5 loại trà có tác dụng trấn an tinh thần, giúp ngủ sâu

Từ các ca bệnh lâm sàng thực tế cho thấy, hơn nửa số bệnh nhân có tinh thần buồn bực, lo lắng, trầm cảm đều thường kèm theo các bệnh lý đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, trào ngược acid dạ dày, buồn nôn và các triệu chứng khác.

Nghiên cứu y học hiện đại đã phát hiện ra rằng ruột là bộ não thứ hai của cơ thể con người. Số lượng và chủng loại các dây thần kinh phân bố trong ruột gần tương tự như trong não, hơn nữa hai bộ phận này có liên quan chặt chẽ với nhau.

Đối với các vấn đề về cảm xúc, Trung y chủ yếu điều trị từ Can, vì Can chủ sơ tiết, Can khí phải thông suốt thì khí của cơ thể mới không bị tắc nghẽn, cảm xúc mới thoải mái và không bị buồn bực, phiền muộn. Do Đảm (mật) bài tiết kém nên cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu, từ đó gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Vì vậy, khi Trung y điều trị các vấn đề về cảm xúc, sẽ chủ yếu điều trị từ gan, túi mật và hệ thống tiêu hóa. Phương diện tinh thần và cảm xúc của các loại bệnh tâm thần cũng liên quan đến Tâm (tim), trong quá trình điều trị cũng sẽ cho thêm các loại thuốc giúp trấn an tinh thần để tăng hiệu quả chữa bệnh.

Ngoài ra, những người có tinh thần lo lắng, cáu gắt, hoảng sợ, mất ngủ kéo dài, thường có hiện tượng âm hư hỏa vượng. Lúc này có thể bổ sung một số vị thuốc dưỡng âm giảm hỏa, giúp tinh thần phấn chấn và ổn định hơn.

trà giúp giúp ngủ sâu
Trà tốt cho sức khoẻ và trấn an tinh thần (Ảnh: Pixabay)

5 loại trà giúp cải thiện tâm trạng

Dưới đây là năm loại trà tốt cho sức khỏe và có tác dụng trấn an tinh thần, công thức pha đơn giản mà thiết thực.

1. An Miên Thang

Công thức: 30g phục linh , 30g phù tiểu mạch và 30g dạ giao đằng.

Cách pha: Cho 400ml nước, sắc còn 150ml, uống ấm trước khi đi ngủ.

Công dụng: Kiện tỳ và an thần.

Chỉ định: Dùng cho người trầm cảm, tâm thần bất định, thiếu ngủ, phiền muộn bất an, ăn uống không ngon do tâm tỳ hư nhược.

Chú ý: Bài thuốc này tính bình, không ôn không táo, bổ tỳ, dưỡng tâm, có thể uống thường xuyên.

2. Tam Hoa Trà

Công thức: 9g hoa hợp hoan, 9g hoa phật thủ, 4.5g hoa nhài.

Cách pha: Ngâm trong nước sôi 10-15 phút, uống như trà, mỗi ngày 1 chén.

Công dụng: Thư can lý khí, giải uất an thần (Làm dịu gan, điều hòa khí, giải trầm cảm và an thần).

Chỉ định: Thích hợp với chứng trầm cảm, tâm thần bất định, hay thở dài, phiền muộn, dễ cáu gắt, đau nhức giữa ngực phải và hạ sườn phải, giấc ngủ kém. Thường được sử dụng trong y học hiện đại để điều trị suy nhược thần kinh, lo âu, trầm cảm, hội chứng mãn kinh, v.v.

Chú ý: Bài thuốc này tương đối tính bình, có thể uống lâu dài, đặc biệt thích hợp cho bệnh nhân nữ bị trầm cảm.

3. Thanh Bì Kim Phật Thang

Công thức: 9g thanh bì, 12g nghệ, 12g phật thủ.

Cách pha: Cho 500ml nước, sắc còn 300ml, chia làm 2 lần uống.

Công dụng: Sơ can lý khí, giải uất an thần

Chỉ định: Giống Tam Hoa Trà.

Chú ý:

  • Vị trà này có tác dụng sơ can lý khí, để tránh ảnh hưởng đến khí của thai nhi, phụ nữ có thai nên thận trọng khi dùng.
  • Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân âm hư.

4. Thanh Can Thư Sướng Ẩm

Công thức: 15g hạ khô thảo, 9g hoa cúc trắng, 9g thanh bì, 9g bạc hà.

Cách pha: Thêm 500ml nước, sắc còn 300ml, uống 2 lần, mỗi lần 1 chén. Bạc hà cho vào 10 phút trước khi nấu xong.

Công dụng: Thanh can hành khí, giải uất.

Chỉ định: Thích hợp với bệnh thuộc chứng Can uất trệ hóa hỏa, các triệu chứng gồm trầm cảm, tâm thần bất định, đau đầu, đau nhức giữa ngực phải và hạ sườn phải, mắt đỏ, miệng khô lưỡi khô, đắng miệng, táo bón, đầu lưỡi đỏ. Thường được sử dụng trong y học hiện đại để điều trị suy nhược thần kinh, lo âu, trầm cảm, hội chứng mãn kinh, v.v.

5. Cam Mạch Đại Táo Thang

Công thức: 30g phù tiểu mạch, 10g cam thảo, 10 quả đại táo.

Cách pha: Cho 500ml nước, sắc còn 300ml, chia làm 2 lần uống.

Công dụng: Dưỡng tâm an thần.

Chỉ định: Thích hợp với chứng bệnh do tạng âm không đủ, các triệu chứng gồm tinh thần hoang mang bất định, mất ngủ, đa nghi, lo nghĩ nhiều, dễ sợ hãi, buồn khóc, hỉ nộ thất thường, các hội chứng mãn kinh, suy nhược thần kinh v.v. như y học hiện đại nói.

Bài viết do Bác sĩ Ngô Quốc Bân (Giám đốc Phòng khám Trung y Tâm Y Đường tại Đài Loan) cung cấp
Vân Thanh biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn