Nghiên cứu: Bỏ hoặc giảm uống rượu có thể làm giảm nguy cơ bị một số bệnh ung thư nhất định

Khi nói đến việc ngăn ngừa ung thư, bằng chứng khoa học không cho biết lượng rượu nào là an toàn để uống.

Mặc dù những rủi ro về sức khỏe của rượu đã được ghi nhận rõ ràng nhưng một báo cáo gần đây đã kết luận rằng việc giảm hoặc ngừng tiêu thụ đồ uống có cồn có thể làm giảm đáng kể khả năng phát triển ung thư miệng và thực quản.

Báo cáo được công bố trên New England Journal of Medicine (Tập san Y học New England), được biên soạn bởi 19 chuyên gia y tế từ 8 quốc gia khác nhau trên thế giới. Bài phân tích gộp của 91 nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng đầy đủ cho thấy việc giảm hoặc không uống rượu sẽ làm giảm nguy cơ phát triển ung thư miệng hoặc thực quản. Phân tích cũng phát hiện một số bằng chứng liên quan đến việc uống rượu [có ảnh hưởng] đến bệnh ung thư thanh quản và đại trực tràng.

Các phát hiện từ phân tích gộp giải thích điều gì?

Các nhà nghiên cứu cũng xác định rằng thời gian người ta ngừng uống rượu càng lâu thì nguy cơ mắc một số bệnh ung thư càng thấp. Nghiên cứu không xác định lượng rượu tối thiểu có thể chấp nhận hay an toàn đối với nguy cơ ung thư.

Tiến sĩ Misagh Karimi, bác sĩ chuyên khoa ung thư y tế tại Trung tâm Ung thư Quỹ Lennar Quận Cam Thành phố Hope ở Irvine, California, nói với The Epoch Times trong một email rằng, “Những phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên.”

Ông nói, “Báo cáo này bổ trợ cho nhiều thập niên nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa việc tiêu thụ rượu và ung thư. Mặc dù đây vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển nhưng chúng tôi biết rằng việc cắt giảm tiêu thụ rượu sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ của một số bệnh ung thư.”

Rượu gây ung thư như thế nào?

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng acetaldehyde, một chất độc do gan tạo ra trong quá trình chuyển hóa rượu, là tác nhân gây ung thư liên quan đến rượu. Do đó, khi người ta tiêu thụ càng ít rượu thì cơ thể càng sản xuất ít acetaldehyde và khả năng phát triển một số bệnh ung thư càng thấp.

Tiến sĩ Karimi giải thích, “Điều quan trọng cần lưu ý là tất cả đồ uống có cồn, bao gồm rượu, bia và rượu mạnh, đều chứa ethanol và từ đó có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Nói chung, bạn càng uống nhiều rượu thì nguy cơ ung thư càng cao và có bằng chứng cho thấy lượng rượu mà một người uống theo thời gian có thể là yếu tố quan trọng nhất.”

Tiến sĩ Karimi lưu ý, vì acetaldehyde là chất gây ung thư, “nên có thể gây hại cho DNA và góp phần hình thành khối u cũng như làm tổn thương tế bào và gan, mặc dù vẫn chưa rõ mối liên quan và cơ chế [của các quá trình này].”

Uống rượu với các chất khác có làm tăng nguy cơ ung thư không?

Các nghiên cứu khác cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa việc sử dụng nhiều chất gây nghiện khác nhau và nguy cơ ung thư. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân được cho là nguyên nhân gây ra hầu hết các bệnh ung thư liên quan đến rượu, bao gồm ung thư miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan, đại trực tràng và ung thư vú. Điều quan trọng cần lưu ý là sử dụng thuốc lá và rượu đồng thời sẽ làm tăng nguy cơ ung thư hơn là chỉ sử dụng một trong hai. Cuối cùng, nghiên cứu cũng ủng hộ rằng nguy cơ ung thư nói chung cao hơn ở những người sử dụng một số loại thuốc bất hợp pháp, bao gồm cả thuốc phiện và cocaine .

“Rượu và thuốc lá đều là chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ ung thư và tái phát ung thư. Không có một con số khoa học nào về lượng rượu ‘an toàn’, cũng như không có số điếu thuốc thuốc lá an toàn mà bạn có thể sử dụng. Khi nói đến việc ngăn ngừa ung thư, uống ít sẽ tốt hơn và không uống gì cả là tốt nhất. Nếu ngừng uống rượu ngay hôm nay, bạn sẽ không giảm nguy cơ ung thư ngay lập tức nhưng lợi ích sẽ có tác động theo thời gian. Đối với những người chọn uống rượu, các hướng dẫn khuyến nghị không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới”, Tiến sĩ Karimi khuyên.

Các yếu tố nguy cơ khác gây ung thư

Người ta ước tính rằng có thể ngăn ngừa khoảng 30-50% bệnh ung thư bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ và áp dụng các chiến lược phòng ngừa. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển ung thư ở người. Một số yếu tố rủi ro có thể bao gồm:

  • Tiêu thụ rượu.
  • Hút thuốc lá.
  • Ăn uống kém dinh dưỡng.
  • Ít vận động.
  • Ô nhiễm không khí.
  • Một số bệnh nhiễm trùng mạn tính (ví dụ: H. Pylori, HPV, Viêm gan B, Viêm gan C, Epstein-Barr).
  • Khuynh hướng di truyền.

Tiến sĩ Karimi cho biết, “Chúng ta có thể thực hiện một số điều để giảm nguy cơ ung thư và giảm hoặc bỏ rượu là một trong số đó. Là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, một trong những khuyến nghị thường xuyên nhất của tôi đối với bệnh nhân là thực hiện—và duy trì—những thay đổi lối sống lành mạnh như một phần trong kế hoạch phòng ngừa hoặc điều trị ung thư của họ. Những thay đổi đó thường bao gồm bỏ rượu, bỏ hút thuốc lá nếu sử dụng, ăn nhiều rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt, giảm hoặc loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn, duy trì cân nặng khỏe mạnh và vận động. Nếu bạn là bệnh nhân bị bệnh ung thư hoặc người sống sót sau ung thư, hãy nói chuyện với bác sĩ ung thư về lượng rượu tiêu thụ và cách giảm hoặc bỏ rượu nếu cần.

Nhu cầu nghiên cứu trong tương lai

Trong nghiên cứu cụ thể này, các nhà nghiên cứu không thể xác định chính xác mức độ giảm nguy cơ liên quan đến việc giảm hoặc cai rượu. Họ cũng không thể xác định được bao lâu sau khi cai rượu thì một người bắt đầu nhận thấy những lợi ích. Nghiên cứu trong tương lai có thể làm sáng tỏ những điều cần thiết về hai khía cạnh này vì những yếu tố này có liên quan đến nguy cơ ung thư.

Tiến sĩ Karimi giải thích, “Cần nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này vì việc tiêu thụ rượu có thể gây ra những rủi ro ngắn hạn và dài hạn. Nghiên cứu trước đây cho thấy ngay cả việc tiêu thụ ít rượu cũng làm tăng nguy cơ bị các loại ung thư khác bao gồm miệng và cổ họng, thực quản, đại tràng và trực tràng, gan và vú. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng uống rượu quá mức theo thời gian có thể dẫn đến các bệnh kinh niên khác như huyết áp cao, đột quỵ, bệnh gan, các vấn đề về tiêu hóa và bệnh tim.”

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Ayla Roberts
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ayla Roberts là y tá có chứng nhận và là nhà văn tự do. Cô có bằng cử nhân và thạc sĩ về điều dưỡng và đã làm việc ở nhiều vai trò lâm
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn