Câu chuyện Trung y: Một chữ đáng giá ngàn vàng

Khi gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, chúng ta nên hỏi ai? Tìm đến ai để xin ý kiến? Trong xã hội có rất nhiều đoàn thể, tổ chức thiện nguyện với tấm lòng nhân ái có thể quan tâm giúp đỡ nhiều mặt trong cuộc sống. Bởi vậy, đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy cho mình một cơ hội sống.

Một người đàn ông 56 tuổi, là kỹ sư cơ khí, do thường xuyên làm việc với các thiết bị cơ khí lâu ngày, nên phần cổ bị cứng, đau lưng mỏi eo, mắt nhức khó chịu. Sau khi vị kỹ sư này kể xong bệnh tình của mình, tôi rất khó hiểu bèn hỏi lại: “Anh từ miền Bắc xa xôi đến đây khám bệnh, chỉ vì muốn khám những vấn đề đau nhức này ư? Tình trạng của anh, bất kỳ bác sĩ nào ở miền Bắc đều có thể giải quyết giúp cho anh được mà!” Vị kỹ sư nghe xong thì đỏ mặt, cúi đầu im lặng một lúc.

Nhìn biểu cảm của anh, dường như có bệnh gì đó không tiện nói ra, rất khó để mở miệng. Sau khi tôi hỏi han cặn kẽ, vị kỹ sư mới nói: “Là vấn đề giữa tôi và vợ tôi, không biết nên hỏi ai? Tôi cất công đi một chuyến đến đây, mong được bác sĩ tư vấn.” Nguyên do là một lần vị kỹ sư này thanh toán một khoản tiền hàng hóa, chỉ vì chuyện nhỏ này mà phát sinh tranh cãi với vợ, sau đó hai người không còn nói chuyện với nhau, cứ như thế đã hai năm rồi.

Người ta thường nói, một lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền, hôn nhân tan vỡ thường là do những chuyện rất nhỏ nhặt, bắt đầu từ vết thương rất nhỏ.

Vị kỹ sư đã từng suy nghĩ rất lâu, đứng trước ngã rẽ của cuộc đời, anh lo lắng, do dự không biết phải đi con đường nào? Cũng không biết nên hỏi ai? Ai có thể tin tưởng được đây? Nhiều lần suy tư, anh quyết định đi một chuyến xuống miền Nam, tìm một bác sĩ giúp đỡ.

Nghề nghiệp có thể ảnh hưởng đến tư duy và cá tính của một người. Người vợ của anh sao lại ngang bướng đến vậy, sao có thể dùng chiến tranh lạnh để trừng phạt chồng mình trong suốt hai năm. Vì thế tôi bèn hỏi: “Vợ anh làm việc ở đâu? Đảm nhiệm chức vụ gì?” Câu trả lời là, vợ anh là một người phụ nữ nội trợ toàn thời gian.

Cùng sống chung dưới một mái nhà, luôn có chuyện gia đình, con cái để thảo luận trao đổi, người chồng cũng phải đưa tiền cho vợ để lo toan mọi chi tiêu trong gia đình! Một nhà ba người, con trai bất đắc dĩ phải đứng giữa làm người trung gian. Tôi hỏi: “Đối với cuộc chiến tranh lạnh của ba mẹ, làm một người trung gian, thái độ của con trai anh như thế nào?” Người kỹ sư nói, con trai anh cảm thấy rất khó chịu, cũng buồn bực sắp không chịu nổi rồi.

Tôi đề nghị: “Anh có thể dùng điện thoại để trao đổi việc nhà, hoặc viết ra giấy nhắn.” Thế nhưng, anh không có tài khoản ứng dụng phần mềm LINE (ứng dụng nhắn tin), cũng không gửi tin nhắn, thậm chí không đủ can đảm để viết giấy ghi chú. Không nói ra được một lời nào, không viết ra được một chữ, sinh hoạt vợ chồng suốt hai năm qua cũng đều không có.

Tôi thận trọng hỏi vị kỹ sư: “Rốt cuộc anh còn cần người vợ này không? Anh có còn muốn giữ gìn gia đình mình không? Anh có muốn cùng vợ đi hết cuộc đời không?” Anh không do dự, vội gật đầu. Miễn là vẫn còn yêu, thì vấn đề sẽ có thể giải quyết tương đối dễ dàng. Hơn nữa, người vợ của anh cũng không bỏ về nhà mẹ đẻ, cũng không rời nhà bỏ đi, có lẽ trong lòng cô ấy cũng yêu thương gia đình này giống như chồng mình vậy. Nhưng phải làm thế nào để phá bỏ tình thế bế tắc, khó xử này?

Trong tình cảm, điều đáng sợ nhất chính là, cho dù không yêu thích, cũng không buông bỏ.

Nghĩ như vậy, tôi đề nghị dùng ngôn ngữ cơ thể để bắt đầu: ví dụ như tự tay đưa tiền sinh hoạt cho vợ, khi ăn cơm gắp thức ăn cho vợ, mua món điểm tâm mà cô ấy thích, mua đồ trang sức tặng cô ấy… Vào dịp kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật, thì mua quà tặng hoặc bánh kem. Giả vờ đi không cẩn thận va vào cô ấy, rồi nói lời xin lỗi; Làm giúp công việc nhà. Thi thoảng kéo áo cô ấy một cái, nếu cô ấy không có phản ứng phản đối, thì lần sau có thể nắm lấy tay. Trước khi đi làm, nói với cô ấy rằng “Anh đi làm nhé,” khi đi làm về hãy gọi tên cô ấy và nói “Anh về rồi đây”… Tôi đưa ra rất nhiều ý tưởng, và đều là những điều có thể dễ dàng thực hiện.

Chung quy lại, trong nội tâm của mỗi người, nếu không trồng hoa thì cỏ dại sẽ mọc đầy.

Cuối cùng tôi động viên anh: “Chỉ cần bước ra một bước thì sẽ thấy ‘liễu ám hoa minh,’ có lẽ vợ của anh cũng đang chờ một bước này của anh đấy!” Tôi còn đặc biệt dặn thêm: Không được vừa mới đụng chút khó khăn, liền vội vàng bỏ cuộc. Với tấm lòng chân thành của anh, dù là người có tâm địa sắt đá thì cũng sẽ cảm động thôi. Nói không chừng, trải qua sóng gió lần này, sau khi hòa hợp trở lại, tình cảm hai bên càng thêm bền chặt, ngọt ngào.

Điều trị bằng châm cứu

Cổ bị cứng, đau nhức, châm các huyệt Kiên Tỉnh, Phong Trì. Lưng đau, châm huyệt Thiên Tông. Eo mỏi đau, châm huyệt Trung Chữ. Mắt nhức khó chịu, châm các huyệt Tình Minh, Thái Dương. Tâm trạng buồn bực, đối châm huyệt Thần Đình. Vị kỹ sư đang mắc kẹt trong đường ngõ cụt, không thoát ra được, cần khai mở khiếu não, châm huyệt Bách Hội. Vì anh chưa từng châm cứu, nên thực hiện châm ít, bệnh tật không phải là trọng điểm của điều trị.

Tôi nói với anh ấy rằng, nếu như không thành công, hãy quay lại đây để cùng thảo luận về phương pháp giải quyết; nếu thành công rồi, thì không cần phải đến khám nữa. Tôi âm thầm cầu nguyện cho đôi vợ chồng người kỹ sư này. Một tuần, hai tuần, rồi một tháng đã trôi qua, không thấy anh đến tái khám. Chỉ mong rằng anh đã vượt qua được khủng hoảng của hôn nhân.

(Bài viết được trích từ cuốn sách “Bát diện đương phong – Tuyệt xử phùng sinh” của bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung, do Nhà xuất bản Bác Đại – Đài Loan ấn hành).

Câu chuyện Trung y: Một chữ đáng giá ngàn vàng
Trang bìa cuốn sách “Bát diện đương phong”. (Ảnh: Do nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Lý Quân biên tập

Lam Yên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Ôn Tần Dung
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung hiện là Giám đốc Phòng khám Trung y Minh Huệ ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong tiếp xúc và điều trị bằng Trung y, đã thực hiện trên 3 triệu mũi kim châm cứu. Bà lĩnh hội sâu sắc sự huyền diệu vô cùng của Trung y. Bà đã tập hợp những kinh nghiệm quý báu từ việc hành nghề y trong nhiều thập niên của mình để viết thành sách. Sau khi được ấn hành, các tác phẩm này rất được đón nhận. Trong đó, bà phân tích từ nông cạn đến thâm sâu bệnh lý, hướng điều trị. Đồng thời bà rất chú trọng và quan tâm đến trạng thái tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân, cố gắng giải khai những khúc mắc tâm lý của họ, vì bà quan niệm rằng “Vạn bệnh do tâm sinh.” Bà cũng là một trong những tác giả chuyên trang Trung y trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn