2 loại cảm lạnh và 2 sai lầm thường gặp làm chậm quá trình hồi phục

Những hiểu lầm phổ biến về gừng và trái cây

Mùa thu đến cùng với tiết trời mát mẻ hơn cũng là lúc tỷ lệ cảm lạnh và cảm cúm gia tăng. Khi bị cảm lạnh, bạn cần bồi bổ dương khí (vệ khí) và hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị cảm lạnh hoặc cảm cúm lại áp dụng các giải pháp không phù hợp, khiến khí suy giảm nhanh chóng, dẫn đến bệnh tình nặng hơn.

Theo quan điểm của Trung Y, các yếu tố môi trường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật. Những yếu tố này gọi chung là sáu tác nhân gây bệnh bên ngoài, bao gồm Phong (gió), Hàn (lạnh), Thử (nóng), Thấp (ẩm ướt), Táo (khô ráo), Hỏa (nhiệt). Trong Trung Y, người ta tin rằng cảm lạnh cũng là do sự xâm nhập của 6 yếu tố này.

Theo nguyên lý của Trung Y, khí là nguồn sinh lực hoặc năng lượng thiết yếu của cơ thể. Để đạt được trạng thái cân bằng trong cuộc sống và tránh khỏi các vấn đề sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, cơ thể cần có sự cân bằng về khí.

Khí có nhiều dạng, bao gồm cả “vệ khí hay dương khí.” Loại khí này hoạt động chủ yếu trên bề mặt cơ thể, như một hàng rào bảo vệ giống với hàng rào giải phẫu của hệ miễn dịch bẩm sinh. Khi dương khí suy yếu, cơ thể sẽ dễ bị các mầm bệnh tấn công hơn, và dễ bị ốm hơn.

Mục tiêu của nhiều liệu pháp Trung Y là bồi bổ dương khí. Thầy thuốc sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh, bởi vì tình trạng thể chất của mỗi người là khác nhau.

Tuy nhiên, có một số sai lầm phổ biến mà nhiều người thường gặp phải khi bị cảm lạnh khiến dương khí suy giảm nhanh chóng, làm trầm trọng thêm các triệu chứng cảm lạnh.

Thời điểm thích hợp để uống trà gừng

Hàng nghìn năm nay, người Trung Hoa đã chữa cảm lạnh bằng các loại thảo mộc tự nhiên, trong đó có một số loại khá đơn giản, hiệu quả và được dân gian ưa dùng.

Củ gừng là phần rễ của cây gừng, thường được dùng như thảo dược trong nhiều thế kỷ để trị nhiều bệnh, từ viêm khớp đến đau bụng. Thời nay, người ta vẫn thường dùng gừng khi bị cảm cúm.

Một người bạn của tôi có nghe nói rằng uống trà gừng có thể trị cảm lạnh, vì vậy khi bị cảm lạnh và đau họng, anh đã pha cho mình một ấm trà gừng. Tuy nhiên, phương pháp này không mang lại hiệu quả.

Vì sao lại như vậy? Trên thực tế, chúng ta nên uống trà gừng khi mới bị cảm lạnh. Trà gừng có thể làm tăng thân nhiệt, đẩy lùi cảm lạnh và giảm triệu chứng.

Tuy nhiên, người bạn của tôi đã có triệu chứng viêm họng, chứng tỏ nguồn bệnh đã xâm nhập sâu vào cơ thể, gây viêm và chuyển thành phong nhiệt.

Vì vậy, không nên thưởng thức ly trà gừng nóng ấm vào lúc này, do sẽ khiến hỏa khí và các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.

Tránh ăn đồ sống và đồ đông lạnh

Rau củ và trái cây là một phần quan trọng của cách ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, nên tránh các loại rau củ quả sống và đông lạnh khi đang bị cảm lạnh.

Tôi có một bệnh nhân bị COVID-19 với các triệu chứng của cúm, gồm: sổ mũi, ho và tiêu chảy. Với niềm tin rằng ăn nhiều trái cây và rau củ có thể trị cảm cúm, cô đã ăn khá nhiều rau củ quả sống và lạnh, nhưng sức khỏe của cô không hề được cải thiện. Tôi khuyên cô nên ăn cháo ấm và mặc thêm quần áo thay vì dùng đồ sống và lạnh; và sau đó cô đã sớm khỏe lại.

Theo danh y Trương Trọng Cảnh (150 – 219 sau Công nguyên) thời Đông Hán, những bệnh nhân bị cảm lạnh nên tránh những thức ăn lạnh, cay hoặc khó tiêu hóa.

Khi bị cảm lạnh, chức năng đường tiêu hóa sẽ suy giảm và khó hấp thụ các loại dưỡng chất. Nước và thức ăn lạnh (hàn khí) khiến dạ dày phải tiêu hao dương khí để làm nóng trước khi tiêu hóa. Điều này hoàn toàn không có ích cho việc hồi phục.

Một vị bác sĩ Trung Y 100 tuổi từng nói với tôi rằng ăn trái cây tươi khi bị cảm lạnh sẽ gây ra ho dai dẳng. Trong một lần bị cảm và sốt, tôi đã thử thí nghiệm trên chính bản thân mình bằng cách ăn một ít trái cây [tươi]. Kết quả, dương khí của cơ thể tiêu tan nhanh chóng, và khiến tôi thậm chí còn cảm thấy tệ hơn.

Trung Y có câu: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can.” Theo nguyên lý này, bệnh nhân có triệu chứng cảm lạnh nên mặc nhiều quần áo, giữ ấm cơ thể và ăn cháo. Cơ thể sẽ tăng tốc độ phục hồi nhờ duy trì và bồi bổ chính khí một cách tự nhiên.

2 loại cảm lạnh, 2 phương thuốc Trung Y

Có hai loại cảm lạnh chính trong Trung Y, gồm phong hàn và phong nhiệt.

Phong hàn đặc trưng bởi rét run, nhức đầu, hắt hơi, ngứa họng và ho đờm trong hoặc đục. Đây thường là giai đoạn đầu của cảm lạnh, có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày.

Phong nhiệt đặc trưng bởi triệu chứng đau họng, thường sốt nhiều hơn rét run, ho đờm vàng.

Công thức dành cho chứng phong hàn:

Thành phần

  • 10gr hành lá
  • 6gr đậu nành lên men
  • 3-4 lát gừng

Cho các nguyên liệu trên cùng 2 chén nước vào nồi, đun sôi trong 10 phút. Uống ba lần mỗi ngày.

Công thức dành cho chứng phong nhiệt:

Thành phần

  • 3gr hoa cúc
  • 6gr trà Long Tỉnh

Pha trà bằng các thảo dược trên và 2 chén nước sôi. Dùng ba lần mỗi ngày.

Các bài báo của Epoch Health dành cho mục đích thông tin và không thay thế cho lời khuyên y tế cá nhân. Vui lòng tham khảo ý kiến ​​chuyên gia đáng tin cậy để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị y tế cá nhân. Nếu bạn có câu hỏi, hãy gửi email cho chúng tôi theo địa chỉ [email protected]

Tú Liên và Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Wu Kuo-Pin
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Wu Kuo-pin (Ngô Quốc Bân) là giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học chuyên ngành Trung y và lấy bằng cử nhân tại Đại học Trung Y ở Đài Loan.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn