Từ phòng thí nghiệm đến đĩa ăn: Tương lai của ngành hải sản dựa trên tế bào

Khi ngồi xuống quầy sushi Umi no Sushiya, anh Alex bắt gặp một món ăn thêm đáng ngạc nhiên trong thực đơn: sushi cá hồi trong phòng thí nghiệm. Bị hấp dẫn bởi ý tưởng về hải sản bền vững, anh Alex quyết định thử xem sao.

Với mỗi miếng cắn, vị giác của anh cảm nhận được một thế giới các hương vị. Nhưng bất chấp hương vị tinh tế, đầu óc anh bắt đầu chạy đua với những câu hỏi. Hải sản trong phòng thí nghiệm được sản xuất như thế nào? Có an toàn cho người dùng không? Có tốt cho sức khỏe không? Có tác động đến môi trường không? Sự tò mò đã khiến anh thực hiện một nghiên cứu, để hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất cũng như ưu nhược điểm của hải sản nuôi trong phòng thí nghiệm.

Mặc dù tình huống trên là không có thật, nhưng trong khi chờ đợi những tiến bộ trong tương lai và sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hải sản từ tế bào có thể sẽ tiếp cận các nhà hàng và khu chợ trong tương lai gần.

Điều này có thể xảy ra sớm hơn so với chúng ta nghĩ, vì các cơ quan quản lý Hoa Kỳ vừa chấp thuận loại thịt đầu tiên được nuôi trong phòng thí nghiệm của quốc gia – thịt gà từ tế bào động vật.

Hải sản từ tế bào là gì?

Các sản phẩm phát triển từ tế bào là một lĩnh vực mới nổi của khoa học thực phẩm, trong đó tế bào được lấy từ động vật và nuôi cấy trong môi trường có kiểm soát để tạo ra thực phẩm.

Theo FDA, thực phẩm dựa trên tế bào được sản xuất theo bốn bước sau:

  1. Một mẫu tế bào được lấy từ mô động vật để phát triển một “ngân hàng” tế bào lưu trữ cho tương lai.
  2. Các tế bào được lấy từ ngân hàng, đặt trong một môi trường có kiểm soát và chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cũng như các yếu tố khác để tăng trưởng.
  3. Các tế bào tiếp tục nhân lên nhiều lần (thành hàng nghìn tỷ tế bào) và được cung cấp các chất bổ sung để trở thành nhiều loại tế bào khác nhau, như mỡ, cơ và mô liên kết.
  4. Sau khi tế bào biệt hóa thành các loại cụ thể theo mong muốn, các sản phẩm được thu hoạch và chuẩn bị thông qua quá trình đóng gói và chế biến thực phẩm thông thường.

Tại Hoa Kỳ, một số công ty sản xuất hải sản từ tế bào đang cố gắng tạo ra các loài cá tươi. Wildtype, Finless Foods và BlueNalu là các nhà sản xuất toàn cầu cá hồi và cá ngừ từ tế bào. Mặc dù sản phẩm hiện được sản xuất ở quy mô nhỏ, phương pháp sản xuất quy mô lớn và hiệu quả về chi phí vẫn được xác định.

Bà Adriana Sanchez, người sáng lập Seafood Ninja, một công ty chiến lược bền vững về hải sản, nói với The Epoch Times: “Các chuyên gia trong ngành đang cố gắng mở rộng quy mô sản xuất hải sản từ tế bào đang sản xuất thương mại.”

Bà Sanchez tin rằng nhu cầu về sản phẩm có đạo đức, sạch và tốt cho sức khỏe đang gia tăng khi người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn về nguồn gốc thực phẩm, cách thức sản xuất và tác động đến môi trường.

Bà Sanchez nói: “Cuối cùng, người tiêu dùng muốn bảo đảm rằng các sản phẩm mà họ tiêu thụ là an toàn và có trách nhiệm.”

Cạnh tranh trong thị trường hải sản bền vững

Theo Hiệp hội Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), nghề cá của Hoa Kỳ được xem là dẫn đầu toàn cầu về hải sản bền vững. Họ đánh giá trữ lượng cá, đặt giới hạn đánh bắt và bảo đảm tuân theo Đạo luật Magnuson-Stevens, luật cơ bản điều chỉnh hoạt động quản lý nghề cá biển của Hoa Kỳ.

Các loài cá ở vùng biển quốc tế không được cố gắng bảo vệ giống như Hoa Kỳ. Cô Lianne Won-Reburn, giám đốc tiếp thị trực tuyến của Trang trại Marshallberg, một trại cá tầm bền vững ở Bắc Carolina, nói với The Epoch Times: “Có 27 loài cá tầm trên toàn thế giới; hầu hết trong số chúng đang bị đe dọa trầm trọng. Một loài từ Trung Quốc đã chính thức tuyệt chủng do đánh bắt quá mức.”

Nhu cầu về sản phẩm xa xỉ trên toàn thế giới có thể dẫn đến đánh bắt quá mức các loài mong muốn, chẳng hạn như cá tầm Nga hoặc cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương. Các phương pháp canh tác cho phép nuôi trồng những loài này, từ đó làm giảm áp lực lên hệ sinh thái dưới nước. Tuy nhiên, thời gian chờ cá trưởng thành để thu hoạch có thể mất tới vài năm.

Việc nuôi trồng hải sản trong phòng thí nghiệm không đòi hỏi thời gian lâu như vậy. Theo trang web của Wildtype, việc phát triển cá hồi để làm sushi mất khoảng bốn đến sáu tuần, nhanh hơn đáng kể so với quá trình trưởng thành tự nhiên của cá hồi sống. Vì tế bào nuôi cấy có thể phát triển vô tận, Wildtype tuyên bố rằng họ có thể sản xuất hàng triệu pound (1 pound = 0.45 kg) hải sản mà không cần dùng một loại cá nào.

Trong khi hải sản trong phòng thí nghiệm được xem là một giải pháp bền vững, các nghiên cứu cho biết thịt bò trong phòng thí nghiệm thực sự kém thân thiện với môi trường hơn đáng kể so với chăn nuôi gia súc. Điều này phần lớn là do vật liệu dinh dưỡng được dùng để phát triển tế bào.

Mặc dù tế bào của cá và động vật có vỏ có những yêu cầu khác nhau với sự tăng trưởng, nhưng không có thông tin nào về việc liệu hải sản trong phòng thí nghiệm có tác động tiêu cực đến môi trường tương tự như thịt bò trong phòng thí nghiệm hay không. Ngoài tác động môi trường, còn có những lo ngại lớn khác về hải sản trong phòng thí nghiệm.

Mối quan tâm về hải sản được phát triển từ tế bào trong phòng thí nghiệm

Các sản phẩm được phát triển trong phòng thí nghiệm đã nhận được nhiều đánh giá và nhận thức trái chiều trên toàn thế giới. Cách thức dán nhãn sản phẩm, độ an toàn, giá trị dinh dưỡng và giá thành đều sẽ tác động đến cách người dùng cảm nhận về sản phẩm.

Sự an toàn

Hải sản trong phòng thí nghiệm có thể giúp người dùng tránh phải tiếp xúc với kim loại nặng, chẳng hạn như thủy ngân. Hàm lượng kim loại nặng có sự khác nhau giữa các loài cá và phụ thuộc vào nguồn cá: đánh bắt tự nhiên, thương mại hay nuôi trồng.

Anh Michael Selden, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Finless Foods, giải thích trong một cuộc phỏng vấn gần đây với “In the Know”: “Mọi người lo ngại về nồng độ thủy ngân và chất dẻo được tìm thấy trong cá ngừ vây xanh, tác động môi trường của việc ăn một loài nằm trong và ngoài danh sách các loài bị đe dọa mà hiện không thể nuôi trồng ở quy mô kinh tế.”

Tiếp xúc với kim loại nặng như thủy ngân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh, tim mạch và thận tiết niệu. Phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị nhiễm độc kim loại nặng.

Vì hải sản trong phòng thí nghiệm không yêu cầu phương pháp nuôi trồng cá lớn tiêu thụ cá bé, các nhà sản xuất tuyên bố chúng không chứa thủy ngân, ký sinh trùng và vi khuẩn.

Do yêu cầu sản xuất, các sản phẩm dựa trên tế bào có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh từ thực phẩm. Tuy nhiên, việc bảo đảm môi trường vô trùng, đặc biệt trong sản xuất công nghiệp, vẫn là một thách thức đối với thực phẩm dựa trên tế bào.

Cho đến khi hải sản trong phòng thí nghiệm được chứng minh là an toàn và có đầy đủ các tiêu chuẩn quy định, nhiều người sẽ thấy miễn cưỡng khi thưởng thức.

Dinh dưỡng

Bất chấp sự đổi mới của ngành hải sản trong phòng thí nghiệm, người tiêu dùng vẫn hoài nghi về hàm lượng dinh dưỡng.

Mặc dù không có thông tin về sự phân hủy các chất dinh dưỡng vĩ mô và vi lượng, Wildtype tuyên bố rằng cá hồi trong phòng thí nghiệm của họ “tương đương về mặt dinh dưỡng chất béo omega-3 và omega-6 so với cá hồi hoang dã,” nhưng cũng lưu ý rằng “nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và chúng tôi có nhiều cơ hội để cải thiện trong những năm tới.”

Việc đạt được khả năng so sánh dinh dưỡng, đặc biệt khi nói đến protein, chất béo lành mạnh và vi chất dinh dưỡng, là mục tiêu phát triển sản phẩm chính của các công ty hải sản dựa trên tế bào. Nếu không có những lợi ích dinh dưỡng tương đương, người tiêu dùng ít có khả năng lựa chọn một sản phẩm thay thế được trồng trong phòng thí nghiệm.

Dán nhãn

Người tiêu dùng cũng quan tâm đến việc dán nhãn và muốn biết chính xác những gì họ mua.

Theo yêu cầu của Cục Kiểm tra và An toàn Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, việc ghi nhãn sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ tế bào nuôi cấy dành cho người phải được chấp thuận trước và xác minh bằng cách kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn còn một số câu hỏi; ví dụ: thuật ngữ nào được dùng để cảnh báo người mua rằng đây là một sản phẩm từ tế bào?

Chi phí

Chi phí vẫn là một rào cản đối với việc sản xuất quy mô lớn hải sản dựa trên tế bào.

Anh Aryé Elfenbein, người đồng sáng lập Wildtype, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với “Insider Science” rằng “một vài miếng nigiri thời nay có thể có giá từ 40 đến 50 USD,” đề cập đến chi phí sản xuất cá hồi dựa trên tế bào của công ty anh.

Trong một nghiên cứu về sự chấp nhận của người tiêu dùng gần đây từ Hà Lan, 58% người tham gia cho biết họ sẵn sàng trả mức cao hơn 37% cho thịt bò làm từ tế bào so với thịt bò từ động vật thông thường. Liệu tâm lý này sẽ áp dụng cho hải sản trong phòng thí nghiệm và cho người tiêu dùng Hoa Kỳ hay không vẫn còn chưa xác định.

Liệu hải sản trong phòng thí nghiệm có phải là tương lai của ngành cá?

Bà Sanchez giải thích rằng, một phần động lực của hải sản trong phòng thí nghiệm đến từ những người tin rằng chúng ta không nên đánh bắt cá. “Các sản phẩm hải sản dựa trên tế bào tạo cơ hội cho mọi người tiêu thụ hải sản không đến từ việc đánh bắt ở đại dương.”

Mặc dù Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang thách thức ý tưởng về “hải sản bền vững” với mục đích khiến mọi người tránh xa việc ăn cá tự nhiên và nuôi trồng trong khi ủng hộ cách ăn thuần chay, nhưng điều này có thể khó để áp dụng.

Cô Won-Reburn nói: “Tôi nghĩ với hầu hết mọi người, họ đều muốn thưởng thức đồ thật. Tôi không xem đó là sự cạnh tranh với sản phẩm [được phát triển trong phòng thí nghiệm] vì đó là sản phẩm khác.”

Đồng tình với cô Won-Reburn, anh Adam Pritts, một nông dân nuôi cá hồi thế hệ thứ ba tại Trang trại cá hồi Laurel Hill ở Pennsylvania, nói với The Epoch Times: “Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, thì đó sẽ là một thông lệ liền kề. Tôi không thấy điều này phổ biến với người tiêu dùng hoặc đạt đến một giai đoạn khả thi về mặt kinh tế.”

Hiện tại, hải sản trong phòng thí nghiệm đang được chào bán trong các quán sushi, do môi trường thử nghiệm mà quán cung cấp cho những ai tò mò muốn thưởng thức. Tuy nhiên, không có thông tin nào về việc hải sản trong phòng thí nghiệm sẽ phản ứng thế nào với phương pháp nấu ăn truyền thống. Chúng ta vẫn chưa biết liệu sản phẩm này thậm chí có giữ được dưỡng chất tự nhiên khi được chế biến dưới ngọn lửa hay không.

Khi nói đến tính bền vững, an toàn và giá trị, người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hải sản tự nhiên và hải sản nuôi trồng. Ủng hộ các trang trại nuôi cá của Mỹ và lựa chọn hải sản hoang dã bền vững là cách quan trọng để giảm bớt sự căng thẳng đối với quần thể cá hoang dã ở các đại dương, hồ và sông.

Mặc dù tương lai của ngành hải sản trong phòng thí nghiệm phụ thuộc một phần vào sự phát triển của đánh bắt truyền thống và tính bền vững của hải sản nuôi trồng, cho đến khi các yếu tố như an toàn, giá trị dinh dưỡng và chi phí được giải quyết, thị trường hải sản sản xuất từ tế bào cá vẫn còn là điều không chắc chắn.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn