Hướng dẫn cơ bản về chứng ù tai: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên

Ù tai là tình trạng bạn nghe thấy tiếng chuông hoặc những tiếng động khác ở một hoặc cả hai tai mà người khác không nghe thấy.

Ù tai là tình trạng bạn nghe thấy tiếng chuông hoặc những tiếng động khác ở một hoặc cả hai tai mà không ai nghe thấy. Tình trạng này được cho là khá phổ biến, Hiệp Hội Ù Tai Hoa Kỳ ước tính tình trạng này ảnh hưởng đến 25 triệu người Mỹ (khoảng 15 đến 20% dân số).

Theo Hiệp Hội Ù Tai Hoa Kỳ, ù tai không phải là một căn bệnh mà là phản ứng tiếp nhận thần kinh của não đối với hệ thính giác bị tổn thương do một số bệnh lý tiềm ẩn khác gây ra. Theo National Institute on Deafness and Other Communication Disorders (Viện Quốc gia về Khiếm thính Rối loạn giao tiếp khác – NIDCD), “Đó là triệu chứng cho thấy có điều gì đó không ổn trong hệ thống thính giác, bao gồm tai, dây thần kinh thính giác kết nối tai trong với não và các bộ phận xử lý âm thanh của não.”

Các loại ù tai phổ biến là gì?

Theo các nhà thính học, có 4 loại ù tai khác nhau.

Chứng ù tai chủ quan

Đây là dạng ù tai phổ biến nhất. Các triệu chứng chỉ có thể được bệnh nhân nghe thấy (do đó gọi là “chủ quan”) và thường là do tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc quá mức. Chứng ù tai chủ quan có thể đến rồi đi đột ngột và có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Trong một số trường hợp nặng, có thể kéo dài mãi mãi.

Hầu hết những người mất thính lực cũng bị ù tai vì hệ thống thính giác của não bù đắp cho việc mất đi các kích thích thính giác bên ngoài.

Chứng ù tai thần kinh

Dạng ù tai này thường do một bệnh thần kinh gây ra, ví dụ bệnh Ménière, ảnh hưởng đến hệ thống thính giác của não.

Chứng ù tai cơ học

Chứng ù tai cơ học liên quan đến các vấn đề về đầu, cổ hoặc răng miệng. Ví dụ, rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) có thể dẫn đến dạng ù tai này.

Chứng ù tai khách quan

Dạng ù tai hiếm gặp này (dưới 1%) có thể là do biến dạng mạch máu hoặc các cơn co thắt không tự chủ. Chứng ù tai thường dừng lại nếu điều trị yếu tố nguyên nhân. Đây là dạng ù tai duy nhất mà bác sĩ kiểm tra được một cách khách quan. Một ví dụ về loại ù tai ít gặp này gọi là ù tai dạng mạch đập, trong đó âm thanh trong tai là âm thanh theo nhịp, tiếng “vù vù” xảy ra cùng lúc với nhịp tim. Thông thường, nguyên nhân gây ra chứng ù tai này có thể điều trị được và tình trạng bệnh có thể cải thiện hoặc giải quyết.

Triệu chứng và dấu hiệu sớm của chứng ù tai là gì?

Mặc dù không có dấu hiệu sớm nào cho thấy chứng ù tai sắp xảy ra nhưng các triệu chứng là đặc điểm của tình trạng này: dường như không rõ những âm thanh bạn nghe thấy bắt nguồn từ đâu. Những âm thanh liên quan đến chứng ù tai được mô tả khác nhau như tiếng chuông, tiếng vo vo, tiếng huýt sáo, tiếng rít, tiếng lách cách, tiếng ríu rít hoặc thậm chí là tiếng gầm rú.

Nguyên nhân gây ù tai?

Có nhiều nguyên nhân gây ù tai, bao gồm:

  • Tổn thương thần kinh tai trong.
  • Viêm xương ở tai giữa.
  • Lão hóa.
  • Huyết áp bất thường (cao hoặc thấp).
  • Tiếp xúc với tiếng ồn lớn.
  • Dị ứng.
  • (Các) khối u mạch máu.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp.
  • Chấn thương ở đầu hoặc cổ.
  • Phản ứng với một số loại thuốc nhất định, bao gồm cả NSAID không kê đơn.
  • Tai bị tắc do tích tụ ráy tai.
  • Áp suất xoang và chấn thương khí áp, ví dụ như do lặn biển hoặc các vụ nổ chấn động.
  • Xương hàm lệch lạc.
  • bệnh Ménière.
  • COVID-19.
  • Chích ngừa COVID-19, mặc dù hiện tại chưa có đủ nghiên cứu để xác định mối liên hệ [giữa chích vaccine COVID và ù tai] một cách thuyết phục.

Con đường thính giác và chứng ù tai

Con đường liên kết giữa tai và bộ não rất phức tạp và dễ bị tổn thương. Sóng âm thanh đi qua ống tai đến tai giữa và tai trong, nơi các tế bào lông nằm trong ốc tai giúp chuyển đổi sóng âm thanh thành tín hiệu điện truyền qua dây thần kinh thính giác đến vỏ não thính giác bên trong não.

Theo các chuyên gia, tổn thương các tế bào lông này – do chấn thương âm thanh, dị ứng, thuốc hoặc chấn thương đầu – có thể khiến các mạch não không nhận được tín hiệu mong đợi, gây rối loạn chức năng thần kinh, dẫn đến nhận thức chủ quan về âm thanh, hay còn gọi là ù tai.

Hướng dẫn cơ bản về chứng ù tai: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên
Tổn thương tế bào lông trong ốc tai, nơi truyền tín hiệu qua dây thần kinh thính giác đến vỏ não thính giác, có thể gây nên những âm thanh ù tai ảo. (Ảnh: The Epoch Times)

Theo nhà thính học Kathleen Wallace, “Giả thuyết ù tai được chấp nhận nhiều nhất là bộ não đang mong đợi nhận một mức kích thích nhất định từ tai bạn. Nếu không, bộ não sẽ tạo ra âm thanh ảo mà bạn cho là tiếng ù tai để tự khiến bản thân bận rộn. Đây là lý do tại sao chứng ù tai thường xảy ra cùng với tình trạng mất thính lực hoặc sau khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn như [âm thanh từ] buổi hòa nhạc.”

Người nào dễ bị ù tai?

Mặc dù chứng ù tai có thể ảnh hưởng đến bất kỳ người nào nhưng thường xảy ra ở người lớn tuổi bị mất thính lực ở mức độ nào đó. Ù tai cũng có thể xảy ra ở những người tiếp xúc với âm nhạc lớn hoặc môi trường làm việc ồn ào (ví dụ công trường xây dựng) hoặc những người bị chấn thương hoặc các bệnh ảnh hưởng đến đầu và cổ. Hiếm gặp hơn, ù tai có thể phát triển do một khối u ở tai giữa hoặc bệnh Ménière (rối loạn tai trong).

Chứng ù tai có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và có thể do một số bệnh lý gây ra. Những người bị hội chứng kích hoạt tế bào mast (MCAS) cũng dễ bị ù tai hơn.

Các xét nghiệm để kiểm tra chứng ù tai là gì?

Nếu bạn bị ù tai, hãy đến gặp bác sĩ chăm sóc ban đầu của bạn trước. Họ sẽ kiểm tra các vật cản trong ống tai ngoài như ráy tai hoặc chất dịch do nhiễm trùng. Bác sĩ cũng sẽ thảo luận về tiền sử y khoa, kiểm tra xem các bệnh lý nền hoặc thuốc theo toa hoặc thuốc không kê đơn (ibuprofen, naproxen, aspirin) có thể gây ù tai.

Kế tiếp, bác sĩ chăm sóc ban đầu sẽ giới thiệu cho bạn một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (TMH). Bác sĩ TMH sẽ kiểm tra đầu, cổ, tai và có thể nhờ chuyên gia thính học kiểm tra thính giác của bạn.

Bác sĩ TMH có thể yêu cầu làm xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, MRI hoặc CT, đặc biệt là trong trường hợp [âm thanh] ù tai của bạn theo dạng mạch đập. Những xét nghiệm này giúp xác định xem có vấn đề về cấu trúc hoặc bệnh lý tiềm ẩn đang là nguyên nhân gây ra chứng ù tai của bạn hay không.

Âm thanh có thể có ý nghĩa gì

Theo Mayo Clinic, các loại âm thanh khác nhau có thể cho thấy những nguyên nhân gây ra chứng ù tai khác nhau.

  • Tiếng nhấp chuột có thể là do các cơn co thắt cơ trong và gần tai gây ra chứng ù tai.
  • Tiếng mạch đập, dồn dập hoặc vo ve thường là do nguyên nhân mạch máu như huyết áp cao. Tập thể dục hoặc thay đổi tư thế như nằm xuống hoặc đứng dậy, có thể làm cho những âm thanh này rõ ràng hơn.
  • Tiếng chuông có tần số thấp (âm trầm) có thể là dấu hiệu tắc nghẽn ống tai, bệnh Meniere hoặc bệnh xốp xơ tai (xương tai trong xơ cứng).
  • Tiếng chuông the thé, âm thanh ù tai phổ biến nhất, có thể là do tiếp xúc với tiếng ồn lớn, mất thính lực hoặc dùng thuốc. Ngoài ra, u dây thần kinh thính giác (khối u không phải ung thư phát triển từ tai giữa đến tai trong) có thể tạo ra tiếng ù tai the thé liên tục ở một tai.

Sau khi bác sĩ đã chẩn đoán hoặc loại trừ các bệnh lý nền cần được giải quyết độc lập, bác sĩ sẽ thảo luận [với bạn] về các lựa chọn điều trị.

Biến chứng của chứng ù tai là gì?

Chứng ù tai có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm, kích động và mất ngủ. Trong loạt bài phỏng vấn sức khỏe tổng hợp năm 2007 (Integrated Health Interview Series) về những người trưởng thành bị ù tai, khoảng 26% người cho biết bị lo lắng và gần như một tỷ lệ tương tự những người này [cũng] cho biết bị trầm cảm. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, bao gồm cả khả năng tập trung và trí nhớ ngắn hạn. Một số bằng chứng gây tranh cãi về mối tương quan giữa chứng ù tai và hành vi tự tử, đặc biệt là ở những người đàn ông lớn tuổi độc thân.

Những người bị ù tai cũng có thể phát triển chứng rối loạn tăng thính (chứng bệnh vô cùng nhạy cảm với âm thanh mà người bình thường không thấy khó chịu). Các nghiên cứu đã phát hiện rằng hơn 15% những người bị ù tai cũng cho biết họ đã từng bị rối loạn tăng thính.

Các phương pháp điều trị chứng ù tai là gì?

Không có cách chữa trị cụ thể cho chứng ù tai. Tuy nhiên, theo Mayo Clinic, các lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, từ loại bỏ ráy tai đến điều trị bệnh lý mạch máu tiềm ẩn cho đến sử dụng máy trợ thính.

Liệu pháp huấn luyện ù tai

Một số bệnh nhân, bao gồm cả nam diễn viên William Shatner, đã cảm thấy nhẹ nhõm nhờ liệu pháp huấn luyện ù tai (TRT).

Ông Shatner nói với người dẫn chương trình Weekend Edition (ông Scott Simon) vào năm 2012 rằng ông được chẩn đoán bị ù tai vào khoảng 15 năm trước. Ông Shatner mô tả âm điệu ù tai của mình nghe giống như [tiếng] kênh truyền hình trống phát sóng liên tục “tiếng rít tĩnh.”

Ông Shatner đã kể lại một bài kiểm tra thính lực để xác định âm thanh ù tai của ông. Ông cho biết, “Và khi máy đo thính lực đạt được âm sắc và âm điệu giống như âm thanh [ù tai] của tôi, tôi đã bật khóc. Ai đó đã đột nhập vào khu rừng âm thanh này, nơi tôi hoàn toàn đơn độc trong cơn đau đớn và đã đến được với tôi. Điều đó khiến tôi rơi nước mắt.”

Phương pháp điều trị này kết hợp việc che giấu âm thanh và trị liệu huấn luyện bộ não nhận định âm thanh ù tai là không có gì đáng kể và mặc kệ những âm thanh đó. Thông thường, bệnh nhân đeo một thiết bị vào tai để che giấu các triệu chứng ù tai đồng thời được tư vấn chỉ dẫn. Theo thời gian, TRT có thể giúp bệnh nhân giảm chú ý đến chứng ù tai và cảm thấy ít khổ sở hơn với các triệu chứng.

Liệu pháp hành vi nhận thức

Theo Học viện Thính học Hoa Kỳ, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể kiểm soát chứng ù tai một cách hiệu quả.

CBT thường không giúp giải quyết được nhiều cho các triệu chứng mà chỉ can thiệp vào vòng luẩn quẩn tâm lý lo lắng và sợ hãi có thể đi kèm với các triệu chứng này và khiến [chứng ù tai] trở nên tồi tệ hơn.

Máy trợ thính và các thiết bị khác

Nếu vấn đề là mất thính lực, máy trợ thính có thể giúp gia tăng âm thanh của môi trường [xung quanh], giúp bệnh nhân giảm chú ý đến chứng ù tai một cách hiệu quả.

Những máy tạo âm thanh như máy tạo tiếng ồn trắng có thể tạo ra những âm thanh che giấu cảm giác ù tai, mang đến những âm thanh êm dịu như tiếng mưa, tiếng vòi nước hoặc các hiệu ứng tiếng ồn trắng khác.

Các phương pháp điều trị thử nghiệm

Các nhà nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) và các nơi khác đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân gây ù tai một cách đầy đủ hơn và phát triển các phương pháp điều trị mới. Vì có bằng chứng cho thấy chứng ù tai là do những thay đổi trong mạng lưới thần kinh ở não gây ra nên nhiều nghiên cứu trong số này đang khám phá lợi ích của việc kích thích não bằng thiết bị từ tính hoặc điện.

Dưới đây là một số phương pháp thử nghiệm thời nay cho thấy nhiều hứa hẹn nhất:

  • Kích thích điện: Một số nghiên cứu cho thấy cấy ghép ốc tai điện tử có thể ngăn chặn chứng ù tai và phục hồi chức năng thính giác ở những bệnh nhân bị mất thính lực từ mức độ nặng đến rất nặng. Tuy nhiên, phương pháp này không hữu ích đối với hầu hết bệnh nhân ù tai có thính lực tốt.
  • Kích thích lưỡng kim: Một thử nghiệm ngẫu nhiên, quy mô lớn được công bố trên tập san Nature vào năm 2022 cho thấy việc kích thích âm thanh kết hợp với kích thích điện vào lưỡi, dây thần kinh phế vị hoặc vùng đầu và cổ có thể làm giảm đáng kể chứng ù tai.
  • Kích thích não sâu (DBS): Thường dùng để điều trị cho những người bị một số loại rối loạn vận động hoặc bệnh lý tâm thần kinh, phương pháp điều trị này làm giảm chứng ù tai đối với một số bệnh nhân. Tuy nhiên, DBS có tính chất xâm lấn vì cần phải phẫu thuật để cấy các điện cực vào sâu bên trong não. Mặc dù kết quả ban đầu của việc sử dụng DBS cho chứng ù tai rất hứa hẹn nhưng vẫn cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem phương pháp này có hợp lý về mặt y tế để chỉ điều trị chứng ù tai hay không.

Tư duy ảnh hưởng đến chứng ù tai như thế nào?

Có bằng chứng cho thấy mối liên kết giữa chứng lo âu và ù tai, mặc dù chưa rõ nguyên nhân và không phải tất cả người bị ù tai đều gặp các vấn đề về lo lắng. Trong đó, nghiên cứu phát hiện rằng những người bị rối loạn lo âu có nguy cơ bị ù tai cao gấp ba lần so với nhóm đối chứng. Một nghiên cứu khác cho thấy 28% đến 45% người bị ù tai kinh niên cũng bị chứng lo âu. Lo lắng cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức chủ quan của người bệnh về mức độ xâm lấn hoặc tàn tật mà chứng ù tai gây ra.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với chứng ù tai là gì?

Mặc dù các phương pháp điều trị tự nhiên cũng không phải là cách chữa khỏi hoàn toàn cho chứng ù tai, nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số phương pháp thực hành nhất định có thể làm giảm bớt cảm giác phiền muộn do chứng ù tai gây ra, ngay cả khi những phương pháp này không giải quyết được tình trạng này.

Chánh niệm và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

Vào năm 2019, tập san Frontiers in Neurology đã đăng một bài phân tích gộp cho thấy “điểm số phiền muộn do chứng ù tai giảm đáng kể về mặt thống kê” sau liệu pháp chánh niệm. Một tổng quan nghiên cứu khác năm 2019 trên tập san này đã lưu ý rằng liệu pháp nhận thức hành vi có thể có tác dụng tương tự.

Châm cứu

Theo các nghiên cứu đã được bình duyệt, châm cứu cũng có thể giúp giảm bớt hoặc trị khỏi chứng ù tai. Bác sĩ Trung y, Tiến sĩ Wu Kuo-pin nói với The Epoch Times rằng chứng ù tai và mất thính lực là hiện tượng phổ biến sau tuổi 50, nhưng châm cứu có thể điều trị hiệu quả nhiều nguyên nhân gây ù tai. Phương pháp châm cứu này tiếp cận đến các huyệt trong và xung quanh tai để điều trị những nguyên nhân gây ù tai liên quan đến tai trong và tai giữa cũng như các huyệt khác trên cơ thể để giải quyết các nguyên nhân liên quan đến dị ứng, suy giảm chức năng gan và lá lách cũng như các vấn đề về cấu trúc ở cột sống, cổ và đầu.

N-acetylcysteine (NAC)

Mặc dù cần nghiên cứu nhiều hơn, nhưng một số bằng chứng cho thấy N-acetylcysteine (NAC) có thể chống mất thính lực và thậm chí có thể điều trị triệu chứng ù tai. Một báo cáo trường hợp [lâm sàng] cũng cho thấy tác dụng đầy hứa hẹn của NAC, trong đó chất chống oxy hóa này làm giảm đáng kể chứng ù tai ở phụ nữ. NAC dường như có hiệu quả nhất nếu dùng trước hoặc ngay sau khi xảy ra tổn thương thính giác.

Hãy luôn tham khảo ý kiến ​​​​chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu phương pháp điều trị mới.

Oxytocin

Theo nghiên cứu thí điểm năm 2017 được đăng trên tập san Frontiers in Neurology, thuốc xịt mũi oxytocin cũng có thể là phương pháp điều trị ù tai khác, mặc dù phương pháp này không phù hợp với phụ nữ mang thai.

Làm thế nào tôi có thể ngăn ngừa chứng ù tai?

Bạn có thể giảm nguy cơ bị ù tai trầm trọng hoặc kinh niên bằng cách thực hiện những điều sau:

  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: Sử dụng thực phẩm bổ sung hỗ trợ sức khỏe não và tai như magnesium và vitamin tổng hợp chất lượng cao hàng ngày có chứa vitamin A, E và C. Những thực phẩm bổ sung này có thể ngăn ngừa tổn thương tế bào lông ở tai trong.
  • Ngủ ngon và đủ giấc: Các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở những bệnh nhân ù tai. Nếu bạn bị mất ngủ, hãy cân nhắc việc tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia về giấc ngủ.
  • Tránh âm thanh lớn: Nếu bạn làm việc trong môi trường ồn ào, hãy sử dụng tai nghe khử tiếng ồn được chứng nhận an toàn hoặc nút bịt tai hiệu quả.
  • Giảm âm lượng của các thiết bị nghe của bạn: Đặc biệt, tai nghe có liên quan đến tổn thương tai trong, vì vậy hãy đặc biệt giữ âm lượng vừa phải với những thiết bị này. Nhiều thiết bị điện tử âm thanh mới hơn có xếp hạng decibel; hãy chọn loại có xếp hạng thấp hơn để bảo vệ thính giác và giảm chứng ù tai.
  • Nếu bạn lo lắng, hãy cân nhắc điều trị: Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về các phương pháp điều trị có thể, bao gồm thuốc, liệu pháp, kỹ thuật thư giãn và thiền định.
  • Luôn cập nhật thông tin khám sức khỏe toàn diện: Nhiễm trùng tai và xoang, khối u, các vấn đề về tuyến giáp, chóng mặt do tư thế và bệnh Ménière cũng có thể gây ù tai, vì vậy, hãy đi khám sức khỏe thường xuyên để bảo đảm bạn chưa phát triển tình trạng nào có thể dẫn đến chứng ù tai.

Bài viết này đã được bác sĩ Beverly Timeding, MD xem xét về mặt y khoa.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


David Charbonneau
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ David Charbonneau là một nhà báo tự do, giảng viên văn học và viết bài ở cấp đại học trong 25 năm. Ngoài Epoch Times, các bài viết của ông cũng xuất hiện trên The Defender, Medium, và các nền tảng in ấn và trực tuyến khác. Ông cũng là người ủng hộ nhiệt thành cho quyền tự do y tế. Hiện tại ông sống và làm việc tại Pasadena, California.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn