Câu chuyện Trung y: ​​Mê mờ trong cõi hồng trần

Ý nghĩ đến từ đâu? Có đủ loại ý nghĩ: như sóng ngầm mãnh liệt, tràn sông ngập biển, như vạn ngựa phi nhanh, mơ mơ màng màng, mơ hồ bảng lãng, si ngốc mê mẩn, khiến con người lạc vào đường mê, trầm mê không tỉnh, thậm chí như một chiếc lá lạc vào rừng sâu.

Con người có hơn 30,000 ý nghĩ mỗi ngày, 70% trong số đó là ý nghĩ vô nghĩa. Phật gia giảng, chỉ trong chớp mắt sẽ nảy sinh 320 triệu ý nghĩ. Tại sao lại sản sinh nhiều ý nghĩ như thế? Cái tôi có nhiều như vậy không?

Phật gia giảng, ý nghĩ là một loại quả báo. Ai có thể phá vỡ cửa mê, đường mê và biết tìm đường quay trở lại? Các khoa học gia về lượng tử phân tích về vật chất, đến cuối cùng nhận thấy dường như nó đã biến mất. Các nhà vật lý học trắc nghiệm vật chất nhỏ nhất, vi quan nhất, thì phát hiện thấy rằng: Vật chất là hiện tượng sóng của ý nghĩ. Mọi vật chất đều sản sinh từ ý nghĩ. Các nhà cơ học lượng tử đã đưa ra quan điểm về “điều khiển mọi thứ bằng trí óc.” Một ý niệm trong đầu chính là một vũ trụ.

Tại sao máy phát hiện nói dối có thể đo được ý nghĩ của con người? Bởi vì mỗi ý nghĩ đều là một loại vật chất. Các việc như hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy, cờ bạc, cáu giận, lo lắng, hấp tấp, chơi trò chơi điện tử, nghi ngờ, hận thù, .v.v., ngay khi ý nghĩ vừa xuất hiện, thì nó sẽ sinh ra vật chất tương ứng. Ví dụ, khi ý nghĩ hút thuốc xuất hiện, thì vật chất hút thuốc cũng đồng thời xuất hiện. Mỗi loại vật chất đều có linh tính riêng. Nó sẽ phát ra tín tức, khiến người ta muốn hút thuốc. Khi một người hút thuốc, thì sẽ cấp năng lượng cho vật chất hút thuốc này.

Từ góc độ vi mô, cấu tạo của cơ thể con người bao gồm các lạp tử riêng lẻ, giống như hạt cát rời rạc, tập hợp lại thành hình dạng con người. Vật chất cũng như vậy. Người hút thuốc càng nhiều thì vật chất hút thuốc càng mạnh. Cuối cùng, thậm chí vật chất đó có thể lớn đến mức bằng thân hình người đó và đi theo như bóng với hình (bóng cũng là một loại vật chất), rất khó để thoát khỏi. Những ý nghĩ khác cũng giống như vậy.

Vật chất của ý nghĩ hình thành càng nhiều thì “cái tôi” càng nhiều. Chúng hỗn tạp, dính chặt, vây bám xung quanh bản thân, khiến con người bị ô nhiễm, nhiễu loạn. Vậy cái nào mới là tôi? Chân ngã (cái tôi thật sự) ở đâu? Vì vậy, khó khăn của việc cai nghiện như cai thuốc, kiêng rượu … là nằm ở những vật chất đó. Chúng giống như những con rắn quấn chặt quanh thân, hơn nữa còn thao túng suy nghĩ của con người. Vậy mà con người còn cho rằng đó là những gì họ muốn, từ đó tự tạo thành vòng kim cô khiến bản thân khó có thể trở mình.

Những ý nghĩ chính diện như: từ bi, tốt lành, thiện lương, khoan dung, cần mẫn, giúp người, lạc quan, kiên nhẫn, yêu thích vận động … cũng sẽ sản sinh những vật chất tương đồng, tạo ra năng lượng tích cực, tích lũy thành hình, có thể giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt nhất. Công phu khởi niệm động tâm cũng là một hành vi “không tu Đạo mà đã ở trong Đạo.” Những ý nghĩ thỉnh thoảng xuất hiện và biến mất ngay sau đó, không đủ để hình thành vật chất. Việc trường kỳ ưa thích một kiểu tư duy nào đó sẽ trở thành cá tính “hậu thiên.” “Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi’ (Tâm người nguy hiểm, tâm Đạo vi diệu)!

Khi những ý nghĩ phụ diện xuất hiện quá nhiều, các loại vật chất bất thiện sẽ hình thành và tràn vào trường không gian của chính người ấy. Điều này không chỉ cản trở hoạt động của hệ thống miễn dịch mà còn khiến con người mê hồn đoạt phách. Người có càng nhiều ý nghĩ tích cực và tiêu cực đan xen nhau, kích động dẫn khởi đến cao trào, thì cuộc sống sẽ thăng trầm và phức tạp.

Vì thế, mong muốn hút thuốc, hút hít ma túy, uống rượu hoặc chơi trò chơi điện tử có phải là ý nghĩ của chính bản thân không? Lo lắng, chán nản, phát cuồng, tức giận, ám ảnh có phải là trạng thái của chính bạn không? Rất có thể bản ngã chân chính còn chưa hề máy động. Con người là anh linh của vạn vật, nhưng lại bị vật chất vi quan thao túng một cách đáng thương. Đó cũng là sự lựa chọn của chính con người. Chỉ bằng cách phân biệt “chân ngã” (cái tôi thật) với “giả ngã” (cái tôi giả), thanh lý bản thân, giác ngộ, luôn bảo trì sự thanh tỉnh, cảnh giác, lấy lại quyền tự chủ, loại bỏ vật chất tiêu cực, và tìm lại chân ngã do Thượng Thiên ban cấp, siêu phàm thoát tục.

***

Một ông chủ kinh doanh 71 tuổi, thuở nhỏ có gia cảnh bần hàn. Sau giờ học, ông phải chăn gia súc và làm ruộng, còn phải thay phiên cõng các em nhỏ, mặc cho các em tè trên lưng. Tuổi thơ ông gắn liền với nước tiểu và mồ hôi. Trải qua nhiều sương gió, ông khởi nghiệp từ bàn tay trắng, đến nay đã có ba nhà máy trong và ngoài nước. Ông là người có phong thái của bậc trưởng giả, sự nghiệp thành công, nhưng vẫn luôn chăm lo cho cuộc sống của những người em của mình. Ông cũng quan tâm đến nhân viên, cung cấp miễn phí gạo hữu cơ được sản xuất tại trang trại cho họ.

Cuộc sống mới chỉ bắt đầu ở tuổi 70, thì “khởi đầu” là gì? Sau khi trải qua nhiều gian nan, khốn khổ, sau mới đạt được thành công, thì đó là mây xanh trong gió mát, hay mây mờ trong sương mù? Một ý nghĩ không cẩn thận vô tình lọt vào có thể kéo con người xuống vực sâu.

Vị thương nhân gặp rắc rối lớn do tuyến tiền liệt phì đại và khó tiểu tiện. Sau khi được nhiều người thân và bằng hữu giới thiệu, ông mới nguyện ý đến khám bệnh. Mỗi lần ông đến khám đều có tài xế tận tình chở đi. Sau lần điều trị châm cứu đầu tiên, ông cảm thấy dễ chịu hơn một chút khi đi tiểu, nhưng ngay sau đó lại cảm thấy khó chịu trở lại. Chỉ mới châm cứu một lần, không thấy hiệu quả lập tức, ông liền không muốn trị liệu tiếp. Mặc dù người nhà đã khuyên nhủ rằng bệnh kinh niên không thể chữa khỏi chỉ bằng một lần điều trị, nhưng ông vẫn không muốn tiếp tục điều trị. Vị thương nhân cho biết, tinh thần của ông thực sự đã khá hơn rồi, việc đi khám bác sĩ phải mất rất nhiều thời gian. Ông hỏi tôi uống thuốc có nhanh khỏi hơn không?

Sau khi tôi viết đơn thuốc, vị thương nhân liền nhờ người gửi đi kiểm nghiệm xem có pha trộn với thuốc Tây hay không? Có vấn đề về dư thừa kim loại nặng không? Dù kết quả kiểm nghiệm bình thường, nhưng lúc kê đơn thuốc lại, ông vẫn gửi thuốc đi kiểm tra. Sau đó, tôi bèn ngừng kê đơn thuốc. Khi đi khám bác sĩ, cần phải có thái độ chân thành! Bản thân châm cứu là vật chất, cũng có linh tính, càng nghi hoặc thì càng tạo ra nhiều lực cản, việc châm cứu càng khó phát huy tác dụng. Đối ứng với tần số rung động ban đầu, ý nghĩ và vật chất cũng sẽ sinh ra các sóng va chạm.

Vị thương nhân điều trị ngắt quãng, sau khoảng chừng 3 tháng thì không thấy bóng dáng ông đâu nữa. Nửa năm sau, ông phải đi cấp cứu nhiều lần trong ngày, đột nhiên không thở được, đột nhiên tứ chi yếu ớt, đột nhiên không dám ở một mình, trong lòng vô cùng lo lắng. Bác sĩ chẩn đoán đó là chứng rối loạn hoảng sợ. Người nhà lo lắng đến mức cuối cùng phải chích thuốc an thần, đặt nội khí quản để cho ăn, nằm trên giường cả ngày, trằn trọc thở hổn hển, bị nuốt chửng bởi vật chất gây hoảng loạn. Cái gì gọi là thành công trong cuộc sống? Điều này phải đi đến cuối cùng mới biết được.

***

Một bác sĩ ngoại khoa, 42 tuổi, đang ở trong giai đoạn sung mãn của cuộc đời, kinh nghiệm phong phú, thể lực dồi dào. Ông được bệnh viện và bệnh nhân rất kính trọng, trở thành một bác sĩ nổi tiếng. Trong một thời gian dài phải ngồi nhiều giờ trong phòng phẫu thuật, ngày nào cũng phải đối mặt với những cảnh tượng máu me đầm đìa. Đôi khi ngoài áp lực nặng nề từ phía bệnh nhân, dù đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn bị gia đình bệnh nhân chỉ trích. Bệnh nhân được đưa vào, đẩy ra, có người còn sống, có người tử vong. Trời sinh, trời diệt, đạo Trời là vậy, bác sĩ có thể làm gì? Sau khi nhìn thấy hết cảnh sinh tử ly biệt trên thế gian, là liễu ngộ được cõi nhân sinh hay là lạc vào đường mê?

Bác sĩ nổi tiếng lê tấm thân mỏi mệt về nhà. Nhiều khi như nước lũ tràn bờ đê, nổi giận đùng đùng, ném đồ đạc, mất ngủ suốt đêm. Vị bác sĩ cũng chẳng khác gì người mang trọng bệnh! Sau nhiều lần được chị gái thuyết phục, ông mới bằng lòng từ miền Bắc đến chữa bệnh. Vị bác sĩ nổi tiếng có thân hình cao ráo, gương mặt điển trai, nhưng sắc mặt hốc hác và già nua như ông lão 60 tuổi. Người vợ đi cùng xinh đẹp kiều diễm, cành vàng lá ngọc, trông rất diễm lệ, quyến rũ. Đôi mắt cô ấy đẹp rung động lòng người nhưng toát ra vẻ trắng bệch sợ hãi, giống như chim sợ cành cong.

Trong lúc châm cứu, vén ống quần và tay áo của vị bác sĩ nổi tiếng lên, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những mảng đốm nâu, có chỗ gần như đen, hầu như không tìm được một mảng da nào lành lặn, có chỗ còn bị loét. Vị bác sĩ nổi tiếng tự cười nhạo mình, nói rằng tác dụng phụ của thuốc an thần mà ông uống quá nặng. Có một lần, vị bác sĩ nổi tiếng rất bận nên nhờ em trai đến lấy thuốc. Người em đứng ở quầy liên tục lẩm bẩm: “Tây y còn không thể chữa khỏi, còn đến đây dùng thuốc Trung y.” Từ đó trở đi, không còn thấy bóng dáng vị bác sĩ nổi tiếng kia nữa.

Tình trạng của vị bác sĩ nổi tiếng vẫn ngày càng xấu đi. Cuối cùng, ông không thể thực hiện phẫu thuật vì trầm cảm nặng, còn người vợ xinh đẹp cũng mệt mỏi chia tay. Sau đó, vị bác sĩ nổi tiếng đã chuyển nghề, chuyển sang ngành thẩm mỹ y tế và tiểu phẫu. Tài năng y khoa của ông vẫn được công nhận. Thế nhưng căn bệnh trầm cảm không thể khỏi, hơn nữa càng trở nên trầm trọng hơn. Do dùng thuốc an thần liều cao trong thời gian dài nên ông bị suy tim và tích tụ dịch phổi. Ở tuổi 49, đang ở độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời, ông từ biệt cõi hồng trần, qua đời khi còn tráng niên! Bị vật chất trầm cảm nuốt chửng, đây lại là một trường hợp đáng buồn khác.

Mỗi người đều có một điểm mù trong ý nghĩ, mà bản thân không thể thoát ra, người khác cũng không thể tiến vào, bản thân phải tự xoay ý đổi niệm thì mới có bước ngoặt. Một số người lại giống như con nhím, xù những chiếc gai nhọn, làm tổn thương chính mình, cũng tổn thương người khác.

Mê mờ trên cõi hồng trần, ai có thể thoát khỏi những ý nghĩ nhiễu loạn?

(Bài viết được tuyển chọn từ cuốn “Lục chỉ y thủ – Vi vô minh điểm đăng [Bàn tay y tế sáu ngón – Thắp sáng ngọn đèn cho sự vô minh], do Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp).

Trang bìa của “Lục chỉ y thủ”. (Ảnh do Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Trang bìa của “Lục chỉ y thủ”. (Ảnh do Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Tường Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn