Nghiên cứu: COVID kéo dài hiếm gặp ở trẻ em

Chưa đến 1% trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vẫn có các triệu chứng sau 6 tháng.

Trong khi các trường hợp COVID kéo dài tiếp tục xuất hiện, một nghiên cứu mới cho thấy tình trạng này tương đối hiếm gặp ở trẻ em.

Nghiên cứu được công bố trên tập san JAMA Network Open, lưu ý rằng chỉ có 0.52% trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 tại phòng cấp cứu nhi khoa vẫn còn các triệu chứng sau 6 tháng.

Điều thú vị là tỷ lệ mắc bệnh COVID kéo dài ở trẻ em tăng nhẹ sau một năm lên 0.67% trong số những trẻ đã nhập viện cấp cứu nhi khoa vì COVID-19. Trong số những trẻ có triệu chứng đã được xét nghiệm âm tính với COVID-19, 0.16% trẻ vẫn còn các triệu chứng sau một năm.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng chất lượng cuộc sống của trẻ em trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm không thay đổi, đồng thời cho biết thêm rằng triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo ở trẻ nhiễm COVID kéo dài và vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính sau một năm là tắc nghẽn hô hấp tái phát.

Để xác định tỷ lệ nhiễm COVID kéo dài ở trẻ em, nhóm nghiên cứu, do ông Frederick Dun-Dery của Trường Y Cumming thuộc Đại học Calgary đứng đầu, đã xem xét dữ liệu từ 14 khoa cấp cứu nhi khoa ở Canada. Dữ liệu bao gồm các kết quả thăm khám của trẻ sau 90 ngày, sáu tháng và một năm sau khi chẩn đoán.

Tổng cộng có 1,152 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID và 3,995 trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính đã được đưa vào nghiên cứu theo dõi kéo dài 6 tháng. Trong thời gian theo dõi kéo dài 1 năm, nghiên cứu đã theo dõi 1,192 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID và 4,371 trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính.

Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 2 tuổi và hơn 53% là nam giới. Gần 6% đã chích ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Trong số những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, khoảng 35% trẻ nhiễm biến thể omicron, tiếp theo là chủng virus ban đầu (27%), biến thể delta (khoảng 22%) và biến thể alpha (gần 16%). Chỉ có một số trường hợp có biến thể gamma.

COVID kéo dài là gì?

COVID kéo dài, hay tình trạng hậu COVID (PCC), xảy ra khi người bệnh có các triệu chứng của COVID-19 ít nhất bốn tuần sau khi được chẩn đoán nhiễm COVID lần đầu. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), [triệu chứng của] COVID kéo dài có thể tiếp diễn hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm. Các triệu chứng khá đa dạng, từ mệt mỏi hoặc kiệt sức làm cản trở hoạt động hàng ngày đến các triệu chứng về hô hấp và tim hoặc các triệu chứng thần kinh như đau đầu, khó ngủ hoặc chóng mặt. Một số người bị COVID kéo dài cũng đã báo cáo các vấn đề về tiêu hóa, đau khớp và đối với phụ nữ là những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng của COVID kéo dài thay đổi tùy trường hợp nhưng mệt mỏi thường là dấu hiệu đầu tiên hoặc phổ biến nhất. Điều này có thể biểu hiện ở việc trẻ không có khả năng duy trì các hoạt động hàng ngày, như làm bài tập về nhà hoặc các hoạt động ngoại khóa.

Tiến sĩ Carlos Oliveira, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trường Y Yale, nói với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 06/2023 rằng, “Những trẻ nhỏ từng tích cực tham gia hoạt động thể thao giờ đây khó có thể ra đường vì phải nghỉ ngơi [để dưỡng bệnh].

Tiến sĩ Oliveira nói thêm rằng trẻ em bị COVID kéo dài cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, đau cơ, chóng mặt hoặc gặp các vấn đề về tim.

COVID kéo dài có phòng ngừa được không?

Mặc dù không thể ngăn ngừa được COVID kéo dài, nhưng cách tốt nhất để giảm nguy cơ phát triển bệnh này cho bạn hoặc con bạn là tránh nhiễm COVID-19 ngay từ đầu. CDC khuyến nghị trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên nên chích một hoặc nhiều liều vaccine COVID-19. Cơ quan này cũng đề nghị cải thiện hệ thống thông gió trong nhà và tránh tiếp xúc với những người nghi ngờ hoặc xác nhận nhiễm COVID-19.

Mặc dù CDC khuyến nghị sử dụng vaccine để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và do đó, tránh được cả COVID kéo dài, nhưng nghiên cứu khác lại đề nghị một cách khác để ngăn ngừa tình trạng này. Ví dụ: một nghiên cứu từ ngày 06/02/2023 cho thấy lối sống [lành mạnh] là yếu tố giúp ngăn ngừa COVID kéo dài. Nghiên cứu đã xem xét nhiều yếu tố về lối sống của nữ nhân viên chăm sóc sức khỏe ở độ tuổi 65. Những phụ nữ có 5 hoặc 6 thói quen sống lành mạnh, bao gồm tránh hút thuốc và uống rượu, ăn uống lành mạnh, tham gia hoạt động thể chất, có chỉ số BMI khỏe mạnh và ngủ đủ giấc có nguy cơ bị COVID kéo dài thấp hơn gần 50%.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy hai yếu tố lối sống quan trọng nhất là ngủ đủ giấc và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thiếu ngủ có thể cản trở hệ miễn dịch của cơ thể, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính và tăng nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng và viêm. Hầu hết người lớn cần ngủ ít nhất bảy giờ mỗi đêm, trong khi trẻ em ở độ tuổi đi học cần ít nhất chín giờ. Thanh thiếu niên nên ngủ từ 8 đến 10 giờ mỗi đêm.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng béo phì có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của COVID và là yếu tố nguy cơ gây ra COVID kéo dài. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh với thực phẩm toàn phần có thể giúp bạn duy trì quá trình trao đổi chất lành mạnh và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn