,” anh cho biết trong một bài đăng khác.
“Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng những vấn đề của mình không là gì cả so với những gì mà người ta đang trải qua trong chiến tranh và biết bao đau khổ do cuộc chiến gây ra. Chiến tranh phải dừng lại ngay lập tức. Chúng ta coi mọi thứ là điều hiển nhiên và đó chỉ là bản chất của con người.”
Anh cho biết thêm rằng, “Thật không may khi gặp phải [thông báo trục xuất] này, nhưng chúng tôi không muốn ở nơi mà chúng tôi không được chào đón, và với sự thù hận và những lời đe dọa mà chúng tôi đang nhận được, đây không phải là thời điểm thích hợp để chúng tôi sở hữu một mặt tiền kinh doanh.”
Anh nói: “Chỉ có tình yêu thương mới cứu vãn được thế giới.”
Anh Vertov nói với The Epoch Times rằng các kế hoạch kinh doanh trong tương lai của anh sẽ được công bố vào một ngày nào đó.
‘Chưa từng xảy ra trước đây’
Tại Yasha From Russia, một siêu thị ẩm thực tất bật bán thực phẩm của Nga và Âu Châu ở Phoenix, người quản lý Ramses Salazar cho biết những kẻ phá hoại đã bịt kín cửa sau bằng keo dán siêu dính sau cuộc xâm lược của Nga.
“Điều đó chưa từng xảy ra trước đây,” anh Salazar nói với The Epoch Times.
Cửa hàng cũng đã nhận được những lời bình luận khiếm nhã và các cuộc gọi từ những người nói với các nhân viên rằng “hãy quay trở lại đất nước của các vị,” anh Salazar nói.
“Chúng tôi hy vọng đó [là những trường hợp cá biệt], nhưng ai biết được?” anh nói.
Từng là một người Moscow, bà Cerkas nói rằng việc có những hành động như vậy vì sợ hãi và tức giận khi người ta cảm thấy bị đe dọa là điều dễ cảm thông — bất kể việc đó vô cớ như thế nào.
Bà rất phản đối cuộc chiến ở Ukraine. Quan điểm của bà đã khiến bà phải trả giá bằng việc mất đi những người bạn — cả bạn người Nga và bạn người Ukraine.
Đối với những người này, “Tôi không còn gì để nói ngoài việc không chơi với họ nữa,” bà Cerkas buồn bã nói. “Tôi không tranh cãi hay làm thay đổi suy nghĩ của bất kỳ ai.”
Bà Cerkas, hiện đã nghỉ hưu sau 30 năm làm giáo viên ở Arizona, đã ví hội chứng bài Nga với cơn thịnh nộ nhắm vào những người Hồi giáo ở Hoa Kỳ sau sự kiện ngày 11/09 không vì lý do gì khác ngoài ngôn ngữ hoặc sắc tộc của họ.
“Đó chỉ là bản chất con người thôi. [Giờ đây] chúng tôi là những nhân vật phản diện,” bà nói.
Cô Veronika Williams, giảng viên/điều phối viên tuyển dụng của Khoa Tiếng Nga và Tiếng Slavic của Đại học Arizona, cũng là một công dân Nga đã nhập tịch Hoa Kỳ.
Cô nói rằng tâm lý bài Nga là một thực tế ở Hoa Kỳ, nhưng nó “phức tạp”.
Cô cho hay người Nga và những người nói tiếng Nga ở đây cũng có cảm giác “tội lỗi tập thể” về tình hình ở Ukraine.
Cô chia sẻ rằng, “Những người sống ở Hoa Kỳ là những người Nga nhìn thế giới một cách khác biệt bởi vì chúng tôi sở hữu và nhìn thấy các quan điểm và nguồn tin khác nhau về thế giới,” điều này khác với nhiều người Nga ở Nga bị truyền thông nhà nước “tẩy não”.
Cô Williams nói với The Epoch Times: “Chúng tôi hiểu sự tàn bạo của cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô cớ này. Ngày nay, thật khó để tuyên bố tôi là người Nga. Tôi nói tôi đến từ Tucson.”
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn trải qua cảm giác tội lỗi tập thể [rằng] chính đất nước quê hương tôi đã làm điều đó” với Ukraine.
Cô Williams cho biết nhiều người Nga dường như cũng đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng bản sắc” về mặt cảm xúc, cố gắng thích nghi với thực tế của cuộc chiến Ukraine và chật vật giữ kết nối với những người ở Nga có thể có quan điểm khác.
“Tôi không biết bất cứ ai trong vòng kết nối của tôi ở Hoa Kỳ ủng hộ chiến tranh. Tôi thấy sứ mệnh của mình với tư cách là một nhà giáo dục là chứng tỏ rằng không phải tất cả người Nga đều ủng hộ chiến tranh,” cô nói.
“Cũng có những người Nga ở Nga biểu tình và mạo hiểm sự tự do [của họ] để thể hiện sự phản đối đối với nhà cầm quyền và cuộc chiến Ukraine.”
Một thế giới kết nối với nhau
Sinh ra ở Siberia thuộc Liên Xô cũ, cô Natalya Ralyk hiện đã kết hôn và sống ở Tucson. Cô trở thành công dân Hoa Kỳ nhập tịch sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ vào năm 2010.
Có gốc gác là người Ukraine, cô Ralyk cho biết mình vẫn chưa trải qua chứng bài Nga trong cộng đồng của mình mặc dù cô phản đối chiến tranh.
“Chúng ta phải nhận trách nhiệm và giải quyết vấn đề này,” cô Ralyk nói với The Epoch Times. “Tôi thể hiện điều đó theo các quan điểm của mình.”
“Quan điểm của tôi là mọi thứ rất liên kết với nhau. Chúng ta rất liên kết với nhau. Tôi có những người bạn Mỹ của tôi. Chồng tôi là người Mỹ. Chúng ta đang sống trong một thế giới nhỏ bé như vậy. Ông bà cố của tôi đến Ukraine vào năm 1916,” cô nói.
Cô cho hay, vấn đề rộng lớn hơn là nhiều người Mỹ không phân biệt các nhóm dân tộc khác nhau tạo nên Liên bang Nga.
Trong mắt họ tất cả đều là người Nga.
Nhưng trong bối cảnh chính trị hiện nay, tâm lý bài Nga vẫn xuất hiện mặc dù có nhiều người phản đối ông Putin.
Việc nhận mình là một người Nga bây giờ sẽ truyền đạt một “ý vị hoàn toàn tiêu cực,” cô Ralyk nói. “Người ta không muốn phân biệt. Người ta đang tức giận.”
Nhiều người Mỹ cũng không có “sự tiếp cận đầy đủ vào những gì đã xảy ra” ở Ukraine nên sự hiểu biết của họ về cuộc xung đột bị giới hạn bởi các phương tiện truyền thông.
Tương tự như vậy, cô cho biết nhiều người Nga đang sống trong “bong bóng thông tin” của các hãng thông tấn do nhà nước kiểm soát ở Nga.
“Khi chúng tôi nói về chiến tranh, rất khó để nói chuyện vì nhiều người Nga đã bị tẩy não,” cô Ralyk cho biết. “Điều này ảnh hưởng đến tất cả mọi người.”
Hy vọng đến từ Nga
Ước tính dân số người Mỹ gốc Nga hiện khoảng 3 triệu người. Tại Arizona, người Nga chiếm gần 2.25% dân số của Scottsdale, thành phố lớn thứ năm của tiểu bang với gần 260,000 cư dân.
Việc có được thị thực Hoa Kỳ cũng là một thách thức đối với nhiều người Nga di cư do Điện Kremlin buộc phải cắt giảm số nhân viên lãnh sự Mỹ ở Moscow.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Đơn xin thị thực không định cư có thể được giải quyết ở bất kỳ nơi nào mà người nộp đơn đang cư ngụ và có khả năng sắp xếp một cuộc hẹn.”
“Bất cứ khi nào một cá nhân nộp đơn xin thị thực của Hoa Kỳ, nhân viên lãnh sự sẽ xem xét hoàn cảnh của người đó và xác định xem người nộp đơn có đủ điều kiện để được cấp thị thực hay không dựa trên luật pháp Hoa Kỳ.”
“Các viên chức lãnh sự từ chối các đơn xin thị thực nếu người nộp đơn bị phát hiện không đủ điều kiện theo Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch hoặc các quy định khác của luật pháp Hoa Kỳ,” phát ngôn viên này cho biết thêm.
Mặc dù cả hai bên trong cuộc xung đột Ukraine đều bị cáo buộc là ma quỷ hóa đối phương, nhưng bà Cerkas nói rằng bà sợ chứng bài Nga sẽ chỉ trở nên tệ hơn nếu cuộc xung đột này leo thang.
Bà nói: “Tôi sợ rằng chứng bài Nga sẽ lan sang tất cả những ai có cùng tâm lý đó. Và điều đó sẽ rất không công bằng.”
Ông Allan Stein là một phóng viên của The Epoch Times chuyên đưa tin về tiểu bang Arizona.
Ánh Dương và Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: