Nghiên cứu cho thấy 1/5 người Úc gặp phải tình trạng COVID kéo dài sau khi xét nghiệm dương tính với COVID

Kết quả cho thấy nguy cơ phát triển COVID kéo dài do biến thể Omicron cao hơn so với những gì mọi người tưởng tượng.

Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc (ANU), khoảng một phần năm người Úc dương tính với COVID-19 có các triệu chứng phù hợp với tình trạng COVID kéo dài.

Điều này được đưa ra sau khi Giám đốc Y tế của Queensland, ông John Gerrard, kêu gọi loại bỏ thuật ngữ “COVID kéo dài” khi một nghiên cứu cho thấy tác động lâu dài của virus không khác gì so với bệnh cúm theo mùa và các triệu chứng COVID dài hạn không phải là “độc nhất và đặc biệt” so với những bệnh virus khác.

Tình trạng COVID kéo dài được Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là sự tiếp tục hoặc phát triển các triệu chứng mới sau ba tháng nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu, trong đó các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng mà không có bất kỳ lời giải thích nào khác.

Nghiên cứu của ANU đã thu hút gần 71,000 người tham gia có xét nghiệm dương tính với COVID-19 từ ngày 16/07/2022 – 03/08/2022 tại Tây Úc (WA).

Trong số 70,876 người trưởng thành đồng ý tham gia, 11,697 (16,5%) đã cung cấp câu trả lời đầy đủ cho các nhà nghiên cứu.

Trong số những người được hỏi, 2,130 người (18,2%) hài lòng với tiêu chí về thời gian mắc COVID kéo dài—báo cáo các triệu chứng mới hoặc vấn đề sức khỏe đang có trong 90 ngày sau khi dương tính với SARS-CoV-2.

Nghiên cứu tìm thấy như sau:

  • Nguy cơ mắc COVID kéo dài cao hơn ở phụ nữ, người từ 50–69 tuổi hoặc có bệnh nền từ trước và những người chích từ hai liều vaccine COVID-19 trở xuống.
  • Các triệu chứng COVID kéo dài thường gặp bao gồm mệt mỏi và khó tập trung.
  • Trong nhóm dân số được chích ngừa nhiều và không tiếp xúc rộng rãi với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó, 18% số người nhiễm biến thể Omicron báo cáo các triệu chứng phù hợp với COVID kéo dài sau 90 ngày.
  • 18% trong số những người này chưa thể trở lại làm việc hoặc học tập sau 3 tháng và 38% cần được bác sĩ đa khoa chăm sóc từ 2 đến 3 tháng sau khi nhiễm bệnh.

Nguy cơ phát triển COVID kéo dài cao hơn ở những người nhiễm biến thể Omicron

Trưởng nhóm nghiên cứu Mulu Woldegiorgis nói rằng kết quả cho thấy nguy cơ phát triển COVID kéo dài từ biến thể Omicron cao hơn so với suy nghĩ ban đầu.

Bà Woldegiorgis cho biết: “Con số cao hơn gấp đôi tỷ lệ lưu hành được báo cáo khi xem xét dữ liệu của Úc từ trước đó trong đại dịch và cao hơn so với các nghiên cứu tương tự được thực hiện ở Anh và Canada.”

Các tác giả viết: “Tuy nhiên, phát hiện cho thấy con số thấp hơn so với nghiên cứu gần đây của Queensland, với 21% số người báo cáo các triệu chứng tiếp diễn 12 tuần sau khi được xác nhận bằng PCR với biến thể Omicron SARS-CoV-2.”

“Mặc dù có báo cáo cho rằng nguy cơ mắc COVID kéo dài sau nhiễm Omicron có thể thấp hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 khác, chúng tôi nhận thấy gánh nặng của COVID kéo dài có thể tăng đáng kể sau 90 ngày từ khi nhiễm Omicron.”

Bà Woldegiorgis nói thêm: “Nguy cơ mắc COVID kéo dài cao hơn ở phụ nữ và những người từ 50 đến 69 tuổi, cũng như người có bệnh nền và chích ít liều vaccine hơn.”

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy 90% những người tham gia mắc COVID kéo dài nói rằng họ gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi và kiệt sức (70%), tiếp theo là khó suy nghĩ hoặc tập trung (“sương mù não”), khó ngủ và ho.

Một phần ba phụ nữ mắc COVID kéo dài cũng báo cáo những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Bà cho biết: “Hơn một phần ba số người mắc COVID kéo dài —38%—đã tìm kiếm sự chăm sóc y tế vào một tháng trước khi cuộc khảo sát diễn ra.”

“Điều đó thường bao gồm việc đến gặp bác sĩ đa khoa, nhập viện hoặc đến khoa cấp cứu, và rất may đây là điều ít phổ biến hơn.”

Nghiên cứu cũng cho thấy 64% số người mắc COVID kéo dài có thể trở lại học tập hoặc làm việc bình thường trong vòng một tháng sau khi nhiễm bệnh, nhưng 18% cho biết họ không đủ khỏe để làm điều đó sau ba tháng nhiễm bệnh.

Các tác giả lưu ý về một số hạn chế trong nghiên cứu, như chẩn đoán không rõ về COVID kéo dài, không có sự so sánh với những người tham gia không dương tính và không bao gồm những ca nhiễm trùng không triệu chứng hoặc không được phát hiện.

Mối liên quan giữa chích ngừa và COVID kéo dài

Mặc dù nghiên cứu không xem xét mối liên quan giữa chích ngừa và sự phát triển của COVID kéo dài, nhưng một bài viết của Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg của Đức cho thấy những người chưa được chích ngừa khi nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ mắc COVID kéo dài thấp nhất.

Nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù những lần nhiễm trước đó làm giảm 86% nguy cơ mắc COVID kéo dài, nhưng tình trạng chích ngừa trước khi nhiễm COVID không liên quan đến nguy cơ mắc COVID kéo dài của một người.

“Việc chích ngừa không mang lại biện pháp bảo vệ có ý nghĩa trong việc chống lại PCC [tình trạng hậu COVID] khi nhiễm bệnh. Ngược lại, có… bằng chứng mạnh mẽ cho thấy lần nhiễm trùng trước đó đã làm giảm nguy cơ mắc PCC,” các tác giả viết.

Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu ở Đức thừa nhận rằng không ai trong số những người tham gia thực sự được chẩn đoán về tình trạng COVID kéo dài hoặc kiểm tra các bệnh đi kèm.

Đồng thời, một phòng khám COVID kéo dài ở Anh đã báo cáo số lượt giới thiệu giảm 79% sau khi triển khai liều vaccine ngừa COVID-19 thứ hai, mặc dù số ca COVID-19 nhiều gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Trong khi đó, một nghiên cứu do Lancet công bố cho thấy tỷ lệ tổn thương phổi, não và thận cao hơn ở những người mắc COVID kéo dài tại Anh, so với những người không nhiễm COVID-19.

Marina Zhang và Jack Phillips đã đóng góp cho báo cáo này.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Henry Jom
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông Henry Jom là một phóng viên tại Úc, chuyên đưa tin tức địa phương của Úc. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn