Sự kỳ bí của y học cổ đại: Kinh ngạc trước thuật nâng tim không cần mổ ngực

Trên thế giới có rất nhiều lời đồn đại về các danh y nổi tiếng, họ đã sử dụng không ít những phương thuốc và phương pháp chữa bệnh truyền kỳ. Cuốn “Thanh sử cảo” ghi chép rằng: “Trong y thuật cũng thật nhiều điều lạ”. Bạn đã bao giờ nghe đến phương pháp lợi dụng tiết lập thu để trợ sinh, sử dụng trống nhỏ và mùn cưa để cứu người chưa? Ngoài ra còn có thủ thuật “nâng tim”, tất cả đều từ bàn tay của danh y nổi tiếng Diệp Thiên Sĩ.

Diệp Thiên Sĩ (Diệp Quế) là một danh y dưới triều đại Ung Chính và Càn Long nhà Thanh. Ông không chỉ được liệt vào hàng tứ đại danh y chữa được ôn dịch, mà còn nổi tiếng với rất nhiều y án chữa bệnh nan y phức tạp, thể hiện sự “sáng suốt” và “bàn tay hồi xuân ” của danh y.

Khi Diệp Thiên Sĩ trị bệnh, ông bắt mạch và nhìn sắc mặt rất chính xác, như thể ông có thể nhìn thấy các cơ quan nội tạng bằng mắt thường. Những đơn thuốc ông kê không theo lệ thường, mà chữa bệnh theo người, có phân biệt rõ ràng, trong lòng đã dự tính trước rồi mới ra tay điều trị. Các phương pháp của ông rất đa dạng, không nhất thiết phải là thuốc, còn có các y thuật tuyệt môn. Ông thực hiện phẫu thuật ngoại khoa lại càng táo bạo và cẩn thận. Y thuật tinh xảo của ông đã được ghi lại trong sử sách của triều Thanh.

Phẫu thuật nâng tim trong chớp mắt

Ông đã từng điều trị cho một bệnh nhân bị phế ung (Tây y gọi là áp xe phổi), khiến cho người ta thấy được khả năng bắt mạch và nhìn sắc mặt của ông như có con mắt thấu thị, cùng với kỹ năng phẫu thuật cũng không kém chút nào.

Bệnh nhân này đến khám trong tình trạng rất mệt mỏi, thể xác và tinh thần tiều tụy như sắp chết. Sau khi khám, Diệp Thiên Sĩ phát hiện phổi của bệnh nhân bị nhiệt độc ứ kết, lá phổi sinh lở loét, cơ nhục thối rữa.

Ông nói: “Bệnh này phải điều trị từ bên ngoài mới có hiệu quả”.

Ông nhờ người trói hai tay bệnh nhân ra sau lưng, để cơ thể bệnh nhân cố định không động đậy, sau đó lấy một chậu nước lạnh dội thẳng xuống đầu anh ta. Bệnh nhân lập tức bị nước lạnh kích thích, cơ thể bất giác run lên, lúc này dao mổ của Diệp Thiên Sĩ đã đâm vào vị trí tim của bệnh nhân, khiến những người bên cạnh phải kinh ngạc. Thật kỳ lạ! Bệnh nhân này có thể sống sau nhát dao đâm tới tim không?

Nhưng khi con dao được rút ra, bệnh nhân chảy ra hơn một đấu (một lít) máu và mủ. Sau đó, Diệp Thiên Sĩ dùng thuốc đắp vào vết thương, chỉ trong vài ngày, người bệnh tưởng chừng sắp đến quỷ môn quan này đã được chữa khỏi.

Có người nghi hoặc khó hiểu hỏi ông chuyện này là như thế nào. Ông nói: “Phổi nằm trên tim. Người này bị ung bệnh, phổi chùng xuống bao lấy tim. Thế nhưng, không thể đâm dao vào tim được. Vì vậy đột nhiên dội nước lạnh vào người anh ta, làm cho tim nâng lên, thừa lúc này đâm dao vào phổi, đạt được mục đích, tim cũng không bị tổn thương. “Phương pháp trị liệu như vậy, chẳng phải là chuẩn xác một cách thần kỳ hay sao!

Dùng mùn cưa cứu mệnh

Có một hôm, người nhà của một tân lang gấp gáp mời tới khám. Hôm qua gia đình họ mới tổ chức đám cưới cho con trai, nhưng sáng nay, đôi tân hôn đã ngất xỉu trên giường.

Ngày hôm sau đám cưới, người nhà mãi không thấy vợ chồng mới cưới thức dậy, đứng đợi mãi không thấy động tĩnh, cuối cùng đi gõ cửa phòng, nhưng không thấy họ trả lời. Người nhà vội vàng mở cửa hông đi vào xem chuyện gì xảy ra, liền thấy hai vợ chồng tân hôn nằm ở trên giường giống như đã chết.

Diệp Thiên Sĩ sau khi bước vào phòng đã nói ngay: “Tôi đã biết căn bệnh này là gì”. Ông gọi người mang đến mấy chục thạch vụn gỗ (mạt cưa) đến (1 thạch bằng khoảng hơn 71 kg). Lại tìm một gian phòng kín, đem mạt cưa trải một lớp dày trên đất. Sau đó chuyển đôi vợ chồng mới cưới vào phòng, để cơ thể của họ nằm trên đống mạt cưa, rồi yêu cầu những người khác ra ngoài, để nguyên đóng cửa phòng lại.

Người nhà ở bên ngoài lòng nóng như lửa đốt, nhưng chỉ một lúc sau, trong phòng đã có động tĩnh, đôi vợ chồng mới cưới đều đã tĩnh lại.

Trường hợp này lại là dựa vào y lý nào? Diệp Thiên Sĩ nói: “Vừa bước vào phòng, tôi đã ngửi thấy mùi sơn xông lên. Bởi vì trong phòng toàn đồ gỗ sơn mới lắp đặt, hai vợ chồng đều bị ngộ độc khí sơn, cho nên ngạt thở như đã chết. Sơn độc, chỉ có khí mộc mới có thể trừ hết loại độc này. Bệnh nhân hít vào mộc khí, khi khí lưu thông thì tỉnh lại”.

Lợi dụng tiết khí để trợ sinh

tiết lập xuân
Chu kỳ 24 tiết khí trong năm. (Ảnh: Tài sản công)

Một ngày nọ, khi Diệp Thiên Sĩ tiễn khách ra khỏi sảnh thì có người đến xin đơn thuốc để kích sinh [trợ giúp sản phụ có thể sinh mau, dễ dàng hơn]. Đúng lúc này một chiếc lá từ trên cây Ngô Đồng trước sảnh rơi xuống, Diệp Thiên Sĩ nhặt lá cây ngô đồng đưa cho người kia và nói: “Dùng cái này sắc nước mà uống”. Người đó theo lời ông mà làm, người sản phụ quả nhiên sinh hạ được một đứa bé.

Sau khi mọi người biết chuyện này, phàm là những người muốn có thuốc để kích sinh thì đều dùng lá cây ngô đồng. Sau khi Diệp Thiên Sĩ biết chuyện, ông cảm thấy kỳ lạ. Có người nói với ông, đó là đơn thuốc bắt chước câu chuyện dùng lá cây ngô đồng để trợ sản của tiên sinh đó.

Diệp Thiên Sĩ trả lời: “Hôm đó vừa đúng lúc là tiết lập thu, vừa vặn thấy lá cây Ngô đồng rơi, nhưng đó chỉ bất quá là lợi dụng cái khí đầu mùa thu, gặp thời thì rời ra thôi, chứ lá ngô đồng sao có thể làm phương thuốc kích sinh được?”

Người bình thường nhìn thấy, hoàn toàn không hiểu đạo lý bên trong! Chênh lệch một chút này đã là xa cả ngàn dặm.

Dùng trống nhỏ đánh thức bệnh nhân

Có một người học trò cả ngày lẫn đêm ngủ say không tỉnh, cho dù thỉnh thoảng có bị đánh thức cũng không thèm mở mắt. Diệp Thiên Sĩ sau khi chẩn đoán, ông sai người mua về một chiếc trống lẫy và gõ nó trên đầu giường của bệnh nhân. Bệnh nhân này nghe tiếng trống, từ từ mở mắt, dần dần tỉnh lại, từ đó về sau không còn ngủ mê mệt nữa.

Mọi người hỏi ông tại sao? Diệp Thiên Sĩ nói: “Người này mắc chứng Tỳ khốn, Tỳ khốn nên gây mệt mỏi, mà âm thanh của chiếc trống nhỏ lại có thể làm tỉnh Tỳ nhất”.

Tâm lý trị liệu

Có một vị công tử vừa mới 20 tuổi, khi đang vui vẻ ăn mừng đỗ khoa thi thì bất ngờ phát bệnh nặng. Gia đình này trước giờ luôn giàu có, cha của anh này là tổng đốc của một tỉnh (Chế Quân). Công tử này trong kỳ thi hương mùa thu năm nay đỗ cử nhân, trong ngày yết bảng có rất nhiều người đến chúc mừng. Công tử kia đột nhiên hai mắt sưng đỏ, đau đến không chịu nổi, suốt ngày lẫn đêm, đau đến mức anh ta la hét suốt ngày đêm, không thể nào bình tĩnh lại được. Gia đình vô cùng lo lắng, mời Diệp đại phu đến chữa trị.

Sau khi chẩn đoán, Diệp Thiên Sĩ nói: “Bệnh về mắt không có gì đáng lo ngại, rất nhanh sẽ lành. Nhưng trong vòng bảy ngày nữa, trên lòng bàn chân sẽ xuất hiện những vết loét lớn, đó mới là vết thương chí mạng, một khi phát thì không thể cứu chữa”.

Diệp Thiên Sĩ thường ngày chẩn đoán chuyện sống chết của người bệnh, giống như ánh đèn soi rõ mọi vật, không sai lệch chút nào. Công tử sau khi nghe Diệp Thiên Sĩ nói vậy, bất giác cảm thấy đau khổ và sợ hãi, hết lần này đến lần khác cầu xin Diệp Thiên Sĩ cứu mạng của mình.

Diệp Thiên Sĩ nói: “Hiện tại không cần uống thuốc, trước tiên cần tán độc, nếu trong vòng bảy ngày không tiêu tan, mới nghĩ tới dùng thuốc”.

Thế là, công tử ngay lập tức cầu xin chỉ dẫn.

Diệp Thiên Sĩ bảo anh ta: “Trước hết, ngồi đả tọa tĩnh tâm điều tức, sau đó dùng tay trái của mình xoa vào lòng bàn chân phải ba trăm sáu mươi lần, rồi lại dùng tay phải xoa vào lòng bàn chân trái ba trăm sáu mươi lần, mỗi ngày xoa như vậy bảy lượt, đợi bảy ngày sau tôi sẽ lại tới điều trị”.

Sau khi công tử làm theo phương pháp này trong bảy ngày, lại mời Diệp Thiên Sĩ đến xem bệnh. Anh ta nói với Diệp đại phu: “Bệnh về mắt quả nhiên như lời tiên sinh nói, đã khỏi rồi. Nhưng không biết liệu vết loét ác tính có xảy ra nữa không?”

Diệp Thiên Sĩ cười nói: “Trước kia nói lòng bàn chân sẽ sinh vết loét là lời dẫn dụ thôi, bởi vì công tử phú quý song toàn, sự sự như ý, duy chỉ có sợ cái chết. Vì vậy, tôi chỉ có thể lấy cái chết để làm cho công tử sợ hãi, mới có thể trừ dứt những niệm đầu của công tử, mỗi ngày chuyên chú xoa chân, lúc này tâm hỏa mới có thể đi xuống dưới, bệnh ở mắt tự nhiên có thể chữa khỏi. Nếu không, tim càng thêm khô ráo, mắt càng thêm đau, dù hàng ngày uống tiên đan linh dược cũng vô ích!”

Vị công tử yên lòng mỉm cười, lấy số tiền lớn tạ ơn Diệp Thiên Sĩ.

Diệp Thiên Sĩ thông suốt cổ kim y thuật, trí tuệ và y thuật hơn hẳn người bình thường, song trong suốt cuộc đời của mình, ông đối với nghề “y” đều giữ một thái độ rất kính cẩn. Trước khi lâm chung, ông đã dặn dò con trai: “Có thể hành nghề y hay không, tất phải có tài năng và trí tuệ, đọc hàng vạn cuốn sách, sau đó mới có thể cứu đời. Nếu không, hiếm lắm mới không thành kẻ sát nhân, là lấy thuốc để làm dao vậy. Ta chết, con cháu cẩn thận đừng xem nhẹ ngôn y!!”

Những thầy thuốc nhân tâm nhân thuật, bảo vệ mạng sống, luôn luôn cẩn trọng, sẽ luôn khiến người khác phải bội phục!

Nguồn tư liệu: “Hương ẩm lâu tân đàm”, “Diệc phục như thị”, “Thanh sử cảo”

Tác giả: Thái Nguyên
Cổ Dung biên tập
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn