Nhà hoạt động nhân quyền Quách Phi Hùng tuyệt thực trong tù
Ông Quách Phi Hùng (Guo Feixiong), một luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc, đã tuyệt thực kể từ tháng Tám vì chính quyền từ chối điều trị cho ông. Trong khi đó, một nhóm nhân quyền đã đưa ra thông báo về cảnh ngộ của ông nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng quốc tế.
Hồi tháng Năm, ông Quách, còn được gọi là Dương Mậu Đông (Yang Maodong), 56 tuổi, đã bị kết án tám năm tù vì bị cáo buộc “kích động lật đổ quyền lực nhà nước,” một cáo buộc thường được dùng để nhắm vào những người chỉ trích Bắc Kinh. Vào thời điểm đó, ông đã tuyệt thực hơn 100 ngày vì các quan chức Trung Quốc từ chối điều trị y tế cho ông.
Hôm 19/09, nhóm nhân quyền Trung Quốc là Mạng lưới Bảo vệ Quyền, còn được gọi là Duy Quyền Võng (Weiquanwang), đã đưa ra thông báo rằng tình trạng sức khỏe của ông Quách đang xấu đi; ông bị sụt cân xuống còn 91.5 pound (41.5 kg), bị sốt cao và ớn lạnh. Họ nói thêm rằng nhà tù đã từ chối yêu cầu của gia đình chuyển ông Quách đến một phòng khám để ông được chăm sóc y tế phù hợp.
Ông Quách là người tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Ông tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông được công nhận vì tham gia vào Phong trào Công dân Mới và Phong trào Đường phố phía Nam, bảo vệ các học viên Pháp Luân Công, và kêu gọi các quan chức Đảng Cộng sản tham nhũng công bố tài sản của họ.
Ví dụ, hồi năm 2005, ông Quách, với tư cách là cố vấn pháp lý của Công ty Luật Shengzhi Bắc Kinh, đã cung cấp tư vấn pháp lý cho những nỗ lực của người dân ở làng Thái Thạch (Taishi) nhằm loại bỏ người đứng đầu của họ do bị cáo buộc cố gắng bán đất của họ và biển thủ số tiền thu được. Sau đó, ông Quách đã đạt được giải thưởng Nhân vật của năm của Tuần báo Á Châu năm 2005 và “Giải thưởng Người Đấu tranh cho Dân chủ Trung Quốc.”
Hồi năm 2015, ông Quách đã nhận được Giải thưởng Người bảo vệ Tuyến đầu dành cho Người bảo vệ Nhân quyền gặp nguy cơ ở thủ đô Dublin của Ireland, nơi vợ ông, bà Trương Thanh (Zhang Qing), và con gái, cô Dương Thiên Kiều (Yang Tianjiao), đã thay mặt ông nhận giải thưởng.
Bị bức hại
Hồi tháng 01/2021, khi chuẩn bị lên chuyến bay đến thăm người vợ bị bệnh nan y ở Hoa Kỳ, ông Quách đã bị chặn tại Phi trường Quốc tế Phố Đông Thượng Hải và bị công an bắt giữ với lý do “nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.” Ông đã mất liên lạc với thế giới bên ngoài trong vài tháng.
Để tránh bị đàn áp bởi những hình phạt liên đới của chính quyền Trung Quốc đối với thân nhân, hồi tháng 02/2009, bà Trương đã đào thoát khỏi Trung Quốc cùng hai người con nhỏ và đến được Hoa Kỳ hai tháng sau đó. Hồi tháng Mười Một cùng năm, họ được cấp quy chế tị nạn.
Trong khi ông Quách liên tục nài xin chính quyền Trung Quốc cho phép ông được thăm vợ thì ông đã chính thức bị Cục Công an Quảng Châu bắt giữ với tội danh “kích động lật đổ chính quyền nhà nước” vào ngày 12/01/2022, hai ngày sau khi bà Trương đã qua đời.
Chị gái của ông Quách, bà Dương Mậu Bình (Yang Maoping), nói với Đài phát thanh Quốc tế Đài Loan rằng bà cảm thấy thương tiếc cho em dâu của mình, bà Trương, người đã một mình nuôi hai đứa con trong hơn một thập niên ở Hoa Kỳ.
“Tình cảnh rất khốn khó. Cô ấy mắc bệnh nặng. Cậu ấy thì bị bắt ngay khi cô ấy đang hấp hối. Thật là vô nhân đạo … hai đứa nhỏ bị bỏ lại bơ vơ không có ai chăm sóc,” bà Dương nói hồi tháng 05/2023, khi các quan chức đang tiến hành phiên điều trần về vụ án của ông Quách.
Vào ngày 12/05, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án Bắc Kinh vì đã ngăn cản các nhà ngoại giao tham dự phiên tòa xét xử ông Quách và tuyên án tám năm, đồng thời kêu gọi chế độ này “trả tự do ngay lập tức cho ông Quách và cho phép ông đến Hoa Kỳ để đoàn tụ thân nhân.”
Yêu cầu bị từ chối
Ông Quách hiện đang bị giam tại Nhà tù Tứ Hội ở tỉnh Quảng Đông phía đông nam.
Theo Duy Quyền Võng, bà Dương đã yêu cầu nhà tù cải thiện chế độ ăn uống của ông Quách và điều trị y tế cho ông, nhưng các quan chức nhà tù không bận tâm đến yêu cầu của bà. Bà cũng đã gửi đơn khiếu nại lên Cục Nhà tù nhưng chưa nhận được hồi âm.
The Epoch Times đã liên lạc với Nhà tù Tứ Hội, nhưng một nhân viên từ chối bình luận về tình hình.
The Epoch Times cũng đã gọi điện đến Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Quảng Đông để hỏi về yêu cầu chuyển giao. Một nhân viên cho biết: “Chúng tôi sẽ không cho bà biết thông tin của tù nhân. Nếu muốn biết, hãy mang theo căn cước công dân và đến Nhà tù Tứ Hội để kiểm tra. Tù nhân có thể gửi yêu cầu chuyển giao cho công an nhà tù nếu ông ấy muốn.”
Nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Chu Thừa Chí (Zhu Chengzhi), người đã bị công an giám sát trong nhiều năm, nói với The Epoch Times phiên bản Hoa ngữ: “Thế giới bên ngoài biết rất ít về tình cảnh của ông Quách Phi Hùng. Thỉnh thoảng, tôi có thể tìm hiểu một chút về tình hình trên Internet. Bởi vì hoàn cảnh ở Hoa lục khá đặc thù nên tôi không dám nói chuyện với gia đình ông ấy hoặc những người bạn khác, tôi sợ sẽ gây phiền phức cho họ.”
Ông Chu là nạn nhân đầu tiên được biết đến của nhà tù bí mật, hay nói cách khác là hệ thống giám sát dân cư tại một địa điểm được chỉ định (RSDL) của chính quyền Trung Quốc, nơi “cho phép công an đưa những người bị nhắm mục tiêu ra khỏi nhà, giữ họ tại các địa điểm bí mật, biệt giam họ, và từ chối cho gia đình họ hoặc bất kỳ ai khác biết về nơi ở của họ,” theo ông Peter Dahlin, người sáng lập nhóm bảo vệ quyền Safeguard Defenders.
Ông Chu, người tỉnh Vân Nam và từng sở hữu một mỏ mangan, đã bị bắt nhiều lần vì nộp đơn khiếu nại và ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Bản tin có sự đóng góp của Alex Wu và Li Xi
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times