Tân chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson công bố danh sách việc cần làm đầy tham vọng dành cho Hạ viện
Tân chủ tịch Hạ viện bắt đầu công việc ngay ngày đầu tiên bằng việc thông qua một nghị quyết ủng hộ Israel, nhưng nghị trình còn lại sẽ thử thách các giới hạn đoàn kết của Đảng Cộng Hòa.
Bằng những lời đầu tiên từ bục phát biểu, Chủ tịch Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) cho thấy ông háo hức muốn đưa Hạ viện trở lại làm việc.
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, vị tân chủ tịch quay sang toàn thể Hạ viện và hỏi rằng, “Tất cả quý vị có muốn bắt đầu ngay vào công việc quản trị không?”
Sau 22 ngày không hoạt động, các thành viên ở cả hai đảng đều háo hức trở lại làm việc. Vài phút sau, Hạ viện đã thông qua một nghị quyết ủng hộ quyền tự vệ của Israel với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng.
Phần còn lại trong nghị trình lập pháp của ông Johnson liên quan đến những vấn đề phức tạp hơn và gây chia rẽ hơn sẽ thử thách khả năng duy trì sự đoàn kết mong manh của hội nghị Đảng Cộng Hòa và cam kết của ông nhằm mang lại thành quả cho người Mỹ.
Dưới đây là những ưu tiên lập pháp của vị tân chủ tịch trong thời gian còn lại của Quốc hội thứ 118, được ông trình bày chi tiết trong một bức thư gửi các đồng nghiệp hôm 23/10.
Hoàn tất việc phân bổ ngân sách trước ngày 17/11
Hôm 30/09, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR) để gia hạn tài trợ chính phủ thêm 45 ngày. Việc thông qua dự luật đó đã khiến vị cựu chủ tịch mất việc. Cuộc chiến sau đó để giành vị trí chủ tịch đã tiêu tốn một nửa thời gian gia hạn này.
Việc thông qua 8 dự luật phân bổ ngân sách còn lại là ưu tiên tiếp theo của ông Johnson. Ông đặt mục tiêu thực hiện bắt đầu từ tuần này, sẽ cho phép Hạ viện đàm phán với Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát từ “một thế áp đảo.”
Đó chính là những gì mà những người cứng rắn về tài khóa, trong đó có 8 vị đã bỏ phiếu lật đổ ông McCarthy, đã yêu cầu.
Hoài nghi về các nghị quyết chi tiêu tạm thời, vốn có xu hướng tạo ra một quan điểm không can thiệp đối với vấn đề chi tiêu, họ háo hức thông qua các dự luật phân bổ từng chủ đề theo trật tự thông thường.
Họ cho rằng điều đó sẽ cho phép tranh luận và sửa đổi từng dự luật, và giúp kiểm soát chi tiêu dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, chỉ còn 23 ngày nữa là đến ngày 17/11, không còn nhiều thời gian để thông qua số lượng dự luật đó, đạt được sự đồng thuận với Thượng viện, và thuyết phục tổng thống ký chấp thuận. Vì vậy, ông Johnson đã không loại trừ khả năng xuất hiện dự luật chi tiêu tạm thời thứ hai.
Nếu cần thiết, thì ông muốn kéo dài thời hạn đến ngày 15/01 hoặc ngày 15/04 để tránh bị buộc phải chấp nhận một dự luật chi tiêu tổng hợp lớn khác, như trường hợp của năm ngoái.
Vị tân chủ tịch đã đề nghị sử dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo để nhanh chóng chuyển các dự luật chi tiêu, kể cả việc đẩy một số dự luật ra khỏi ủy ban phân bổ ngân sách và thành lập một nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề trong dự luật nông trang chưa được thông qua hồi tháng Chín.
Nếu ông Johnson có thể giữ đúng tiến độ, thì các dự luật phân bổ ngân sách sẽ được thông qua trong ba tuần tới, ngay trước thời hạn là ngày 17/11.
Đạo luật về yêu cầu ngân sách bổ sung
Ngoài các khoản phân bổ ngân sách thường xuyên, Tổng thống Joe Biden còn yêu cầu viện trợ khẩn cấp khoảng 105 tỷ USD cho Ukraine, Israel, các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và an ninh biên giới.
Dự luật này sẽ gây khó khăn cho vị tân chủ tịch vì nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa nghi ngại với việc viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, cả hai đảng đều có mong muốn mạnh mẽ là viện trợ cho Israel.
Nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa gần như chắc chắn sẽ muốn những yêu cầu đó được tách riêng. Đây có thể là một phép thử về khả năng của ông Johnson trong việc giữ cho hội nghị đồng thuận với nhau.
Hoàn thành Dự luật Nông trang và NDAA vào tháng Mười Hai
Hồi tháng Chín, Hạ viện đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, nhưng đạo luật này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận với Thượng viện thông qua một thủ tục được gọi là “hội ý.”
Dự luật trị giá 886 tỷ USD này chiếm gần một nửa chi tiêu tùy ý và khoảng 12% tổng chi tiêu của chính phủ.
Ông Johnson đặt mục tiêu hoàn thành và ký dự luật này vào cuối năm nay.
Dự luật Nông trang là một đạo luật lớn khác có hiệu lực 5 năm một lần.
Đó là một dự luật tổng hợp trị giá gần 100 tỷ USD bao gồm nhiều chương trình liên quan đến nông nghiệp. Do liên quan đến mọi thứ từ trợ cấp trang trại đến trợ cấp SNAP, nên dự luật này có thể gây ra sự phản đối ở cả hai đảng.
Dự luật nông trang năm 2018 đã hết hạn hôm 30/09. Tân chủ tịch muốn dự luật mới được Hạ viện thông qua trước tháng Mười Hai.
Đạt được bước tiến lớn về phân bổ ngân sách năm 2025
Các nghị quyết chi tiêu tạm thời và dự luật chi tiêu tổng hợp đã được sử dụng thường xuyên trong những năm gần đây vì Quốc hội chưa thể đồng thuận về 12 dự luật phân bổ ngân sách bắt buộc trước ngày 30/09, ngày kết thúc năm tài khóa.
Ông Johnson muốn thay đổi điều đó bằng cách tuân thủ các mốc quan trọng theo luật định trong quy trình phân bổ ngân sách.
Điều đó có nghĩa việc thông qua một nghị quyết ngân sách vào cuối tháng Tư, thông qua 12 dự luật phân bổ ngân sách cộng với NDAA và Đạo luật Phát triển Tài nguyên Nước vào cuối tháng Bảy, và hoàn tất các cuộc đàm phán về luật đó với Thượng viện và Tòa Bạch Ốc trước ngày 30/9.
Điều đó đòi hỏi rất nhiều công việc, và tân chủ tịch cho biết sẽ không có kỳ nghỉ hè kéo dài sáu tuần nếu tất cả các dự luật không được thông qua vào cuối tháng Bảy.
Những người cứng rắn về tài khóa vẫn đang tranh luận điều đó, nhưng việc này thể hiện một sự thay đổi lớn so với công việc thông thường ở Hạ viện.
Ông Johnson nói với các đồng nghiệp rằng “Đây là một kế hoạch đầy tham vọng,” nhưng có thể đạt được.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với khả năng của vị tân chủ tịch có thể hoàn thành mọi công việc.
“Ông ấy sẽ mang lại chiến thắng cho người dân Mỹ,” Dân biểu Matt Rosendale (Cộng Hòa-Montana) bày tỏ. “Chúng ta có những thành viên đã ở đây 15 năm nói rằng họ chưa bao giờ thấy hội nghị của chúng ta đoàn kết như hôm nay.”
Bản tin có sự đóng góp của Melina Wisecup từ NTD
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times