Bắc Kinh lại ca ngợi ‘phương Đông trỗi dậy’ để che đậy nền kinh tế đang suy thoái
Một lần nữa, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại ca ngợi khẩu hiệu cũ của lãnh đạo Tập Cận Bình, “phương Đông trỗi dậy, phương Tây suy thoái,” (Đông thăng Tây giáng) trong bối cảnh Trung Quốc đang chật vật với tình trạng tiêu dùng trì trệ và vỡ bong bóng địa ốc. Các nhà bình luận thời sự về Trung Quốc đều đồng ý rằng đây là hoạt động tuyên truyền để phục vụ người dân trong nước và các quốc gia theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ.
Gần đây, Nhật báo Quang Minh đăng một bài viết có nhan đề “Nói xấu Trung Quốc không thể ngăn chặn xu hướng phương Đông trỗi dậy và phương Tây suy thoái” của ông Trương Vĩnh Quân (Zhang Yongjun), người trước đây làm việc tại Trung tâm Thông tin Quốc gia và hiện đang phục vụ tại Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cơ quan trực thuộc Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia Bắc Kinh.
Ông Tập lần đầu tiên đề ra khẩu hiệu này trong một cuộc hội thảo dành cho quan chức cấp tỉnh vào đầu năm 2021. Họ cho rằng chế độ do đảng lãnh đạo đại diện cho sự trỗi dậy của phương Đông trong khi phương Tây, mà điển hình là Hoa Kỳ, đang suy thoái.
Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của ĐCSTQ thời đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc phục hồi kinh tế. Hoạt động xuất nhập cảng, tiêu dùng, và đầu tư đều giảm tốc, đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc đã giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao. Quan điểm của toàn cầu về triển vọng kinh tế Trung Quốc đang ngày càng trở nên bi quan.
Hồi đầu tháng Một, ông Thái Kỳ (Cai Qi), người đứng đầu tuyên truyền của ông Tập Cận Bình, đã kêu gọi “dẫn dắt dư luận và dư luận tích cực” và “hát vang về triển vọng kinh tế tươi sáng của Trung Quốc” để đối phó với hệ tư tưởng đang sụp đổ.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2023) rằng những người Trung Quốc chỉ trích nền kinh tế sẽ gây ra “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.”
Tuyên truyền hình ảnh của ông Tập
Giáo sư Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng sống lưu vong ở Úc, cho biết tuyên bố của giới truyền thông là nhằm củng cố hình ảnh của ông Tập.
Ông Viên nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “Quyền lực cá nhân của ông Tập Cận Bình phải đối mặt với những thách thức đáng kể khi ĐCSTQ phải vật lộn với những thách thức bên trong và bên ngoài cũng như những tác động ngày càng bất lợi của sự suy thoái kinh tế.”
Về tác giả bài viết, ông Viên cho rằng rõ ràng là bài viết phản ánh công việc của một kẻ phục vụ chế độ, người thiếu phẩm chất học thuật mà công chúng mong đợi.
“Ông ấy [tác giả] lập luận bằng cách phân loại các quốc gia thành các nước phát triển do Hoa Kỳ lãnh đạo, và các nước đang phát triển do Trung Quốc lãnh đạo. Bản thân tuyên bố này thực chất là một trò lừa bịp chính trị. Vị thế của Trung Quốc như một quốc gia dẫn đầu trong số các nước đang phát triển đang bị nghi vấn,” ông Viên nói.
Ông nêu ra rằng các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, và Philippines đều có đà phát triển kinh tế mạnh. “Nhưng những quốc gia này không liên kết dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc. Thay vào đó, nhiều quốc gia canh cánh những lo ngại sâu sắc về sự cai trị độc tài của ĐCSTQ,” ông Viên nói. “Trên thực tế, Ấn Độ và Việt Nam xem chế độ của ĐCSTQ như một đối thủ kinh tế.”
Ông Viên cho rằng xét theo xu hướng chung của lịch sử, nền kinh tế của các chế độ độc tài toàn trị như Liên Xô cũ, Bắc Hàn, và ĐCSTQ đều không thể đạt được sự phát triển đáng kể. Sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của Trung Quốc từ năm 1990 đến đến đầu thế kỷ 21 phần lớn là do “các chính sách xoa dịu trong hơn hai thập niên của phương Tây đối với ĐCSTQ. Trớ trêu thay, sự xoa dịu này lại cho phép ĐCSTQ giàu lên để thực thi sự kiểm soát mang tính độc tài tàn khốc hơn nữa.”
Ông thừa nhận rằng vẫn còn dư âm của các chính sách nhân nhượng này ở phương Tây, “nhưng nhìn chung mọi người đã thừa nhận rằng việc quay trở lại một chính sách xoa dịu ĐCSTQ không còn khả thi nữa,” ông nói. Do đó, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã “mất đi sự trợ giúp của các nhân tố quốc tế và bỏ lỡ cơ hội phát triển chiến lược của họ.”
Ông Viên cho biết nghị trình ưu tiên sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, giống như thời Mao Trạch Đông, báo hiệu một “tình trạng bế tắc về kinh tế.” Ông Viên nói rằng những thất bại của Cách mạng Văn hóa là minh chứng rõ ràng và ông tin xu hướng sắp tới được cho là sẽ chứng kiến “sự suy yếu của ĐCSTQ và sự trỗi dậy của Hoa Kỳ.”
Tuyên truyền trong nước
Ông Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-hsiang), một Giáo sư tại Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Hoa, Đài Loan, cũng đồng ý rằng xét từ thời điểm bài báo này được phát hành, thì rõ ràng là bài báo đó phục vụ ĐCSTQ như một tuyên truyền nội bộ.
Ông nói rằng mặc dù không thể phủ nhận là Hoa Kỳ cũng có những thử thách nhất định, nhưng về căn bản thì nước này hoạt động theo định hướng thị trường. “Tính toàn vẹn về cấu trúc của hệ thống kinh tế Hoa Kỳ vẫn vững chắc,” ông cho biết. Ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc phải vật lộn với “những khó khăn về mặt cấu trúc lẫn hệ thống bên cạnh những vấn đề phức tạp như dân số già hóa, tất cả đều là những kẽ hở trong cái gọi là ‘phương Đông trỗi dậy, phương Tây suy thoái.’”
Ông tin rằng ĐCSTQ chỉ có thể tiếp tục tiến hành tuyên truyền hời hợt để che đậy những vấn đề thực chất xung quanh cấu trúc và hệ thống của nền kinh tế Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times