Câu chuyện Trung y: Đôi uyên ương vui vẻ

Bất chấp dấu vết thời gian đã khắc sâu trên gương mặt cụ bà 71 tuổi, bà vẫn mặt mày rạng rỡ, được “ông xã” với mái tóc bạc trắng đích thân dùng bàn tay vừa dày vừa thô dắt vào phòng khám. Cảnh tượng này khiến người khác rất cảm động.

Bà bị bệnh Parkinson, đầu cứ lắc từ bên này sang bên kia, nhưng bệnh mà bà đến chữa trị là chứng đau nhức ở vai phải và lưng. Việc nâng tay lên có chút khó khăn và bị kẹt. Mắt cá chân phải khi đi bộ cũng không thuận tiện, hơi đau nhức. Sau khi kể ra triệu chứng bệnh chủ yếu của mình, bà còn nói: “Chị gái tôi cũng mắc bệnh Parkinson, cứ gật đầu liên tục. Vì thế, khi con cái làm lễ xem mắt, dạm ngõ, chỉ có thể nhờ chị tôi đứng ra làm chủ, biểu thị sự đồng ý và hảo cảm. Nếu tôi mà ra mặt, thì sẽ bị đối phương hiểu lầm là không đồng ý và không thích.” Mặc dù bị bệnh, nhưng bà rất lạc quan, vừa nói vừa cười, nụ cười rất ngây thơ và đáng yêu. Người có tâm trạng vui vẻ thì bệnh tật dễ chữa trị hơn.

Điều trị châm cứu

Đau bả vai phải, chỗ đau của bà chỉ nằm rải rác trên các kinh Thủ thái âm phế, Thủ thái dương tiểu tràng và Thủ dương minh đại tràng. Trong đó, kinh Dương minh có đặc điểm là khí huyết dồi dào, lấy huyệt Hợp cốc ở trên và huyệt Túc tam lý ở dưới, lấy huyệt Hậu khê ở kinh Tiểu tràng kiêm thông Mạch đốc, lấy huyệt Liệt khuyết ở kinh Thủ thái âm phế khai thông đầu và cổ. Đồng thời tại chỗ đau châm cứu các huyệt Phong trì, Kiên tỉnh và Kiên trinh, cuối cùng châm huyệt Dương lăng tuyền ở bên trái.

Sau khi châm cứu xong, tôi yêu cầu bà cử động vai, lắc đầu và cổ rồi giơ tay phải lên. Tức thì, bà cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Đối với chứng đau nhức ở mắt cá chân phải, từ huyệt Khúc trì châm kim vào sát xương, phối hợp với huyệt Hợp cốc ở trên thông với cánh tay và vai, và huyệt Túc tam lý ở dưới thông đến đầu gối và mắt cá chân, nối kinh thoát khí, vẹn cả đôi đường. Đồng thời, tôi đề nghị bà xoay mắt cá chân phải, bà liền thấy cảm giác khó chịu đã giảm bớt.

Vì những căn bệnh bà mắc đều ở bên phải, thể hiện khí huyết, âm dương và dinh vệ ở hai bên trái phải trong cơ thể mất cân bằng. Đặc biệt, cơ thể bà thuộc dạng khí hư, mặt lúc này béo bệu, phù thũng. Bài thuốc tốt nhất là thuốc sắc Sài Hồ Quế Chi để điều chỉnh sự mất cân bằng, thêm thang thuốc Quyên Tý để khai thông kinh mạch, kích hoạt tuần hoàn máu và điều hòa gân cốt.

Tôi dặn bà hạn chế ăn thực phẩm lạnh như chuối, măng và các loại đồ uống lạnh. Đồng thời dùng một cân khoai lang, loại có lòng đỏ là tốt nhất, tiếp đến là khoai có lòng vàng, cho thêm 1/3 bình rượu gạo, thêm 7 vạch nước vào nồi ngoài, dùng nồi điện hấp chín, dùng chung nó với thang thuốc. Nếu cảm thấy đau nhức, hãy ăn khoai lang mỗi ngày một lần, sau đó hấp và ăn mỗi tuần một lần để duy trì sức khỏe. Hoặc dùng rượu đun sôi, cho vào nửa cân sườn, 4 ~ 6 lạng kỷ tử và 3 chai rượu gạo, sau khi đun sôi thì vặn lửa nhỏ đun trong 2 giờ. Mỗi tối uống một bát, ăn canh sườn và kỷ tử cùng nhau. Thoa giấm lên chỗ đau, mặc quần áo vào, rồi dùng máy sấy tóc thổi khí nóng trong 10 phút, hoặc chườm khăn nóng và lạnh luân phiên mỗi lần 1 phút.

Trước đây có một lần khi đến châm cứu, bà kể rằng hai vợ chồng bà đến ngày xem mắt mới biết nhau, cưới nhau rồi mang thai và sinh con, cả đời bận rộn làm việc vì gia đình. Bây giờ con đã lớn, chồng bà nói muốn bù đắp những tiếc nuối khi còn trẻ. Bây giờ hai người già rồi mới bắt đầu yêu nhau thật sự, ông ấy và bà giống như một đôi uyên ương vậy. Nghe bà kể câu chuyện tình yêu, thực sự khiến người ta chỉ ao ước được như uyên ương chứ không phải như tiên tử. Trên khuôn mặt của hai ông bà lão hiện lên sự từ bi sau khi buông bỏ được những ân ân oán oán, cùng vẻ đẹp giản dị do lòng tốt xuất sinh. Mọi người nghĩ xem, hai người bao dung và sống chung với nhau dưới một mái nhà, họ thực sự không tu Đạo mà đã ở trong Đạo rồi. Họ tu chân, thiện, nhẫn, đơn giản như thế và tràn đầy hạnh phúc.

Bà còn kể: “Hàng ngày sau bữa trưa, chồng tôi sẽ pha trà. Hai người sẽ uống trà, trò chuyện và ca hát cùng nhau, uống hết bình này đến bình khác, cười đùa vui vẻ. Có khi uống xong trà, hai người còn nắm tay nhau đi xem phim.” Nghe thấy bà uống nhiều trà như vậy, chẳng trách bà đi tiểu đêm tới năm lần, toàn thân lại phù thũng. Theo bản năng, tôi sắp sửa dùng kiến thức chuyên môn để khuyên giải nói đạo lý với bà rằng uống nhiều trà sẽ tổn hại sức khỏe. Thế nhưng khi lời vừa ra đến môi, tôi đã dừng lại.

Mọi người nghĩ xem, kính viễn vọng của Thượng Đế toàn năng hơn, tỏa sáng khắp trần thế, ai có tình yêu trong lòng thì người đó sẽ nhận được sự đoái thương của Ngài. Tình yêu là liều thuốc đặc hiệu khiến hết thảy chướng ngại trở nên mờ nhạt khi so sánh. Mặc dù bà bị phù thũng và béo phì, nhưng trong mắt ông xã, bà lại như ngọn núi ở phía xa đang mỉm cười. Hai người nhìn nhau không biết chán, trong mắt của người si tình thì người mình yêu chính là Tây Thi. Cả hai đều đã 70 tuổi, là mối tình hiếm có của tuổi xế chiều. Đời người nào có được bao nhiêu, hà tất phải làm gợn sóng hồ nước mùa xuân?

Sau năm lần châm cứu và uống một lần uống thuốc, bệnh của bà đã khỏi. Khi kết thúc buổi châm cứu cuối cùng và chuẩn bị ra về, hai ông bà lão tay nắm tay nhau cười ngây ngô đầy tình cảm, giống như những đôi lứa yêu nhau thuở thanh xuân. Họ hoàn toàn không để ý đến ánh mắt của những người xung quanh và sải bước rời đi. Không biết có bao nhiêu cặp vợ chồng bất hòa trong thiên hạ phải ghen tị với họ!

(Bài viết được trích từ cuốn “Minh Huệ chẩn gian – Dung quang tất chiếu” [Phòng khám Minh Huệ – Vẻ đẹp tỏa sáng], Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp).

Tịnh Tâm biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn