Bạn muốn uống rượu ít hơn trong năm nay? Như thế sẽ có thể giảm nguy cơ bị một số bệnh ung thư

Một báo cáo mới nêu chi tiết những nguy cơ ung thư liên quan đến việc uống rượu và cách ngừng uống rượu

Tin vui nếu bạn đang có quyết tâm uống rượu ít hơn trong năm mới: Một báo cáo mới cho thấy việc bỏ rượu có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã công bố một báo cáo đặc biệt trên Tập san Y học New England NEJM rằng ethanol, dạng rượu chính bao gồm đồ uống có cồn, là chất kích thích thần kinh phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài ra, IARC cho biết có đủ bằng chứng để phân loại rượu là chất gây ung thư vì khả năng gây ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, gan, đại trực tràng và vú. Rượu góp phần gây ra 741,300 ca ung thư mới vào năm 2020 — một lý do khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng “không thể xác định được lượng tiêu thụ rượu an toàn đối với bệnh ung thư và sức khỏe.”

“Chúng ta không thể nói về cái gọi là mức độ sử dụng rượu an toàn. Việc bạn uống bao nhiêu không quan trọng – nguy cơ đối với sức khỏe của người uống bắt đầu từ giọt đầu tiên của bất kỳ loại đồ uống có cồn nào. Điều duy nhất chúng tôi có thể nói chắc chắn là bạn càng uống nhiều thì càng có hại – hay nói cách khác, bạn càng uống ít thì càng an toàn,” Carina Ferreira-Borges, quyền trưởng đơn vị phụ trách bệnh không lây nhiễm và cố vấn về rượu và ma túy bất hợp pháp tại Văn phòng khu vực Châu Âu của WHO cho biết trong một bản tin ngày 03/01/2023.

Biết được những rủi ro mà rượu gây ra đối với việc phát triển bệnh ung thư, nhóm nghiên cứu tại IARC muốn biết liệu có ít nguy cơ phát triển một số loại ung thư hơn nếu mọi người uống ít hơn hoặc ngừng uống rượu hoàn toàn hay không.

Để trả lời câu hỏi này, nhóm IARC đã phân tích nhiều nghiên cứu trên khắp thế giới để xác định xem nguy cơ ung thư có giảm khi giảm tiêu thụ rượu hay không. Họ đã xem xét các nghiên cứu thuần tập, theo dõi một nhóm người tham gia trong nhiều năm và các nghiên cứu lâm sàng đối chúng nhằm kiểm tra sự khác biệt giữa người bị bệnh ung thư và những người không bị bệnh ung thư.

Kết quả cho thấy rằng việc giảm uống rượu dẫn đến giảm nguy cơ ung thư. Những người ngừng uống rượu từ 5 đến 9 năm có nguy cơ bị bệnh ung thư thấp hơn 23%, trong khi những người ngừng uống rượu từ 10 đến 19 năm có nguy cơ bị bệnh ung thư thấp hơn 34%. Việc ngừng uống rượu trong ít nhất 20 năm cho thấy nguy cơ ung thư giảm 55%.

Đối với bệnh ung thư thực quản nói riêng, có bằng chứng đáng kể cho thấy nguy cơ giảm 15% đối với những người ngừng uống rượu từ 5 đến 10 năm; những người không uống rượu trong 15 năm hoặc lâu hơn có nguy cơ bị bệnh này thấp hơn 65%. Việc ngừng uống rượu giúp giảm nguy cơ tương tự đối với các bệnh ung thư thanh quản, ung thư đại tràng và ung thư vú, mặc dù bằng chứng được định lượng là “hạn chế” chứ không phải mạnh mẽ.

Rượu gây ung thư như thế nào

Rượu vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành một hợp chất gọi là acetaldehyde. Quá trình này bắt đầu ngay khi rượu đi vào miệng và tương tác với nước bọt, sau đó tiếp tục qua vi khuẩn đường ruột. Cả nước bọt và vi khuẩn này đều cho phép acetaldehyde đi vào máu, ruột kết, v.v… Theo nhóm nghiên cứu IARC, acetaldehyde là “chất chuyển hóa gây độc gene mạnh,” có nghĩa là nó có thể kết dính với DNA và làm hỏng DNA.

Ngoài ra, acetaldehyde có thể dẫn đến chứng viêm và tạo ra sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa, hoặc stress oxy hóa. Đặc biệt, đối với phụ nữ, acetaldehyde có thể làm tăng lượng estrogen trong máu, đây có thể là tiền thân của bệnh ung thư. IARC viết rằng rượu cũng làm thay đổi cách cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là những chất trợ giúp quá trình sửa chữa DNA, chẳng hạn như folate. Sự hấp thụ chất dinh dưỡng bị suy giảm này khiến cơ thể khó chống lại các tác nhân gây ung thư như những chất có trong khói thuốc lá.

Tầm quan trọng của tháng Giêng khô hạn và hơn thế nữa

Báo cáo mới được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi nhiều người trên khắp đất nước bắt đầu Năm mới với quyết tâm Tháng Giêng Khô hạn (Dry January) đây có thể là một quyết định cứu mạng nếu thời gian kéo dài.

Rượu được cho là chất làm thay đổi tâm trí được xã hội chấp nhận nhất và được sử dụng trên toàn thế giới. Theo Khảo sát Quốc gia về Sử dụng Ma túy và Sức khỏe (NSDUH) năm 2022, 78.5% người từ 12 tuổi trở lên cho biết đã uống ít nhất một loại đồ uống có cồn trong đời. Năm 2018, tại Hoa Kỳ, 52.8% người lớn từ 18 tuổi trở lên uống rượu, tiêu thụ ít nhất 12 đồ uống có cồn mỗi năm. Theo NSDUH, trong khi nhiều người tiêu thụ rượu một cách an toàn, hơn 10% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên phải vật lộn với chứng rối loạn sử dụng rượu trong năm qua.

Trong khi một số nghiên cứu có thể đề cao những lợi ích sức khỏe của việc sử dụng rượu vừa phải, ngày càng có nhiều nghiên cứu được công bố cho thấy rằng nguy cơ lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào.

“Tác dụng bảo vệ tiềm tàng của việc tiêu thụ rượu, được đề nghị bởi một số nghiên cứu, có mối liên hệ chặt chẽ với các nhóm so sánh được chọn và các phương pháp thống kê được sử dụng, và có thể không xem xét các yếu tố liên quan khác,” Jürgen Rehm, giám đốc khu vực của WHO cho Hội đồng tư vấn về các bệnh không lây nhiễm của Châu Âu và nhà khoa học cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách sức khỏe tâm thần và Viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần gia đình Campbell tại Trung tâm nghiện và sức khỏe tâm thần tại Toronto, Canada cho biết.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn