5 nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi và mất ngủ: Phương pháp điều trị của Trung y

Tại sao một số người dễ cảm thấy mệt mỏi và rất lâu mới có thể hồi phục? Có người thì không thể đỡ mệt dù đã nghỉ ngơi đầy đủ, thậm chí càng ngủ càng mệt. Mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân của mệt mỏi và phương pháp điều trị trên lâm sàng.

Nguyên nhân thứ nhất: Vấn đề tiêu hóa

Dạ dày không tốt có thể gây ra chứng khó tiêu, Trung y gọi là chứng tỳ hư hoặc tỳ thấp. Tỳ thấp khiến cơ thể bị ẩm nghiêm trọng, có thể gây mệt mỏi, tăng cân, tứ chi vô lực, chóng mặt, chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn và các triệu chứng khác. Trên lâm sàng thường là do ăn thức ăn lạnh hoặc có tính hàn, hoặc do suy nhược đường tiêu hóa bẩm sinh.

Đối với chứng mệt mỏi và khó tiêu do ăn đồ lạnh, bác sĩ Trung y Lý Ứng Đạt (Li Yingda) khuyên bạn nên dùng gừng đun nước uống. Cắt lát gừng và đun sôi với nước, hoặc cho một ít thịt lợn thái nhỏ vào nấu cùng, hiệu quả vừa nhanh vừa tốt, nhưng người dạ dày nóng không nên uống thường xuyên.

Những người bụng yếu bẩm sinh thì có thể dùng Tứ Thần Thang. Thành phần của Tứ Thần Thang gồm có hạt sen, khiếm thực, phục linh, sơn dược (củ mài), có hiệu thuốc Bắc còn thêm cả ý dĩ và lòng non của lợn. Món canh này chủ yếu có công dụng bổ tỳ khứ ẩm, dùng để chữa tiêu chảy, ăn uống không tiêu, mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, nước tiểu trắng đục.

Nguyên nhân thứ 2: Bệnh gan

Theo Trung y, bệnh gan có thể biểu hiện thành các bệnh về huyết dịch, gân mạch, tiêu hóa, tình chí và mắt, v.v. “Viêm gan” mà y học hiện đại nói chính là cách gọi của bệnh viêm gan siêu vi, nguyên nhân chủ yếu là do virus viêm gan xâm nhập làm rối loạn chức năng của tế bào gan, hoặc làm tổn thương tế bào gan, từ đó gây ra bệnh gan. Vì vậy, việc điều trị bệnh gan trong Trung y không giống như điều trị bệnh viêm gan trong y học hiện đại.

Vậy tại sao bệnh gan lại gây ra tình trạng mệt mỏi? Có ba lý do chính:

  1. Can mộc khắc tỳ thổ

Bệnh gan thường kèm theo các vấn đề về đường tiêu hóa như nuốt không trôi, đau bụng, chướng bụng. Trung y nói rằng mộc khắc thổ, vì vậy điều trị gan cũng cần điều trị cả dạ dày. Nếu có bệnh lý về gan, mật sẽ bài tiết không bình thường, mà mật hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa, nếu mật tiết ra không đủ sẽ gây ra các vấn đề như ăn không được, đau bụng, đầy bụng, mệt mỏi v.v. Bác sĩ Lý Ứng Đạt thường dùng Quân Tử Thang thêm với Sa nhân hoặc Bạch đậu khấu để điều trị.

  1. Thiếu máu

Can tàng huyết (gan dự trữ máu), vì vậy Trung y gọi bần huyết (thiếu máu) là can huyết bất túc (gan thiếu máu), có thể gây ra chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi, chuột rút, mờ mắt, giảm lượng kinh nguyệt ở phụ nữ hoặc xuất hiện chứng đau bụng kinh v.v.

Bác sĩ Lý Ứng Đạt thường sử dụng Tứ Vật Thang hoặc Tiêu Dao Tán. Gan thiếu máu nghiêm trọng dễ dẫn đến xơ gan hoặc viêm gan kinh niên. Vì vậy, khi nam giới thiếu máu hay can huyết hư (gan thiếu máu), có thể dùng Tứ Vật Thang kết hợp với Mạch môn, hoặc dùng Tiêu Dao Tán thêm với các dược liệu bổ huyết hóa ứ như Tam thất v.v. để điều trị.

5 nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi và mất ngủ: Phương pháp điều trị của Trung y
Tứ Vật Thang có thể điều trị mệt mỏi do thiếu máu. (Ảnh do Đàm cổ luận kim thoại Trung y cung cấp)
  1. Mất ngủ

Mất ngủ kéo dài cũng sẽ dẫn đến mệt mỏi, không thể tập trung và làm việc hiệu quả. Có người cho rằng mất ngủ là do suy nhược thần kinh, thực ra mất ngủ có rất nhiều nguyên nhân mà suy nhược thần kinh chỉ là một trong số đó, Trung y gọi là “tâm tỳ huyết hư”.

Huyết hư chính là thiếu máu, thiếu máu sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy lên não, dễ gây đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, hay quên, tim đập nhanh, hoảng sợ và các triệu chứng khác, có thể điều trị bằng Quy Tỳ Thang. Ngoài ra mất ngủ còn do yếu tố tình chí dẫn đến, điều này có liên quan đến gan, sẽ có biểu hiện tính khí nóng nảy, chứng trầm cảm, v.v. Lúc này có thể dùng Tiêu Dao Tán để điều trị.

Nguyên nhân thứ 3: Thận hư

Thận hư không nhất định là chỉ chức năng thận có vấn đề. Thận mà Trung y giảng có phạm vi rất rộng, bao gồm bàng quang, thận, thắt lưng, chi dưới, tử cung, buồng trứng và hệ thống sinh sản, còn được gọi chung là hạ tiêu. Thận hư lại được chia thành “thận dương hư” và “thận âm hư”.

  1. Thận dương hư: Còn gọi là Mệnh môn hỏa suy, sẽ có biểu hiện chân tay lạnh, mỏi và đau thắt lưng, liệt dương, đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu nhiều về đêm, vô sinh, phù thũng, tiêu chảy, đầu gối yếu… Các loại dược vật để điều trị bao gồm quế, phụ tử, tiểu hồi, bổ cốt chỉ, ba kích, tỏa dương, v.v.
  2. Thận âm hư: Hay còn gọi là Thận thủy bất túc (thận thiếu nước), sẽ có các biểu hiện triệu chứng như đau lưng, tiểu đêm nhiều, mệt mỏi, kinh nguyệt không đều, hiếm muộn, cơ thể sút cân, v.v. Nếu có hư hỏa thì sẽ bị ù tai, mắt mờ, dễ chảy nước mắt, hay quên, mất ngủ… Các loại dược vật điều trị bao gồm Sơn chu du, thục địa, hoài sơn, trạch tả, thỏ ty tử, hà thủ ô, v.v. Nếu có hư hỏa thì có thể cho thêm quy bản, hoàng bá.

Trên lâm sàng, bác sĩ Lý Ứng Đạt thường dùng các dược liệu bổ thận để chữa mệt mỏi, đau thắt lưng, vô sinh, viêm thận kinh niên, kinh nguyệt không đều, khí hư…, hiệu quả rất tốt. Đặc biệt để điều trị chứng tiểu ít, tiểu nhiều lần, mệt mỏi, mất ngủ do viêm tuyến tiền liệt nam giới, bác sĩ Lý Ứng Đạt thường dùng Bát Vị Địa Hoàng Hoàn, hiệu quả cũng rất tốt.

Nguyên nhân thứ 4: Cảm mạo phong tà

Trên lâm sàng, rất nhiều người bệnh mệt mỏi là do cảm mạo, các triệu chứng bao gồm đau mỏi vai gáy, đau lưng, mệt mỏi… Bắt mạch chẩn bệnh là phong tà ở kinh lạc, ví dụ như huyệt Phong Trì ở phía sau gáy bị đau, Kinh Bàng quang trên lưng cũng có điểm khi ấn thì đau. Nếu bị cảm hơn một tuần, phong tà sẽ xâm nhập vào kinh gan hoặc ảnh hưởng đến gan, vậy nên bệnh nhân sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, càng ngủ càng mệt.

Trung y cho rằng Phong (gió) là “bách bệnh chi trưởng”, có nghĩa rất nhiều bệnh là do cảm mạo phong tà gây ra. Ví dụ như ở những người bị đột quỵ, rất nhiều đều có huyết áp cao kết hợp với phong hàn cảm mạo khiến các mạch máu co lại và gây ra đột quỵ. Một ví dụ khác là nếu cảm mạo kéo dài, lâu ngày không lành, phong tà sẽ xâm nhập vào Can Kinh gan hoặc ảnh hưởng đến gan, gây ra bệnh gan. Ngoài ra còn có phong thấp đau nhức khớp, cũng là do phong tà và khí ẩm xâm nhập vào kinh lạc khớp xương, lâu ngày không khỏi mà sinh ra phong thấp.

Phương pháp điều trị là tống khứ các tác nhân gây bệnh trước, sau đó mới điều trị các triệu chứng khác, thông thường sau khi phong tà được loại bỏ thì sẽ không còn mệt mỏi, vai, cổ và lưng cũng sẽ không còn đau nữa.

Nguyên nhân thứ 5: Trúng thử (say nắng)

Vào mùa hè, trời quá nóng, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc làm việc ở nơi không thông thoáng như bếp, đều sẽ dễ bị trúng thử (say nắng, say nóng). Ngoài ra, ngồi trong văn phòng điều hòa và uống đồ lạnh cũng sẽ bị say nóng, Trung y gọi là “âm nhiệt”.

Người bị say nóng sẽ có các biểu hiện như mệt mỏi, tứ chi vô lực, mạch đập yếu, đau đầu, chóng mặt, đau mỏi vai gáy, đau thắt lưng, v.v. Vào mùa hè, mồ hôi ra nhiều dễ làm tổn thương nguyên khí, sẽ cảm thấy khát nước, bứt rứt, mệt mỏi, chân tay yếu ớt. Phương pháp điều trị chủ yếu là lấy bổ khí làm chủ, sâm Mỹ chính là một lựa chọn tốt.

Mùa hè uống đồ lạnh có thể gây buồn nôn, nôn, đầy bụng, đau bụng, kém ăn, tiêu chảy, mệt mỏi. Trên lâm sàng, bác sĩ Lý Ứng Đạt thường dùng Thanh Thử Ích Khí Thang để điều trị, bài thuốc này có tác dụng ích khí kiện tỳ, trừ thấp thanh nhiệt, hiệu quả rất tốt.

Ngoài việc dùng thuốc trị say nóng, nếu có thể bổ sung thêm cạo gió và giác hơi thì hiệu quả sẽ nhanh và tốt hơn. Cạo gió có thể cạo quanh cổ hoặc huyệt Hoa Đà Giáp Tích ở sống lưng, cạo thành chữ giới (介). Giác hơi thì có thể thực hiện ở huyệt Kiên Tỉnh.

5 nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi và mất ngủ: Phương pháp điều trị của Trung y
Giác hơi là một liệu pháp độc đáo của Trung y, dùng để điều trị máu tắc cục bộ hoặc vết bầm tím bằng cốc hút chân không ở các huyệt cụ thể. (Ảnh: Fotolia)

◎ Ví dụ lâm sàng

Vào ngày 30/09/2020, có một cụ bà 87 tuổi được gia đình đưa đến phòng khám của bác sĩ Lý Ứng Đạt, bà không thể đi lại bằng hai chân và có các biểu hiện như chóng mặt, mệt mỏi, tứ chi vô lực, kém ăn, v.v. Bác sĩ Lý Ứng Đạt hỏi bà đã tìm bác sĩ Tây y kiểm tra chưa, bà nói có, đã làm tất cả các loại xét nghiệm mà không tìm ra vấn đề gì, đã ba ngày rồi mà tinh thần vẫn rất kém.

Bác sĩ Lý Ứng Đạt hỏi trước khi bị bệnh thì bà như thế nào? Người nhà nói tinh thần bà rất tốt, có thể đi khắp nơi, chuyện gì cũng tự tay làm. Sau khi bác sĩ Lý Ứng Đạt bắt mạch cho bà, chẩn đoán là phong hàn cảm mạo cộng với say nóng, nên đã kê đơn thuốc cảm trong ba ngày đồng thời cạo gió và giác hơi. Cạo gió thì cạo quanh cổ, giác hơi thì thực hiện ở huyệt Kiên Tỉnh hai bên, đồng thời dặn dò bà không được ăn đồ lạnh hoặc các loại trái cây như dưa, rồi ba ngày sau quay lại tái khám.

Ngày 2/10 khi bà cụ quay lại thì đã có thể tự mình đi vào phòng khám, bà nói đỡ nhiều rồi, không còn chóng mặt, mệt mỏi cũng đỡ hẳn. Sau khi bắt mạch, bác sĩ Lý Ứng Đạt thấy phong hàn cảm mạo vẫn chưa trừ dứt, dạ dày cũng không tốt, nên đã kê đơn thuốc cảm mạo cộng với thuốc dạ dày trong 5 ngày. Khi đến tái khám vào ngày 8/10, tinh thần của bà đã trở lại như trước, mạch cũng rất bình thường. Bác sĩ Lý Ứng Đạt kê cho bà một số loại thuốc bổ khí, cường dạ dày để bồi bổ cơ thể, và dặn bà có thể ăn món gà hầm Tứ Thần Thang để tăng cường thể lực.

Tác giả: Lý Ứng Đạt (Bác sĩ Phòng khám Trung y Từ Hàng, Đào Viên, Đài Loan)
Thẩm Thiểu Kỳ biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn