Tại sao chính sách năng lượng xanh của ông Biden sẽ ‘kết thúc trong nước mắt’
Bài học cho nước Mỹ từ ‘Energiewende’ (Cách mạng Năng lượng) của Đức
Vị tổ phụ lập quốc của Hoa Kỳ, ngài Benjamin Franklin đã từng nói rằng “trải nghiệm là một trường học đắt đỏ nhưng kẻ ngu ngốc thì sẽ không học được gì ở người khác”. Chính sách năng lượng xanh của Đức, được đưa ra vào năm 2000, có thể là một bài học rẻ tiền cho Hoa Kỳ ngày nay.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã chọn theo chân Đức, cung cấp các khoản trợ cấp nặng nề cho phong và quang năng, đồng thời ngăn chặn các ngành công nghiệp có thể đáp ứng một cách đáng tin cậy nhu cầu năng lượng của Mỹ và thậm chí giảm lượng khí thải carbon của nước này. Vào tháng Một, chính phủ thông báo rằng họ đã “kéo mọi đòn bẩy để Mỹ tăng quy mô năng lượng sạch… Chính phủ Biden-Harris đã sẵn sàng để các khu vực ngoài khơi khai thác phong năng, đã phê duyệt các dự án quang năng mới trên các khu đất công, và đã thông qua Cơ sở hạ tầng của Lưỡng đảng Luật Hạ tầng để xây dựng hàng ngàn dặm đường dây tải điện cung cấp năng lượng sạch.”
Hôm 06/06, chính phủ TT Biden đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tăng sản xuất năng lượng xanh và để thay thế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi tính hợp pháp của hành động này còn nhiều nghi vấn, nó đã thiết lập cho chính phủ Hoa Kỳ trở thành một bên kiểm soát chính trong ngành năng lượng tư nhân của Hoa Kỳ trước đây. Nhưng giống như hầu hết các cuộc phiêu lưu của chính phủ lớn vào chính sách công nghiệp, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo đã tự bộc lộ là rất lãng phí và phản tác dụng.
Hai mươi hai năm trước, Đức đã đi đầu trong phong trào năng lượng xanh, thực hiện cách mạng năng lượng “Energiewende”, một chương trình đầy tham vọng trợ cấp cho các tấm pin mặt trời và tuabin gió, cùng với việc cắt giảm than, dầu mỏ, và khí đốt tự nhiên. Sau thảm họa hạt nhân năm 2011 ở Fukushima, Nhật Bản, Đức cũng quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của mình.
Năm 2000, chưa đến 7% điện năng của Đức đến từ cái gọi là năng lượng tái tạo. Đến năm 2021, tỷ lệ đó vượt quá 40% sản lượng điện của đất nước và khoảng 20% tổng mức tiêu thụ năng lượng, bao gồm cả xe điện (EV).
Vào cuối năm 2021, trước khi xảy ra chiến tranh Ukraine đã khiến giá cả tăng cao hơn nữa, các gia đình Đức phải trả 32 cent cho mỗi kilowatt giờ điện. Mức giá ở Pháp, quốc gia giữ nguyên ngành công nghiệp hạt nhân, là 23 cent. Người Mỹ trả giá điện trung bình là 11 cent vào thời điểm đó — khoảng 1/3 so với giá mà người Đức phải trả. 20% hóa đơn tiền điện của người Đức được tính vào “phụ phí năng lượng tái tạo” để trợ cấp cho gió và quang năng.
Đức đã chi rất nhiều để tăng công suất năng lượng tái tạo, nhưng trong trường hợp phong và quang năng, công suất đã không bao giờ mang lại sản lượng như hứa hẹn. Theo một báo cáo năm 2020 từ Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE), sản lượng điện năm 2000 của Đức là 54% tổng công suất, còn được gọi là “hệ số công suất”. Công suất chưa sử dụng là tiêu chuẩn cho các lưới điện vì nhu cầu sử dụng điện thay đổi đáng kể tùy thuộc vào thời gian trong ngày, mùa, và thời tiết. Tuy nhiên, đến năm 2019, trong khi tổng công suất điện của Đức đã tăng đáng kể nhờ năng lượng tái tạo tăng mạnh, thì hệ số công suất của nước này đã giảm xuống chỉ còn 20%, phần lớn là do các máy phát điện từ gió và mặt trời có năng suất thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch hoặc hạt nhân.
Hệ số công suất của quang năng chỉ là 10% vì phần lớn đất nước này thường xuyên là trời âm u. Phong năng cũng sản xuất dưới mức công suất vì các tuabin gió không sản xuất năng lượng vào những ngày lặng gió và phải ngừng hoạt động vào những ngày đặc biệt gió mạnh để tránh các cánh tuabin bị hư hỏng. Ngay cả trong những giới hạn đó, lượng năng lượng do các tuabin gió tạo ra rất thay đổi tùy thuộc vào cường độ gió thổi.
Báo cáo của IEEE nêu rõ: “Đức phải trả rất nhiều chi phí để duy trì lượng điện năng được lắp đặt dư thừa như vậy. Chi phí điện trung bình cho các gia đình Đức đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000.”
Một vấn đề lớn với phong và quang năng không chỉ là chúng không đáng tin cậy mà còn là chúng có xu hướng tạo ra nhiều năng lượng nhất khi mọi người cần ít nhất. Các mùa cao điểm để tạo ra gió có xu hướng là mùa thu và mùa xuân, nhưng nhu cầu cao điểm về năng lượng lại đến vào mùa hè và mùa đông khi mọi người cần sưởi ấm hoặc làm mát nhà và văn phòng.
Một lưới điện thì phải quản lý được sự thay đổi lớn về nhu cầu. Lưới điện này phải có đủ công suất để đáp ứng nhu cầu lúc cao điểm, ví dụ như trong những giờ nóng nhất của mùa hè, nhưng cũng có thể linh hoạt để giảm điện trong giờ sáng sớm hoặc những ngày mùa xuân khi nhu cầu giảm đáng kể. Bởi vì năng lượng tái tạo là không thể đoán trước được về số lượng năng lượng mà chúng sẽ sản xuất ra, và thời gian, nên chúng cũng cộng thêm sự biến thiên đáng kể vào phía cung của phương trình.
“Toàn bộ ý tưởng rằng quý vị sẽ lấy một cái gì đó phức tạp như một hệ thống điện, một trong những thứ phức tạp nhất mà con người đã phát minh ra cho đến nay, và chọn những gì để đưa vào hệ thống điện đó và cách vận hành nó trong một cuộc thi nơi đại chúng, với tôi đó là điều tồi tệ và nó sẽ kết thúc trong nước mắt,” ông Peter Hartley, giáo sư kinh tế năng lượng tại Đại học Rice, nói với The Epoch Times. “Cố gắng điều hành hệ thống đó bằng chính trị không phải là một điều rất thông minh để làm.”
Ngành năng lượng của Đức đã có một năm khó khăn vào năm 2021 vì gió lặng. Ngay cả khi nhu cầu tăng cao, sản lượng gió đã giảm 1/4 vào năm 2021. Hệ số công suất của quang năng cũng giảm do đây không phải là năm đặc biệt nắng.
Sau khi giảm mạnh vào năm 2020 do đại dịch COVID-19, lượng khí thải CO2 của Đức đã tăng thêm 31 triệu tấn trong năm 2021. Một phần đáng kể của sự gia tăng này là do không sản xuất được năng lượng tái tạo, khiến Đức phải dựa nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả than, để giữ cho lưới điện hoạt động. Và trong khi đóng cửa các nhà máy hạt nhân của riêng mình, Đức cũng đã mua điện hạt nhân từ Pháp.
Những khoảng thời gian dư thừa đối với gió và mặt trời cũng gây ra nhiều vấn đề. Khi thời tiết hợp tác và gió và mặt trời sản xuất năng lượng ở công suất cao nhất, chúng thường tạo ra nhiều điện hơn người tiêu dùng mong muốn. Điều này khiến các công ty điện lực phải lựa chọn hoặc cố gắng tích trữ năng lượng dư thừa, vốn có vấn đề về công nghệ, hoặc cố gắng giảm tải với mức chiết khấu sâu. Tình huống này khiến Đức rơi vào tình thế phải nhập cảng năng lượng khi giá cao và cố gắng bán năng lượng dư thừa trong một thị trường bão hòa khi giá thấp.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Hoa Kỳ. Ví dụ, ở Texas, các trang trại điện gió đã được biết là thậm chí trả tiền cho các nhà điều hành lưới điện để lấy đi sản lượng dư thừa của họ. Các trang trại phong điện của Hoa Kỳ nhận được trợ cấp của chính phủ dựa trên lượng điện năng mà họ bán cho các cơ sở dịch vụ điện nước. Điều này có nghĩa là họ có thể trả tiền cho các nhà vận hành lưới điện để lấy năng lượng dư thừa của họ và vẫn kiếm được lợi nhuận miễn là số tiền họ phải trả cho các nhà khai thác ít hơn số tiền trợ cấp mà chính phủ trả cho họ.
Tuy nhiên, sự biến dạng thị trường do sự can thiệp của chính phủ này có giá phải trả. Ở Mỹ, các nhà sản xuất năng lượng truyền thống không được trợ cấp, chẳng hạn như khí đốt tự nhiên, phải xoay sở để kiếm lợi nhuận khi giá cả bị ép giảm một cách giả tạo, và điều này có nghĩa là các nhà sản xuất năng lượng đáng tin cậy hơn đang chen chúc ngoài thị trường và trong nhiều trường hợp, phải đóng cửa. Điện hạt nhân, một loại sản xuất đáng tin cậy, tương đối rẻ tiền, không chứa carbon, chịu nhiều thiệt hại nhất vì việc chu trình lên xuống của các nhà máy hạt nhân tốn kém như thế nào.
Ông Hartley nói: “Với việc các chính phủ buộc các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục vào hệ thống thông qua chính sách công nghiệp, “quý vị đang thực sự trừng phạt điện hạt nhân, đó có thể là giải pháp lâu dài tốt nhất.”
Có một cuộc tranh luận đang diễn ra về mức độ và tốc độ phát thải CO2 đang làm thay đổi khí hậu trái đất. Tuy nhiên, nếu giảm lượng khí thải carbon là mục tiêu cuối cùng, thì hạt nhân có lẽ là phương tiện tốt nhất để đạt được mục tiêu đó. Điện hạt nhân thải ra ít CO2 hơn nhiều so với năng lượng tái tạo, khi tính đến việc khai thác và xây dựng; nó có thể mở rộng; nó ổn định, đáng tin cậy, và không biến đổi thất thường theo thời tiết; và nó xây dựng được sự độc lập về năng lượng.
Ông Hartley cho biết: “Hai trong số những chương trình dịch chuyển hàng loạt nhiên liệu hóa thạch thành công nhất trên thế giới là chương trình hạt nhân ở Pháp và Thụy Điển. Cho đến nay, hạt nhân là công nghệ có mật độ năng lượng cao nhất, tạo ra lượng năng lượng gấp 10,000 lần trên một kg mà nhiên liệu diesel tạo ra. Nó cũng chiếm ít không gian hơn so với các tấm pin mặt trời và yêu cầu khai thác ít hơn nhiều, với tất cả thiệt hại ngoài dự kiến đi kèm với những ưu điểm đó.
Mặt trái của điện hạt nhân đã được biết rõ: chất thải hạt nhân và khả năng xảy ra các tai nạn thảm khốc như Chernobyl, Three Mile Island, và Fukushima. Tuy nhiên, những cải tiến mới trong điện hạt nhân đã làm cho công nghệ này an toàn hơn, sạch hơn, linh hoạt hơn, và có thể mở rộng hơn. Các nhà máy hạt nhân giảm kích thước được gọi là Lò phản ứng Mô-đun Nhỏ có thể được xây dựng gần hơn với các nhà sử dụng công nghiệp, giảm chi phí xây dựng mạng lưới truyền tải dài.
Trong khi Đức dường như đã đóng cửa điện hạt nhân, Liên minh Âu Châu được cho là đang lên kế hoạch phân loại lại khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân là “xanh.”
Theo bà Jessica Johnson, giám đốc truyền thông của Nucleareurope, “Chúng tôi bắt đầu thấy các quốc gia thành viên nhận ra rằng để có nguồn cung cấp điện carbon thấp ổn định, điện hạt nhân cần phải là một phần của sự kết hợp.”
Bà Johnson nói, Âu Châu đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng là “khử cacbon hoàn toàn nền kinh tế của chúng ta vào năm 2050.” Nếu điện hạt nhân bị loại trừ, “thì chúng ta có thể quên những mục tiêu đó đi.”
Hiện nay, khoảng 25% điện năng của Âu Châu được tạo ra từ điện hạt nhân, cũng như 50% lượng điện “carbon thấp” của Âu Châu. Bà Johnson nói rằng Bỉ đang cân nhắc lại chương trình loại bỏ dần các nhà máy hạt nhân của mình. Pháp đã đề nghị các kế hoạch đầy tham vọng về việc xây dựng tới 6 nhà máy hạt nhân mới, và “một vài tuần trước, trong một tuyên ngôn, Đảng Xanh Phần Lan đã tuyên bố rõ ràng ủng hộ hạt nhân.”
‘Nợ carbon’
Energiewende của Đức đã thành công trong việc giảm đáng kể lượng khí thải carbon trên toàn quốc, nhưng Energiewende chỉ đo lượng khí thải trong phạm vi biên giới của mình. Nếu như họ đo được ảnh hưởng thực tế trên toàn cầu, thì họ sẽ phát hiện ra rằng pin, tấm pin mặt trời, và các xe điện mà họ nhập cảng đã làm tăng đáng kể lượng khí thải CO2.
Xe điện đi kèm với một “khoản nợ về carbon”. Vấn đề này đề cập đến thực tế là sản xuất pin điện, một ngành được dự báo sẽ tăng lên 100 tỷ USD vào năm 2025, rất dễ gây ô nhiễm. Một báo cáo năm 2018 của Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch, một nhà ủng hộ năng lượng xanh, đã lưu ý rằng việc sản xuất pin EV ở Trung Quốc, nơi sản xuất hơn một nửa số pin lithium-ion trên thế giới, tạo ra lượng CO2 nhiều hơn 60% so với việc sản xuất động cơ chạy bằng xăng truyền thống.
Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một nhà ủng hộ năng lượng tái tạo khác, tuyên bố rằng lượng nhiên liệu hóa thạch cần thiết để chế tạo xe điện vượt quá mức cho xe hơi chạy bằng khí đốt đến mức “ở Đức, trung bình một chiếc xe hơi điện cỡ trung phải được lái với quãng đường 125,00 km, để hòa vốn với một chiếc xe hơi chạy dầu diesel [về lượng khí thải CO2], và 60,000 km đối với một chiếc xe hơi chạy bằng xăng. Phải mất 9 năm để một chiếc xe hơi điện trở nên xanh hơn một chiếc xe hơi chạy bằng động cơ diesel.” Pin xe điện có tuổi thọ từ 10 đến 20 năm.
Các khoáng chất đất hiếm cần thiết cho việc sản xuất các tấm pin mặt trời, tuabin gió và pin EV bao gồm lithium, niken, coban, mangan, và graphite, trong số những loại khác. Đồng cũng rất cần thiết cho việc xây dựng các đường dây điện kéo dài để kết nối các lưới điện với các nguồn tái tạo ở xa, chẳng hạn như các trang trại gió ngoài khơi và các cánh đồng quang năng ở xa.
Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris, sản lượng các khoáng chất này sẽ phải tăng gấp 6 lần so với hiện nay, vào năm 2040. Hơn nữa, “sản xuất nhiều nguyên liệu chuyển đổi năng lượng tập trung hơn so với dầu hoặc khí đốt tự nhiên… 3 quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới kiểm soát hơn 3/4 sản lượng toàn cầu.”
Những bên tham gia thống trị trong thị trường này là Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Trung Quốc, họ cùng kiểm soát phần lớn việc sản xuất nhiều loại khoáng sản năng lượng tái tạo thiết yếu. “Thị phần tinh chế của Trung Quốc là khoảng 35% đối với niken, 50-70% đối với liti và coban, và gần 90% đối với các nguyên tố đất hiếm.”
Việc khai thác các vật liệu này tiêu tốn nhiều năng lượng và có thể tàn phá môi trường địa phương. Ví dụ, Lithium, chỉ chiếm khoảng 1% lượng đá mà nó được khai thác, gây ra sự phá hủy các vùng đất lớn trong quá trình khai thác để khai thác nó. Khai thác lithium và đồng cũng đòi hỏi một lượng nước rất lớn, làm căng thẳng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Coban thường được khai thác bởi lao động nô lệ trẻ em ở Phi Châu. Và quá trình lọc dầu thải ra các kim loại nặng độc hại và các chất ô nhiễm khác vào đất và nước.
Việc lắp đặt các tấm pin mặt trời đòi hỏi phải lấy những mảnh đất rộng lớn và di dời động vật hoang dã. Tua bin gió sát hại chim và dơi. Và việc thải bỏ những khoáng chất thường độc hại này, một khi pin, tua-bin và các tấm pin mặt trời hết công dụng, vẫn chưa được giải quyết.
‘Điều kiện về vấn đề diệt chủng’
Nước Đức phải vật lộn với những hậu quả về đạo đức của cách mạng năng lượng Energiewende. Quốc hội Đức đã xác định rằng các tấm pin mặt trời mà họ mua từ Trung Quốc đang được sản xuất trong “điều kiện diệt chủng” và lao động nô lệ.
Ông Hartley nói: “Mọi người nghĩ rằng họ rất có đạo đức với những phương tiện chạy bằng phong năng, quang năng, xe điện, v.v. Nhưng khi quý vị nhìn vào nền tảng của những thứ này, thì đó là những thứ khá rắc rối theo quan điểm nhân quyền, chưa nói đến các vấn đề chiến lược.”
Hồi tháng Hai, những vấn đề chiến lược này được đưa ra trước khi Nga xâm lược Ukraine, và Đức phát hiện ra nước này đã trở nên phụ thuộc vào các nhà cung cấp ngoại quốc không thân thiện như thế nào. Gió và mặt trời, những thứ mà họ đã đặt cược rất nhiều, đã chứng tỏ không có khả năng lấp đầy những khoảng trống mà các chính sách năng lượng của họ đã tạo ra, và lệnh cấm vận xuất cảng của Nga, cùng với những lời đe dọa từ Nga nhằm cắt nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho phương Tây, đã giáng đòn nặng nề vào Đức.
Hồi tháng Năm, giá sản xuất của Đức đã tăng 33.6% tính theo năm, mức tăng lớn nhất kể từ khi thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 1949, phần lớn là do chi phí năng lượng leo thang. Giá năng lượng tăng 87.3% so với một năm trước đó; giá khí đốt tự nhiên tăng 154.8%.
Một cuộc kiểm toán liên bang của Đức vào tháng Ba đã cảnh báo về tình trạng thiếu năng lượng và mất điện trên khắp nước Đức và phân phối về điện giữa người tiêu dùng và ngành công nghiệp. Với sự gia tăng mạnh mẽ của chi phí đầu vào, báo cáo cho biết “có nguy cơ làm mất khả năng cạnh tranh và sự chấp nhận của Đức đối với quá trình chuyển đổi năng lượng”. Tuần trước, Đức đã nâng mức rủi ro khí đốt lên mức “báo động”, mức cao thứ hai trước “tình trạng khẩn cấp.”
Chính phủ Đức có thể sớm phải chọn công ty nào cần thiết hơn các công ty khác khi phân phối nguồn cung cấp năng lượng khan hiếm. Như thường lệ với các trường hợp chính sách công nghiệp của chính phủ, Energiewende cuối cùng có thể gây hại cho ngành này đến mức giải pháp duy nhất là chính phủ can thiệp nhiều hơn để cứu nó.
Trên khắp Âu Châu, một số công ty bắt đầu đóng cửa vào tháng Sáu, không thể cạnh tranh với các công ty ngoại quốc có chi phí năng lượng thấp hơn nhiều. Có một quốc gia không chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là Trung Quốc.
Một báo cáo Chính sách Ngoại giao hồi tháng Sáu cho biết, trong khi Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng ngành công nghiệp sản xuất pin để xuất cảng, “nước này tiếp tục tăng sử dụng than” cho năng lượng nội địa của mình. Trung Quốc đã mở rộng hoạt động khai thác than của mình thêm 300 triệu tấn vào năm 2022, “gần bằng sản lượng hàng năm của toàn bộ Liên minh Âu Châu”. Báo cáo này lưu ý rằng Trung Quốc đang ưu tiên sự ổn định về năng lượng và khả năng cạnh tranh về chi phí, trong khi “đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc, Hoa Kỳ, hiện đang gặp phải tình trạng gián đoạn nguồn cung ngày càng thường xuyên khi hoạt động để chuyển đổi hệ thống điện lớn thứ hai thế giới sang năng lượng tái tạo.”
Những rủi ro chiến lược trong canh bạc xanh của ông Biden vượt ra ngoài người tiêu dùng và ngành công nghiệp để bao gồm cả quân đội của chúng ta. Việc tiếp cận năng lượng thường tỏ ra có ý nghĩa quyết định trong các cuộc xung đột quân sự. Một trong những lý do khiến Đức và Nhật bị đánh bại trong Đệ nhị Thế chiến là do họ không có khả năng cung cấp nhiên liệu cho tàu, máy bay, và xe tăng của họ. Ngày nay, trong khi tàu ngầm và tàu sân bay của Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân, phần lớn quân đội của chúng ta vẫn chạy bằng các dẫn xuất từ dầu mỏ; dầu diesel cho xe tăng và tàu thủy và nhiên liệu phản lực cho máy bay.
Trung Quốc không phải là nhà sản xuất dầu mỏ đáng kể, điểm yếu này là gót chân Achilles chiến lược của họ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang gió và mặt trời đã đảo ngược phương trình này, khiến ngành công nghiệp Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô của năng lượng tái tạo, trong khi chúng ta có nguồn nhiên liệu hóa thạch dồi dào.
Bài học mà chính phủ TT Biden có thể học được từ Đức là phong năng và quang năng là những công nghệ kém hiệu quả, không đáng tin cậy, gây ô nhiễm, và tạo ra sự phụ thuộc nguy hiểm vào ngoại quốc mà không phải lúc nào cũng là bạn của quý vị. Rõ ràng là họ đã không chú ý.
Ông Kevin Stocklin là một nhà văn, nhà sản xuất phim, và là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư. Ông đã viết và sản xuất tác phẩm “We All Fall Down: The American Mortgage Crisis” (“Chúng Ta Đều Sụp Đổ: Cuộc Khủng Hoảng Thế Chấp Của Mỹ”), một bộ phim tài liệu năm 2008 về sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế chấp của Hoa Kỳ.