BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các tiểu bang chống lại ESG bất chấp chi phí cao và khả năng thành công thấp
Các thống đốc ngân khố tiểu bang cho biết, các hành động tẩy chay, lệnh cấm và chống độc quyền đang ‘có hiệu quả’
Khi các tiểu bang theo tư tưởng bảo tồn truyền thống đẩy lùi nghị trình cấp tiến của các ngân hàng và nhà quản lý tài sản ở Wall Street, một số nhà phân tích cảnh báo rằng các tiểu bang “chống ESG” sẽ phải trả giá vì đối đầu với Wall Street và ngành công nghiệp ESG.
Thống đốc Ngân khố tiểu bang North Carolina Dale Folwell đã viện đến một số biện pháp, trong đó có kêu gọi ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, từ chức vì điều mà ông Folwell cho là sự tập trung quá mức của công ty này vào các mục tiêu chính trị gây tranh cãi.
“Tại sao tôi lại đang phải dành thời gian cho vở kịch này trong khi tất cả những gì tôi thuê người này làm chỉ là quản lý và kiếm tiền cho chúng tôi?” ông Folwell nói. Ông nói với The Epoch Times rằng North Carolina vừa là khách hàng của BlackRock khi thuê họ làm nhà quản lý đầu tư, và vừa là cổ đông của BlackRock khi sở hữu 55 triệu USD cổ phiếu của công ty này.
Ông Folwell cũng đã lấy lại từ BlackRock các phiếu bầu ủy nhiệm của tiểu bang, quyền bỏ phiếu đối với các cổ phần công ty mà tiểu bang sở hữu, “để [ông Fink] không còn có thể chính trị hóa tiền của tiểu bang North Carolina chúng tôi nữa.” Một số khoản đầu tư của tiểu bang do BlackRock quản lý là mang tính dài hạn hơn và không thể chuyển sang công ty khác một sớm một chiều, nhưng ông Folwell đã thương lượng mức phí quản lý thấp hơn đối với các khoản tiền còn lại ở BlackRock.
Giống như BlackRock, nhiều ngân hàng và nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới đã trở thành các bên ủng hộ phong trào Môi trường, Xã hội, và Quản trị (ESG), kêu gọi các tổ chức tài chính sử dụng quyền lực của mình để buộc các công ty phải tuân theo các vấn đề như biến đổi khí hậu và công lý xã hội.
Xung đột ESG nóng lên
Những nỗ lực của các tiểu bang ủng hộ cũng như chống lại ESG đã nóng lên gần đây. Tính đến năm 2023, các tiểu bang bảo tồn truyền thống đã đề xướng 99 dự luật chống ESG, so với 39 dự luật vào năm 2022. Bảy dự luật đã trở thành luật, 20 dự luật không được thông qua, và 72 dự luật vẫn đang chờ giải quyết. Đồng thời, các tiểu bang thiên tả như New York, California, và Illinois cũng đang đấu tranh để trợ giúp cho ngành ESG.
Kiểm soát viên Tài chính của thành phố New York Brad Lander đã viết trong một lá thư gửi cho ông Fink rằng “bức thư của ông gửi cho các CEO vào năm 2021 đã cam kết ‘ủng hộ mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng không vào năm 2050 hoặc sớm hơn’ — phù hợp với cam kết của BlackRock với tư cách là một bên ký kết Sáng kiến Các nhà quản lý Tài sản Phát thải ròng bằng không (NZAMI) — và đã yêu cầu các doanh nghiệp tiết lộ cách họ tích hợp các kế hoạch phát thải ròng bằng không của riêng họ vào các chiến lược kinh doanh dài hạn của họ.”
Ông Lander nói, “Thật không may, bất chấp những tuyên bố lặp đi lặp lại này … BlackRock hiện từ bỏ trách nhiệm thúc đẩy quá trình tuân thủ phát thải ròng bằng không trong danh mục đầu tư của mình bằng cách nói rằng họ không yêu cầu các công ty đặt mục tiêu phát thải cụ thể.”
Ông gợi ý rằng BlackRock có thể mất hoạt động kinh doanh quỹ hưu trí của thành phố New York nếu công ty này chùn bước trong việc thúc đẩy các mục tiêu ESG và ông sẽ “đánh giá lại mối quan hệ kinh doanh của chúng tôi với tất cả các nhà quản lý tài sản của chúng tôi, trong đó có BlackRock, thông qua lăng kính trách nhiệm về khí hậu của chúng tôi.”
Đồng thời, một số người nói rằng các tiểu bang màu đỏ nên suy nghĩ kỹ về việc chống lại ESG.
Một báo cáo hồi tháng trước của Institutional Investor tuyên bố rằng “các quỹ hưu trí tiểu bang hoặc những tác nhân quyền lực khác ở ít nhất năm tiểu bang do Đảng Cộng Hòa kiểm soát nói rằng thay vì tạo ra sự xuất sắc, các chính sách chiến tranh văn hóa mới này đang can thiệp vào thị trường và có thể khiến người hưu trí và người nộp thuế phải trả hàng tỷ dollar.”
Một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Wharton ước tính rằng, sau khi Texas thông qua luật tẩy chay các ngân hàng mà họ cho là phân biệt đối xử với nhiên liệu hóa thạch, “các thành phố sẽ trả thêm từ 303 triệu đến 532 triệu USD tiền lãi cho 32 tỷ USD trái phiếu” trong tám tháng đầu tiên sau khi luật có hiệu lực. Nghiên cứu này suy luận rằng việc loại bỏ các ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ trong việc bảo lãnh phát hành nợ thành phố của Texas khiến chi phí phát hành tăng lên.
Trích dẫn một nghiên cứu của As You Sow và Ceres, các nhóm vận động cho nhà đầu tư ủng hộ phong trào ESG, một báo cáo của cơ quan xếp hạng Standard & Poors cũng cung cấp xếp hạng ESG, dự đoán rằng sáu tiểu bang khác đang xem xét ban hành luật như ở Texas có thể phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn lên tới 708 triệu USD.
“Hôm 01/02, Hạ viện North Dakota — nơi Đảng Cộng Hòa chiếm đa số — đã bỏ phiếu bác bỏ đạo luật yêu cầu thống đốc ngân khố tiểu bang tẩy chay các công ty đầu tư vì các chính sách ESG của họ,” báo cáo nêu rõ. “Một tuần sau, hội đồng quản trị giám sát Hệ thống Hưu trí Nhân viên Quận trị giá 7.9 tỷ USD của Kentucky đã bác bỏ một nghị định gần đây của Thống đốc Ngân khố tiểu bang Allison Ball về việc thoái vốn khỏi BlackRock Inc. và các công ty đầu tư khác vì chính sách nhiên liệu hóa thạch của họ.”
Nhưng ở một số tiểu bang, nhận định trên không phản ánh trải nghiệm của họ.
Các tiểu bang tìm cách đối phó
Giám đốc tài chính Jimmy Patronis của Florida nói với The Epoch Times rằng Florida, nơi đã chuyển 2 tỷ USD khỏi BlackRock vào tháng 12/2022, “không cảm thấy ảnh hưởng xấu nào, khi nhóm bắt đầu xem xét hiệu suất của các nhà quản lý quỹ ngắn hạn của chúng tôi.” Ông Patronis cho biết, “BlackRock đã thực sự hoạt động ở mức trung bình.”
Theo ông Folwell, North Carolina đã giảm nợ tiểu bang đến mức “chúng tôi không phát hành nợ; chúng tôi đang thực sự đầu tư tiền vào những thứ kiếm được lãi suất cao hơn.” Điều này đã làm giảm sự phụ thuộc của tiểu bang vào các công ty bảo lãnh phát hành trái phiếu ở Wall Street, nhưng không phải tất cả các tiểu bang đều ở trong tình trạng này.
“Việc thay thế một nhà quản lý đầu tư dễ dàng hơn nhiều và điều đó luôn xảy ra trong quá trình kinh doanh thông thường,” Thống đốc Ngân khố tiểu bang Utah Marlo Oaks nói với The Epoch Times. “Về phía ngân hàng, thì việc đó khó thực hiện hơn; đó là nơi quý vị chứng kiến sự hợp nhất của rất nhiều quyền lực trong tay của một nhóm nhỏ các ngân hàng như vậy.”
“Giờ thì chúng tôi đã hiểu tại sao đó lại là một vấn đề, bởi vì nó làm giảm sự cạnh tranh và khả năng phục vụ thị trường theo chủ nghĩa tư bản,” ông Oaks cho hay. Do đó, khi Utah nỗ lực chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi các tổ chức tài chính cánh tả, tiểu bang này đã xây dựng tính linh hoạt trong luật của mình để cho phép các mối quan hệ ngân hàng tiếp tục nếu việc chấm dứt gây hại cho tiểu bang.
Các nhà phê bình: ESG làm tổn thương người nghèo nhiều nhất
Nhiều quan chức tiểu bang cho biết hậu quả của ESG đối với cộng đồng của họ bao gồm tình trạng thiếu hụt, lạm phát, và suy giảm mức sống, đặc biệt là đối với người nghèo.
“Tôi vừa có một cuộc trò chuyện sâu sắc với [các cơ quan xếp hạng ESG] Moody’s, Fitch, và Standard & Poors về điều này,” ông Folwell nói. “Họ đến những cộng đồng nhỏ này, những người đang gặp khó khăn trong việc kiếm lương hưu hoặc các khoản thanh toán chăm sóc sức khỏe của họ, và gặp khó khăn trong việc duy trì hệ thống nước và cống rãnh của họ, và họ hỏi: ‘Quý vị có bao nhiêu xe điện?’”
Ông Patronis nói: “Khi quý vị có sự vận động kiểu này, khi các nhà đầu tư cố gắng ép buộc chi phí chuyển đổi năng lượng cao bằng cách buộc đưa phong năng hoặc quang năng vào vấn đề này, thì những người ít có khả năng chi trả nhất sẽ phải gánh chịu hậu quả.”
Với cáo buộc rằng việc chống lại ESG là “can thiệp vào thị trường”, Đảng Dân Chủ gần đây đã có quan điểm ủng hộ doanh nghiệp chống lại ảnh hưởng chính trị một cách khác thường.
Trong một bài bình luận trên Wall Street Journal có nhan đề “Republicans Ought to Be All for ESG” (Đảng Cộng Hòa Nên Hết Mình Vì ESG), Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) tuyên bố rằng “Các tổ chức tài chính và quản lý tài sản thành công nhất của Mỹ đã sử dụng các yếu tố ESG để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa tiền lãi cho khách hàng của họ.”
“Đảng Cộng Hòa nói về tình yêu của họ đối với thị trường tự do, chính phủ nhỏ và để khu vực tư nhân làm công việc của mình,” ông Schumer viết. “Nhưng nỗi ám ảnh của họ về việc loại bỏ ESG sẽ làm chính điều ngược lại, khi buộc mọi công ty và nhà đầu tư phải chịu nhận quan điểm của riêng họ.”
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Hai, ông Tim Buckley, Giám đốc điều hành của Vanguard đã tuyên bố: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng đầu tư vào ESG không có bất kỳ lợi thế nào so với đầu tư trên diện rộng.” Vanguard là công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới.
Nhiều quan chức tiểu bang nói rằng ESG không phải là “thị trường”, mà là một phiên bản của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khác rất xa so với việc tự do trao đổi hàng hóa, vốn, và lao động.
Ông Oaks nói, thay vì can thiệp vào thị trường, “Tôi nghĩ chúng tôi đang can thiệp vào sự thông đồng đang diễn ra trên thị trường. Quý vị đang thấy sự thông đồng dưới hình thức các liên minh tài chính như Liên minh Tài chính Glasgow về Phát thải ròng bằng không (GFANZ) và tất cả các ngành dọc bên dưới nó. Khi quý vị nói rằng tất cả các tác nhân tham gia phải chấp nhận điều này, thì đó không phải là thị trường.”
Theo ông Oaks, nhiều người nhầm lẫn ESG với điều trước đây được gọi là đầu tư có trách nhiệm với xã hội hoặc đầu tư vào các công ty ủng hộ các giá trị cụ thể. Ngược lại, ESG là một chiến lược mua và nắm giữ, trong đó các nhà đầu tư tổ chức lớn mua cổ phần của các công ty và sau đó kiểm soát cách các công ty này hoạt động. Ông trích dẫn trường hợp của Exxon Mobile, trong đó công ty quản lý tài sản chuyên làm vận động Engine No. 1, với sự hỗ trợ của các tổ chức như BlackRock và quỹ hưu trí California, đã có thể đưa các nhà hoạt động khí hậu vào hội đồng quản trị của Exxon với mục tiêu giảm sản lượng dầu.
“Đó là một nhóm các nhà đầu tư tổ chức thúc đẩy nghị trình của họ lên một công ty, điều này tác động đến toàn bộ thị trường và có những hệ quả nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta,” ông Oaks nói. “Quý vị đang thay thế thị trường đa nguyên của chúng ta bằng sự kiểm soát tập trung.”
Quá lớn để chống lại?
Một số người lập luận rằng các công ty quản lý tài sản như BlackRock, Vanguard, và State Street là quá lớn (mỗi công ty quản lý tài sản trị giá hàng ngàn tỷ USD) đến nỗi các tiểu bang chỉ có hàng chục hoặc hàng trăm tỷ USD để đầu tư sẽ có rất ít ảnh hưởng đối với họ và sẽ chịu thiệt hại nếu cố gắng thách thức họ. Mặc dù vậy, các quan chức tiểu bang vẫn nói rằng họ đang có những bước tiến bất kể khó khăn.
“Tôi đã gặp nửa tá thống đốc ngân khố mà trong vài tháng qua nói về các cuộc gặp riêng với ông Larry Fink,” ông Patronis nói. “Tôi chắc rằng [BlackRock] đang trong quá trình kiểm soát thiệt hại của riêng họ dựa trên những gì Florida đã làm.”
“Chúng tôi khiến họ cảm thấy tự biết mình hơn một chút,” ông nói. “Tôi cảm thấy như đó là một chiến thắng.”
Vào tháng 12/2022, Vanguard đã rút khỏi Sáng kiến Các nhà quản lý Tài sản Phát thải ròng bằng không, một liên minh gồm 301 nhà quản lý tài sản cam kết sử dụng quyền sở hữu cổ phần của họ để buộc các công ty ban hành các chính sách thân thiện với ESG.
Giám đốc điều hành Tim Buckley cho biết sau thông báo: “Chúng tôi không tin rằng chúng tôi nên áp đặt các công ty sử dụng chiến lược nào.”
Ông Oaks nói: “Tôi sẽ rất muốn xem Vanguard bỏ phiếu cho cổ phần của họ như thế nào. Trong mùa ủy quyền này, họ đã giảm ủng hộ cho ESG từ 21% xuống còn 8%.”
Hồi tháng Ba, một số công ty bảo hiểm đã rút khỏi Liên minh Bảo hiểm Phát thải ròng bằng không (NZIA) do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, trong đó có Munich Re, Zurich Re, và Hanover Re. Các thành viên sáng lập của NZIA, Allianz và Swiss Re cho biết họ đang “theo dõi các diễn biến” về việc liệu họ có ở lại liên minh này hay không.
Ông Joachim Wenning, Giám đốc điều hành của Munich Re, đã nêu: “Theo quan điểm của chúng tôi, các cơ hội theo đuổi các mục tiêu khử carbon theo phương thức tập thể giữa các công ty bảo hiểm toàn cầu mà không khiến bản thân chúng tôi chịu rủi ro thực chất về chống độc quyền là hạn chế đến mức sẽ là hiệu quả hơn nếu theo đuổi tham vọng khí hậu của chúng tôi trong việc làm giảm sự nóng lên toàn cầu một cách riêng rẽ.”
Các hành động chống độc quyền có thể sắp xảy ra
Vấn đề mà ông Wenning nêu ra liên quan đến nguy cơ xảy ra các hành động chống độc quyền cũng có thể trở nên nổi bật trong năm nay. Hồi tháng Mười Hai, các Dân biểu Đảng Cộng Hòa đã khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền liên quan đến các tổ chức hoạt động cấp tiến như Climate Action 100, mà các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa cáo buộc “có vẻ như đang hoạt động giống như một cartel.”
“Các tập đoàn thức tỉnh đang cùng nhau áp dụng và áp đặt các mục tiêu chính sách cấp tiến mà người tiêu dùng Mỹ không muốn hoặc không cần,” bức thư nêu rõ. “Khi các công ty đồng ý làm việc cùng nhau để trừng phạt các quan điểm hoặc ngành không được ưa thích, hoặc để thúc đẩy các mục tiêu về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG), thì hành vi phối hợp này có thể vi phạm luật chống độc quyền và gây hại cho người tiêu dùng Mỹ.”
“Điều thực sự khiến tôi bật cười thành tiếng là khi tôi nghe nói rằng phần lớn mọi người đều muốn ESG,” ông Derek Kreifels, Giám đốc điều hành của Tổ chức Quan chức Tài chính Tiểu bang (SFOF), nói với The Epoch Times. “Hơn một nửa đất nước đứng về phía chúng tôi.” SFOF, một tổ chức của các thống đốc ngân khố tiểu bang thường phản đối ESG, trong đó có bao gồm 35 quan chức tiểu bang từ 28 tiểu bang, với tổng tài sản gần 3 ngàn tỷ USD.
Ông Kreifels nói, ngay cả khi khoảng cách giữa những người truyền thống và những người cấp tiến ngày càng lớn, điều đó cũng tạo cơ hội cho “các công ty muốn tham gia và thực hiện nghĩa vụ của họ đối với các cổ đông, các ngân hàng muốn trở thành ngân hàng, các nhà quản lý quỹ — sửng sốt chưa! — chỉ muốn mang lại lợi nhuận cho đầu tư.”
“Những công ty đang làm điều đó, họ là những công ty mà tất cả mọi người muốn nói chuyện ngay bây giờ,” ông nói. “Có một cuộc dịch chuyển đang diễn ra, có thể chưa xảy ra hàng loạt, nhưng có tác động.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times