10 nhóm người gồm tam cao, dị ứng, có thể chích ngừa COVID-19 không? 2 nhóm người không thể chích ngừa

Hiện nay, thế giới đang đẩy nhanh việc chích ngừa COVID-19, chích ngừa đã trở thành một vấn đề mà ngày càng có nhiều người phải đối mặt. Vậy, những chống chỉ định với vaccine COVID-19 là gì? Những người có đường huyết cao, mỡ máu cao và huyết áp cao, bệnh tim, ung thư, dị ứng hoặc phụ nữ mang thai có thể chích ngừa COVID-19 không?

nhóm người không thể chích ngừa COVID
Những người mắc ba bệnh cao, bệnh tim, ung thư, dị ứng, bệnh tự miễn hoặc phụ nữ mang thai có thể chích ngừa COVID-19 không? (Ảnh: Shutterstock)

Các đối tượng thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 giai đoạn III hầu hết là những người khỏe mạnh

Vaccine khác với thuốc. Thuốc được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân, trong khi hầu hết những người được chích ngừa phòng bệnh là người khỏe mạnh. Trọng tâm đánh giá rủi ro và lợi ích của cả hai không như nhau. Hiện nay dữ liệu lâm sàng giai đoạn III của vaccine COVID-19 đã được công bố công khai, có một đặc điểm chung, đó là những nghiên cứu này được thiết kế cho những nhóm người tương đối khỏe mạnh.

Đây cũng là quy tắc chung cho nghiên cứu lâm sàng vaccine, vì chỉ giai đoạn thứ ba mới có dữ liệu về tỷ lệ bảo vệ và an toàn đủ tiêu chuẩn, bằng cách này, người ta mới có thể hiểu sâu hơn về tỷ lệ bảo vệ thực sự và tính an toàn của vaccine cho đối tượng rộng trong một cộng đồng xã hội quy mô lớn hơn sau khi nó được đưa ra thị trường.

Vì lý do này, trong thử nghiệm lâm sàng về vaccine, cái gọi là “dân số không đủ tiêu chuẩn đại diện” sẽ bị loại bỏ. Chẳng hạn như những người bị suy giảm miễn dịch, hoặc bệnh nhân mắc các bệnh như thiếu máu, ung thư, bệnh tim, đột quỵ,… những người này thường bị loại khỏi các thử nghiệm lâm sàng vì tình trạng miễn dịch của chính họ hoặc các bệnh nền thường ảnh hưởng đến việc đánh giá bản thân vaccine.

Ngoài ra, những người hút thuốc, uống rượu, dùng ma túy, có hình xăm lớn tại chỗ chích, có tiền sử dị ứng cũng thường bị loại trừ.

Nói cách khác, dữ liệu nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III hiện tại của vaccine, cho dù đó là tỷ lệ bảo vệ hay tác dụng phụ, sẽ không nhất định được áp dụng được cho những người này.

Có 10 nhóm người, bao gồm tam cao, tim mạch, dị ứng, v.v., họ có thể chích ngừa COVID-19 không?

Có những người mắc các bệnh nền hoặc các trường hợp đặc biệt khác, làm thế nào để đánh giá liệu họ có thể được chích ngừa COVID-19 hay không? Điều đầu tiên cần nói rõ là, tình trạng thể chất và tinh thần của mỗi người, loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh tật là khác nhau, nên thảo luận với bác sĩ gia đình về tình trạng riêng của mình. Dưới đây liệt kê 10 nhóm người thường gặp, và một số gợi ý để tham khảo.

  1. Tam cao: người có đường huyết cao, mỡ máu cao và huyết áp cao

Những người tam cao, cần xem xét mức độ nặng nhẹ của bệnh mà quyết định.

Lấy bệnh nhân đái tháo đường làm ví dụ, nếu tình trạng bệnh được kiểm soát tương đối tốt, như đường huyết khi đói là 7-8 mmol / L thì có thể chích được, nếu như bình thường đường huyết rất cao, đường huyết lúc đói vượt quá 10 mmol/L thì việc chích ngừa nên hoãn lại, trước tiên hãy xem xét kiểm soát tốt bệnh nền.

nhóm người không thể chích ngừa COVID
Bệnh nhân tiểu đường nếu tình trạng bệnh của họ được kiểm soát tốt, có thể chích ngừa vaccine COVID-19 . (Ảnh: Shutterstock)
  1. Bệnh nhân tim mạch

Nếu bệnh tim được kiểm soát rất tốt, chẳng hạn như nếu không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh tim trong vài tháng, có thể cân nhắc việc chích ngừa.

Tuy nhiên, nếu có những cơn đau thắt ngực không ổn định, hơn nữa lại tái phát bất cứ lúc nào, hoặc liên tục cảm thấy yếu, chóng mặt hoặc tim đập nhanh, thì không nên chích ngừa. Nên đi kiểm tra xem bệnh tim có trầm trọng hơn, hay có tiền triệu của nhồi máu cơ tim hay không.

Ngoài ra, khi chức năng tim không còn bảo tồn, chẳng hạn như tình trạng suy tim độ 3 hoặc độ 4, thì cũng nên kiểm soát tốt tình trạng bệnh trước, sau đó mới xem xét đến việc chích ngừa.

  1. Những người đang sử dụng thuốc hàng ngày

Những người dùng thuốc được khuyến cáo nên thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc họ đang sử dụng, kiểm tra xem có bất kỳ tương tác nào giữa thuốc và các thành phần của vaccine được sử dụng hay không. Nếu như có, nhất định phải thận trọng.

Bởi vì tác dụng tương tác giữa các thuốc khá phổ biến, nên có thể gây ra một số tình huống phúc tạp về chuyển hóa hoặc miễn dịch.

Còn có một tình huống khác, chính là tác dụng phụ của vaccine cũng tương tự như tác dụng của thuốc. Ví dụ, thuốc giảm lipid máu Statin có một tác dụng phụ phổ biến, đó là gây đau cơ, đây cũng là một trong những tác dụng phụ phổ biến của vaccine COVID-19. Nếu sau khi một người dùng thuốc Statin được chích ngừa COVID-19, kết quả làm cơn đau cơ trở nên nghiêm trọng hơn, thì rất khó để phân biệt giữa tác dụng phụ do thuốc gây ra hay phản ứng bất lợi do vaccine gây ra. Để tránh tình trạng phức tạp này, nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ xem có thể tạm ngưng dùng các loại thuốc này trước khi chích ngừa hay giảm liều lượng, hoặc thực hiện các phương pháp điều trị khác để kiểm soát lipid máu hay không.

nhóm người không thể chích ngừa COVID
Những người dùng thuốc, nên thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc họ đang dùng, kiểm tra xem có bất kỳ sự tương tác nào giữa thuốc và các thành phần của vaccine COVID-19 sẽ được sử dụng hay không. (Ảnh: Shutterstock)
  1. Người già cơ thể suy nhược

Nếu do tuổi già dẫn đến suy nhược, nhưng tình trạng tinh thần rất tốt, thì có thể chích ngừa được.

Nếu gần đây đột nhiên trở nên yếu, lại không tìm ra nguyên nhân, cần phải cảnh giác xem đó có phải là dấu hiệu báo trước của một số bệnh hay không. Đặc biệt khi trạng thái tinh thần cũng sa sút, tốt nhất nên đến bệnh viện khám trước, để loại trừ khả năng mắc các bệnh chích ẩn, đợi cơ thể trở lại bình thường rồi mới chích ngừa.

  1. Bệnh nhân ung thư

Bệnh nhân ung thư có thể được chích ngừa COVID-19 hay không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của chính họ. Vì việc chích ngừa phụ thuộc vào hệ thống miễn dịch, mới có thể tạo ra kháng thể.

Ung thư được chia thành ung thư thực thể và ung thư phi thực thể. Ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư phổi và các bệnh ung thư thực thể khác, cũng như các khối u lành tính, sẽ không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, và có thể cân nhắc sử dụng vaccine.

Tuy nhiên, các bệnh ung thư phi thực thể, đặc biệt là ung thư hệ bạch huyết, chẳng hạn như bệnh bạch cầu cấp và bệnh bạch cầu mãn, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng miễn dịch của con người. Những bệnh nhân như vậy có khả năng miễn dịch rất thấp, ngay cả khi đã được chích ngừa cũng không nhất định tạo ra kháng thể, vì vậy nên đợi cho đến khi tình trạng bệnh được cải thiện tốt, sau khi khả năng miễn dịch được phục hồi, rồi mới tiến hành dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

  1. Bệnh nhân mắc các bệnh suy giảm miễn dịch

Những người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như những người bị nhiễm AIDS, sử dụng các chất ức chế miễn dịch (như corticosteroid) hoặc các chất ức chế miễn dịch chống thải ghép, có khả năng miễn dịch rất thấp hoặc thậm chí không có, ngay cả khi họ đã được chích ngừa cũng không thể tạo ra kháng thể .

Khuyến cáo những người này, ở thời điểm hiện tại không nên tính đến chuyện chích ngừa, mà nên cân nhắc việc điều trị bệnh trước.

  1. Phụ nữ có thai

Phụ nữ có thai và cho con bú cũng bị loại khỏi các thử nghiệm lâm sàng. Nếu muốn nhận định dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, cũng cần các công ty vaccine thực hiện các nghiên cứu quan sát lâm sàng tiếp theo, trên nhóm phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 3, “Tạp chí Sản phụ khoa Hoa Kỳ” đã công bố một nghiên cứu cho thấy vaccine mRNA có hiệu quả đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Một trong những nhân viên nghiên cứu, Galit Alter, giáo sư y khoa tại Viện Ragon nói rằng, họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy phụ nữ mang thai và cho con bú gặp nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với những người thông thường. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, so với phụ nữ không mang thai, mức độ kháng thể sản sinh do vaccine gây ra cho phụ nữ mang thai và cho con bú “cao hơn nhiều so với lượng kháng thể do nhiễm COVID-19 trong thai kỳ”. “Những loại vaccine dường như có tác dụng rất hiệu quả đối với những phụ nữ này”.

  1. Những người bị dị ứng

Những người bị dị ứng, thường bị dị ứng với nhiều thành phần cùng một lúc, chứ không phải là một hoặc hai thành phần, do đó, tốt nhất là nên điều chỉnh lại thể chất cho tốt, trước khi cân nhắc có nên chích ngừa hay không.

Với những người thỉnh thoảng bị dị ứng, không nhất định là không thể chích ngừa. Bởi vì thể chất của con người luôn trong trạng thái thay đổi. Một vài năm trước có thể bị dị ứng với một số loại thuốc, thực phẩm hoặc muỗi đốt, nhưng hệ thống miễn dịch hiện tại không nhất định vẫn bị dị ứng, cũng không có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn với thành phần vaccine hiện tại chắc chắn sẽ bị dị ứng. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ trước khi quyết định có nên chích hay không và chích loại vaccine nào.

nhóm người bị dị ứng
Những người thỉnh thoảng bị dị ứng, không nhất định là không thể chích ngừa. (Ảnh: Shutterstock)
  1. Những người đã bị nhiễm COVID-19

Những người đã bị nhiễm COVID-19, trong cơ thể có thể đã có kháng thể, vấn đề chỉ là mức độ kháng thể cao hay thấp. Gần đây, một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England cho thấy, ba tuần sau khi chích một mũi vaccine mRNA cho các bệnh nhiễm COVID-19, tất cả các loại kháng thể được tạo ra đều cao hơn so với những người chưa chích ngừa, đặc biệt là mức độ kháng thể trung hòa cao hơn. (Kháng thể trung hòa là khả năng có thể liên kết trực tiếp với virus, bảo vệ con người không bị nhiễm bệnh.)

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Y học tự nhiên” vào tháng 4 cho thấy, tác dụng của một liều vacxin đối với những người bị nhiễm COVID-19, cũng giống như tác dụng của hai liều đối với người bình thường. Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ cho biết, bất kể đã bị nhiễm bệnh hay không đều cần được chích hai liều vaccine.

Tuy nhiên, những người đang trong giai đoạn cấp tính COVID-19, cần đợi các triệu chứng của COVID-19 hồi phục và sau khi hết thời gian cách ly, mới xem xét đến việc chích ngừa.

  1. Những người đã được chích các loại vaccine COVID-19 khác

Một số người hỏi: Sau khi chích vắc xin Sinovac hoặc các vaccine bất hoạt khác, rồi lại chích ngừa mRNA, thì liệu có xảy ra xung đột giữa hai loại không?

Không có nghiên cứu lâm sàng nào về chích ngừa hỗn hợp cho tất cả các loại vaccine đang hiện hành. Đại học Oxford đang tiến hành một thử nghiệm lâm sàng, để tìm hiểu xem liệu liều đầu tiên của vaccine mRNA và liều thứ hai của vaccine vectơ adenovirus có tốt hơn và lâu dài hơn so với chích ngừa đơn thuần hay không. Tuy nhiên, trước khi có được dữ liệu nghiên cứu lâm sàng, chúng tôi giữ thái độ thận trọng về việc sử dụng hỗn hợp vaccine, khuyến nghị nên cố gắng sử dụng cùng một loại vaccine để hoàn thành toàn bộ quy trình chích ngừa.

Hai nhóm người không thể chích ngừa COVID-19

Vậy, những người nào chắc chắn không được chích ngừa COVID-19? Cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các nhà sản xuất vaccine khác nhau đã chỉ ra rằng, có hai nhóm người bị cấm chích ngừa COVID-19:

  1. Những người đã biết là bị dị ứng nghiêm trọng hoặc tức thì với bất kỳ thành phần nào của vaccine, không thể chích ngừa COVID-19.
  2. Những người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc tức thời sau khi chích mũi đầu tiên, không thể chích mũi thứ hai.

Tại sao chích ngừa lại chống chỉ định đặc biệt đối với các bệnh dị ứng?

Phản ứng dị ứng cấp tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, hơn nữa nó xảy ra nhanh chóng, chỉ trong vòng vài giờ hoặc thậm chí mười mấy phút, đã có thể mất mạng. Do đó, trong trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng cấp tính, cần gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

Vậy, làm thế nào để biết có bị dị ứng với thành phần trong vaccine hay không?

Dù là loại vaccine nào, trong bao bì cũng sẽ có hướng dẫn sử dụng. Thông thường, các thành phần khác nhau của vaccine được liệt kê rõ ràng ở trang đầu tiên, mọi người sau khi chích ngừa xong hãy đọc kỹ, có bất cứ vấn đề gì không hiểu rõ, đừng ngần ngại tham khảo ngay bác sĩ hoặc bộ phận y tế địa phương.

Bài viết do Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng, Chuyên gia virus học Âu châu, chuyên gia nghiên cứu khoa học của công ty công nghệ sinh học thực hiện.
Lý Thanh Phong biên tập
Lâm Mộc biên dịch

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn