Câu chuyện Trung y: Tìm lại máy âm thanh

Thượng Đế tạo ra đôi tai để con người nghe điều gì? Tiếng gió, tiếng mưa, tiếng đọc sách? Hay là thanh âm của nội tâm?

Một chàng trai 24 tuổi vừa tốt nghiệp đại học và đang tràn đầy nhiệt huyết với công việc. Ngày thường, anh thích bơi lội, nên đảm nhận công việc nhân viên cứu hộ và ngồi vào ghế cứu sinh. Không lâu sau, anh cảm thấy bất mãn với tình trạng hiện tại, nên chuyển sang kinh doanh một cửa hàng nhỏ giúp người bác họ. Cửa hàng này bán đủ loại đồ dùng. Chàng trai trẻ có đầu óc linh hoạt và rất siêng năng, tuổi còn trẻ nhưng đã trở thành quản lý cửa hàng.

Công việc kinh doanh của anh rất phát đạt. Ban ngày anh rất bận rộn, buổi tối về nhà, trò tiêu khiển yêu thích nhất của anh là xem phim và video. Một đêm nọ, anh đang xem một bộ phim, xem đến đoạn kịch tính và hấp dẫn, có cuộc đấu súng khốc liệt giữa cảnh sát và tội phạm, tiếng súng nổ đùng đoàng. Đột nhiên, bên tai phải có tiếng súng, nhưng tai trái không nghe thấy gì. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Năm tiếng sau, tai trái bắt đầu có tiếng ù. Chàng trai vốn thích bơi lội, thường bị ù tai một đến hai lần trong một tháng nhưng không quá để tâm. Ngày hôm sau, anh đến bác sĩ khoa tai mũi họng để khám. Đã uống thuốc ba ngày, nhưng tai trái của anh vẫn chưa phục hồi nhịp điệu âm thanh.

Chàng trai cảm thấy có điều gì đó không ổn, nên đã đến một bệnh viện lớn để kiểm tra. Kết quả thính lực đồ cho thấy ngưỡng nghe của anh ở mức 100 decibel, thuộc dạng tổn thương thính lực rất nghiêm trọng. Bác sĩ cho biết, tai bị điếc đột ngột, cần phải nhập viện ngay lập tức.

Đánh giá tình trạng mất thính lực dựa trên ngưỡng nghe như sau

Theo tiêu chuẩn quốc tế

Thính lực bình thường: ngưỡng nghe 25 decibel.

Mất thính lực nhẹ: ngưỡng nghe 26 ~ 40 decibel.

Mất thính lực trung bình: ngưỡng nghe 41 ~ 60 decibel.

Mất thính lực nặng: ngưỡng nghe 61 ~ 80 decibel.

Mất thính lực rất nặng: ngưỡng nghe trên 81 decibel.

Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế Quốc gia

Ngưỡng nghe vượt quá 55 decibel, được xem là bị khiếm thính và có thể nhận giấy xác nhận là người khuyết tật về thể chất và tinh thần.

Mất thính lực nhẹ: ngưỡng nghe 55 ~ 69 decibel.

Mất thính lực vừa phải: ngưỡng nghe 70 ~ 89 decibel.

Mất thính lực nghiêm trọng: ngưỡng nghe trên 90 decibel.

Mất thính lực đột ngột hầu hết xảy ra ở độ tuổi từ 40-60. Chàng thanh niên 24 tuổi được liệt vào dạng này. Tỷ lệ bệnh là 5 đến 20 người trên 100,000 người, và chàng trai trẻ thuộc vào số ít người mắc phải. Thời kỳ vàng của bệnh này là 7 ngày. Càng xa thời kỳ vàng thì càng gần đến mức lãng tai, điếc tai.

Vì sao chàng trai có thể rơi xuống vực thẳm vạn trượng khi còn đang độ tuổi thanh xuân như vậy? Dù thế nào đi chăng nữa, sức khỏe là trên hết. Chàng trai tạm dừng công việc kinh doanh và đến bệnh viện.

Anh không hiểu, tại sao mình lại bị điếc đột ngột? Không phải chỉ có anh không hiểu, mà ngay cả giới học thuật cho đến nay cũng không biết nguyên nhân gây ra bệnh này.

Chỉ có 10% đến 15% bệnh nhân là có thể xác định được nguyên nhân. Ba nguyên nhân gây điếc đột ngột thường được nhắc đến nhiều nhất là: tắc nghẽn các mạch máu nhỏ trong tai, thủng màng nhĩ và nhiễm virus.

Bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh ở chàng trai trẻ. Các kết quả xét nghiệm đều bình thường. Các bác sĩ đã thực hiện hai lần phẫu thuật và chích steroid trực tiếp vào tai. Sau mũi chích đầu tiên, anh cảm thấy thính giác của mình dường như tốt hơn một chút.

Anh nhập viện, mỗi ngày đều truyền thuốc có chứa steroid vào tĩnh mạch để thúc đẩy tuần hoàn máu. Sau khi nhập viện được năm ngày, tình trạng của anh đã ổn định. Đúng lúc diễn ra dịch bệnh COVID-19, cảnh báo được nâng lên mức thứ ba, anh lập tức được xuất viện trong tình trạng mất thính lực, ngưỡng nghe là 85 decibel. Bác sĩ đề nghị chụp cắt lớp vi tính để xem có u thần kinh thính giác trong não hay không. Vì dịch bệnh nên anh không thể quay lại điều trị.

Ngay khi xuất viện, anh đã đến phòng khám của tôi [bác sĩ Ôn Tần Dung]. Bệnh phát triển đã qua thời kỳ vàng, nên tôi trực tiếp châm cứu.

Châm cứu điều trị giảm thính lực

Đầu tiên, châm cứu tại nơi có khả năng gây bệnh. Tối hôm đó, khi anh xem phim, có thể máy điều hòa quá mạnh và thổi thẳng vào đầu. Để loại bỏ khí lạnh, châm vào huyệt Bách Hội, Phong Trì. Không khí quá lạnh, mà nóng thì giãn nở, lạnh co vào, dẫn đến máu lưu thông kém. Để thúc đẩy quá trình lưu thông máu được thông suốt, châm cứu các huyệt Huyết Hải, Tam Âm giao và Hợp Cốc.

Hầu hết những người trẻ tuổi bị cảm mạo nhẹ đều không xem trọng vấn đề này. Nếu chàng trai trẻ bị cảm nhẹ trước khi phát bệnh, khả năng đường hô hấp trên đã bị nhiễm trùng, nên châm cứu các huyệt Hợp cốc và Trung chử. “Tỳ vị luận” cho rằng, “nếu tỳ không đủ tốt sẽ khiến chín khiếu không thông.” Giúp tỳ khỏe mạnh là một nền tảng quan trọng, cần châm cứu ở các huyệt Tam âm giao và Công tôn. Tai là ngoại khiếu của thận, chàng trai này thường thức khuya, hại can huyết (máu trong gan) và thận thủy (nước trong thận). Để bổ thận, châm huyệt Dũng tuyền; để điều gan, châm huyệt Thái xung.

Để thúc đẩy tuần hoàn quanh tai, châm Ế phong, Thái dương ba kim. Phương pháp châm ba kim ở thái dương, chóp tai đi thẳng lên chân tóc 2 tấc, mỗi bên mở 1 tấc, kim đâm từ trên xuống dưới.

Để khai mở lỗ tai, châm cứu các huyệt Thính hội, Thính cung và Nhĩ môn. Có khi các huyệt được chọn lần lượt, có khi là ba huyệt được châm cùng một lúc. Hai bên tai thuộc về kinh Thiếu dương, để khai thông kinh mạch, châm cứu các huyệt Dương trì, Túc lâm khấp, Hiệp khê.

Tôi đề nghị cậu ấy: hãy nắm bắt cơ hội, tốt nhất nên châm cứu hàng ngày trong 10 ngày đầu, sau đó mỗi tuần hai lần. Tuy nhiên, do mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, một tuần châm cứu một hoặc hai lần cũng khả dĩ. Chàng trai lo lắng, sợ không cứu vãn được, nên trong 15 ngày đầu, ngày nào cũng đến châm cứu, bất kể tình trạng dịch bệnh.

Dặn dò đặc biệt

  • Ăn nhiều thức ăn rỗng, tốt nhất là hành lá và củ sen.
  • Không ăn các loại thức ăn, đồ uống lạnh hoặc thực phẩm tính hàn.
  • Không đi ngủ sau 11 giờ đêm, lúc ngủ nên mặc quần dài và đi tất.
  • Thực hiện động tác trống kêu: hai lòng bàn tay dùng lực ấn nhẹ vào hai tai, đặt chính giữa lòng bàn tay lên tai, ngón trỏ bắt chéo với ngón giữa, di chuyển xuống dưới, vuốt nhẹ sau đầu, từ trên xuống, từ dưới lên tới xương chẩm. Nếu nghe tiếng trống trong tai thì vỗ 9 lần liên tiếp. Thực hiện mỗi ngày 3 lần.
  • Phương pháp thổi khí: Đầu tiên hít thở sâu 10 lần, dừng một chút, hít một hơi khác thật sâu và lập tức ngậm miệng lại. Bóp mũi bằng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải, thổi khí từ cổ họng vào tai cho đến khi cảm thấy màng nhĩ phát ra tiếng kêu rè rè. Thực hiện mỗi ngày 3 lần.
  • Véo đầu tai và dái tai 36 lần, chà xát vành tai trong và ngoài 9 lần. Thực hiện mỗi ngày 3 lần.

Sau bốn buổi châm cứu, kết quả đo thính lực là 70 decibel. Sau đó, vì dịch bệnh nên cậu ấy không dám đến bệnh viện kiểm tra. Cậu tự cảm thấy thính lực của mình đã phục hồi nhiều nhưng tình trạng ù tai thường xảy ra vào ban đêm. Sau một tháng châm cứu, khi tôi nói chuyện với chàng trai, cậu có thể phản ứng ngay lập tức, không giống như trước đây phải ngập ngừng và thân thể vô thức tiến về phía trước để nghe rõ.

Khi dịch bệnh hạ xuống mức cảnh báo cấp 2, cậu ấy quay lại bệnh viện kiểm tra thì thính lực đã giảm xuống còn 40 decibel. Bác sĩ cho biết, nếu giảm xuống 50 decibel cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường. Chàng trai muốn trở nên tốt hơn một chút, nên đã bỏ các thực phẩm, đồ uống lạnh và thói quen thức khuya. Tiếp tục duy trì trong ba tháng, châm cứu mỗi tuần một lần.

Tiếng gió, tiếng mưa và tiếng đọc sách, từng tiếng lọt vào tai. Tìm lại máy âm thanh, lắng nghe tiếng nói nội tâm của chính mình. Tĩnh tĩnh lắng nghe:

“Giang thiên nhất thanh nhạn, thế sự bách niên tâm” (Tiếng nhạn giữa trời sông, lòng trăm năm thế sự).

(Ngải Tính Phu thời nhà Nguyên).

“Niên quang dữ nhân sự, đông khứ nhất thanh thanh” (Thời gian cùng chuyện đời, từng tiếng dạt về đông).

(Tiết Dinh thời nhà Đường).

“Viện tĩnh tuyền thanh hợp, dạ thâm trùng ngữ đa” (Sân tĩnh thêm tiếng suối, tiếng trùng nhiều đêm khuya)

(Thư Nhạc Tường thời Tống)

(Bài viết được trích từ “Bát diện đương phong – Tuyệt xử phùng sinh”/ Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Trang bìa của cuốn “Bát diện đương phong”. (Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Trang bìa của cuốn “Bát diện đương phong”. (Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)

Tường Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn