Quan chức quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc mất tích
Sau sự vắng mặt bí ẩn và thay thế cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) mất tích.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Lý Thượng Phúc đã không xuất hiện công khai trong hai tuần qua, làm dấy lên các cuộc thảo luận trên mạng xã hội về tung tích của ông và các cuộc tranh giành quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tính đến thứ Tư (13/09), Tướng Lý đã không xuất hiện công khai trong 15 ngày. Lần xuất hiện gần đây nhất trước công chúng của ông là hôm 29/08, khi ông nói chuyện tại một diễn đàn an ninh và hội đàm với các bộ trưởng quốc phòng đến từ Ghana, Zambia, và một số quốc gia Phi Châu khác.
Sự vắng mặt trước công chúng của gương mặt đại diện cho quân đội Trung Quốc làm người ta liên tưởng đến sự mất tích của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, người được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đỡ đầu. Hôm 25/07, ông Tần đột nhiên bị thay thế sau khi biến mất khỏi công chúng trong 30 ngày. Tuyên bố chính thức ngắn gọn của truyền thông nhà nước đã không đề cập đến bất kỳ lý do nào về việc này.
Ngay sau khi ông bị cách chức, Bộ Ngoại giao đã xóa gần như toàn bộ hồ sơ tiểu sử và thông tin về những lần xuất hiện công khai của ông Tần khỏi trang web của mình. Mặc dù sau đó một số thông tin này đã xuất hiện trở lại trên trang chính thức của Bộ, nhưng ông Tần đã không xuất hiện trước công chúng bất kỳ lần nào kể từ tháng Sáu.
Khi những bí ẩn xung quanh nhà ngoại giao ngày càng lớn dần, thì hôm 31/07, ông Tập đã cách chức hai chỉ huy hàng đầu mà ông từng đề bạt để giám sát kho vũ khí hạt nhân của quốc gia. Tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) kiêm Ủy viên chính trị quân đội, Tướng Từ Trung Ba (Xu Zhongbo), đã không xuất hiện trên truyền thông nhà nước trong nhiều tháng qua, ngoài ra, người kế nhiệm chức vụ của họ đã được công bố một cách lặng lẽ. Lý do cách chức và tung tích của họ hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Ông Rahm Emanuel, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, bình luận về sự thay đổi gần đây trong đội ngũ lãnh đạo chính trị và quân sự của ông Tập.
“Đội ngũ nội các của Chủ tịch Tập giờ đang trong tình cảnh giống như cuốn tiểu thuyết ‘And Then There Were None’ (Và Rồi Không Thấy Họ Đâu Cả) của tác giả Agatha Christie. Đầu tiên, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương biến mất, sau đó là các chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn cũng biến mất, và bây giờ Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng không xuất hiện trước công chúng trong hai tuần qua,” ông Emanuel viết trên nền tảng X hôm 07/09.
So sánh danh sách quan chức mất tích ngày càng tăng với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục của thanh niên Trung Quốc, ông Emanuel suy tưởng: “Ai sẽ chiến thắng trong cuộc đua thất nghiệp này? Giới trẻ Trung Quốc hay nội các của ông Tập? Hashtag #MysteryInBeijingBuilding.”
Sự mất tích của Tướng Lý Thượng Phúc đã làm dấy lên một làn sóng đồn đoán điên cuồng trên mạng xã hội ngoại quốc, trong đó một số người cho rằng ông đang bị điều tra.
“Ông Lý Thượng Phúc có thể đã bị điều tra vì bị nghi ngờ tham nhũng và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng,” nhà quan sát Trung Quốc Thái Thậm Khôn (Cai Shenkun) viết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 07/09, gọi tuyên bố này là “chưa được xác nhận.”
Tuy nhiên, nếu tuyên bố này là đúng, ông Thái lưu ý rằng việc này sẽ đánh dấu sự “ngã ngựa” của một quan chức cấp nội các khác, cho thấy “cuộc đấu đá nội bộ ở cấp cao nhất của [ĐCSTQ] vẫn chưa kết thúc.” Ngay cả những quan chức được ông Tập tuyển chọn kỹ càng cũng có thể bị “thanh trừng bất cứ lúc nào.” Giống như những thập niên hỗn loạn dưới thời Mao Trạch Đông, “không ai được an toàn cả,” ông nói thêm.
Chính quyền Trung Quốc vẫn kín tiếng về tình hình này.
Khi được hỏi về bộ trưởng quốc phòng tại cuộc họp báo hôm 11/09, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh (Mao Ning) phúc đáp rằng: “Tôi không biết về tình huống mà ông đề cập đến.”
Ông Tập ‘rất sợ một cuộc đảo chính’
Ông Diêu Thành (Yao Cheng) – cựu Trung tá thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ – nói với The Epoch Times rằng Tướng Lý có thể đã bị chính quyền “bắt đi.”
Ông nhắc đến một thông báo hồi tháng Bảy do Ủy ban Quân sự Trung ương đưa ra, trong đó tuyên bố rằng chính quyền đang thu thập thông tin về tham nhũng trong hệ thống mua sắm thiết bị. Ủy ban giải thích về những gì là hành vi không phù hợp trong bản chỉ dẫn, chẳng hạn như giao hợp đồng cho công ty của bạn bè hoặc gia đình quan chức và rò rỉ thông tin bí mật về các dự án. Đáng chú ý nhất là các nhà điều tra đang xem xét các hành vi vi phạm kỷ luật bắt đầu từ tháng 10/2017.
Tháng 09/2017, tướng Lý được đề bạt làm trưởng ban Bộ Phát triển Trang Thiết bị, một chi nhánh trực thuộc Quân ủy Trung ương chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí. Ông giữ chức vụ giám đốc bộ trong sáu năm trước khi được thăng chức lên bộ trưởng quốc phòng vào tháng Ba năm nay.
Ông Diêu nói ông biết được từ một số nguồn tin quân sự rằng các cơ quan quản lý đã “tiến hành một cuộc điều tra liên quan đến việc mua thiết bị khi ông Lý Thượng Phúc còn đương chức.”
Theo ông Diêu, cuộc điều tra là một phần nằm trong chiến dịch chống tham nhũng do lãnh đạo tối cao là ông Tập, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, dẫn đầu.
Các chính trị gia trong cuộc và các bản tin truyền thông đã liên kết việc thay thế hai chỉ huy cao cấp của Lực lượng Hỏa tiễn cùng với cuộc điều tra tham nhũng. Một số chính trị gia trong cuộc nói với The Epoch Times rằng việc cựu bộ trưởng ngoại giao “ngã ngựa” cũng do các bí mật quân sự bị rò rỉ liên quan đến Lực lượng Hỏa tiễn.
Viện dẫn nguồn tin của mình, ông Diêu cho biết 11 quan chức cao cấp của Lực lượng Hỏa tiễn đã bị thanh trừng dù chưa có thông báo chính thức.
Tháng trước, Bộ Quốc Phòng tuyên bố “không khoan nhượng” đối với tham nhũng. Lời cảnh báo được đưa ra tại một cuộc họp báo thường kỳ khi được hỏi về cuộc cải tổ gần đây của Lực lượng Hỏa tiễn và tung tích của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa, ông đã mất tích kể từ khi từ chức trong một cuộc cải tổ thường kỳ vào tháng Ba. Tướng Ngụy đứng đầu Lực lượng Hỏa tiễn từ năm 2015 đến 2017.
“Chúng tôi sẽ điều tra mọi trường hợp và trấn áp tất cả quan chức tham nhũng,” phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm (Wu Qian) cho biết hôm 31/08. “Quân đội Trung Quốc quản lý theo luật pháp và không khoan nhượng đối với tham nhũng.”
Ông Diêu cho biết việc thay đổi giới lãnh đạo chính trị và quân sự gần đây cho thấy ông Tập cảm thấy việc nắm giữ quyền lực trong quân đội bất ổn.