Nhật Bản cam kết đầu tư 30 tỷ USD để phát triển Phi Châu giữa sự bành trướng của Trung Quốc
Nhật Bản đang tìm cách tăng cường hợp tác với Phi Châu trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng, cụ thể là Nhật Bản đã cam kết đầu tư 30 tỷ USD trong ba năm để hỗ trợ sự phát triển và kinh tế của Phi Châu.
Thủ tướng Fumio Kishida nói trong một bài diễn văn trước Hội nghị Quốc tế Tokyo lần thứ Tám về Phát triển Phi Châu hôm thứ Bảy (27/08): “Nhật Bản mong muốn trở thành một đối tác phát triển cùng Phi Châu.”
Trong số các quỹ đó, ông Kishida nói rằng Nhật Bản sẽ đầu tư hơn 10 tỷ yên (72 triệu USD) vào các công ty khởi nghiệp Phi Châu, đồng thời cung cấp đào tạo cho 300,000 nhân tài của Phi Châu trong các lĩnh vực khác nhau trong ba năm để phát triển nguồn nhân lực.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ cung cấp 130 triệu USD viện trợ lương thực và đồng tài trợ khoản vay 300 triệu USD với Ngân hàng Phát triển Phi Châu để thúc đẩy sản xuất lương thực trong bối cảnh khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu.
Ông Kishida nói: “Thông qua các biện pháp này, cùng với Phi Châu, Nhật Bản sẽ đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của Phi Châu dựa trên quyền làm chủ của Phi Châu.”
Trung Quốc xóa nợ cho Phi Châu
Hành động của Nhật Bản được đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố hôm 18/08 rằng sẽ xóa 23 khoản vay không lãi suất cho 17 quốc gia Phi Châu đã đáo hạn vào cuối năm 2021.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố đây là hành động cụ thể của chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy “hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao”, một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu mà các nhà phê bình cho là “bẫy nợ” đối với các quốc gia nhỏ hơn.
Theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Nghiên cứu Trung Quốc-Phi Châu (China Africa Research Initiative), các nhà tài chính Trung Quốc đã ký 1,141 cam kết cho vay trị giá 153 tỷ USD với các chính phủ Phi Châu và các doanh nghiệp nhà nước của họ từ năm 2000 đến năm 2019.
Nhà kinh tế Hoàng Tuấn (Davy Jun Huang) giải thích rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lựa chọn đúng thời điểm xóa nợ để đạt được mục đích của mình, đó là giành được sự ủng hộ ngoại giao từ các nước Phi Châu.
Ông Hoàng cho biết, có những biện pháp trục lợi trong chính sách ngoại giao bẫy nợ của ĐCSTQ, chẳng hạn như quyền tiếp cận các mỏ địa phương, nhà máy điện, và cầu cảng, đều được tính vào khía cạnh kinh tế của một khoản vay.
Ông nói, “Trong ký kết hiệp định, có những tỷ lệ cho vay khác nhau là cho vay lãi suất thấp, và cho vay không lãi suất; và các khoản vay không lãi suất hầu hết được thiết kế nhằm mục đích phục vụ cho các nhu cầu chính trị.”
Ông Hoàng dự đoán rằng các hình thức nợ mới sẽ đi kèm với việc xóa nợ, và sẽ có các cuộc đàm phán thương mại không công khai, điều này sẽ chỉ làm cho tình hình [kinh tế] của các nước Phi Châu này thêm trầm trọng.
Hôm 08/08, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến thăm Nam Phi và đưa ra “Chiến lược Phi Châu cận Sahara” của Hoa Kỳ, trong đó nêu ra bốn ưu tiên của Hoa Kỳ cùng với các đối tác khu vực ở Phi Châu cận Sahara trong vòng năm năm tới.
Ông Blinken cho biết Tập đoàn Tài chính Phát triển Hoa Kỳ sẽ phân bổ 300 triệu USD tài trợ cho việc phát triển và vận hành các trung tâm dữ liệu trên toàn khu vực, bao gồm cả ở Nam Phi.
Hồi tháng Sáu, nhóm Bảy Đại cường quốc (G-7) cũng đã thông báo rằng họ sẽ huy động 600 tỷ USD trong vòng năm năm tới để đầu tư cho một chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu sẽ đóng vai trò là “giải pháp thay thế tích cực” cho các mô hình thúc đẩy “bẫy nợ”.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống ở Malaysia, đưa tin về Á Châu Thái Bình Dương cho The Epoch Times.